Theo Ngân hàng nhà nước, từ ngày 1-1-2025 chủ tài khoản ngân hàng, ví điện tử phải xác thực tài khoản chính chủ mới được giao dịch.
Đây là nội dung mới nhất tại Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Quy định này được đưa ra, nhằm xóa bỏ các tài khoản không chính chủ và tăng cường mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ thanh toán.
Số vụ lừa đảo giảm nhờ định danh
Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, tính tới tháng 10, có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Cùng với đó, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.
Có thể thấy, việc định danh tài khoản giúp người dùng bảo vệ tài khoản trước các rủi ro lừa đảo và các hành vi xâm nhập trái phép. Hệ thống cũng dễ dàng phát hiện các giao dịch bất thường và kịp thời đưa ra cảnh báo, đảm bảo an toàn tài sản của người dùng.
Trên thực tế, từ đầu tháng 10 tới nay, ngay sau khi có quy định mới từ cơ quan quản lý, nhiều ngân hàng và các đơn vị thanh toán trung gian như ví điện tử cũng đã nhanh chóng đốc thúc khách hàng hoàn tất bổ sung thông tin sinh trắc học để đảm bảo các giao dịch tài chính điện tử hoặc rút tiền không bị gián đoạn sau ngày 1-1-2025.
Ví điện tử khẩn trương xác minh
Hiện nay, với các khách hàng chưa sinh trắc học, khi mở tài khoản từ ngân hàng đến ví điện tử đều được nền tảng yêu cầu xác thực sinh trắc học theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các nền tảng tài chính này cũng đang tích cực hướng dẫn khách hàng chuẩn bị CCCD gắn chip và có thể lựa chọn cập nhật sinh trắc học tại các điểm giao dịch hoặc trên ứng dụng. Thậm chí một số ví còn tung chiêu tặng voucher để khuyến khích khách hàng thực hiện sinh trắc học trước giờ G.
Nói với PLO, đại diện ví điện tử ShopeePay cho biết cứ mỗi lượt NFC thành công, người dùng sẽ được tặng một mã giảm thẻ nạp điện thoại 10.000 đồng. Mục đích là để khuyến khích người dùng xác thực sinh trắc học để các hoạt động giao dịch trên nền tảng không bị gián đoạn vào tháng 1 tới đây.
Đại diện đơn vị này cũng cho biết, đơn vị chủ động cải thiện tính năng đọc chip để quá trình xác thực sinh trắc học của người dùng được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Hiện hệ thống bảo mật của ví điện tử này đạt chứng nhận bảo mật toàn cầu PCI DSS cấp độ 1, cấp độ cao nhất của Nhà cung cấp dịch vụ.
“Trong bối cảnh thanh toán không tiền mặt bằng thiết bị di động ngày càng phổ biến, việc xác thực thông tin qua NFC hay KYC (định danh) là tối cần thiết để người dùng bảo vệ an toàn cho ví điện tử của chính mình. Điều này không chỉ giúp các giao dịch trở nên bảo mật, nhanh chóng và tiện lợi hơn mà còn ngăn chặn kịp thời các trường hợp tài khoản có hoạt động bất thường”, đại diện ShopeePay cho biết.
Tương tự, đại diện Viettel Money cũng nhấn mạnh, việc người dân dễ bị lừa đảo là bởi chưa cập nhật nội dung thông tư 17, 18, chưa ý thức được tầm quan trọng của xác thực sinh trắc học đến việc bảo vệ an toàn cho các tài khoản thanh toán.
Vì thế, trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng hoạt động tinh vi, việc chỉ sử dụng mật khẩu để xác thực hiện nay đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu bảo mật khi giao dịch trực tuyến của khách hàng.
Việc nhanh chóng cập nhật sinh trắc học trước “giờ G” đảm bảo độ an toàn cao sẽ giúp người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch chuyển/nạp/rút tiền, thanh toán trực tuyến.
Ở góc độ người tiêu dùng, anh Minh Hoàng (TP.HCM) cho biết, chứng kiến nhiều vụ việc lừa đảo thanh toán qua mạng nên anh đã cũng chủ động xác thực NFC và KYC trên điện thoại thông minh ngay khi có thông báo.
“Thao tác khá đơn giản, chỉ tốn vài phút thôi. Lúc thanh toán cũng tiện và nhanh hơn vì chỉ cần xác thực khuôn mặt thôi, không cần nhập mật khẩu bằng tay nữa”, anh Hoàng nói.
Nguyên Hà (PLO)