Trong khuôn khổ chương trình thảo luận chuyên đề khóa huân tu từ ngày 13 – 22/12/2023 (01-10/1 Quý Mão) PL.2567, ngoài thời khóa tu tập, vào các buổi sáng của tuần có các chuyên đề tuần tự được triển khai gồm: Giáo giới, Giới luật Phật giáo, Nghi lễ Phật giáo, Thông tin – Truyền thông, Hiến chương GHPGVN, Quy chế hoạt động Ban Tăng sự T.Ư, Quản trị hành chánh, Nghiệp vụ hoằng pháp do chư Tôn đức T.Ư GHPGVN và GHPGVN TP.HCM phụ trách. Đây là cơ hội chư Tôn đức Tăng Ni lãnh đạo Phật giáo kết nối, chia sẻ kinh nghiệm làm việc với tinh thần hòa hợp, xây dựng Giáo hội Phật giáo phát triển, lan tỏa tinh thần từ bi và trí tuệ.
1. Giáo giới:
8 giờ sáng ngày 14/12/2023 (nhằm ngày 2/11/ năm Quý Mão) tại Việt Nam Quốc Tự, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã giáo giới đến chư Tăng Ni. Ngài tán thán nỗ lực của chư Tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP. Hồ Chí Minh, đã tổ chức khóa huân tu tập trung. Bên cạnh đó nhắc nhở quý Tăng Ni cần nỗ lực giữ gìn các giá trị truyền thống như đức tu, sự chân thành, nỗ lực, tinh tấn trong quá trình học đạo, hành đạo và phụng sự. Ngài dạy đây là cơ hội để các vị Tăng Ni ngồi lại với nhau thảo luận và đưa ra những hướng đi nhằm khắc phục những khiếm khuyết, xây dựng một đoàn thể tu học vững vàng; đào tạo nên Tăng Ni có phẩm chất, đạo hạnh phụng sự Phật giáo.
2. Giới luật Phật giáo:
Do Hòa thượng Thích Minh Thông quang lâm triển khai chủ đề, khái quát về giới luật trong Phật giáo. Hòa thượng dành thời gian giải đáp thắc mắc đến chư Tăng Ni. Liên quan tới việc xin bỏ Bát Kỉnh Pháp của chư Ni, Trưởng lão Hòa thượng dạy đó là điều kiện để thành lập Ni đoàn, phủ nhận hay từ bỏ nó đồng nghĩa với việc phủ nhận sự hiện hữu của Ni đoàn. Cuối buổi giảng Hòa thượng nhắc nhở Tăng Ni một lần nữa về thực trạng của Phật giáo trong xu thế xã hội hiện nay, đệ tử Phật cần vận dụng theo hoàn cảnh văn hóa, xã hội nhưng không được xa rời giới luật.
3. Nghi lễ Phật giáo:
Ngày thứ ba Hòa thượng Thích Lệ Trang thuyết giảng Nghi lễ Phật giáo. Hòa thượng khái quát về sự hình thành và phát triển của nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong đời sống xã hội. Thầy lưu ý đến quý Tăng Ni cũng như các vị trụ trì ở các tự viện, tịnh thất… cần phải am tường về nghi lễ. Quan trọng hơn hết là hiểu biết một cách đúng đắn, chúng ta sẽ biết cách ứng dụng nghi lễ Phật giáo một cách thích hợp, vừa phản ánh được truyền thống, vừa ứng hợp với tinh thần của mọi thời đại.
4. Truyền thông với Phật giáo:
Chuyên đề này Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ những vấn nạn của truyền thông Phật giáo trong xã hội ngày nay vào ngày thứ tư. Thượng tọa lưu ý Tăng Ni cần phải nhận thức rõ về những nguyên nhân của các vấn đề mà các kênh truyền thông Phật giáo hiện và đang gặp phải trong khoảng thời gian gần đây, cũng như nguyên nhân phát sinh và phương hướng xử lý thích hợp. Thượng tọa gửi gắm thông điệp chúng ta nên chủ động chia sẻ lời kinh, pháp ngữ, thông tin Phật sự… đó là đang góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp.
