Người đánh cá đang câu cá, có một con chim mèo bay xuống ngậm cá bay đi, vô số chim quạ nhìn thấy và đuổi theo con chim mèo một cách huyên náo. Chim mèo bất luận bay về hướng Đông hay sang hướng Tây, đàn quạ vẫn không buông tha, chúng đuổi theo đầy trời kín mịt, chim mèo không có nơi nào để trốn, nó bay một cách mệt mỏi. Khi tâm thần tán loạn mất tập trung, cá từ trong miệng nó rơi tõm xuống, đàn quạ tiếp tục đuổi theo nơi con cá vừa rơi. Lúc này, chim mèo như buông gánh nặng thở phào nhẹ nhõm, nó đậu trên cành cây suy nghĩ: “Ngậm con cá trong miệng, mang nó trên vai khiến ta sợ hãi và bối rối; bây giờ buông nó rồi, ngược lại trong lòng ta cảm thấy thanh thản không còn lo âu nữa”.
“Xả đắc”, “Xả đắc”. Lấy “xả bỏ” để “có được”! Nếu chúng ta không thể hiểu rõ ràng mối quan hệ giữa nhân, duyên và quả trong đó, thì sẽ không dễ dàng sáng tỏ được sự diệu dụng tuyệt vời của việc “xả bỏ để có được”. Trong ruộng không gieo hạt giống thì đâu có gì để thu hoạch? Đối với người thân, bạn bè, nếu bạn không tương tác với họ trước, ngày thường không tặng lễ vật thăm hỏi nhau, thì làm sao bạn có thể nhận được quà tặng đáp lại từ họ chứ nhỉ?
Xả bỏ, xem ra như là cho người, nhưng thật ra là cho chính mình. Khi bạn nói một lời tử tế với ai đó, thì bạn mới có thể nhận được lời ngợi khen từ người khác; khi bạn mỉm cười với ai đó, bạn mới có thể được người khác nhìn lại và mỉm cười với bạn. Mối quan hệ giữa “Xả” và “Đắc” cũng giống như “Nhân” và “Quả”, nhân và quả có liên quan với nhau, xả và đắc cũng có tính tương tác với nhau. Người có thể xả, nhất định phải có nội tâm phong phú, nếu trong lòng họ không có tính cách cảm ơn và sự kết nối, thì làm sao họ sẵn sàng cho người (xả), làm sao có thể khiến người có được (đắc)?
Chỉ khi trái tim của họ tràn ngập niềm vui, họ mới có thể cho bạn niềm vui, chỉ khi trái tim của họ chứa đựng niềm hoan hỷ vô hạn, họ mới có thể cho bạn sự hoan hỷ. Chính mình có của cải mới có thể từ bỏ được của cải, chính mình có đạo mới bỏ được đạo. Có người trong lòng chỉ có tham lam, sân hận, ngu si, tất nhiên họ cũng truyền cho người khác tham lam, sân hận và ngu si. Cho nên, chúng tôi khuyên mọi người không nên lây nhiễm những lo lắng, sầu muộn và chán nản cho người khác, bởi vì buông bỏ cái gì sẽ nhận được cái gì, đây là nhân quả tất nhiên.
Có một câu chuyện dân gian Trung Quốc: Người cha ưa thích làm từ thiện, thường bố thí cho mọi người nên gia tài cự phú, đáng tiếc các con của ông tánh tình lại tham lam và keo kiệt. Sau khi cha qua đời, con trai lên nắm quyền và dùng mọi thủ đoạn vơ vét tài sản của người khác, cuối cùng thiên tai và thảm họa do con người gây ra khiến gia đình phải chịu bất hạnh, cái gì cũng không còn. Cả hai cha con, một người cho, một người nhận, kết quả được và mất khác nhau rất nhiều, cho nên, “lấy xả làm đắc” điều này là rất đúng!
“Xả”, trong Phật giáo nghĩa là bố thí. Bố thí cũng giống như cây Ni Câu Đà1, trồng một cây sẽ thu hoạch mười, trồng mười cây sẽ thu hoạch một trăm, trồng một trăm cây kết quả sẽ thu hoạch hàng nghìn hàng vạn. Cho nên, trên thế gian này, chúng ta ai cũng mong muốn sống lâu trăm tuổi, vinh hoa phú quý, gia đình hòa thuận, danh vọng cao sang, thân thể khỏe mạnh, thông minh trí tuệ…, vậy, trước tiên chúng ta phải hỏi: Bạn đã gieo hạt giống mùa xuân chưa? Nếu không gieo thì mùa thu làm sao có thể thu hoạch nhỉ?
