Nói đến quá trình phát triển của Phật giáo là nói đến sự tương tác giữa Phật giáo với tư tưởng, văn hóa, phong tục tập quán… Sự tiếp biến Phật giáo về mặt thời gian, không gian, có thể xem là yếu tố quan trọng góp phần thách thức Phật giáo trước con người và thời đại. Với sự phát triển đa chiều, đa bình diện, Phật giáo vẫn tồn tại, đứng vững trước nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử. Sở dĩ Phật giáo có thể tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay là nhờ vào triết lý Duyên sinh vô ngã vốn không có ở bất kỳ một nền văn hóa giáo dục nào được thiết lập theo hướng tư duy hữu ngã trước đó. Nghĩa là đạo Phật chủ trương tùy theo căn cơ, tùy theo trình độ của từng đối tượng, tùy theo từng lúc, từng thời mà có phương thức, kỹ năng trao truyền giáo pháp thích ứng.
Thời đại ngày nay, xã hội công bằng – thế giới văn minh. Con người phát triển, Phật giáo phát triển. Thời đại bình quyền, nam nữ bình đẳng trên mọi phương diện. Nếu như thời Đức Phật, thân phận người phụ nữ thấp kém, không có địa vị xã hội, không nghề nghiệp, quanh năm chỉ biết việc bếp núc và chăm sóc gia đình thì ngày nay, phụ nữ nói chung, những người con gái Đức Phật nói riêng có đủ năng lực độc lập trong công việc cũng như trong cuộc sống tu tập. Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu Bát Kỉnh Pháp có còn phù hợp với thời đại nay hay không? Có nhiều cách nhìn khác nhau về Bát Kỉnh Pháp. Ở bài viết này, chúng ta chỉ tìm hiểu Bát Kỉnh Pháp qua góc nhìn của trí tuệ Bát nhã.
1. Lợi ích của việc thọ trì Bát Kỉnh Pháp
Trong Kinh Xà Dụ, Đức Phật nói người biết cách sử dụng pháp giống như người biết cách bắt rắn; phải biết quán sát bằng trí tuệ1. Bát Kỉnh Pháp cũng vậy. Đức Phật khi đồng ý cho thành lập Ni đoàn đã đưa ra điều kiện phải tuân thủ Bát Kỉnh Pháp. Theo Kinh Tương Ưng thì nguyên do là Đức Phật thấy được căn tánh gốc rễ khổ đau của người nữ: “‚Này các Tỳ-kheo, người đàn bà, vào buổi sáng, ở nhà với tâm bị xan tham ám ảnh, vào buổi trưa, ở nhà với tâm bị tật đố ám ảnh, vào buổi chiều, ở nhà với tâm bị dục tham (kàmaràgam) ám ảnh. Này các Tỳ-kheo, đầy đủ ba pháp này, người đàn bà phần lớn sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”2. Với căn tánh của người nữ như vậy, Bát Kỉnh Pháp sẽ là liều thuốc diệt trừ”tâm bị xan tham, tâm bị tật đố, tâm bị tham dục”.
Vì sao điều đầu tiên của Bát Kỉnh Pháp quy định: “Tỳ-kheo-ni dầu trăm tuổi hạ, thấy vị Tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải đứng tiếp đón, lễ bái và trải tòa mời Tỳ-kheo ngồi‛? Bởi vì Niết-bàn không dung chứa ngã chấp. Nên biết rằng, hễ hữu ngã là luân hồi mà vô ngã là Niết-bàn. Người Ni nên thọ trì Bát Kỉnh Pháp là để diệt đi bản ngã, nhờ vậy mà bát Niết-bàn.
2. Góc nhìn của trí tuệ Bát nhã về Bát Kỉnh Pháp
Trí tuệ “có đặc tính thâm nhập Chính pháp y như là Chính pháp, nó có tác dụng tiêu trừ bóng tối vô minh vốn bao phủ bản chất của pháp. Nó tự biểu hiện không bị lừa dối. Bởi có câu: Người nào tập trung thì biết, thấy điều chính nó như thật là gì”3. Như vậy, trí tuệ là mục tiêu mà mọi hành giả đều hướng đến.
