Các yếu tố thúc đẩy sự ra đời của báo chí Phật giáo

1.1.1. Sự phổ biến của chữ Quốc ngữ, in ấn, làm giấy

Kể từ khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (1862), đời sống xã hội bắt đầu được phản ánh thông qua báo chí. Ở đó, “Chữ Quốc ngữ là sản phẩm đầu tiên trong sự giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và Văn hóa phương Tây” [12, tr.303]. Việc giới thiệu ngôn ngữ này còn nhằm mục đích “cắt đứt liền mạch văn hóa giữa thế hệ hiện tại với văn minh quá khứ song song với việc xóa bỏ sử dụng chữ Hán, chữ Nôm” [25].

Bên cạnh mở mang ‘đường dây thép’ (1862), Pháp còn thiết lập hệ thống báo chí để cai trị vùng đất mới với đa dạng ngôn ngữ. Trong đó, sự ra đời Gia Định báo (1865 – 1910) có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình nền móng cho báo chí Việt Nam giai đoạn phôi thai cũng như lịch sử khai sinh chữ Quốc ngữ, báo chí, văn xuôi Quốc ngữ [10, tr.7]. Ở đó, Trương Vĩnh Ký cũng từng đặt ra việc truyền bá, khuyến khích nhân dân học loại chữ này [1, tr.371]. Giới trí thức Nho học buổi đầu có thái độ cự tuyệt; sau đó tiếp thu có chọn lọc và bắt đầu truyền bá chữ Quốc ngữ ra khỏi phạm vi Công giáo [17, tr.200].

Nhờ đó, đầu thế kỷ XX có rất nhiều tờ báo ra đời như Nông Cổ Mín Đàm (1900), “Đăng Cổ Tùng Báo” (1907) của các nhà Duy tân trong Đông Kinh nghĩa thục; Lục Tỉnh Tân văn (1910), Nữ Giới Chung (1918). Trong đó, “sự ra đời của Đăng Cổ Tùng Báo là mốc khởi đầu cho cuộc cách mạng chữ viết ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” [17, tr.45]. Hai tờ Đông Dương tạp chí (1913) và Nam Phong tạp chí (1917) cũng đã góp phần không nhỏ trong việc phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Có thể nói: “Sự phát triển của báo chí giúp cho chữ Quốc ngữ thêm uyển chuyển, trơn tru và nhanh chóng được phổ biến trong đời sống nhân dân” [17, tr.44].

Ngoài ra, giai đoạn này còn có phong trào Duy Tân (1905) phát động học chữ Quốc ngữ; phong trào “Đông Kinh Nghĩa Thục (1907)“mở hàng trăm lớp dạy chữ Quốc ngữ cho hàng nghìn người” [23, tr. A], biên soạn hàng chục cuốn sách nội dung yêu nước. Có thể nói: “Chính trường Đông Kinh Nghĩa Thục là hồi chuông báo hiệu thời kỳ mới của chữ Quốc ngữ” [17, tr.41]. Các phong trào mở đường cho các hội truyền bá chữ Quốc ngữ (1938 – 1945) được nhân rộng về sau.

Thông qua báo chí và các phong trào, đầu thế kỷ XX “chữ Quốc ngữ đã được dùng như một công cụ giao tiếp thuận lợi trong xã hội Việt Nam” [3, tr.140]. Kế sách lấy chữ Quốc ngữ nhằm mục đích khai thác thuộc địa của Pháp đã vô tình trao cho người Việt một công cụ đấu tranh hữu hiệu chống nền thống trị của thực dân, phục vụ cho công cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Đồng thời biến nó thành phương tiện nâng cao dân trí, hiện đại hóa nền văn hóa của người Việt Nam. Nhờ vậy, thấy rõ hơn vị trí của ngôn ngữ này trong gần ba trăm năm chỉ được tồn tại trong Công giáo [3, tr.139].

