Tôi có người bạn tên Hoát, năm mươi tuổi, chưa vợ, họa sĩ. Anh chuyên ăn thịt và mang trong người nhiều bệnh. Tôi ít thích Hoát, vì Hoát thường rủ tôi đi la cà, mất thời gian. Có nhiều lúc Hoát chở tôi theo sau lưng một người phụ nữ mặc quần ngắn hở lưng. Anh thích ngắm cái khoảng hở ấy. Tôi lớn tuổi rồi, ngồi sau thấy có lỗi với những buổi tụng kinh và miệng đang niệm Phật. Nhưng tính tôi nhu nhược, Hoát mời năm lần ba lượt, tôi cũng nhận lời một lần. Hoát cũng thông minh, hiểu rộng, có tài mọn và rất tinh mũi. Một lần Hoát nói: “Có bữa một cô bạn gái đến phòng trọ tôi chơi, ngồi ở góc giường mà cái mùi đàn bà lưu lại đến mấy hôm ông ạ.”. Trong lòng tôi nghĩ: “Hèn chi trong giới của Sa di, có một giới: “Người phụ nữ vừa ngồi lên ghế, nhà sư không được ngồi lên khi phụ nữ ấy vừa đứng lên”.
Tôi buồn chuyện người trong họ tôi vừa làm thịt heo cúng Chạp, nên tôi đi chơi với Hoát. Tôi tâm sự với Hoát. Hoát nói: “Các em ông không làm mâm cơm chay cho ông là vô lễ. Miếng giữa sàng bằng một làng trong bếp”. Chiều ấy, Hoát mời tôi ăn cơm. Tôi không ăn, chỉ uống ly nước dâu. Hoát không vui, nhưng tôi không thể ăn khác hơn. Hoát lại khuyên tôi ăn mặn với lý lẽ: Ăn thịt, cá sẽ khỏe mạnh và tiện cho việc đi chơi với bạn.
Tôi cười thầm trong bụng vì anh thường than với tôi đau này đau nọ. Tôi nói: “Hoát biết không! Người có tuổi như tôi, muốn giữ mạng sống, phải tốn mỗi tháng một triệu đến hai triệu tiền thuốc. Tôi không tốn tiền. Huyết áp tôi hơi cao 150/90 khi chưa uống thuốc. Tôi được Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường Thừa Thiên Huế cấp Sổ nhận thuốc, mỗi tháng tôi đến nhận 30 viên hạ huyết áp, uống ngày một viên. Mặc dù mua ở nhà thuốc ngoài loại tương đương cũng chỉ một ngàn rưỡi một viên, nhưng không có loại Amdicopin của Ấn Độ hạp với tôi nên tôi thường đến phòng khám này.
Hàng tháng được bác sĩ từ thiện theo dõi bệnh trạng, đo áp huyết và thi thoảng được các Ni cô làm xét nghiệm miễn phí gan thận, máu cho tôi. Khiêm tốn mà nói mười lăm năm nữa, tôi sẽ không bị tai nạn, súng đạn và bệnh tật vật chết. Đúng ra, tôi lớn tuổi rồi làm chi phải đến nơi tên bay, đạn lạc. Anh còn sống đó mà xem lời tôi nói”.
Hoát nhìn đôi giày da tôi đang mang, hỏi: “Ông mang giày da có tội không?”. “Có! Hoát ạ. Đức Phật cho Phật tử thọ tịnh nhục. Ăn thịt của con vật mà mình không biết, không nghe, không thấy. Không biết, không nghĩ đó là thịt, không nghe tiếng kêu đau đớn khi con vật bị làm thịt, không mua thịt ăn vì ngon miệng, không thấy nó quằn quại, đau đớn, hấp hối…”. Hoát nhìn chân tôi, chất vấn: “Vậy khi ông mua giày đi cho đẹp, ông có biết đó là miếng da của trâu bò không?”. Tôi phân trần: “Đi giày cốt êm chân là giày tốt. Giày và cả quần áo của tôi đang mang, đang mặc đều đồ cũ, do các bà ve chai nhặt nhạnh ở thùng rác công cộng đem đến cho hoặc bán rẻ cho tôi, hoặc các con, các cháu không dùng do bị mốc lưng, sờn cổ, bi lỗi ‘mốt’. Giày há miệng tôi tốn vài ngàn đồng may lại, vài chục ngàn đồng làm đế lại, còn áo quần để vậy, giặt sạch mặc luôn. Mặc áo quần cũ chủ yếu sạch sẽ, giày vừa chân là được”.