Đạo Phật là một con đường thực nghiệm. Mỗi người phải tự đi bằng chính sự tu tập của mình, tự rút ra kinh nghiệm cá nhân, chỉ có giá trị cho chính mình, như lời Như Lai nói: “Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là bậc dẫn đường. Thực hành thiền định cho thường. Thoát vòng kiềm tỏa Ma vương buộc ràng”4. Đức Phật nói, Ngài chỉ là người dẫn đường. Ngài đã đưa ra rất nhiều phương pháp tu tập. Do vậy, ai muốn có trí tuệ thì phải tu tập thiền định và Đức Phật là một minh chứng xác thực. Có rất nhiều pháp môn, tùy theo căn cơ của mỗi người mà tự chọn cho mình pháp môn để hành trì, nhưng cho dù phương pháp nào thì mục đích cuối cùng vẫn là đạt được”trí tuệ” giải thoát. Dù là người xuất gia mà chưa đạt được trí tuệ thì vẫn khổ như thường và cũng không nhận diện được đúng bản chất Bát Kỉnh Pháp. Như vậy, xuyên suốt quá trình tu học, trí tuệ đóng vai trò quan trọng. Trí tuệ là ngọn đuốc soi sáng cho hành giả trên lộ trình tìm cầu giải thoát.
Đại thừa Phật giáo lấy “Trí tuệ Bát nhã” để thâm nhập vào triết lý uyên thâm, sâu thẳm của Tánh không. “Tánh không” hàm ý rằng vạn vật đều không thật có, không có thực thể, không có tự tánh riêng, tất cả các pháp dù là vật chất hay tinh thần cũng chỉ là nhân duyên giả hợp.
Như đã đề cập, để thấu đạt được Tánh không, cần phải có trí tuệ. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật dạy chư Bồ-tát”Duy tuệ thị nghiệp”, nghĩa là lấy việc đạt đến tuệ giác làm sự nghiệp đích thực của đời mình, chỉ có trí tuệ (Pana) mới là phương tiện duy nhất đưa chúng sanh đến bờ giải thoát Niết-bàn. Do vậy, trí tuệ chiếm vị trí then chốt trong lời dạy của Đức Phật. Bồ-tát Quán Tự Tại đạt trí tuệ, sau khi hiểu được thực tướng của ngũ uẩn là “Không” thì vượt thoát khổ ách, chứng đắc giải thoát.
Đến đây chúng ta thấy, Bát Kỉnh Pháp qua góc nhìn của trí tuệ Bát nhã vượt thoát nhị nguyên, Bát Kỉnh Pháp không thể nào hiểu thấu bằng lý luận. Muốn hiểu Bát Kỉnh Pháp của Đức Phật, cần phải hiểu hai khía cạnh của sự thật tương đối và sự thật tuyệt đối. Sự thật tuyệt đối là”Tánh không”, là cái không thể nghĩ bàn, không thể nắm bắt bằng những khả năng thông thường của tri thức, mà chỉ thấu hiểu được bằng trực giác, thực nghiệm. Đại thừa tư tưởng luận đã khẳng định tầm quan trọng của giáo lý Bát nhã: “Tất cả kinh giáo đều ẩn tàng diệu lý Bát nhã. Tất cả chư Phật đều nhân viên thành Diệu Trí Bát nhã nơi đời mà chứng thành Phật đạo. Cho nên, nói Bát nhã là mẹ chư Phật”4. Mọi sự vật, sự việc đều quy về Tánh không, mọi thứ đều trở về không. Bởi vì tuyệt đỉnh cuối cùng trong Bát nhã tâm kinh là”Vô trí diệc vô đắc”, nghĩa là không có trí tuệ mà cũng không có chứng đắc. Trí tuệ Bát nhã đạt được khi và chỉ khi tâm chúng ta không còn bất kỳ khái niệm nào, cho dù đó là thiện, hễ còn khái niệm thì còn dính mắc, đây chính là đỉnh điểm của trí tuệ Bát nhã. Với những vị hành giả đã chứng đắc, đã đạt được trí tuệ Bát nhã thì đối với Bát Kỉnh Pháp, có thực hành hay không đều không vướng mắc, tự do tự tại giống như bốn câu thơ của thiền sư Minh Châu Hương Hải.
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô lưu tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm5.
Như vậy, đối với những người con gái Đức Phật thời nay, cần lãnh thọ và thực h|nh đúng theo Bát Kỉnh Pháp cho đến khi đạt được trí tuệ Bát nhã, đạt được giác ngộ. Khi đó, chúng ta sẽ xem Bát Kỉnh Pháp như là chiếc bè để qua sông, không còn dính mắc. Lúc này, tự nhiên chúng ta cảm nhận được thực tướng của Bát Kỉnh Pháp giống như lời Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang:”Ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả” (Pháp ta nói ra dụ như chiếc bè)
3. Ni trẻ góp phần bảo vệ Bát Kỉnh Pháp
Ngày nay, chúng con – những người có đầy đủ phước duyên được thừa hưởng gia tài vô giá từ Đức Thế Tôn, thừa hưởng Bát Kỉnh Pháp, xem Bát Kỉnh Pháp như đồ trang sức, liều thuốc trị bệnh dành riêng cho Ni giới. Bát Kỉnh Pháp đã được Kiều Đàm Di mẫu trân trọng, cung kính lãnh nạp thọ trì. Hàng hậu học chúng con nguyện tiếp bước hạnh nguyện của Tổ Ni, tiếp bước chí nguyện người xuất gia vượt tới phương trời cao rộng, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng con gái của Đức Phật, không ngoài mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi.