Tuy nhiên, để chữ viết và báo chí Quốc ngữ được phổ cập, phát triển rầm rộ ở thế kỷ XX thì sự phát triển công nghệ in là điều kiện tất yếu. Chính sách khai hóa của thực dân thông qua các ấn phẩm thông tin, báo chí đã cho nhập khẩu phương tiện ấn loát hiện đại [5, tr.351]. Bấy giờ, các giáo sĩ Thừa sai đưa ngành in vào Việt Nam khá sớm, đánh dấu bước tiến về kỹ thuật in được du nhập vào Sài Gòn từ giữa thế kỷ XIX [22, tr.28] với một số nhà in mang tên Vĩnh Trị (1855), Kẻ Sở (1868), Thừa sai – Tân Định (1874)… Sự nâng cấp phương tiện kỹ thuật in ấn, làm giấy hiện đại bấy giờ đã thay thế kỹ thuật khắc ván, in kinh của gia đình Thiền sư Tín Học [21, tr.87]; kỹ thuật in kinh, khắc bản gỗ thời vua Trần Thái Tông [2, tr.322 – 323]; kỹ thuật in ấn trên tiền giấy thời Hồ Quý Ly [18, tr.189] hay kỹ thuật ấn loát, khắc bản học lõm từ Trung Hoa của Lương Nhữ Học dưới đời thời Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông [13, tr.442 – 485].

Nghề sản xuất giấy cũng được khai sáng; khẳng định bước tiến trong kỹ thuật làm giấy so với thời kỳ đầu “ở xã Yên Thái (tức làng Bưởi) trước 1435” [2, tr.322 – 323] hay thời chúa Trịnh Căn. Việc tiếp thu những khía cạnh tiến bộ về chữ viết, kỹ thuật in ấn, làm giấy… cũng có phần nào chứng tỏ khả năng của người Việt khi học hỏi, khai thác văn minh tân tiến của Pháp. Thay vì trước đó xem văn hóa phương Tây là “một thứ ngoại lai, khác lạ đến mức như “một cục bướu thừa” cắm trên cơ thể các dân tộc” [12, tr.294] thì bấy giờ lại thừa nhận: “Người Việt Nam cũng có thói quen chỉ chống chủ nghĩa thực dân chứ không chống văn hóa Pháp” [12, tr.293].

Riêng Phật giáo, sự thay đổi chữ viết đầu thế kỷ XX không những chấm dứt vai trò lịch sử nền khoa cử Nho học Việt Nam mà Phật giáo cũng đối mặt với những ảnh hưởng từ hệ thống giáo lý, kinh sách được biên soạn bằng chữ Hán. Công cuộc chuyển đổi ngôn ngữ buổi đầu đã khiến nhiều Tăng Ni, Phật tử từ thiếu học lại thêm thất học, không thể nắm bắt tường tận giáo lý. Chính vì thế, báo chí trở thành một trong những phương tiện đi đầu phục vụ cho công cuộc chấn hưng mà Phật giáo hướng tới.

Có thể nói, kể từ lúc bắt đầu cuộc vận động, nhiều tri thức Phật giáo đã đặt ra việc phổ biến chữ Quốc ngữ thông qua con đường báo chí. Sư Tâm Ứng khơi mở vấn đề bằng việc mua báo, Sư nào biết chữ Quốc ngữ thì đọc cho cả chùa nghe về việc chân hưng Phật giáo,… thậm chí không xem được cũng nên mua báo và cấp tốc mời thầy dạy chữ [6, tr.54 – 55]. Trong 7 điểm đề xuất của Sư Tâm Lai trên Khai Hóa nhật báo năm 1927 đã có đến 3 điểm liên quan đến việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Như vậy, báo chí nói chung và báo chí hật giáo nói riêng là phương tiện quan trọng để phổ biến và hoàn thiện chữ Quốc ngữ.

1.1.2. Kinh nghiệm truyền đạo

Ở đây chỉ cho kinh nghiệm chấn hưng Phật giáo một số nước trên thế giới và kinh nghiệm truyền đạo của một số tôn giáo bạn tại Việt Nam qua con đường báo chí.

