Mấy ngày nay, trên đường phố, nhất là những khu phố người Hoa sinh sống, đã bắt đầu xuất hiện những sạp bán bánh ú, báo hiệu một mùa Tết Đoan Ngọ lại về.
Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.
Ở Việt Nam, gọi ngày Tết Đoan Ngọ là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.
Truyền thuyết về lịch sử ngày mùng 5 tháng 5 được lưu truyền khác nhau ở Việt Nam, Trung Quốc.
Đoan Ngọ – Lễ Thi nhân của Trung Quốc
Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với họa mất nước. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng 5 tháng 5. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên. Ngoài ra, có truyền thuyết khác về sự bắt nguồn của ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều nguồn tin cho rằng tập tục Tết Đoan Ngọ là bắt nguồn từ Hạ Trí trong thời cổ, có người lại cho rằng, đây là sự tôn sùng vật tổ của người dân vùng sông Trường Giang.
Vì sinh thời Khuất Nguyên là một nhà văn thơ, một nhà văn hóa lớn, để tưởng nhớ đến người chí sĩ tài hoa này, các nhà thơ tao nhân mặc khách thường chọn ngày này họp mặt uống rượu ngâm thơ và trở thành ngày Lễ Thi nhân của Trung Quốc.
Đoan Ngọ – Nhớ về Quốc mẫu Âu Cơ
Trong văn hóa Việt, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch lại là ngày giỗ Quốc mẫu Âu Cơ. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày Tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Câu chuyện của bà cùng Lạc Long Quân được ghi lại như một truyền thuyết, thần thoại trong chương đầu tiên Lĩnh Nam Chích Quái. Truyền thuyết này lần đầu được xem như chính sử và ghi lại như một bản kỷ trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thời Hậu Lê, một việc hoàn toàn không có trong cuốn sử cổ hơn là Đại Việt Sử Lược thời nhà Trần.
Tên gọi của Ẩu Cơ hay Âu Cơ (theo cách đọc quen của người Việt) hoàn toàn không phải tên người thật sự, mà nó giống như một danh hiệu. Theo mặt chữ Hán, Ẩu là một danh từ để chỉ một người mẹ hoặc cách gọi thường dùng để chỉ đàn bà, con gái như Lão ẩu(老嫗; bà già) hoặc Thiếu ẩu (少嫗; cô gái trẻ). Điều này cũng được kiểm chứng bởi cách gọi Bà Triệu là Triệu Ẩu trong các ghi chép.
Còn chữ Cơ ban đầu là họ của các Thiên tử nhà Chu, về sau những nhân vật như Hạ Cơ – cô gái họ Cơ, lấy chồng họ Hạ đã tạo nên một nhận thức chữ này dùng để gọi các thiếu nữ hoặc phụ nữ nói chung, trở thành một trào lưu tồn tại thời Tiên Tần và những thời kỳ đầu của nhà Hán.
Trong các truyền thuyết phổ cập ở văn hóa Việt Nam hiện đại, Âu Cơ là một nàng tiên xinh đẹp sống ở trên những ngọn núi cao. Và việc bà kết hôn với Lạc Long quân là giống rồng, sinh ra 100 người con đã biến dân Việt thành con Rồng cháu Tiên.
Theo truyền thuyết phổ biến nhất, Âu Cơ là một tiên nữ, con gái một vị thần núi nào đó mà không phải là Đế Lai của Thần Nông Thị. Nàng đi khắp bốn phương để giúp đỡ và chữa trị cho những người đang lâm bệnh và gặp khó khăn. Nàng có lòng từ bi và có tài về y thuật. Một ngày nọ, một con quái vật làm nàng sợ hãi. Nàng liền biến thành một con sếu mà bay đi. Lạc Long Quân, là thần rồng từ biển cả, thấy nàng đang gặp nguy hiểm liền cầm lấy cục đá và giết tên quái vật. Sau đó, tình yêu đã nảy nở giữa hai người và họ cưới nhau. Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có 100 người con. Một ngày nọ, Lạc Long Quân nói với nàng vì hai người đến từ chủng tộc và môi trường rất khác nhau nên không thể chung sống với nhau trọn đời được. Họ bèn chia nhau mỗi người 50 đứa con, 50 theo mẹ, 50 theo bố. 50 người con theo mẹ đi đến ở Phong Châu, người anh cả trở thành vua Hùng Vương của nước Văn Lang.
Tuy nhiên, về mặt ghi chép văn bản, xuất thân của Âu Cơ gần như thống nhất những ghi chép có từ Lĩnh Nam Chích Quái. Sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim cũng không hề ghi nhận về xuất thân nàng tiên này của Âu Cơ. Như vậy, việc Âu Cơ là tiên có lẽ chỉ tồn tại những thập kỷ rất gần đây, nhưng không thể xác định cụ thể, những cuốn sách của các học giả nước ngoài cũng có niên đại khá gần và đã chịu nhiều những biến đổi về nhận thức của người Việt Nam hiện đại.
Ở đồng bằng Nam Bộ, ngày mùng 5 tháng 5 còn được gọi là ngày “Vía Bà”, thờ Linh sơn Thánh mẫu trên núi Bà Đen.
Ở Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn gọi là ngày “nước quay”, vì cứ theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến nước ta làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Và năm nào cũng vậy, ngày này được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hàng năm.
Đoan Ngọ hay mùng 5 tháng 5, dù là truyền thuyết của người Hoa tưởng nhớ Khuất Nguyên hay là lễ hội của người Việt, ngày giỗ của Quốc mẫu Âu Cơ, đối với những người Phật tử, điều đó không còn quan trọng vì tất cả đều xuất phát từ truyền thống uống nước nhớ nguồn. Trong ngày này, ăn một chiếc bánh ú với ngụm trà ngon, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại công ơn của những bậc tiền nhân tạo dựng cho ta cuộc sống tươi đẹp hôm nay.
Vân Phàm (ĐSHĐ-058)