Để làm tròn trách nhiệm giữ gìn và phát triển Phật pháp, trước tiên, chúng ta cần tu tập và học thật nhiều. Ni trẻ ngày nay có đủ duyên lành được đến trường học cùng với chư Tăng, đôi khi còn xem chư Tăng như bạn cùng lớp, học giỏi hơn chư Tăng một ít lại sanh tâm ngã mạn, thiếu tôn trọng. Những hành động, thái độ đó sẽ làm hẹp dần con đường vào Niết-bàn của chúng ta. Vì thế, với chư Ni trẻ, việc hành trì Bát Kỉnh Pháp là cần thiết. Nếu kính trọng chư Tăng như người anh, người cha, người chú, người ông thì chúng ta sẽ không sanh tâm ngã mạn, cũng không sanh tâm yêu mến chiếm hữu. Ngược lại, chúng ta còn nhận được sự bảo vệ từ chư Tăng. Mỗi người Ni trẻ tự thân hành trì Bát Kỉnh Pháp là góp phần trang nghiêm Ni đoàn nói riêng, Phật giáo nói chung.
Hằng năm, ngày mùng 8 tháng Hai âm lịch trở thành ngày truyền thống của Ni giới tưởng niệm Kiều Đàm Di mẫu. Đây là dịp để Ni giới ngồi với nhau, ôn lại những hạnh nguyện của Tổ Ni. Thiết nghĩ, đó cũng là hành động duy trì và bảo vệ Bát Kỉnh Pháp.
Kết luận
Mỗi hành giả cần phải nỗ lực trong quá trình tu học để đạt được trí tuệ vì trí tuệ là phương tiện cứu cánh trên con đường giác ngộ giải thoát. Trí tuệ giúp chúng ta nhìn thực tướng mọi sự vật đều là vô thường, khổ, vô ngã. Có trí tuệ giúp chúng ta chọn hướng đi đúng cho mình trên lộ trình tìm cầu giải thoát. Trí tuệ là chìa khóa mở kho tàng giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Là con gái dòng họ Thích, chúng ta hãy cố gắng tinh tấn tu tập để đạt được trí tuệ. Trí tuệ sẽ giúp chúng ta nhận diện được diệu ý ẩn tàng trong Bát Kỉnh Pháp, khi đó chúng ta sẽ không còn thấy bị áp đặt hay hạn chế từ Bát Kỉnh Pháp. Ngược lại, chúng ta nhìn thấy cái hay, cái tốt của Bát Kỉnh Pháp. Khi hiểu rồi, tự nhiên chúng ta sẽ trân quý Bát Kỉnh Pháp như Kiều Đàm Di mẫu trân quý.
Là một người Ni trẻ trong thời hiện đại, chúng con nguyện ba nghiệp tinh tấn tu tập theo lời Phật dạy, theo gót chân Kiều Đàm Di mẫu, thọ trì trọn đời Bát Kỉnh Pháp, tự trang nghiêm bản thân, góp phần trang nghiêm Phật giáo.
ThS. Thích nữ Diệu Tâm
- HT. Thích Minh Châu (Dịch, 2016), Kinh Trung bộ, tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.177.
- HT. Thích Minh Châu (Dịch, 2016), Kinh Tương Ưng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.304.
- Thích Quảng Độ (Dịch, 2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.91.
- HT. Thích Minh Châu (Dịch, 2014), Kinh Pháp cú, Kệ 276, Công ty Cổ phần Văn hóa thiện tri thức xuất bản.
- Thích Huệ Đăng (2011), Đại thừa tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.158.
- Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.33.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. HT. Thích Minh Châu (Dịch, 2014), Kinh Pháp Cú, Kệ 276, Công ty Cổ phần Văn hóa thiện tri thức xuất bản.
2. HT. Thích Minh Châu (Dịch, 2016), Kinh Trung Bộ, tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. HT. Thích Minh Châu (Dịch, 2016), Kinh Tương Ưng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Thích Huệ Đăng (2011), Đại thừa tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Thích Quảng Độ (Dịch, 2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.