Từ khi ngọn đuốc chấn hưng Phật giáo thổi bùng trên thế giới, một số Tăng sĩ tiêu biểu nhanh chóng nắm bắt tình hình, kinh nghiệm chấn hưng của Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong cách thức tổ chức đó, báo chí là công cụ, là phương tiện phục vụ đắc lực cho công cuộc vận động, canh tân Phật giáo. Tại Tích Lan, dưới sự lãnh đạo của Dharmapala; Hội Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Society) được thành lập năm 1891 – tại Colombo (sau dời về Calcutta, Ấn Độ). Hội cũng cho “thành lập tuần san “San – darasa” bằng tiếng Sinhalese và tháng 12/1888 lại cho ấn hành tạp chí “Phật tử” (The Buddhist) viết bằng tiếng Anh, do Đại đức Leadbeater làm chủ nhiệm. Tạp chí này sau trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Thanh thiếu niên Phật tử Colombo” [14, tr.27].

Ở Ấn Độ, năm 1892, Hội Đại Bồ Đề cho ấn hành tạp chí Đại Bồ Đề và Thế giới Phật giáo Thống nhất (The Maha Bodhi and the United Buddhist World), nhằm phổ biến giáo lý cho toàn thể giáo đồ cũng như cổ vũ cho phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới [14, tr.29]. Ở Nhật Bản, tờ “Tinh Thần Giới” do Ngài Thanh Trạch Mãn Chi, Đa Điền Đảnh, Tá Tá Mộc Nguyệt Tiêu, Hiểu Ô Mẫn xuất bản với nội dung “kêu gọi Tăng sĩ tự phản tỉnh, đề cao tinh thần tôn trọng giới luật” [4, tr.268].

Vượt qua tầm ảnh hưởng của những cơ quan ngôn luận này; “một bộ phận trí thức Nho học bắt đầu tìm tiếng nói mới, tư tưởng mới từ trong “Tân thư” gửi từ Trung Quốc sang” [9, tr.550]. Tân thư ấy chính là nguyệt san Hải Triều Âm (1920 – tiền thân là tạp chí Giác Xã: 1918). Tiếng vang của tờ báo đã thu hút sự chú ý của Tăng sĩ trí thức Việt Nam trong buổi đầu “sửa đạo” [20, tr.541]. Tạp chí do Phật học viện Vũ Xương biên tập, xuất bản; mang tính đại biểu cho giới Phật giáo Trung Quốc và là tâm điểm hoạt động của Thái Hư Đại sư.
Dù ra mắt sau Phật Học Tùng báo (1912) nhưng Hải Triều Âm được coi là cốt lõi trong cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Trung Quốc [16, tr.320]. Tờ báo xuất hiện ở miền Bắc nhưng tính lan truyền của nó tại Việt Nam được đẩy nhanh hơn sau lời giới thiệu của Sư Thiện Chiếu khi trở về Nam vào tháng 5 năm 1927 [8, tr.81]. Không lâu sau, Sư Thiện Chiếu đã bắt tay vào việc phiên dịch báo Hải Triều Âm và một số ấn phẩm của Thái Hư Đại sư ra chữ Quốc ngữ. Mãi đến năm 1937, những ý tưởng, chương trình chấn hưng ở Trung Quốc được giới thiệu rộng rãi đến quần chúng tín đồ thông qua tuần báo Đuốc Tuệ. Nhìn chung, nền tảng báo chí Phật giáo Việt Nam phát xuất từ những bài khảo cứu về Phật giáo đầu tiên trong làn sóng báo chí Việt và các quốc gia lân cận từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX.

