Ai cũng biết “Từ thiện” là cái vốn chung được phát xuất từ tấm lòng và hình thành từ mối quan hệ giữa người với người, không phân biệt màu da, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt giai cấp, có khác chăng là tiêu chí của người làm từ thiện. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến tiêu chí “Tam luân thể không” của những tác viên từ thiện Phật giáo khi nhập thế an sinh. Như chúng ta đã biết, đạo Phật là đạo từ bi, vậy ban vui và cứu khổ chính là “lợi sinh vi bản hoài ”mà tất cả người con Phật phải thực hành, và để đạt được tiêu chí ấy, chắc chắn chúng ta phải dùng nhiều phương tiện thiện xảo.
Trong lời nguyện thứ 11, đức Phật Dược Sư có nói “Nếu có chúng hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành đến nỗi vì tìm miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ, hễ nghe danh hiệu ta, rồi chuyên niệm thọ trì, trước hết ta dùng các món ăn uống, ngon lạ, ban bố cho thân họ được no đủ, rồi sau ta mới đem pháp vị nhiệm mầu kiến lập cho họ cảnh giới an lạc hoàn toàn”. Vậy công tác từ thiện phải là Phật sự hàng đầu của Phật giáo, và tài thí phải đi trước, dẫu biết rằng “Pháp thí thắng mọi thí”.
Thật vậy, chỉ với mục đích ban vui cứu khổ không vì động cơ nào khác, ngay cả việc truyền đạo cũng không. Vì khi đi làm công tác từ thiện, ta không điều tra lý lịch xem những người bất hạnh ấy theo đạo nào, người vùng nào, nước nào, chỉ cần đúng đối tượng. Có nhiều người hỏi: “Hiện nay, ở các vùng sâu vùng xa, nhất là vùng có nhiều dân tộc thiểu số, tại sao Phật giáo đi cứu trợ mà không khuyến hóa họ theo đạo Phật ?”. Xin thưa, như trên đã nói, đạo Phật khuyến khích làm từ thiện không vì mục đích truyền đạo.
Trong kinh Trung Bộ, đức Phật có dạy một câu ngắn ngủi nhưng hàm súc “Ehi passiko” (mời bạn đến để thấy). Đúng vậy, tự mình phải nhìn bằng đôi mắt và trí tuệ để thấy sự việc đúng như thật của nó. Đừng nhìn sự việc qua lăng kính màu, đừng nghe tuyên truyền hay đừng vì một thứ tình cảm nào khác mà vội tin, bởi đức Phật đã dạy: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Chính ở nơi đây, trí tuệ đã thắp sáng niềm tin, là chất xúc tác để chúng ta kiện toàn và làm chủ vận mệnh của mình trên lộ trình giải thoát. Đành rằng, mỗi người đều có sẵn trong tay ngọn đuốc, nhưng điều quan trọng là có biết tự thắp đuốc lên mà đi hay không.
Công tác từ thiện ngày nay rất đa dạng, nhưng điều đòi hỏi ở tác viên là một tấm lòng- một tấm lòng của người con Phật- luôn “nguyện đại chúng sinh thọ vô lượng khổ”, một dạ thủy chung với đạo pháp và dân tộc, cũng là trung thành với chí nguyện xuất gia ban đầu của chính mình. Thế nên, làm từ thiện không phải để được tiếng, không cầu danh và tuyệt đối không lạm dụng danh nghĩa từ thiện để mưu cầu lợi lộc cho bản thân mình.
Trong bối cảnh lịch sử của một đất nước trường kỳ, hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh xâm lược và nội chiến, giờ đây đang thay da đổi thịt từng ngày để hội nhập vào các nền văn minh lớn trên thế giới. Phật giáo Việt Nam từ nghìn xưa đến nghìn sau, vẫn đồng hành cùng dân tộc trên mọi bước thăng trầm, nhưng luôn giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Chắc chắn rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa của xã hội đương đại sẽ có nhiều thách thức và cơ hội mới để Phật giáo một lần nữa tự khẳng định vị thế của mình trong lòng dân tộc nói riêng và trong cộng đồng thế giới nói chung.
