Hồi nhỏ, cứ vào những ngày cuối năm âm lịch, tôi vẫn hay lót tót theo mẹ đi chợ Tết. Thực ra, mẹ chẳng thích cho tôi đi chợ, vì những ngày này mọi người buôn bán đông đúc, khách qua lại nườm nượp, mẹ sợ sơ ý sẽ lạc mất tôi. Nhưng ở nhà thì chẳng ai trông chừng, vả lại mẹ rất sợ tôi giậm chân thình thịch xuống đất và khóc hàng giờ liền. Mỗi lần tôi khóc buộc mẹ phải dỗ, mà chẳng có gì làm tôi nín khóc ngoài việc được bấu vạt áo mẹ lon ton đi ra chợ huyện. Cái tật “mít ướt” của tôi đã chiến thắng sự cứng rắn của mẹ!
Theo mẹ đi chợ Tết, tôi mới hiểu được chợ huyện không phải bé nhỏ như cái sân nhà mà tôi vẫn nghĩ. Nó to lớn hơn gấp mấy lần. Nhất là vào những ngày cuối năm, người người chen lấn nhau đến chợ huyện để vui chơi và mua sắm. Trẻ con bao giờ cũng chịu thiệt thòi, đứng thấp tè dưới chân người lớn, không thấy gì ngoài những bàn chân chai thô không đi dép. Muốn được nhìn thấy toàn diện cảnh chợ ngày Tết thì phải nhờ người lớn cõng trên lưng, ngồi lên vai hoặc ẵm nách. Tôi bao giờ cũng được mẹ cõng sau lưng. Vốn “mỏng cơm” nên mẹ nâng tôi lên rất nhẹ nhàng so với những đứa trẻ cùng trang lứa.
Chợ Tết ngày xưa không có nhiều gian hàng trò chơi cho trẻ con như bây giờ. Tất cả đều “ưu ái” cho người lớn. Xung quanh chợ chỉ lèo tèo vài người bán tò he, bong bóng và một ít món đồ chơi bằng nhựa. Trẻ con đi chợ thường thích chọn bong bóng (hoặc buộc phải chọn), vì tò he và đồ chơi nhựa đắt tiền hơn. Tôi cũng vậy, mỗi khi bước vào nhà lồng chợ là mẹ mua ngay cho tôi một quả bong bóng bay thật to để tôi ở yên sau lưng mẹ và không đòi quà bánh. Mẹ đi vài vòng quanh chợ, mua thật nhiều đồ để chuẩn bị cho những ngày Tết. Sau khi đã vét sạch túi tiền, mẹ dẫn tôi ra cổng chợ, không quên ghé quầy bánh canh, hủ tiếu và ngồi lại. Mẹ chỉ gọi một tô cho tôi ăn, còn mẹ thì ngồi đó nhìn và hối thúc tôi ăn cho nhanh. Bao giờ cũng vậy, khi tôi đã thừa mứa thì mẹ là người trợ giúp cho tôi. Mẹ bảo: “Không nên phí của, con ạ!”. Vậy mà lần nào tôi cũng “dằn tô”.
Đường từ chợ huyện về nhà tôi khoảng chừng năm cây số. Tuy vậy, tôi thấy chẳng xa chút nào. Mẹ thôi cõng tôi trên lưng mà buộc tôi phải đi bộ, vì số lượng hàng hóa trên tay mẹ bây giờ còn nặng hơn cả tôi. Đi bên mẹ, nói cười cùng mẹ, dường như tôi quên mất thời gian và khoảng cách xa gần. Tôi say theo không khí của đất trời vào xuân. Hai bên đường hoa mai đã chớm nụ, tít trên cao từng đàn chim én lượn vòng trỗi khúc nhạc xuân. Hai mẹ con mải mê vui đùa mà quên rằng mặt trời đã khuất dạng lâu rồi. Màn đêm buông dần trên những mái nhà. Tối đến, mẹ vừa ngồi gói bánh tét vừa than nhức mỏi, vì cả ngày nay mẹ phải cõng tôi đi lòng vòng quanh chợ. Ba bảo tôi đấm lưng cho mẹ, xem như là “trả công”. Tôi nhanh nhảu làm ngay, sẵn tiện ngồi chờ bánh tét được vớt ra khỏi nồi. Khoảnh khắc giao thừa đến cận kề…
Thoắt đó đã hơn hai mươi năm. Giờ mẹ đã già, không còn đi lại khỏe khoắn như xưa. Mẹ từ bỏ cái thói quen đi chợ Tết mỗi khi xuân về. Nhưng năm nào cũng vậy, hễ cận Tết là mẹ lại nhắc con cháu tranh thủ đi chợ mua đồ, trang hoàng nhà cửa. Dắt đứa con trai đi chợ Tết cuối năm, cũng trên con đường quê tre trúc xanh rì và những cây mai trở mình bung nụ, chợt tôi bồi hồi nhớ lại ngày mình còn để tóc “miểng dùa” trụi lủi. Bỗng dưng, tôi thèm được mẹ cõng đi chợ Tết như thuở nào!
Đặng Trung Thành (ĐSHĐ-005)