Một phần nhỏ khác có thể kể đến ở đây chính là kinh nghiệm truyền đạo của các tôn giáo bạn bấy giờ thông qua con đường báo chí. Trong số những tôn giáo, Công giáo là ngọn cờ đầu, có lực lượng tiên phong trong nghề làm báo đầu thế kỷ XX. Dù ra đời muộn hơn Gia Định báo hơn nửa thế kỷ nhưng “Nam kỳ địa phận (Semaine religieuse) ra số 1 ngày 8/1/1908” [11, tr.54] vẫn đại diện cho tờ báo đầu tiên của tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng… Ngoài ra, “còn có Thánh thể (1919) (ở địa phận Phát Diệm – Ninh Bình), Thánh giáo tuần báo Bắc kỳ (1920 – 1923), Trung Hòa nhật báo ở Hà Nội (1924 – 1943), Công giáo Tiến hành (1936 – 1938), Công giáo Đồng Thinh (1927 – 1937)… ” [26]. Đạo Cao Đài có tờ tuần báo Hành động Đông Dương (L’Action indochinoise – 23/8/1928). Đạo Tin Lành cũng xuất bản một tạp chí song ngữ Pháp – Việt dành cho giới trí thức trẻ ở Hà Nội vào năm 1921.

Ở đó, báo chí các tôn giáo vừa phục vụ, khai thác thế mạnh truyền bá giáo lý; vừa phản ánh nhịp thở tôn giáo trong bối cảnh dung hòa văn hóa Đông Tây; lại vừa góp phần tạo nên sự phong phú cho lịch sử báo chí Việt Nam. Nhìn ở phương diện khác, việc đẩy mạnh công cụ báo chí ở các tôn giáo bạn cũng là nhân tố có phần làm gia tăng tính cạnh tranh tôn giáo và sức ép đối với Phật giáo lúc bấy giờ.

Cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên.

Trên đây là những dấu hiệu căn bản về thời kỳ tiền báo chí Phật giáo. Nhờ những tác động này, báo chí Phật giáo ra đời luôn gắn liền với mục đích chấn hưng Phật giáo và cũng gắn liền với mục tiêu thống nhất các tổ chức Phật giáo trên cả nước.

1.1.3. Phật giáo trên một số báo chí nước nhà

Đầu thế kỷ XX, trong lúc Phật giáo đang đối diện với những mãnh lực làm suy hại đến sự tồn vong của đạo pháp, một số tờ báo tiếng Việt đã bày tỏ sự quan tâm Phật giáo trong tinh thần văn hóa, tôn giáo của dân tộc. Ảnh hưởng từ phong trào báo chí nước nhà, nhiều Tăng sĩ, cư sĩ trí thức Phật giáo bắt đầu tìm đến phương tiện báo chí và có các bài viết trên Đông Pháp, Đông Pháp thời báo (ĐPTB), Thực Nghiệp Dân báo (TNDB), Khai Hóa nhật báo (KHNB), tạp chí Nam Phong, Công Luận báo [6, tr.452 – 457] và Lục Tỉnh Tân Văn [19, tr.50]. Trong đó, Đông Pháp thời báo (3 số/tuần, xuất bản ở Sài Gòn) là tờ báo đầu tiên bàn về Phật giáo với bài “Lược khảo cách tu trong Phật giáo” của Viên Hoành (số 59 – 62, tháng 10/1923) [7, tr.15]. Sau đó, xuất hiện loạt bài “Phật giáo lược khảo” (Nguyễn Mục Tiên – có khi sử dụng tên Đông Pháp thời báo) đăng 40 số, từ tháng 11/1923 đến tháng 3/1924 [19, tr.50],… Tinh thần chấn hưng cũng đã gõ cửa tạp chí Nam Phong với nhiều tác phẩm chuyển dịch từ Hán, Pháp sang Việt.

Năm 1925 – 1926, nhiều bài viết về Phật giáo trong nước và quốc tế tiếp tục đăng trên báo chí tiếng Việt như “Cách tân Và Chấn Hưng Phật Giáo” (ĐPTB – 1926), “Một hội Phật giáo liên hiệp được thành lập ở Singapour” (TNDB – 9/3/1925), “Đạo Phật xưa đã truyền sang châu Mỹ” (TNDB – 22, 23/5/1926), “Sự tín ngưỡng và sự mê tín” (KHNB – 11/9/1925), “Cụ Phan Bội Châu giảng kinh Phật” (Lục tỉnh tân văn – 29/4/1926),… Đặc biệt, phải kể đến bài viết bằng tiếng Việt của ông M.G.Robert – Hiệu trưởng Trường Pháp Hoa ở Chợ Quán [19, tr.50 – 51].

