Cây vối còn gọi là cây lá vối, thường được trồng hoặc mọc tự nhiên, phổ biến ở vùng thôn quê. Trong lá vối có: tanin, một số chất khoáng, vitamin và khoảng 4% tinh dầu với mùi thơm dễ chịu, có một chất kháng sinh diệt được nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Các bộ phận khác chứa sterol, chất béo… Trong Đông y, lá vối có vị đắng, tính mát, cực ít độc, uống giải nhiệt, thanh độc cơ thể, lợi gan, lợi tiểu. Đặc biệt, nước lá vối có khả năng kháng khuẩn, diệt khuẩn, chống viêm hiệu quả. Sau đây là một số công dụng và bài thuốc chữa bệnh từ nước lá vối:
1. Hỗ trợ điều trị gout
Bệnh nhân gout là do ăn uống nhiều chất béo ngọt, ứ đọng nhiều chất uric; mặt khác do hệ thống tiêu hóa và thận bài tiết đào thải không tốt dẫn đến uric ứ đọng ở các khớp gây nên tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau khớp. Lá và nụ vối có công dụng giúp tiêu hóa thức ăn, nhất là thức ăn có nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu, tiêu độc.

2. Nụ vối có tác dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường, máu nhiễm mỡ
Các hợp chất flavonoid có trong nụ vối rất hiệu quả trong việc hỗ trợ phòng và điều trị bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh tiểu đường nếu uống trà nụ vối thường xuyên sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm mỡ máu, chống oxy hóa tế bào, phòng ngừa đục thủy tinh thể ở người bệnh tiểu đường và giúp tăng chuyển hóa cơ bản.
Công thức dùng cho bệnh mỡ máu: Nụ vối 15 – 20g, hãm lấy nước uống thay trà trong ngày hoặc nấu thành nước đặc chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống thường xuyên mới hiệu nghiệm.
3. Chữa bỏng bằng vỏ cây vối
Khi bị bỏng, lấy vỏ cây vối cạo bỏ phần vỏ thô ở ngoài, sau đó rửa sạch, giã nát, hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước, bôi lên khắp chỗ bỏng. Thuốc sẽ làm giảm tiết dịch, hết phồng, dịu đau, hạn chế sự phát triển của vi trùng.
4. Lá vối hỗ trợ chữa lở ngứa, chốc đầu
Lá vối vừa đủ, nấu kỹ, lấy nước để tắm, rửa nơi lở ngứa và gội đầu.
5. Rễ vối chữa viêm gan, vàng da
Dùng 200g rễ vối sắc uống mỗi ngày.
6. Lá vối hỗ trợ chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng âm ỉ, thường xuyên đi phân sống
Lấy 200g lá vối tươi, vò nát, dùng 2 lít nước sôi, ngâm trong 1 giờ để uống thay nước.
Hỗ trợ trị đau bụng đi ngoài, phân sống: Lá vối 3 lá, vỏ ổi 8g, núm quả chuối tiêu 10g. Cùng thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước, còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 – 3 ngày.
7. Tác dụng của lá vối với bà bầu
Các bà bầu uống nước lá vối ngay từ đầu thai kỳ sẽ giúp tăng cường chức năng tuyến sữa, đảm bảo thể chất khi sinh. Đồng thời, hãm nước lá vối tươi cho bà bầu uống hàng ngày sẽ giúp bà bầu hấp thụ dinh dưỡng và tiêu hóa tốt hơn. Đồng thời lá vối cũng kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng và giúp cho bà bầu ngủ ngon hơn. Đặc biệt, nước vối sẽ giúp đánh tan mỡ bụng, giúp nhanh săn bụng sau sinh.
Cách sử dụng lá vối
Lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nụ vối cũng được đun trong nước đến khi sôi hoặc hãm trong nước sôi như cách hãm trà xanh.
Lưu ý khi sử dụng lá vối tươi để uống
– Uống nước lá vối mang lại nhiều lợi ích đáng kể, tuy nhiên nếu quá lạm dụng sẽ khiến phản tác dụng và gây ra tác hại với cơ thể. Lưu ý khi sử dụng nước lá vối, những người huyết áp thấp tuyệt đối không uống nước lá vối khi đang đói. Còn với những người huyết áp cao hoặc bệnh tim mạch, nước lá vối sẽ giúp ổn định huyết áp.
– Lá vối tươi dùng để điều trị tốt hơn lá vối khô hoặc đã ủ.
– Những người gầy, yếu ớt hoặc sức đề kháng kém, tuyệt đối không nên sử dụng nước lá vối.
– Không nên uống lá vối nhiều, chỉ nên uống 1 ấm hoặc 1 ly nước 200-250ml nước/ngày. Không nên uống thay nước lọc, dễ ảnh hưởng đến hệ bài tiết nước tiểu.
– Không nên uống nước lá vối pha quá đặc, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dễ gây tăng nhu động ruột. Bên cạnh đó còn gây mệt mỏi, choáng váng, khó chịu…
Để đạt được hiệu quả cao khi sử dụng nước lá vối, chúng ta nên kết hợp ăn uống đầy đủ, rèn luyện thể chất và đặc biệt là nắm rõ được tình trạng sức khỏe của mình để sử dụng cho phù hợp nhất.
Mộng Thường (ĐSHĐ-102)