Một sự thật hiển nhiên trong cuộc đời này đâu đâu cũng có, đó là sự hiện diện và tác động của đồng tiền. Nó chính là phương tiện đi lại… Thông thường, mọi người cho rằng không có nó là khốn khổ. Cho nên, cả đời con người luôn luôn làm lụng vất vả cũng chỉ vì mục đích kiếm tiền. Tiền không chỉ mua hàng hóa mà còn tạo ra uy quyền cho những ai sở hữu nó. Đồng tiền hiện diện khắp nơi và chi phối mọi hoạt động đời sống của con người, mặt tốt cũng có mà xấu cũng có: tham nhũng, cướp bóc, tống tiền và tàn sát nhau cũng vì tiền, và cũng vì tiền nhiều người, thậm chí phải tự tử, khi lâm vào tình trạng nợ nần. Ngược lại, đồng tiền cũng có thể làm cho người ta hạnh phúc, khi có tiền có cơm ăn, áo mặc, được học hành… Trong nhân gian thường có câu: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bậc của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, cái lọng che thân, cán cân công lý”, từ đó cho thấy người ta xem trọng đồng tiền như thế nào.
Hiện nay, trên thế giới có hai loại khủng hoảng đó là tài chính và môi sinh. Cả hai loại khủng hoảng đều liên quan mật thiết với nhau: để làm ra tiền các nhà sản xuất đã mở ra các nhà máy xí nghiệp để sản xuất và khai thác. Điều này dẫn đến ô nhiễm môi sinh. Do vậy, khí hậu đang thay đổi de dọa toàn cầu. Họ sẵn sàng bỏ qua những luân lý đạo đức. Chắc chắn đã là con người, ai cũng mong muốn kiếm thật nhiều tiền, bởi vì “Có tiền mua Tiên cũng được”. Nó có sức mạnh kích thích đến nỗi con người đã ví von “tiền là Tiên là Phật” cũng đủ hiểu con người coi trọng nó như thế nào.
Xét kỹ thì nâng đồng tiền lên ngang trời, Phật đó là sự báng bổ không thể chấp nhận, nhưng vì chứng tỏ một điều: con người vì lòng tham sẵn sàng quên tất cả giá trị đạo đức, tự nguyện làm nô lệ cho nó. Văn hào Nga L.Tolstoi thốt lên rằng: “Tiền bạc chính là hình thức nô lệ mới thay cho loại nô lệ ngày xưa”. Trải qua nhiều năm tháng, nền văn minh dân chủ của con người được nâng lên tầm cao mới, toàn thế giới đều muốn đồng tiền làm nô lệ cho mình, nhưng ngược lại không ít kẻ mong muốn làm “nô lệ” cho chúng. Vì vậy, lời than của văn hào Nga vẫn còn có giá trị như một lời cảnh báo sâu sắc.
Đồng tiền từ một công cụ trao đổi trong xã hội dần dần trở thành “ma quỷ” có sức quyến rũ mạnh mẽ, biến lòng tham mê cuồng điên đảo. Hầu hết, những người tham lam muốn làm giàu với ý định để lại gia tài cho con cháu khỏi vất vả. Từ đó, lòng tham cứ lớn dần khiến cho người ta không bao giờ biết dừng lại. Tiền bạc hay vật chất là những công cụ giúp người ta giao thương tiện lợi. Thế mà, dần dần nó trở thành những “con ma ám ảnh” con người trở nên phi nhân nghĩa. Đồng tiền là biểu thị cho sự thành công, nhưng đồng thời cũng biểu hiện cho lòng tham của con người. Người ta căm ghét đồng tiền, nhưng đồng thời cũng mê say theo nó làm mất hết lương tri.