Bước sang năm 1927, vấn đề chấn hưng Phật giáo được bàn luận sôi nổi nhất thời tiền báo chí Phật giáo. Trong đó, phải kể đến bài viết “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” của nhà báo Nguyễn Mục Tiên (số 529, ra ngày 5/1/1927). Từ mục đích “kêu gọi chấn hưng Phật giáo nước nhà trước sự phát triển mạnh mẽ của đạo Cao Đài ở Nam kỳ”, bài viết đã nhận được sự phản hồi, ủng hộ mạnh mẽ của Sư Thiện Chiếu với bài “Chấn hưng Phật giáo ở nước nhà” [24, tr.9] (ĐPTB số 533, ra ngày 14/1/1927); Sư Tâm Lai với bài “Chấn hưng Phật giáo” (KHNB và ĐPB ra ngày 14/1); Sư Thiện Tòng nhất trí “Nên chấn hưng Phật giáo” (ĐPTB, ngày 26/1), “Môn phái đạo Phật ở Tàu” (NPTC, số 121/1927) [34, tr.219] và nhiều bài viết khác. Đặc biệt, bài “Khảo về đạo Phật” do Thượng Chi – tức Phạm Quỳnh biên dịch (NPTC, số 121, 122, 124 tháng 9/1927) được xem “là bài khảo cứu tổng quát đầu tiên về đạo Phật xuất hiện trên báo chí Bắc kỳ” [7, tr.29].

Diễn đàn báo chí bấy giờ nhận được sự quan tâm đáng kể từ Tăng sĩ, cư sĩ trí thức. Ngoài hai Sư Thiện Chiếu và Thiện Tòng đại diện cho Nam kỳ (Sài Gòn), đa phần chư Tăng xuất phát từ Bắc kỳ. Có thể kể đến như sư Tâm Lai (chùa Tiên Lữ/ chùa Hang – Thái Nguyên), Tỷ kheo Thanh Chuyên (chùa Phú Quang – Bắc Ninh), Tâm Ứng và Tâm Thái (đều thuộc chùa Dư Hàng – Hải Phòng), Nguyên Ân, Tâm Nhạ (đều ở chùa Phương Lăng – Thủy Nguyên – Kiến An), Thanh Quán (chùa Trường Tín, Hà Nội), Tâm Trọng (chùa Phả Quang – Hưng Yên), Tỷ kheo Thanh Vinh (chùa Tứ Kỳ – Hà Đông)… Thời điểm này cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của nhà báo Nguyễn Mục Tiên, nhà văn Nguyễn Mạnh Bổng, cư sĩ Mộng Hoa, Nam Hải, Tiệm Hồng, Bất Tài Tử, Trang Quang Hưng, Phục Bộ (một Phật tử người Nhật Bản ở Việt Nam 10 năm)… [6, tr.452 – 457].

Ngoài sự hưởng ứng về tinh thần, một số tác giả còn đề đạt cụ thể chương trình chấn hưng Phật giáo như Sư Thiện Chiếu và Sư Tâm Lai, Tâm Ứng. Ghi nhận từ cuộc vận động này, Sư Tâm Lai (trụ trì chùa Tiên Lữ) có 9 bài viết đăng trên Khai Hóa nhật báo, bàn về 9 vấn đề: Lập Phật giáo hội, Phật gia công học hội, Phật học tu thư xã, giảng đàn, trường học, thư viện, y tế trong các chùa, nhà bảo cô,… Tiếp tục chủ đề chấn hưng, năm 1928 còn có “Phật giáo Nam lai” của Trần Văn Giáp (NPTC – Số 129, tháng 4/1928). Thực nghiệp dân báo cũng quan tâm đến Phật giáo và đăng lại một số bài viết với những chủ đề tương tự. Trước thềm thang báo chí Phật giáo chính thức ra đời, Báo Công Luận đăng tải 4 bài viết của Lão Tùng về vấn đề chấn hưng Phật giáo, kéo dài từ số 1525, 1527,1528, 1530, ra ngày 13, 16, 17, 19/7/1929.