“Xả”, nghĩa là đem từ bi, đem lợi ích, tức là cần phải đem pháp lành cho người, cần phải đem lợi ích cho người. Kinh Tứ Thập Nhị Chương (四十二章经) nói: “Nhổ nước bọt lên trời, nhổ không tới trời mà rơi xuống mặt mình; gió ngược thổi bụi, bụi không đến người kia, mà quay lại thân mình2”. Nghĩa là: Khi người xấu muốn hãm hại người hiền thì chẳng khác nào ngẩng đầu lên trời khạc nhổ nước bọt, nhổ không đủ cao nên nước bọt vẫn rơi xuống làm bẩn mặt mình; cũng như khi gió thổi khói bụi tung lên, muốn ném bụi sang người hiền, mục đích là làm tổn thương họ, bụi sẽ không bay đến họ, lại khiến mình bị bao phủ bởi đứng ngược gió. Cho nên, người đức độ, người phẩm hạnh đoan chính, bạn cũng không thể tìm cách làm tổn thương họ, vì họ giống như bầu trời, cũng giống như người đứng ngược gió.
Thí xả cũng giống như tặng quà cho người, nếu lễ vật mà chúng ta tặng không phù hợp, đối phương không chịu thọ nhận, thế thì chỉ còn cách mình phải tự thu hồi. Vì vậy, chúng ta nên “điều gì mình không muốn, chớ nên đem cho người khác”. Nghĩa là, đừng áp đặt lên người khác những gì bạn không muốn, không bằng lòng.
Chúng ta thích mặt trời mùa đông, vì mặt trời mùa đông đem ánh sáng và hơi ấm cho chúng ta; chúng ta thích những cây đại thụ, vì đại thụ mang đến bóng râm che mát cho chúng ta; chúng ta thích con cái, vì con cái hiếu thuận phụng dưỡng chúng ta; chúng ta thích bạn bè vì bạn bè giúp đỡ chúng ta. Nếu như mặt trời, đại thụ, con cái và bạn bè không mang lại lợi ích cho chúng ta thì làm sao chúng ta có thể vui vẻ với những đối tượng ấy?
Nếu như tình yêu là sự trói buộc, liệu bạn có được tự do tự tại khi bạn từ bỏ tình yêu không? Nếu như kiêu mạn là phiền não rắc rối, liệu bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi từ bỏ kiêu mạn không? Nếu như vọng tưởng là hư giả, liệu bạn có thể đạt được sự chân thật khi từ bỏ vọng tưởng không? Nếu như chướng ngại là thống khổ, liệu bạn có thể cảm thấy thoải mái, khi từ bỏ chướng ngại không? Cho nên, có thể buông bỏ những gì, nhận được những gì, đây là đạo lý tất nhiên.
Khi đi đường, nếu không bỏ một bước lùi phía sau, thì không cách nào tiến một bước lên phía trước; khi viết văn, nếu không bỏ sự thừa thãi dài dòng thì không thể trở thành một bài văn ngắn gọn, súc tích; những cây cối hoa cỏ trong sân vườn, nếu bạn không nỡ cắt bỏ những cành khô, lá héo, thì chúng không thể mọc ra những chồi tươi lá non mới mẻ; trong thành phố, nếu bạn không nỡ phá hủy những tòa nhà xây dựng trái phép đơn giản sơ sài, thì không cách nào kiến thiết một đô thị lớn với diện mạo hiện đại mà chỉnh tề.
Tăng sĩ “xuất gia không nhà cửa, nhưng nơi nào cũng là nhà” (出家无家处处家), nếu không thể cắt rời tình yêu, từ bỏ người thân (舍) thì làm sao có thể xuất gia học Đạo? Làm sao có thể vân du bốn biển, hoằng pháp lợi sinh? Các bậc Cổ Thánh Tiên Hiền “buồn trước khi mọi người trong thiên hạ buồn, vui sau khi mọi người trong thiên hạ vui3”. Nếu chúng ta không thể hy sinh bản thân vì người, thì làm sao có thể để lại tiếng thơm nghìn đời, lưu danh vào sử xanh?
Đức Phật: “Việc khó làm có thể làm được, việc khó nhẫn có thể nhẫn được” (难行能行,难忍能忍). Bởi vì Ngài có thể “xẻ thịt nuôi chim ưng, hy sinh thân mình để nuôi hổ đói”, cho nên, Ngài mới có thể thành tựu Phật đạo.