Những mảnh da chúng sinh tôi dùng cho chân cũng nghe tôi tụng kinh hằng ngày, nghe pháp vài năm, từ những đĩa DVD, CD tôi thỉnh từ Sách nói Phật giáo Diệu Pháp Âm, và các nơi bố thí pháp. Đồng thời tôi thường cầu nguyện cho chúng đã thác được sinh lại làm người. Tôi nói với Hoát như vậy với ý: Dùng đồ cũ, đồ người ta vất đi chữa lại cho vừa, cho sạch tôi vẫn giữ nguyên giá trị vốn có, lại tiết kiệm sản phẩm của xã hội. Một buổi sáng Hoát đạp xe đạp tập thể dục, bất ngờ ghé cốc tôi chơi. Hoát thấy tôi trì chú và truyền năng lượng ly nước. Hoát hỏi:
– Ông vận công vào ly nước. Nước nóng sôi lên không?
– Làm sao tôi có thần thông như thế! Tôi tu không phải để có thần thông. Thần thông là một chướng ngại, Hoát ạ! Con người 70% là nước. Ly nước này, được lấy ra từ ba khạp lắng đọng, được nghe pháp, nghe tụng kinh hằng ngày nó sẽ lắng đọng những tạp chất và được tịnh hóa. Mặc dù, nước lấy ở vòi nhà máy nước Huế uống được ngay tại vòi. Nhà máy nước Huế có công nghệ lắng lọc, sản phẩm nước chất lượng tốt nhất đối với cả nước và nhiều nước trên thế giới. Nước biết lắng nghe Hoát à. Anh có thấy người ta lên Quan âm Phật đài trên đỉnh núi Tứ Tượng thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế thỉnh nước về uống không? Tôi nghĩ rằng, ngọn đồi cao 108 mét so với mặt nước đã có năng lượng tốt. Nhưng chính hàng ngàn người, niệm Phật dâng hương, cầu nguyện hằng ngày và lòng từ bi của Phật Quán Thế Âm gia trì cho những chai nước của các Phật tử trong ngoài tỉnh, trong ngoài nước giúp nước kết tinh tuyệt vời nhất. Những chai nước tốt lành sau khi cúng, uống tốt cho sức khỏe là lẽ đương nhiên. Bởi nước biết lắng nghe mà!
Bỗng Hoát đốp tôi một câu:
– Ông cuồng tín quá! Ông ăn mặn vẫn tu được, dễ cho anh em. Tôi có bà chị làm đám chay nhưng đốt nhiều vàng mã và mời thầy cúng tụng kinh, tốn khá nhiều tiền.
Tôi phân trần:
– Tôi ăn mặn sao được. Được giải nhất văn của Tạp chí Nội thất, Ban tổ chức cấp cho tôi một voucher nghỉ dưỡng ba ngày hai đêm dành cho hai người ở Life Resort, tôi cũng ra ngoài ăn chay. Đi Trại viết Cồn Cỏ, tôi cũng bới theo đồ ăn chay. Chuyện đốt vàng mã tôi không có ý kiến.
Tôi đứng lặng một lúc, bưng ly nước tôi vừa truyền năng lượng, uống cùng với viên thuốc Amdicopin xong. Tôi nhỏ nhẹ:
– Hoát có biết rằng, hành động dã man, tàn ác của con người cũng như tư tưởng xấu, ác bay vào vũ trụ sẽ dội lại làm khổ chính mình. Trên thế giới mình nói sơ sơ đã có hơn năm trăm triệu người theo Phật giáo, năm trăm triệu người theo Công giáo. Một mình Hoát nghỉ đúng hơn 1 tỷ người không?
– Bye!
Hoát nói với vẻ mặt không bằng lòng, bước ra sân, xách xe đạp bằng một tay, lên xe phóng thẳng. Tôi đứng bâng khuâng trước hiên, chuẩn bị vào thời thiền thứ hai. Nhớ lời đức Phật dạy, đại ý: Có bạn xấu thì không có bạn còn hơn. Tôi lẩm bẩm:
– Mình phải tập từ chối…
Nguyễn Vinh Nguyên Hiển (ĐSHĐ-007)