Lớp học chữ xưa.

Nhìn chung, báo chí tiếng Việt bấy giờ rất ưu tư đến tiền đồ Phật giáo. Hiện trạng Phật giáo suy đồi, Tăng sĩ thất học, hạn chế khả năng giải thích giáo lý cho tín đồ được rao trên các mặt báo. Nhiều trí thức Phật giáo mở ra các phương án cho công cuộc chấn hưng như chiêu mộ nhân tài, mộ tập kinh phí, khắc chí thực hành, cải lương nhân cách. Vấn đề báo chí cũng được các Tăng sĩ quan tâm ngay từ buổi đầu, như Sư Tâm Ứng từng kiến nghị: Cần liên lạc với các nhà báo, mua báo, viết thư gửi về cho các nhà báo [6, tr.55]. Đây cũng là tiền đề khơi dậy sự quan tâm của Tăng già đối với vấn đề chấn hưng qua công cụ báo chí.

Như Hạnh (ĐSHĐ-129)


Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quang Ân, (1998), “Lịch sử văn hóa Việt Nam – những gương mặt trí thức”, NXB. Văn hóa – Thông tin Hà Nội.
2. Thích Thiện Bảo, “Hoạt động báo chí Phật giáo trong 300 năm phát triển của Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”, trong Hội thảo khoa học: 300 năm Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, (2002), NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Thị Thanh Bình, Dana Healy, (2006), “Các khía cạnh văn hóa Việt Nam”, NXB. Thế giới Hà Nội.
4. Minh Chi, (2003), “Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, (2021), “Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam”, NXB. Khoa học xã hội, TP. Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Đại Đồng – Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, (2008), “Phong trào chấn hưng Phật giáo – Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927 – 1938”, NXB. Tôn giáo Hà Nội.
7. Nguyễn Đại Đồng, (2008), “Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920 – 1953)”, NXB. Tôn giáo Hà Nội.
8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (2001), “Biên niên sử Phật giáo Gia Định – Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh (1600 – 1992)”, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Trần Văn Giàu, (1993), “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập I”, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
10. Nguyễn Văn Hà, “Nghiên cứu Gia Định báo hôm qua và hôm nay”, trong Nhiều tác giả, “Gia Định báo – Tờ báo Việt ngữ đầu tiên”, (2006), NXB. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
11. Đỗ Quang Hưng, (1998), “Báo chí tôn giáo ở Việt Nam trước 1945”, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
12. Đỗ Quang Hưng – Claude Langlois, (Đồng chủ biên – 2007), “Nghiên cứu tôn giáo Pháp và Việt Nam, trong “Tiếp xúc văn hóa Đông – Tây ở Việt Nam: Sự biến đổi những giá trị văn hóa và tôn giáo”, NXB. Khoa học xã hội Hà Nội.
13. Hoàng Văn Lâu dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính, (2009), “Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2”, NXB. Khoa học xã hội Hà Nội.
14. Dương Thanh Mừng, (2018), “Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932 – 1951)”, NXB. Đà Nẵng.
15. Dương Thanh Mừng, “Hòa thượng Khánh Hòa với quá trình xây dựng nền giáo dục tân học Phật giáo Việt Nam”, trong Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Đồng Bổn chủ biên, Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam (2018), NXB. Hồng Đức.
16. Pháp sư Thánh Nghiêm – Hán dịch; Thích Tâm Trí – Việt dịch, (2010), “Lịch sử Phật giáo Trung Quốc”, NXB. Phương Đông TP. Hồ Chí Minh.
17. Lê Văn Phong, (2018), “Lịch sử Hội truyền bá Quốc ngữ (1938 – 1945) – Sách chuyên khảo”, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật.
18. Lê Minh Quốc, (2020), “Dấu ấn khơi dòng văn hóa Việt Nam”, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
19. Ninh Thị Sinh, (2020), “Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ – Trường hợp Hội Phật giáo (1934 – 1945)”, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội Hà Nội.
20. Trương Ngọc Tường, “Hòa thượng Khánh Hòa (1877 – 1947)”, trong Nhiều tác giả, Một số nhân vật Đất Phương Nam, (2017), NXB. Hồng Đức TP. HCM.
21. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, (1990) “Thiền Uyển Tập Anh”, NXB. Văn Học Hà Nội.
22. Trần Thuận, (2017), “Nam Bộ – Vài nét lịch sử, văn hóa, tập II”, NXB. Văn hóa Văn nghệ.
23. Vũ Đình Hòe, (1998), “Nguồn gốc của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ”, tạp chí Xưa & Nay, số 51, tr. A.
24. H.S, (1935), “Tình hình Phật giáo trong nước”, Tiếng Chuông Sớm, (Hà Nội), số 1. Trong Nguyễn Đại Đồng – TS. Nguyễn Thị Minh sưu tầm và biên soạn, (2010), Phong trào chấn hưng Phật giáo – Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929 – 1945, NXB. Tôn giáo, tr. 93 – 96.
25. Thích Phước Đạt, “Truyền thông – Báo chí Phật giáo Việt Nam xưa nay”, truy cập ngày 23/5/2023, nguồn: https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/10031.
26. Phạm Thị Thanh Huyền, “Một số đóng góp của Công giáo đối với văn hoá Việt Nam (thế kỷ XVII -đầu thế kỷ XX)”, truy cập ngày 24/5/2023, nguồn:http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=6c775fe3-7414-4604-98eb-267cc85195b0&groupId=13025.

SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
Video thumbnail
PBNG TW thăm trường Hạ 5 tỉnh Tây Nguyên - PL.2568 - DL.2024
16:46
Video thumbnail
Ni sinh trường Cao Trung Phật học Tiền Giang tụng kinh Pháp Hoa Kính mừng Phật đản - 11/5/2024
03:34
Video thumbnail
HỌP MẶT - MÓN QUÀ CAO QUÝ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
09:32
Video thumbnail
THIỀN HÀNH SAU KHI THỌ THỰC
02:18
Video thumbnail
Ni giới Phật giáo TP.HCM kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 - DL.2024
09:45
Video thumbnail
Lễ Húy Kỵ lần thứ 25 Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH tại Tổ đình Huê Lâm - Q11, TP.HCM
33:24
Video thumbnail
PBNGTW: Tiểu ban Thông tin Truyền thông | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
03:37
Video thumbnail
PBNGTW: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:51
Video thumbnail
Hội đồng Thập Sư 3 đàn phát thưởng cho các Giới tử - Đại giới đàn Bửu Huệ 2023
03:44
Video thumbnail
Tuần Chiếu tại Giới Đàn Ni Chùa Thanh Tâm
03:02
Video thumbnail
Đại Giới đàn Bửu Huệ tại Giới trường Ni - Chùa Thanh Tâm - 2023
09:53
Video thumbnail
Lễ Huý Kỵ lần thứ 3 cố NT. TN. thượng Như hạ Hải - Chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên - 26/9/2023
07:38
Video thumbnail
Lễ Khai đàn Dược sư Thất Châu - Chùa Pháp Hải
17:47
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 17 cố Ni trưởng Thượng Như Hạ Bổn - Viện chủ TĐ Kim Sơn (27/7/2006 - 23/7/2023)
45:08
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Nhật Quang tại Hội Sơn Cổ tự
16:37
Video thumbnail
Tọa đàm “Bình đẳng giới trong Nữ giới Phật giáo - 2023” – Chùa Huê Lâm, TP.HCM
19:56
Video thumbnail
Lễ húy nhật lần thứ 6 cố Sư trưởng Thượng Huyền Hạ Huệ - Hải Ấn Ni Tự, TP.HCM
14:11
Video thumbnail
Lễ Vu Lan và Dâng Y tại chùa Vạn Phước - Bình Tân - TP.HCM
11:04
Video thumbnail
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Pháp Võ - Nhà Bè - TP.HCM
12:37
Video thumbnail
“Rửa Chân Tri Ân Song Thân” - Chùa A Di Đà - Củ Chi - Tp.HCM
19:13
Video thumbnail
PBNG TW thăm, sách tấn Chư hành giả an cư tại các Hạ trường tỉnh miền Đông, 28/7/2023 (11/6/Quý Mão)
20:02
Video thumbnail
PBNG TW hoàn tất chuyến thăm và cúng dường Hạ trường tại Tây Nguyên 2023
18:50
Video thumbnail
PBNG TW thăm 4 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum
08:15
Video thumbnail
Kính mừng Đại lễ Phật đản - PL.2567 - DL.2023 - BTS Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang
08:05
Video thumbnail
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo & Chư Tôn Đức Tiền Bối Hữu Công PGVN | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
10:47
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước 2023: Triển lãm - Dâng hương - Tọa đàm - Thắp nến tưởng niệm