Theo “Kinh Đại Bát Niết-bàn” (大般涅槃經) tập 14 đã ghi chép, đời quá khứ, Đức Phật từng là Bà-la-môn tu hạnh Bồ tát trên núi Tuyết, mọi người gọi Bà-la-môn này là Tuyết Sơn Đồng Tử (雪山童子), hoặc Tuyết Sơn Đại Sĩ (雪山大士). Khi đó, Thích Đề Hoàn Nhân biến thành La Sát, đến núi Tuyết tuyên nói nửa bài kệ mà chư Phật đời quá khứ đã dạy, tức là “Chư hành vô thường, thị sinh diệt pháp” (諸行無常,是生滅法). Vị Đại sĩ này nghe nửa bài kệ trong lòng hoan hỷ, ông muốn nghe nửa bài kệ sau, nhưng La Sát nói rằng bản thân đang bị đói khổ bức bách và cần phải ăn thịt ấm của người, uống máu nóng của người mới có thể nói tiếp được. Vị Đại sĩ sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì muốn nghe được nửa bài kệ sau. La sát bèn nói tiếp nửa bài kệ: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” (生滅滅已,寂滅爲樂). Khi nghe xong, Đại sĩ liền đem bài kệ này viết lên vách đá, lên cây v.v… rồi trèo lên cây cao và gieo mình xuống. Lúc đó La Sát trở lại thân Đế Thích, từ trên không trung tiếp nhận thân Đại sĩ và đặt xuống đất. Thích Đề Hoàn Nhân cùng chư Thiên cõi trời, cõi người cúi đầu đảnh lễ dưới chân Đại sĩ và nói rằng, Đại sĩ chắc chắn sẽ thành tựu quả vị A-nậu-đa-tam-miệu-tam-bồ-đề (阿耨多羅三藐三菩提 vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) ở đời vị lai.
Bởi vì Tuyết Sơn Đồng Tử có thể xả thân vì Đạo, nên cuối cùng đắc đạo như nguyện. Nếu một người không thể từ bỏ được những thói quen xấu cũ lỗi thời, thì làm sao có thể bỏ cũ đổi mới và tiến bộ? Học Phật là “từ bỏ mê lầm đạt được giác ngộ, từ bỏ cái nhỏ được cái lớn, từ bỏ cái giả dối trở về với chân thật, từ bỏ hư ảo trở về với thực tại”. Cái gọi là: “Bỏ đao đồ tể, lập tức thành Phật”, buông xuống tức là xả bỏ, không xả bỏ thì làm sao thành Phật được?
Tóm lại, “lấy xả bỏ để đạt được” diệu dụng vô cùng tận. Chúng ta cần phải học tập tính cách của “Xả”: Nếu có thể đem tiền bạc, vật chất, kiến thức, kỹ năng cho người khác thì nhất định bạn sẽ nhận được tiền tài, vật chất, kiến thức và kỹ năng. Nếu bạn cho người khác điều tốt thì bạn sẽ nhận được điều tốt; nếu bạn từ bỏ tính cách xấu xa thì bạn cũng sẽ được điều tốt. Khi buông bỏ được những lo lắng, buồn phiền, vô minh, ảo tưởng, tự nhiên chúng ta sẽ có được một cảnh giới mới của cuộc sống.
Đại sư Tinh Vân (星云大师) –
Thanh Như dịch (ĐSHĐ-128)
- Ni Câu Đà Thụ (尼拘陀树): Còn gọi Ni Câu Lũ Đà (尼拘屡陀), Ni Câu Luật (尼拘律), Ni Câu Lô Đà, Ni Cù Đà v.v…, dịch là Vô Tiết, Tung Quảng, Đa Căn. Nó có hình dạng giống như cây đa, sinh sản ở Ấn Độ, Tích Lan…, cây cao từ mười đến mười lăm mét, lá hình bầu dục thuôn dài với đầu nhọn. Rễ rủ xuống từ cành tiếp xúc với không khí, khi chạm tới mặt đất thì rễ phục sinh; cành và lá xum xuê, phát tán tứ phía, nhưng hạt rất nhỏ, cho nên, kinh điển Phật giáo thường dùng để thí dụ từ nhân nhỏ mà nhận được quả báo lớn.
- Ngưỡng thiên thổ thóa, thóa bất chí thiên, hoàn đọa kỷ diện; nghịch phong dương trần, trần bất chí bỉ, hoàn bộn kỷ thân (仰天吐唾,唾不至天,还堕己面;逆风扬尘,尘不至彼,还坌己身)
- Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (先天下之忧而忧,后天下之乐而乐). “Nhạc Dương Lâu Ký” Phạm Trọng Yêm (范仲淹《岳阳楼记》).