Đức Phật vì chúng sanh mà thị hiện, đó là một sự thật mà chính Ngài đã từng thổ lộ: “Ta thương chúng sanh hơn cha mẹ thương con. Ta là Phật ở thế gian để đối trị cái xấu ác, loại trừ cái khổ sanh tử, khiến mọi người được năm đức, đạt đến cõi an ổn vô vi”. Có hiểu được sự nghiệp hoằng hóa độ sinh của đấng Giác Ngộ chỉ vì một mục đích là “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, các sứ giả Như Lai mới miệt mài, thầm lặng, thẩm thấu để trở thành một dòng chảy bất tận, dào dạt yêu thương. Dẫu biết rằng, bất cứ cuộc dấn thân nào cũng đòi hỏi sự hy sinh. Thật vậy, nếu chúng ta chỉ ngồi ở một chỗ thì không thể nào thấy hết nỗi đớn đau bất hạnh của chúng sanh. Mời bạn hãy đến trại tâm thần để thấy người có bộ não bình thường là trân quí. Hãy vào thăm cô nhi viện để thấy những đôi mắt khát khao, đang đợi chờ một cử chỉ vuốt ve âu yếm, và đôi tay bé bỏng đang chìa ra mong đón nhận một tình thương. Từ đó, những người làm cha mẹ hãy biết sống thủy chung và biết trân quí khi có nhau trong cuộc sống. Hãy về trại khiếm thị để thấy đôi mắt là cả cuộc đời, và có tận mắt chứng kiến những người lục căn bất túc nhưng vẫn đấu tranh với những cái bất toàn của mình để làm ra của cải. Họ đổi từng giọt mồ hôi lấy bát cơm thường, vì quan niệm rằng “Tuy đời bị tàn nhưng không phế”, chắc chắn những người còn đủ bàn tay và khối óc sẽ trăn trở, sẽ suy tư và biết yêu lao động hơn.
Đã nói là vốn chung ai cũng có, việc làm từ thiện không chỉ dành riêng cho tu sĩ, mà các tác viên từ thiện phải biết cách tác động thế nào để nhà nhà đều làm từ thiện, người người đều làm từ thiện. Vì chừng nào có nhiều người biết sẻ chia nỗi bất hạnh của người khác, thì xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn đang sói mòn đạo đức và nhân cách. Muốn đạt được thành quả tốt đẹp trong công tác an sinh, chúng ta phải đến tận nơi, phải trao tận tay. Những món quà tuy bé nhỏ nhưng gói ghém trọn niềm thương. Người ta bảo: “Của cho không bằng cách cho”. Thế nên, cách cho như thế nào để người nhận không tủi phận vì như chúng ta biết “đâu có ai nắm tay suốt ngày”. Ai chả có lúc cơ nhỡ trên đường đời và những người đã ngửa tay để nhận quà cứu trợ là việc chẳng đặng đừng.
Theo đúng lời Phật dạy trong kinh Kim Cang: “Khi nào không thấy có người cho, người nhận và vật cho như vậy mới gọi là chân thật bố thí ”. Chúng ta ai cũng biết tài là một trong năm món dục được ưa thích nhất, nhưng khi biết nó thuộc của năm nhà thì còn ngại ngần chi mà không bố thí? Cái gọi là con người là do năm thủ uẩn tạo thành, nhưng khi quán chiếu sâu xa thì thấy năm uẩn ấy không thật tướng, chẳng qua chỉ là “giả chúng duyên nhi cộng thành”. Khi đã hiểu đúng đắn như vậy thì đâu thấy có người cho. Và trong kinh đức Phật còn dạy rằng: “vì cái này có nên cái kia có…” mà khi không thấy có ta thì đâu còn có người. Từ đó, người cho, kẻ nhận, vật cho đều rốt ráo tính tam luân thể không.
Để hóa giải những nỗi khổ niềm đau mà chúng sinh đã mang nặng trên mình trong suốt cuộc hành trình quẩn quanh trong ba đường, sáu nẻo, đức Phật – người chỉ đường, vị lương y – đã chỉ ra con đường cho chúng sanh bây giờ và ở đây là con đường Bát Chánh, và phương thuốc để chữa lành bệnh chấp ngã đã thâm căn cố đế trong chúng sinh là pháp “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, là lục độ ba- la- mật. Nói chung, nếu đã tự nguyện là đệ tử Phật, chúng ta phải “là mảnh đất tốt để tăng trưởng thiện pháp, là nền tảng cho tất cả mọi tiến bộ của tâm linh”. Có thế, mới là chỗ nương tựa an ổn cho hàng Phật tử để họ thấy được rằng:
Từ thôn quê đến núi rừng,
Đồng bằng, hoang mạc mấy từng gò cao
Bậc La hán sống chỗ nào,
Nơi ấy an ổn dạt dào yêu thương.
TKN. Nhật Khương (ĐSHĐ-008)