5. Hiến chương GHPGVN:
Do Hòa thượng Thích Huệ Thông thuyết giảng ngày thứ năm. Hòa thượng cho biết Hiến chương được sửa đổi lần thứ VII tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vào cuối năm 2022 trên cơ sở kế thừa Hiến chương đầu tiên thông qua năm 1981. Hiến chương mới phù hợp với Hiến pháp, pháp luật nhà nước Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thực tiễn và tầm nhìn, định hướng cho tương lai hoạt động Phật sự của GHPGVN; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Tăng Ni cũng như tín đồ GHPGVN.
6. Quy chế hoạt động Ban Tăng sự T.Ư GHPGVN:
Do Hòa thượng Thích Thiện Thống thuyết giảng. Hòa thượng cho biết nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN tiếp thu, kế thừa Nội quy Ban Tăng sự T.Ư khóa VIII và có sự điều chỉnh một số vấn đề phát sinh để phù hợp với thực tế hiện nay.
Quy chế nhằm nâng cao nhận thức từng hành vi trên cơ sở kỷ cương và trách nhiệm; quy định rõ về trao quyền và nghĩa vụ của Tăng Ni; quy định hành vi của Tăng Ni được làm và không được làm gì; thủ tục giải quyết, điều kiện phát sinh, thay đổi; xác định được trách nhiệm của Ban Trị sự cấp tỉnh, cấp huyện; trách nhiệm và quyền hạn của Ban Quản trị tự viện. Cuối buổi Hòa thượng dành thời gian để giải đáp thắc mắc của Tăng Ni về các vấn đề thời gian quy định để thành lập Ban Quản trị.
7. Quản trị hành chánh:
Sáng 20/12 chư Tôn đức Văn phòng BTS GHPGVN TP đã chia sẻ chủ đề này đến với khóa huân tu. Thượng tọa Thích Thiện Quý giới thiệu tổng quan về cổng hành chánh điện tử, tính năng đăng ký tài khoản và làm hồ sơ trực tuyến, tải mẫu đơn; giải đáp các câu hỏi về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo.
Thượng tọa Thích Hải Đạt trình bày các thao tác sử dụng cổng hành chính điện tử, lỗi thường gặp khi đăng ký tài khoản và cho biết cổng hành chính điện tử đã hoàn thiện 41 biểu mẫu phục vụ cho công tác hành chánh; sắp tới văn phòng BTS sẽ ra mắt kho lưu trữ dữ liệu và truy xuất dữ liệu trên nền tảng chung Thư viện số của Phật giáo TP.HCM.
8. Nghiệp vụ hoằng pháp:
Trong ngày huân tu cuối cùng 21/12 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm chia sẻ về nghiệp vụ, vai trò của công tác hoằng pháp đến chư Tôn đức. Hòa thượng đưa ra 5 nguyên tắc hoằng pháp: thân tâm hoằng pháp, phương tiện hoằng pháp, đối tượng hoằng pháp, môi trường hoằng pháp, thời đại hoằng pháp. Hòa thượng cũng nhắn nhủ cần phải có ý thức trách nhiệm trong mọi việc làm, nhẫn nại và chịu khó trong các hoạt động Phật sự, từ đó mới có thể dùng mọi phương tiện đưa lời dạy Đức Phật đến với cộng đồng xã hội. Hòa thượng cũng dành thời gian trả lời các câu hỏi liên quan.
Sau chuyên đề “Nghiệp vụ hoằng pháp” Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã trao chứng nhận cho gần 600 chư Tôn đức hành giả, chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo TP, các ban chuyên ngành trực thuộc, chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo TP.Thủ Đức và 21 quận huyện TP. Hồ Chí Minh.
Khóa huân tu khép lại trong niềm an vui hỷ lạc.
Uyển Nhã (ĐSHĐ-Xuân Giáp Thìn)