34:37
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước - 22 & 23/04/2023: Công tác chuẩn bị
04:59
Video thumbnail
Lễ Vinh danh cá nhân xuất sắc trong lãnh đạo Phật giáo tỉnh Tiền Giang năm 2023
06:55
Video thumbnail
Lễ công bố văn phòng PBNG & Khai giảng lớp luật dành cho chư Ni - Chùa Bảo An, TP. Cần Thơ
22:46
Video thumbnail
PBNG TW: Tổ chức khóa bồi dưỡng về các pháp Yết-ma, nghi thức giới đàn cho chư Ni
03:35
Video thumbnail
Lễ Hoàn Kinh Dược Sư Thất Châu & An vị tôn tượng Đức thánh tổ Kiều Đàm Di - Chùa Kiều Đàm
06:18
Video thumbnail
Khóa tu báo ân - Lễ Húy kỵ cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
17:23
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 24 cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
14:58
Video thumbnail
Chùa Từ Nguyên - Tân Phú: Lễ Khánh Tạ - Hoàn Nguyện - Lễ Húy Kỵ lần thứ 39 cố Ni trưởng khai sơn
08:50
Video thumbnail
Khí Xuân Quý Mão 2023
11:37
Video thumbnail
Hành hương thập tự 10 cảnh Chùa - Xuân Quý Mão 2023
15:24
Video thumbnail
Chùa Liên Trì - Củ Chi: Lễ cúng dường trai tăng - Xuân Quý Mão 2023
21:22
Video thumbnail
Tổ đình Huê Lâm: Mừng xuân Di lặc - PL.2566 DL.2023
09:08
Video thumbnail
PBNG Trung Ương: Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự - Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:42
Video thumbnail
Chùa Huê Nghiêm: Lễ Khánh Đản A Di Đà Phật với hơn 1000 Tăng Ni Sinh tham dự | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
04:24
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Các Công Trình Chùa Pháp Võ - Huyện Nhà Bè - TP.HCM | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
06:46
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Chùa Pháp Võ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
07:42
Video thumbnail
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:27
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ - Tưởng niệm lần thứ 14 cố Hòa thượng Thích Hoằng Từ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:55
Video thumbnail
#2: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư Vị Tiền Bối Ni Hữu Công (02/10/2020)
13:15
Video thumbnail
#1: Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và Chư vị Tiền Bối Ni Hữu Công (01/10/2020)
05:52
Video thumbnail
Chùa Sắc Tứ Tam Bảo - Kiên Giang: Tổ chức Lễ húy kỵ lần II của cố Ni trưởng thượng Như hạ Hải
09:14
Video thumbnail
Lễ Công bố & Quyết định Chuẩn y nhân sự Phân ban Ni giới - Nhiệm kỳ X (2022-2027) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
17:11
Video thumbnail
Kiên Giang: Tịnh xá Ngọc Hưng tổ chức Đại lễ Vu Lan – Dâng Y Ca sa – Cài hoa hồng - PL.2566
06:21
CÁC BÀI KHÁC
XEM THÊM
error: Content is protected !!