Chiều thứ 7, tôi đang loay hoay soạn văn bản cho cuộc hội thảo sắp tới thì chuông điện thoại di động réo ầm. Tôi bắt máy. Bên kia, một giọng nói đặc chất Nam bộ đầy hốt hoảng: “Tuấn hả? Dì Bảy nè! Thu xếp công việc về gấp đi con, mần gì cũng phải về. Má mày bị bịnh nặng lắm rồi!”.
Tôi vội vã viết đơn xin nghỉ phép “vô thời hạn” gửi cho ban nhân sự rồi ra xe về quê ngay lập tức. Ngồi trên xe mà trong dạ tôi cứ nhảy múa lung tung, trông sao cho chóng về nhà để được gặp mẹ. Rồi tôi lại nghĩ đến những viễn cảnh không may, rằng có khi nào tôi sẽ không được nhìn mặt mẹ lần cuối, rằng mẹ sẽ uất ức ra đi… Chợt tôi thấy mình bất hiếu quá! Xa quê năm năm mà tôi chỉ về đúng năm lần: đó là ngày giỗ cha hằng năm. Tôi đã quên mất rằng ai đã mang nặng đẻ đau, ai đã sinh ra và nuôi mình từ tấm bé cho đến lúc lớn khôn… Đó chính là mẹ! Vậy mà đến lúc mẹ sắp đi xa tôi mới nhận ra. Tôi hối hận, dằn vặt, đau khổ đến tột cùng. Năm năm chốn thị thành tôi ít khi nghĩ về quê nhà, nghĩ về mẹ mà chỉ biết cuốn vào công việc, vào những mưu toan vật chất. Trước đây tôi nghĩ, chỉ cần lo cho mẹ đầy đủ về mặt vật chất là tốt rồi. Nhưng giờ tôi đã sai lầm, vì thứ mẹ cần không phải tiền bạc mà chính là tôi, đứa con thân yêu của mẹ…
Xe vừa đổ xịch trước cổng, tôi vội lao nhanh vào nhà. Mắt tôi bắt đầu nhòe đi vì nghĩ rằng liệu mình có còn cơ hội?… Nhưng mọi việc đã đi ngược lại với những suy nghĩ điên rồ của tôi. Trước mặt tôi, người mẹ kính yêu bằng xương bằng thịt vẫn mạnh khỏe và đang chẻ củi sau nhà. Nhìn thấy tôi, mẹ mừng, rồi bật khóc (!). Mẹ vội quẳng cả mớ củi đang chẻ dở dang mà chạy ôm chầm lấy tôi, mắng yêu một câu: “Tổ cha mày, mần cái gì trên đó mà lâu về vậy? “. Câu nói thiết tha của mẹ như dao cứa vào từng thớ thịt của tôi. Tôi như kẻ mất hồn, đứng trơ người ra đó, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mẹ hiểu được những gì tôi đang suy nghĩ nên đã kể lại sự tình.
Thì ra, vì nhớ tôi quá nên mẹ đã vẽ ra câu chuyện “bệnh tật” để gọi tôi về quê gấp. Bởi trước đây mẹ đã từng gọi điện bảo tôi về nhiều lần nhưng tôi đều nêu ra lý do: “Con bận lắm, khi nào rảnh sẽ về mà!”. Tôi hiểu ra vấn đề, càng thấy tội bất hiếu của mình thêm chồng chất. Thoáng đưa đôi mắt xoe tròn như thuở thiếu thời nhìn mẹ, tôi nhận ra rằng mẹ đã già đi rất nhiều. Tuy sức khỏe còn dẻo dai nhưng tóc đã bạc màu, da trổ đồi mồi cùng những vết chân chim sau đuôi mắt đã minh chứng điều đó. Tất cả đã thay đổi rất nhiều, từ vườn cau, con sông, rặng dừa đến ngôi nhà gỗ… duy chỉ tình thương con vô bờ bến của mẹ là không thay đổi. Cuộc đời mẹ đã cơ cực rất nhiều, giờ đến tuổi xế chiều cần phải có người chăm sóc. Mẹ ơi, con hứa sẽ chuyển công tác về quê để được gần bên mẹ. Mẹ sẽ không còn cô đơn lúc tuổi xế chiều.
Duy Duy (ĐSHĐ-008)
Diễn đọc: SC Thánh Thảo