Ai cũng cho rằng tiền bạc là “vật nhơ bẩn”, nhưng đồng thời cũng tận lực làm việc cho nhiều và chưa bao giờ hài lòng với những gì mình có. Trong lịch sử Trung Hoa có vị quan tên Hòa Thân sống vào đời nhà thanh, lòng tham của ông được người ta đặt tên “Đại tham quan”. Ai cũng chỉ ăn ngon lắm vài ba chén cơm, ngủ êm ấm lắm cũng chỉ vài ba cái giường hay vài ba cái nhà. Thế mà, Hòa Thân lại tận lực vơ vét đến mức gia sản của ông ta còn lớn hơn cả ngân khố quốc gia. Đó chính là mảnh lực của đồng tiền, từ kẻ nghèo cho đến kẻ giàu sang, đều không tránh được sự thu hút của nó. Người đời ai cũng hiểu cuộc đời là vô thường và chẳng có gì tồn tại mãi mãi. Chết rồi ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng không thể nào kháng cự được sự quyến rũ của vật chất. Lòng tham mỗi lúc mỗi phát triển khiến cho người ta mang nặng tâm lý cố sức tham đến đâu hay đến đó, không cần thiết nghĩ đến hậu quả.
“Đa dục vi khổ,
Sanh tử bì lao,
Tùng tham dục khởi,
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại”.
Tham nhiều là khổ, đó là một định luật. Những ham muốn, những dấy niệm khởi lên, chúng ta không làm chủ được, dẫn tới sự đau khổ cay đắng. Nếu chúng ta ít ham muốn thì thân tâm sẽ an vui, tự tại. Gần đây, truyền thông, báo chí thường nói nhiều chuyện như đám cưới “siêu hạng”, xe hơi “siêu khủng” chạy thành đoàn, mời những ca sĩ ngoại quốc về trình diễn, ăn uống linh đình chẳng khác gì yến tiệc của vua chúa ngày xưa. Thời buổi kinh tế thị trường, người làm ra tiền có quyền tiêu xài phung phí theo sở thích của mình. Thế nhưng, điều đáng nói những đám cưới “siêu hạng” ấy biết giảm bớt để làm từ thiện, giúp người khổ cực có được miếng ăn, tấm áo thì thật tốt biết bao. Rõ ràng, sự phô trương đó là thể hiện “cái tôi” của mình, thể hiện mình là người giàu có.
Bên cạnh những người sống vì tiền, cho rằng có tiền là có hạnh phúc, lại có những người chủ trương sống không cần tiền. Sống nghèo nhưng hạnh phúc, bình yên hơn, đây là minh chứng có thực rõ ràng. Một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với các nước Mỹ, Nhật kỹ thuật công nghệ phát triển thần tốc, kinh tế có mức thu nhập cao. Trong khi đó, ở Lào, Campuchia, Myanmar… theo truyền thống có lối sống dựa trên nền kinh tế chịu ảnh hưởng Phật giáo có cuộc sống ổn định. Nay lại bị cuốn theo trào lưu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bị các đặc quyền chính trị, kinh tế lợi dụng, chi phối, nên dân tộc Lào và Campuchia không còn sống bình yên như trước đây.
Phong tục tập quán bị xáo trộn, suy cho cùng cũng chỉ vì xã hội nhắm mắt chạy theo đồng tiền. Riêng tại Myanmar có vẻ khá hơn, như chúng ta biết Myanmar là nước thuộc địa của Anh (1825-1948), lại bị quân Phiệt đè ép trong năm mươi năm (1962-2010), kinh tế người dân tuy rất nghèo nhưng không vì thế mà sinh đạo tặc, chính nhờ sống theo truyền thống của đạo Phật đó là tinh thần “thiểu dục tri túc”, có nếp sống từ bi theo tinh thần Phật giáo. Với 89% dân số theo đạo Phật (Nguyên thủy), phần lớn đều có thói quen thiền định mỗi ngày. Người dân tuy nghèo nhưng vẫn hiền lành, giàu lòng nhân ái, sự nghèo khó của họ không làm băng hoại đạo đức.
Cho nên, đồng tiền không thể chi phối họ. Đó là ảnh hưởng của Phật giáo, giúp cho việc giảm bớt tham vọng chạy theo vật chất như thế giới hiện nay. Đó là minh chứng hùng hồn qua thực tế, Myanmar là một nước hầu hết người dân theo Phật giáo và sống theo giáo lý của nhà Phật. Trước những thực trạng xã hội bị đồng tiền lôi kéo, chúng ta là những người con Phật, biết rõ “mặt phải” và “mặt trái” của nó như thế nào để sử dụng cho đúng. Đồng tiền không có tội, chỉ có chăng là ta không biết sử dụng nó vào đâu cho thích hợp mà thôi.
Nguyên Diệu (ĐSHĐ-008)
Diễn đọc: Quảng Hiếu