Con người sinh ra trên thế gian luôn mong muốn một cuộc sống hạnh phúc và bền vững nhưng lại ít ý thức được rằng mọi hành động đều để lại dấu ấn, hay còn gọi là nghiệp, dẫn đến những hậu quả tương ứng. Nghiệp và quả báo của nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của mỗi con người tạo nên nó, mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ rộng lớn hơn, trong đó có mối quan hệ với thiên nhiên. Con người vì lòng tham và vô minh nên gây tổn hại đến tự nhiên, động vật và sự sống của chúng. Và rồi, nghiệp xấu không chỉ quay lại dưới hình thức đau khổ mà còn ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai.
1. Khái niệm nghiệp và quả của nghiệp
Nghiệp (Karma) trong Phật giáo là hành động đến từ nhận thức hay nói cách khác là có chủ ý của con người thông qua thân, khẩu, ý tạo vô số nghiệp tốt hoặc xấu, và quả báo của nghiệp là những kết quả tương ứng mà hành động đó tạo ra. Luật nhân quả của nghiệp không phải là một hình phạt, mà là quá trình tự nhiên của sự tích tụ và phản ánh những gì đã xảy ra. Hay nói cách khác dễ hiểu chính là hành động và hậu quả của hành động đó. Ví dụ, một người sống biết giữ giới, nói lời từ ái sẽ tạo nên nghiệp lành và luôn được mọi người quý mến, tin tưởng. Còn ngược lại, một người nói lời thô tục, cay đắng làm người khác đau khổ thì sẽ nhận lại những lời tương tự, dẫn đến đau khổ, muộn phiền, khiến ai cũng xa lánh. Tương tự, một người sống chỉ biết mình, không quan tâm đến môi trường, sự sống của các loài xung quanh thì họ đã gieo những hạt giống đau khổ cho bản thân và cộng đồng.
2. Hành động tàn phá thiên nhiên và những nghiệp báo đau khổ
Trong thời đại ngày nay, nạn phá rừng, khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, ô nhiễm môi trường là những nghiệp lực tiêu cực đang tích tụ mỗi ngày.
Tại Amazon, mỗi năm có khoảng hàng triệu hecta rừng bị chặt phá để lấy gỗ hoặc mở rộng đất canh tác. Rừng Amazon không chỉ là nguồn sống của hàng triệu loài sinh vật mà còn là lá phổi xanh của Trái đất, hấp thụ một lượng lớn CO₂ để cung cấp Oxy cho nhân loại, duy trì hệ sinh thái toàn cầu. Sự phá hủy này không chỉ ảnh hưởng hệ sinh thái địa phương, các vùng lân cận rừng Amazon, mà còn ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu, gây ra thiên tai khắp nơi. Hậu quả của những hành động này là sự thay đổi khí hậu khắc nghiệt, mất đi nơi cư trú của nhiều loài và cả sự mất ổn định của con người.
Hay nhìn vào những trận bão lũ, hạn hán ngày càng trầm trọng, chúng ta có thể thấy được những hậu quả của nghiệp do phá hoại thiên nhiên đang quay lại ảnh hưởng con người. Theo thống kê, thiệt hại từ thiên tai toàn cầu ước tính lên đến hàng tỷ đô la mỗi năm, kéo theo đó là sự mất mát về tài sản và cả sinh mạng con người. Đây chính là quả từ mối quan hệ nhân – quả mang lại từ nghiệp tiêu cực mà con người đã tạo với thiên nhiên.
3. Lạm dụng động vật hoang dã và nghiệp báo từ lòng tham
Việc săn bắt và buôn bán động vật hoang dã đâu đó còn rất nhiều trên toàn cầu, đây cũng là một minh chứng rõ ràng cho nghiệp bất thiện. Động vật không chỉ là một phần của hệ sinh thái mà còn mang giá trị tinh thần và sinh thái đối với môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, con người vì lòng tham đã lạm dụng, khai thác và góp phần tuyệt chủng các loài động vật hoang dã một cách không thương tiếc, từ việc săn bắt để lấy sừng, da cho đến sử dụng động vật hoang dã làm vật nuôi rồi ngược đãi và chế biến thành các món ăn để cung phụng cho dục vọng của mình.
Nhìn lại năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát với nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân một phần xuất phát bệnh dịch là từ sự lây nhiễm giữa con người và động vật hoang dã. Nghiệp báo của đại dịch này không chỉ cướp đi biết bao sinh mạng con người mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và xã hội toàn cầu.
4. Tiêu thụ vô độ và sự tích tụ của nghiệp tiêu cực
Thói quen tiêu thụ đồ nhựa dùng một lần, chẳng hạn như túi nylon, chai nhựa, ống hút là một ví dụ điển hình cho việc tiêu thụ một cách vô độ và lạm dụng, mang lại hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người trên toàn cầu. Mỗi năm, hàng triệu tấn nhựa được thải ra đại dương và đất liền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh vật biển và làm ô nhiễm đất, nước ngầm, gây nghẹt cầu cống dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Theo các tổ chức môi trường, các loài sinh vật biển như rùa, cá thường hay nhầm lẫn các mảnh nhựa là thức ăn, dẫn đến tử vong vì mắc nghẹn hoặc tắc nghẽn hệ tiêu hóa. Ngoài ra, thời gian phân hủy rác thải nhựa là vô cùng lâu và việc phân hủy nhựa thải, gây ra nhiều chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường và cả nguồn nước sạch mà chúng ta sử dụng mỗi ngày.
Kết luận
Kêu gọi thức tỉnh và hành động
Hiểu rõ về nghiệp và quả báo của nghiệp sẽ giúp mỗi cá nhân thức tỉnh và hành động có trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường sống xung quanh mình. Chúng ta có thể giảm thiểu các nghiệp xấu bằng cách bắt đầu từ những hành động tốt rất nhỏ như không xả rác bừa bãi mà phải vứt rác đúng nơi quy định, giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa một lần, yêu thương và bảo vệ các loài vật xung quanh bằng cách tham gia hoặc quyên góp ủng hộ các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, ăn chay và nói không với các món ăn đặc sản được làm bằng động vật hoang dã, và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Mỗi hành động tuy nhỏ nhưng tốt lành chính là tích tụ những nghiệp tích cực, từ đó sẽ mang lại những quả tốt lành. Cho nên, mỗi hành động của cá nhân về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã và tiêu thụ bền vững sẽ góp phần tạo nên chuyển đổi lớn cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái toàn nhân loại, mang lại sự an lạc và hạnh phúc lâu dài cho muôn loài, như lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi luôn tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài. Vì bảo vệ thiên nhiên, chính là bảo vệ chính mình và thế hệ mai sau.
Thiện Giác (ĐSHĐ-135)