Bố đỗ xe bên lề đường, Dung nhảy xuống, chạy vào quầy mua báo. Dung thấy Hạnh bạn học cùng lớp trong bộ đồ nhếch nhác, tay cầm xấp vé số, lỉnh nhanh? Dung định gọi, nhưng ngại bố chờ và cũng ghét mấy “thằng ranh” bán vé số ở đây. Nhiều lần chúng mời dai bố, bố không mua, chúng vẫn lằng nhằng bu quanh và ngoác những cái miệng ám bẩn, nhao nhao: “Vé số… đây, vé sô… ôô… số… đây… “, có đứa lấy tiếp vé cặp mười nhét vào tay bố. Dung biết tính bố không thích cầu may, làm gì cũng chắc chắn, chẳng mấy khi mua vé số. Ra xe, Dung còn thấy Hạnh nấp vào bọn bán vé số túm tụm đánh bài sau quầy báo. Dung thương bạn, hèn gì dạo này Hạnh học sụt! Dắt xe vào nhà, bố quay lui:
– Có chuyện gì con gái buồn vậy?
Dung giật mình bởi sự quan sát tinh tế của bố. Nhưng Dung lại hỏi:
– Sao bố biết?
Vẫn giọng ấm áp:
– Thấy con gái bố không vui như mọi ngày.
– Bạn lớp con đi bán vé số.
Bố Dung cười:
– Chuyện… không đâu. Con gái không nên đa sầu đa cảm. Bố nghe con làm tổ trưởng Tổ từ thiện, sao không tìm cách giúp bạn đi.
– Đúng rồi! Lúc nào rỗi, bố chở con đến nhà bạn Hạnh thử xem, bố nhé.
Qua đỗi đường ra ngoại ô, vào con hẻm xuyên giữa xóm nhà lao động và hai lần hỏi thăm, cha con Dung tìm ra căn nhà còn lám nhám chưa tô trét, bên trên sùm sụp mái tôn cũ, đôi tấm gỉ loang lỗ, đó là nhà ông bà nội của Hạnh. Bố con Dung gặp một người đàn bà ngoài năm mươi tuổi, mặt sạm nhăn vì tuổi tác. Bố Dung hỏi:
– Trò Hạnh có nhà không bác?
Nội Hạnh ngỡ ngàng lo sợ:
– Nó phá tán chi ở trường hả thầy?
Dung hớt lời:
– Không bà ạ. Cháu và bố cháu đi ngang tiện đường ghé thăm trò Hạnh.
– Thằng Hạnh đi học chưa về.
Dung thật thà:
– Buổi chiều lớp chúng cháu nghỉ bà ạ. Cháu thấy trò Hạnh đi bán vé số.
Bà nội Hạnh ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu đối diện với Dung:
– Nó nói dối tui là nó đi học cả ngày.
Mời bố con Dung uống nước. Nội Hạnh kể, cha mẹ Hạnh sang Lào làm ăn, gửi Hạnh cho ông bà nuôi hồi Hạnh lên sáu. Mấy năm đầu cha mẹ Hạnh cũng gửi tiền cho bà nuôi Hạnh. Không ngờ, cha Hạnh lâm bạo bịnh qua đời. Mẹ Hạnh đi lấy chồng. Không biết vì làm ăn lụn bại, hay lâm vào vòng lao lý, bà không nhận bất cứ thư từ, tiền bạc gì từ mẹ của Hạnh gửi về cho Hạnh. Ông bà đành cáng đáng nuôi cháu nội ăn học từ ấy. Nhiều lần, Hạnh thấy ông nội gò người đẩy xe xích lô chở khách lên dốc, Hạnh xin bà cho Hạnh đi bán vé số giúp ông đỡ rạc chân, lao lực. Bà lại lo Hạnh ham làm tiền nghỉ học…
Nghe nội Hạnh tâm sự Dung nao nao trong lòng… Tổ từ thiện là một nhóm bạn lớp 5/1 của Dung. Tổ thường tổ chức đi quyên góp các bạn thuộc diện gia đình khá giả trong toàn trường và nhịn quà vặt dồn vào con heo đất. Mỗi quý ba tháng, tổ đập con lợn đất, tìm những bạn nào lâm cảnh túng quẫn hoặc đau ốm phải nằm viện, đưa tiền, quà đến tặng bạn. Hôm sau đến lớp, Dung bàn với các thành viên trong tổ:
– Hôm qua mình đến nhà trò Hạnh, mình thấy nhà Hạnh nghèo lắm, buổi chiều Hạnh phải lang thang đi bán vé số giúp ông bà nội. Mình đề nghị quý này đập con heo đất tặng trò Hạnh các bạn nhé.
