Nói đến tài sản, người ta thường nghĩ đến sự sở hữu nhiều thứ vật chất như tiền bạc, nhà cửa… càng nhiều tài sản thì càng được tiếng giàu có và nhất là cảm giác ổn định cuộc sống. Vì thế, làm giàu đúng đắn là tiêu chí chung cho nhân loại hướng đến xây dựng một đời sống hoàn thiện. Tuy nhiên, tạo ra tài sản vật chất chỉ là một phần của cuộc sống, vì vậy sẽ là một sai sót lớn cho cá nhân và xã hội nếu chỉ chú trọng tạo dựng tài sản vật chất mà xem nhẹ việc làm giàu tài sản tinh thần. Sự mất quân bình trong quá trình phát triển vật chất và tinh thần sẽ tạo ra khủng hoảng xã hội, băng hoại đạo đức, suy đồi nhân cách, lối sống lệch lạc do thiên về hưởng thụ… Thông thường, của cải vật chất là biểu trưng cho sự giàu có. Tuy vậy, sự giàu có vật chất vốn rất tạm bợ, mong manh, khó tìm mà dễ mất:
“Phú quý vinh hoa như mộng ảo
Sắc tài danh lợi tựa phù du”.
Bởi lẽ, tự thân nó không mang thuộc tính bền vững, như đức Phật dạy tài sản là của năm nhà: giặc cướp, chính quyền tịch thu, nước trôi, lửa cháy và con cái phá sản. Vì thế, bên cạnh tiêu chí làm giàu vật chất, con người cần phải làm giàu về phương diện tinh thần. Trong kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật giới thiệu một phương thức tích lũy tài sản, thuật ngữ gọi là: Thất thánh tài, được mô tả như sau: “Này các Tỷ Kheo, có bảy tài sản, thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài. Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài; từ bỏ sát sanh, trộm cắp, say sưa… gọi là giới tài; có xấu hổ đối với thân, miệng, ý, làm ác, gọi là tàm tài; có sợ hãi đối với thân, miệng, ý làm ác gọi là quý tài; nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chánh kiến, gọi là văn tài; với tâm từ bỏ xan tham, ưa thích xả bỏ, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài; có trí tuệ về sanh diệt, đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài. Này các Tỷ Kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này, được gọi là không nghèo khổ”. Tài sản này không đi kèm với sự trả giá bằng máu và nước mắt, hoàn toàn vắng bặt tham vọng, toan tính, hận thù, lo âu, sợ hãi. Sự giàu có trong an vui, thanh thản và bền vững trước mọi biến động của thời cuộc, đây mới là bậc đại phú nhất trên thế gian.
Tài sản ấy tuy vô hình nhưng rất đồ sộ và không khó để tạo dựng. Chúng ta không cần phải cạnh tranh khốc liệt như “thương trường là chiến trường” mà vẫn kiến tạo được cho mình những tài sản vô giá, bằng cách phát triển niềm tin đối với Tam Bảo, trau dồi giới hạnh, biết hổ thẹn với người và với chính mình, học tập Chánh pháp, thực hành bố thí và phát huy tuệ giác. Đó là bảy tài sản cố định vô cùng quý giá, đảm bảo cho một người giàu có trong đời này và đời sau.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, kinh tế xã hội ngày càng gia tăng, những người con Phật đều có thể làm giàu về phương diện vật chất vì nhu cầu cuộc sống và thực hành bi nguyện độ sanh. Tuy nhiên, dẫu cho sự làm giàu này hoàn toàn chân chính, lương thiện và đúng chánh pháp thì vẫn không đạt được sự giàu có đích thực. Vì thế, những ai bám víu, cố chấp vào sự thành tựu vật chất mà chểnh mảng việc làm giàu tinh thần theo tuệ giác thì người ấy vẫn thực sự rất nghèo nàn. Cho nên, ngoài việc làm giàu vật chất, chúng ta phải chú trọng đến làm giàu tinh thần. Chỉ có tinh thần tức thành tựu tịnh tín bất động với Tam Bảo và giới luật mới thực sự là giàu, rất giàu, có tài sản lớn, như lời Phật dạy: “Này các Tỷ Kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các ngươi và nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật” (Kinh Trung Bộ).
Người xuất gia kế thừa gia tài Chánh Pháp của Phật và Thầy Tổ để ứng dụng tu tập, hoằng truyền giáo Pháp là việc cần làm nhưng điều này chưa hoàn toàn quán triệt trong nhận thức của mỗi người. Kết quả đem đến là sự tranh chấp, xung đột, chia rẽ xảy ra trong huynh đệ, trụ xứ và Tăng đoàn là điều không thể tránh khỏi! Chúng ta thấy, trong thời đức Phật, chúng Tăng sống đời du hành, khất thực với ba y một bát, cuộc sống gần như là vô sản. Thế nhưng, đức Phật đã lưu tâm đến việc thừa kế vật chất chứng tỏ tâm tham ái của chúng sanh lớn biết dường nào!
Tài sản tinh thần là tặng phẩm của tạo hóa, vốn dĩ hào phóng ban tặng cho những ai biết tìm lại những gì thánh thiện, uyên nguyên đã lãng quên hoặc đánh mất, đó là cách làm giàu cao quý nhất. Xã hội ngày nay đang trên đà phát triển, đời sống của người xuất gia cũng được nâng cao và ổn định hơn. Tuy nhiên, sự phát triển về vật chất chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa thực sự đủ cho việc tịnh hóa thân tâm, thậm chí đôi khi nó còn mang đến hiệu ứng ngược lại. Do đó, phải thành tựu chánh kiến để thừa kế gia tài Pháp Bảo của Như Lai, không thừa kế bất cứ cái gì ngoài Chánh Pháp, thừa tự Pháp là điều mà hàng hậu học chúng ta cần suy ngẫm.
TN. Như Bửu (ĐSHĐ-007)
Diễn đọc Sc Khánh Giác