Mỗi năm đến ngày Phật đản, nhìn hình tượng đức Phật sơ sinh, tôi có cảm giác rằng sự kiện lịch sử ấy xảy ra dường như không xa lắm. Mới ngày nào nơi vườn Lâm-tỳ-ni thành Ca-tỳ-la-vệ (một quốc gia phụ thuộc Ấn Độ), đức Từ phụ của chúng ta vì lợi ích chúng sanh, một lần nữa trở lại cõi đời này với hình ảnh con người bình thường. Một thoáng thời gian mà đã 2558 năm trôi qua, nhưng hình ảnh bậc vĩ nhân vẫn sống mãi với dòng thời gian bất tận, và tồn tại mãi trong con tim của người Phật tử
Hình ảnh đức Phật đản sinh, với một tay chỉ trời và một tay chỉ đất, Ngài tuyên bố rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Người Phật tử bình dân đều cho rằng qua câu nói ấy, đức Thế Tôn muốn tuyên bố: Trên trời dưới đất, Ngài là người duy nhất không ai vượt hơn. Thật sự, nếu hiểu lời tuyên bố trên một cách cạn cợt bằng văn tự, ngoại đạo sẽ cho rằng đức Phật chưa đoạn trừ được “tự ngã”, vì cho mình là người không ai sánh bằng.
Từ “độc tôn” ở đây đức Phật muốn nhấn mạnh rằng: Trong vũ trụ bao la này Ngài là một con người bình thường như bao nhiêu người bình thường khác, nhưng Ngài không còn bị chi phối bởi các pháp hữu vi, một người nhận ra được bản giác thường chân của chính mình. Hiện thân ở thế giới Ta bà này, Ngài dùng nhiều phương pháp giúp cho chúng sinh nhận chân được giác tánh vĩnh hằng, vị Phật của chính mình, kinh Pháp Hoa gọi là “tri kiến Phật”. Đồng thời, Ngài muốn nhấn mạnh rằng: Bản giác của chúng sinh là thường hằng, nhưng vì mong cầu dục lạc mà cái thường chân đó bị bỏ quên.
Một thuở, đức Phật tại nước Ba-la-nại, nơi Lộc Uyển, bấy giờ hàng ngàn vị Tỳ-kheo và thiên thần có mặt trong đại hội, tự nhiên một pháp luân (bánh xe pháp) xuất hiện trước mặt đức Phật và đại chúng. Đức Phật dùng ngón tay của mình chỉ vào pháp luân đó và nói rằng: “Ta từ vô số kiếp về trước, bị lay chuyển trước danh sắc nên phải chịu vô lượng khổ, nay mọi nghi ái đều đã đoạn tận, giải thoát các kiết sử và lậu hoặc, các căn đã định, sinh tử đã đoạn trừ, không còn luân chuyển trong Ngũ đạo…” (Đại tạng kinh, bộ A Hàm cuốn 2, kinh Chuyển Pháp Luân, trang 503).
Chính vì vậy, trên phương diện tánh giác, Ngài vượt xa hơn người bình thường như chúng ta, nên Ngài ở trong một niệm mà tròn đầy khắp cả pháp giới thanh tịnh. Còn chúng sinh trong một niệm khởi dẫy đầy phiền não khổ đau, cứ mãi truy tìm dục lạc, không liễu tri được rằng trong niềm vui tạm bợ ấy đã nảy sinh mầm mống của khổ đau. Vì trong quả đã hàm tàng nhân và do nhân mà hình thành nên quả. Điều này chúng ta thấy rõ qua giáo lý Duyên khởi của Phật giáo “thử hữu cố bỉ hữu, thử vô cố bỉ vô; thử sinh cố bỉ sinh, thử diệt cố bỉ diệt” (vì cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không; cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt), sự sự vật vật trùng trùng điệp điệp đều như thế. Nếu chúng ta cho rằng sự hiện hữu của mọi sự vật trên cõi đời này, điểm xuất phát của nó là từ “không” hay “có” thì ta rơi vào vòng tương đãi.