Lan chu miệng:
– Thôi đi! Hạnh chuyên ném sỏi vào Lan, mỗi khi Lan lên chỉ huy Liên đội sinh hoạt,…
Dung lấy ngón tay trỏ đưa ngang miệng:
– Y… không được mắng bạn! Dung nghĩ đó là việc khác. Tổ mình là Tổ từ thiện mà Lan.
Lan vùng vằng:
– Hắn thường quanh quẩn bên bàn bi da đó Dung.
Hiên đứng lắng nghe hồi lâu, giờ mới góp ý:
– Cũng có thể bạn Hạnh đến chỗ người lớn chơi bi da để bán vé số. Ở đó, anh của Hiên nói mấy người chơi bi da cá độ, “chơi một cơ ăn thua một xị, một chai” Một xị là một trăm, một chai là một triệu đồng. Người thắng độ, nhiều khi nổi hứng mua cả xấp vé số Lan à.
Nghe bạn Hiên nói thế, Lan vẫn chưa hết thành kiến với Hạnh, ngoe ngoảy bỏ vào lớp ngồi chống cằm nhìn cả tổ quyết định. Dù vậy, hôm Dung, Thanh, Trân và Hiên đến nhà Hạnh, Lan đòi theo. Tổ từ thiện đã hẹn với Hạnh. Hạnh băn khoăn:
– Có việc chi nói đại ra đây khỏe không?
Dung nói:
– Bí mật, chiều bọn mình đến nhà bạn biết ngay mà.
– Ôi, quan trọng. Tối sáu, bảy giờ Hạnh mới về đó nghe.
– Chắc chắn là mấy?
– Đúng mười tám giờ ba mươi, được chưa?
– O k.
Hạnh đón Tổ từ thiện trong bộ đồng phục đi học ở trường, trông cũng tươm tất, không luộm thuộm như lúc cầm vé số đi bán mà Dung đã gặp. Dung đại diện Tổ tặng Hạnh một phong bao, trong đấy dày xấp tiền lẻ gồm 482.000 đồng. Dung ấp úng mãi mới nói:
– Tổ từ thiện biết hoàn cảnh của Hạnh nên quyết định tặng Hạnh toàn bộ số tiền quyên được trong quý vừa rồi. Chút quà mọn và những tấm lòng thơm thảo của bạn bè trân trọng gửi đến Hạnh. Nếu được, Tổ mong Hạnh nghỉ bán vé số qua kỳ thi vượt cấp rồi hẵn hay. Bố Dung nói: “Trẻ em đi bán vé số không chỉ học kém mà còn bị nhiễm những thói hư tật xấu của người lớn. Uỷ ban thành phố đang tính phối hợp với các Uỷ ban các phường xã, các tổ chức từ thiện và gia đình có trẻ em đi bán vé số, tổ chức cấp kinh phí dạy nghề, dạy chữ cho trẻ em, để các em không đi bán vé số. Phấn đấu cuối năm trên đường phố không còn trẻ em lang thang bán vé số nữa. Đi bán vé số được lợi trước mắt mà không thấy cái hại về lâu, về dài.”. Đó, Hạnh thấy không? Hạnh có đồng ý nghỉ đi bán vé số không nào?
Hạnh đứng đực mặt ra một lát rồi mới lớm dớm nước mắt và rụt rè hiếm có, đưa tay nhận phong bì từ tay Dung. Bà nội Hạnh đứng bên các bạn Hạnh tự lúc nào, bà cũng lem nhem nước mắt:
– Cháu có nghe bạn cháu nói không. Cháu nghỉ bán vé số nhé. Ông cháu có lao động mới ăn ngon cơm, sống mới thọ cháu ạ. Cháu cứ lo học cho giỏi là trả hiếu cho ông bà rồi. Đâu cần phải đi bán vé số cháu nà. Lúc này Hạnh mới bật khóc và chạy vội ra sau. Dung, Thanh, Hiên, Trân đứng lặng. Riêng Lan lại thút thít. Có lẽ Lan đã tha thứ cho Hạnh tội ném sỏi vào Lan mỗi khi Lan…
Nguyễn Vinh Nguyên Hiển (ĐSHĐ-006)