Sư phạm được xem là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Bởi lẽ, từ đây đã đào tạo nên những công dân chuẩn mực, đạo đức, đóng góp cho xã hội về mọi lĩnh vực, giúp đất nước trở nên phồn thịnh, đẹp giàu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề giáo có quá nhiều áp lực, nguy hiểm: từ học sinh, phụ huynh, nhà trường và kể cả chuẩn mực sư phạm. Nghĩa cử “Tôn sư trọng đạo” không còn được học trò coi trọng như xưa.
Sự việc học sinh lớp 7 tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vô lễ, xúc phạm thân thể cô giáo đã gióng lên hồi chuông báo động về nghĩa cử “Tôn sư trọng đạo” trong thế kỷ XXI này. Không thể chấp nhận được hành vi của một nhóm học sinh chốt cửa, dồn cô giáo vào góc lớp, chửi bới, ném dép vào đầu, khiến cô ngất xỉu tại chỗ. Đã vậy các em còn vỗ tay, reo hò cổ vũ như vừa ăn mừng chiến thắng. Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên học sinh vô lễ với giáo viên. Đã có nhiều trường hợp học trò ném sách, chửi tục, kênh kiệu, ngạo mạn, quay điện thoại… trước mặt người đã dạy cho mình từng con chữ, kiến thức sâu rộng, những điều hay lẽ phải trong cuộc sống này. Vì đâu nên nỗi?
Học trò ở những thế hệ trước cực kỳ “Tôn sư trọng đạo”, kính trọng thầy cô dù bất cứ ở trường hay ngoài đường. Cứ hễ bắt gặp thầy cô ngoài phố đều khoanh tay cúi đầu chào lễ phép. Đáp lại, giáo viên nở nụ cười thân thiện thay cho lời cảm mến. Vào ngày 20/11, mồng ba Tết, dù đi bất cứ nơi đâu, những cựu học sinh đều trở về quê thăm thầy cô đã từng dạy dỗ mình (nhất là những thầy giáo lớn tuổi). Học trò phổ thông thì rủ nhau đạp xe, mang theo những món quà ý nghĩa tự tay làm lấy tới thăm thầy cô trong niềm háo hức, hân hoan. Vậy mà học trò bây giờ xem nhẹ hai chữ “Lễ phép”, thể hiện cái bản ngã quá mức, khiến cho nhà trường trở thành nơi tiêu cực, bạo lực học đường tràn lan. Cần phải nhìn lại ở nhiều góc độ để chữa căn bệnh “vô lễ với thầy cô”.
Phụ huynh cần xem lại cách dạy dỗ con mình. Không thể quá nuông chiều khiến trẻ ngỗ ngược, coi người khác chẳng ra gì. Cần có quy định việc trẻ xem điện thoại, cũng như định hướng các mặt tích cực từ các kênh video. Trên mạng xã hội đầy rẫy những hình ảnh bạo lực, lừa đảo, nói tục, nhố nhăng… khiến trẻ rất dễ bị sa ngã, lôi cuốn vào tiêu cực. Khuyến khích trẻ đọc sách để điềm tĩnh, hiểu chuyện, tư duy, tránh bồng bột, nông nổi. Nên cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội tích cực ngoài đời: thăm các khu di tích, khu du lịch, mái ấm tình thương để trẻ thư thái đầu óc, học hỏi những điều thiện lương.
Giáo viên cần thay đổi tư duy sư phạm. Không thể áp dụng theo phương pháp cũ, kiểu áp đặt “Trên nói dưới phải nghe”. Hãy là một người bạn lớn với học sinh, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ những gút mắc trong việc học tập. Khi mình sai, cần nhận lỗi trước học sinh để trẻ cảm thấy ấm áp khi bản thân được thầy cô tôn trọng. Khi học trò sai, thay vì lớn tiếng quát mắng, đánh, dọa nạt thì nên ân cần chỉ ra cái sai để các em sửa chữa. Nếu học trò ngỗ ngược tái phạm, nên đề nghị nhà trường liên hệ với phụ huynh để giải quyết êm đẹp. Tôn chỉ của nhà giáo là giáo dục đạo đức cũng như truyền đạt kiến thức cho học sinh nên khi chưa hoàn thành trách nhiệm thì phải xem lại bản thân nhà giáo. Cần biết rằng, học sinh đang độ tuổi vị thành niên rất hay nổi loạn, nên giáo viên hết sức bình tĩnh để tránh đẩy sự việc đi quá xa.
Ở bản thân học sinh, nếu giáo viên sai thì cần mạnh dạn thưa với phụ huynh để họ liên hệ với nhà trường tìm ra hướng giải quyết. Hoặc trong những trường hợp bất khả kháng cần nêu lên quan điểm, quyền tự do ngôn luận, thì trình bày nhẹ nhàng, dạ thưa nói lên nỗi lòng của mình cho giáo viên hiểu. Không nên vì lý do giáo viên sai mà hỗn xược, bạo lực, côn đồ… Như vậy là vô lễ với người lớn, vô phép tắc, hành động thiếu suy nghĩ (chứ chưa bàn đến đạo thầy – trò).
Về phía nhà trường, hiệu trưởng nên giải quyết vấn đề triệt để ngay từ khi nhen nhóm để ngăn chặn sự việc đi quá xa. Đừng vì “Căn bệnh thành tích” mà phớt lờ những điểm tiêu cực. Giám sát chặt chẽ các hoạt động giáo dục của thầy cô và học sinh thông qua các “vệ tinh” trong trường. Cần công tâm giữa giáo viên và học sinh, nếu ai sai, phải có hướng xử lý đúng đắn thay vì bênh vực. Nhà trường phải xử lý nghiêm khắc, thấu tình đạt lý, đảm bảo vừa có tính răn đe vừa có tính giáo dục. Nếu giải quyết được những vấn đề ấy thì chắc chắn rằng giáo dục sẽ tươi mới, thầy trò sẽ thấu hiểu và tôn trọng nhau hơn.
Xã hội thay đổi thì giáo dục cũng phải thay đổi để phù hợp với đương thời. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh, thời đại nào thì học trò cũng phải “Tôn sư trọng đạo”. Bởi lẽ “Không thầy đố mày làm nên”.
Trần Thái Học (ĐSHĐ-126)