Trong những điều đức Phật nói ra hàng ngàn năm trước đây, có những điều khoa học hiện đại vẫn chưa phát hiện. Vì vậy, chúng ta không nên nhìn đức Phật bằng cái nhìn khoa học, mà phải nhìn Ngài ở gốc độ giác ngộ mới nhận ra được sự khác biệt giữa Ngài và những vị giáo chủ, luận chủ của các tôn giáo, học thuyết khác. Đó chính là tính ưu việt của đức Từ phụ chúng ta.
Khoa học phát triển đến điểm tột cùng của nó, vẫn không thoát khỏi những dụng cụ do tri thức phát minh và vẫn phải tiếp tục truy nguyên, tìm tòi… không ngày kết thúc. Đức Phật chúng ta bằng kinh nghiệm và chứng đắc thực tiễn, nên trong một niệm thanh tịnh Ngài nhìn thấy được tam thiên đại thiên thế giới. Khi Phật giáo Đại thừa phát triển, các luận sư đã chứng minh được điều này, tức “Nhất niệm tam thiên”. Ngài Long Thọ nói: “Pháp chân thật không điên đảo, các tưởng niệm đã trừ sạch, ngôn ngữ của các pháp đều đã diệt, chúng sinh vô lượng tội đã trừ sạch, chỉ thường trú nơi nhất tâm, khi đạt được trạng thái này thì có thể thấy được Bát-nhã” (luận Ma ha chỉ quán).
Chúng ta ngày nay nhìn sự vật hiện tượng bằng những tưởng niệm, mộng tưởng điên đảo, phan duyên bởi các pháp, nên không thấu triệt được nguồn tâm là thường trú, bất biến, chân như… Nếu dùng tâm này để nhận ra được con người và sự vật luôn ở trạng thái sinh – trụ – dị – diệt; thành – trụ – hoại – không, thì chúng ta trong một niệm sẽ đầy đủ tất cả tam thiên thế giới. Đó là chỗ vi diệu trong những lời dạy của đức Phật.
Nội dung kinh Pháp Hoa nói rõ: đức Phật dùng đại bi tâm mà khai phương tiện để chúng sinh thấy được pháp Ngài nói ra là diệu hữu. Pháp này làm cho tất cả chúng sinh đều có thể: “Mặc áo Như lai, ngồi tòa Như lai”, có thể về đến bảo sở. Với một hệ thống giáo lý trác tuyệt như vậy đã nuôi dưỡng và làm cho ta trưởng thành trong chánh pháp.
Mỗi năm, ngày Phật Đản trở về, hình ảnh đức Phật nói pháp suốt lộ trình 45 năm, một lần nữa sống lại trong hàng triệu con tim những người con Phật trên khắp năm châu bốn bể. Hình ảnh một vị hoàng tử đã từ bỏ tất cả những gì cao quý nhất của con người, trong đời sống thế gian, từ tinh thần lẫn vật chất, để đi tìm lý tưởng “xuất thế”. Con đường Ngài tìm ra trải qua quá trình thực nghiệm và chứng ngộ, đã đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh trên hành tinh này. Nhân kỷ niệm ngày đản sinh của Ngài, ta cùng nhau ôn lại một khía cạnh nào đó trong kho tàng giáo pháp bất tận, để thấy được chân giá trị trong lời dạy của Ngài, mà thế gian tôn thờ Ngài là bậc thầy của trời người:
“Dung nhan Phật tốt lạ lùng,
Hào quang chiếu sáng khắp cùng mười phương.
Từ bi oai đức khôn lường,
Ra đời tế độ dẫn đường chúng sinh.
Được thấy tướng, lại nghe danh,
Cũng nhờ kiếp trước căn lành trồng sâu.
Thế Tôn đủ phép nhiệm mầu,
Làm cho muôn loại cúi đầu quy y.
Viên Minh (ĐSHĐ–008)