“Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn. Tam thế, chư Phật y Bát-nhã ba-la mật đa cố đắc A-nậu-đa-la tam niệu tam Bồ đề.” “Vì không có chỗ được, nên Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết-bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát-nhã Ba-la mật- đa, được đạo quả Vô thượng, Chánh đẳng Chánh giác”.
Ở đây, Phật nhấn mạnh ngộ (đắc) mà không thấy mình ngộ mới thật là chân ngộ, Bồ-tát mà không thấy mình là Bồ-tát mới thật chân Bồ-tát. Vì sao? Vì đã sạch ngã, ngã sở; đã thật sự tự tại giữa vô thường. Và chính vì chân Bồ-tát nên luôn được Bát-nhã soi chiếu, thấy năm uẩn đều không, nên thoát ly được mọi khổ đau, tai ách. Đã thoát ly được mọi khổ đau, tai ách thì đâu có gì ngăn ngại, đâu có gì sợ hãi, đâu có gì điên đảo mộng tưởng? Cho nên, đạt đến cứu cánh Niết-bàn, là chỗ an lạc tuyệt đối.
Nói một cách khác, sống được với trí Bát-nhã là đã thành Bồ-tát, thành Phật, vĩnh viễn ra khỏi bể khổ, sông mê. Chư Phật trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) cũng đều từ Bát-nhã này mà thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế, kinh nói: “Bát-nhã ba-la mật là mẹ của chư Phật” và “Pháp Ma ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa là tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, không trụ vào chỗ nào, không qua cũng không lại, tất cả chư Phật ba đời đều từ trong pháp ấy mà ra”. (Kinh PBĐ, HT. Tuyên Hóa tr.155).
“Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị Đại thần chú, thị Đại minh chú, thị Vô thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thật bất hư”. “Nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa là Đại thần chú, là Đại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú hay trừ được hết thảy khổ, chơn thật không dối.”
Thông qua lăng kính Bát-nhã, Bồ-tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều không liền vượt qua hết thảy khổ ách. Chúng ta, những người phàm phu, nếu biết sử dụng lăng kính Bát-nhã này để soi năm uẩn, chắc chắn sẽ thấy năm uẩn đều không, cũng liền được thoát ly mọi khổ đau tai ách. Như vậy, đứng trên góc độ thần lực, Bát-nhã ba-la-mật-đa quả là Đại thần chú, vượt ra xa mọi đại thần chú khác của ngoại đạo.
Không những thế Bát-nhã ba-la-mật-đa còn soi sáng cho hành giả đột phá tận gốc mười kiết sử gồm: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, cho đến 88 kiến hoặc là sai lầm do mê lý mà ra, 81 tư hoặc là thứ mê lầm trong đó tham, sân, si, mạn là bốn độn sử ăn sâu gốc rễ trong ta từ vạn thuở… và trần sa hoặc (là thứ mê lầm vi tế), vô minh hoặc (là thứ mê lầm do không rõ được bản chất chơn tâm, không thoát ly khỏi vòng sanh sanh tử tử) đã bám theo ta như bóng theo hình. Tóm lại, ánh sáng Bát-nhã quét sạch bóng tối vô minh một cách triệt để. Qua đó hành giả viễn ly sanh tử đạt đến cứu cánh Niết-bàn tối hậu gọi là Đại minh chú.
Hành giả nếu mặc được chiếc áo giáp Bát-nhã vào mình, nhất định đi đến đâu mọi lằn tên ngũ dục; mọi mũi đạn lục trần, thất tình, lục dục; mọi miểng bom bát phong, tham ái, chấp thủ, chấp ngã, ngã sở v.v… phóng tới đều vô hiệu lực. Khi gươm báu Bát-nhã cầm được trên tay, hành giả đi tới đâu nhất định bọn ma quân đều kinh hãi và đầu hàng vô điều kiện. Mọi chướng ngại, phân biệt nhị nguyên, đảo điên, mộng tưởng, khổ đau, tai ách đều chấm dứt. Hành giả tự tại vô ngại giữa vô thường, gọi là Vô thượng chú. “Pháp Ma Ba Bát-nhã Ba-La-Mật-Đa đã là tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, không trụ vào chỗ nào, không qua cũng không lại, tất cả chư Phật ba đời đều từ trong pháp ấy mà ra” thì còn gì để so sánh nữa nên gọi là Vô đẳng đẳng chú (Kinh PBĐ, HT.Tuyên Hóa tr.155 ).
Nước Ấn Độ thời bấy giờ có thể nói là một nước rất phong phú, đa dạng về tư tưởng triết học và tín ngưỡng tôn giáo. Cho nên, các thần chú của ngoại đạo, nhằm diệt trừ mọi khổ đau, tai ách cũng rất linh nghiệm và dồi dào. Tuy nhiên, không một thứ chú nào có thể sánh được với Bát-nhã Tâm kinh, ở cái chỗ không thể vượt khỏi quỹ đạo trầm luân sanh tử. Do đó, Bát-nhã Tâm kinh được tôn vinh là Đại thần chú, Đại minh chú, Vô thượng chú, Vô đẳng đẳng chú là điều tất yếu. Phải nói rằng Bát-nhã tâm kinh là một bài pháp thoại hết sức súc tích, tuyệt vời. Nếu đem ứng dụng tu tập thì công lực của nó vô cùng vô tận trong việc năng trừ mọi đảo điên sanh tử, đạt đến cứu cánh Niết-bàn vô thượng. Chư Phật trong ba đời đều từ kinh này mà thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đây là sự thật, một sự thật 100%, không hề có chuyện hư dối.
“Cố thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha”. “Vì vậy, nói chú Bát-nhã ba- la- mật- đa, liền nói chú rằng:”Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.
Bài chú này có công năng như một lời thúc giục khẩn trương, nhằm đẩy mạnh tinh thần vươn tới thật cao đối với đỉnh điểm giải thoát giác ngộ. Sự khẩn cấp này còn cấp thiết hơn cả “cần tu như lửa cháy đầu” mà bài chú đã nói lên toàn bộ ý nghĩa của nó:
“ Qua mau! Qua mau!
Hãy qua mau!
Phải cố gắng qua mau!
Qua cho đến bờ giác bên kia!”
III. Kết luận
Tóm lại, bài pháp thoại Bát-nhã tâm kinh tuy ngắn, nhưng diệu lý của nó quá sâu sắc và tuyệt vời. Hành giả qua đây ứng dụng tu tập sẽ có kết quả nhất định. Toàn bộ kinh văn là sự quán triệt xuyên suốt giữa các hệ tư tưởng giáo lý Nguyên thủy và Đại thừa, mà ở đó, ta thấy người hành trì có thể thâm nhập từng bước tiến triển trên con đường tâm linh đạt đến Niết- bàn tối hậu. Khởi đầu cho sự hành trì tu tập theo lý Bát-nhã tâm kinh là sự thâm nhập vào lý Tánh Không ở vạn pháp. Toàn bộ các pháp là duyên sinh, vô thường và không có tự ngã. Lẽ đương nhiên, chúng ta không chỉ nhìn nhận Tánh Không ở sự vật hiện tượng, bằng cách lặp đi lặp lại của ý thức, rằng đây là duyên khởi tánh không, đây là vô thường, vô ngã v.v… Kết quả tu tập không đơn giản nằm ở sự hiểu biết vấn đề trên bình diện ý thức ấy. Hơn thế nữa, Tánh Không phải thật sự tỏ rạng khi mọi mê tình đều bặt dứt, tuệ giác hằng chiếu soi. Ý thức chỉ đóng vai trò giúp chúng ta nhận ra diệu lý và vững tin để tiến vào lĩnh vực hành trì hầu khai mở tuệ giác vô thượng.
Thế nên, trí tuệ Bát-nhã có được là nhờ ở sự tu hành thực tiễn, hầu thực chứng Tánh không của vạn pháp, thì chúng ta mới tự tại trước sanh tử vô thường. Bài kinh Bát-nhã chỉ ra con đường thực hành cho hành giả tu tập. Qua đó, với sự quán chiếu ngũ uẩn Tánh không để thấy rằng sự tu tập không ở đâu xa mà ngay nơi con người của chính mình, ngay đây là tiểu vũ trụ trong vô vàn vũ trụ bao la. Nếu thực chứng quy luật hình thành nên tiểu vũ trụ này thì mọi sự mọi vật đều sáng tỏ, đều được nhìn nhận dưới con mắt tuệ giác vô thượng. Và bấy giờ Tịnh độ đâu còn xa nữa, ngoài cái thế giới nội tâm của chính mình, của con người mình đang hiện hữu tại đây!.
Thích Nữ Như Cương (ĐSHĐ-014)
Tài liệu tham khảo: Trường Bộ Kinh I, Tương Ưng Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tạp A Hàm, kinh Pháp Cú (HT.T. Minh Châu dịch). Kinh Di Giáo (HT.T. Trí Quang dịch). Kinh Kim Cang Bát-nhã giảng giải, Luận Trung Quán, Thiền sư Trung Hoa. Thiền Sư Việt Nam (HT.T. Thanh Từ giảng). Cho đất nước đi lên (HT.T.Nhất Hạnh). TKBN qua cái nhìn Thiền Tông (TT.T.ThôngPhương). Kinh Thủ Lăng CS. Tâm Minh dịch.