Không biết “nó” đứng sừng sững ở đó tự bao giờ, chỉ biết là từ ngày tôi vô chùa hành điệu thì đã thấy có mặt nó rồi. Hồi đó nó cao hơn tôi khoảng mét rưỡi, dạn dày với tuế nguyệt phong sương mà cành lá sum suê xanh mướt, dáng vẻ hiên ngang oai hùng, đã cho trái trĩu cành. Tên của nó là Cây Khế Chua.
Thuở ấy, Sư phụ giao cho tôi công việc bao sái điện Quan Âm kiêm luôn việc quét rác trước sân chùa. Rác chủ yếu là từ cây khế mà có. Thường nhật quét dọn thì tương đối khỏe, nhưng gặp mùa thay lá, mùa gió Nam về thổi lá bay tứ tán, chưa kể một số lá bay ngược vô hiên chùa. Lá khế thì nhỏ, hoa khế thì li ti khiến tôi phải quét tới quét lui mấy lượt, cho đến lúc cánh tay mỏi nhừ; gặp mùa trái chín vàng ươm rụng đầy dưới gốc, xung quanh cây phải lượm lặt vô sọt rác là oải lắm luôn! Không chỉ quét dọn sạch mà phải hoàn tất việc làm trước giờ điểm tâm. Đây là một thử thách không nhỏ đối với tôi ngày ấy.
Hồi hành điệu được làm “Thiên thần quét lá” vừa quét vừa nghêu ngao kể cũng thú vị lắm chứ! Đến lúc được Sư phụ cho thọ giới Sa di ni, nhận thức được nếp sống thiền môn, phép tắc uy nghi của người xuất gia, tôi quyết tâm tu tập tinh tấn dõng mãnh. Hễ mỗi lần cầm chổi quét rác, quét lá vàng rơi, chợt nhớ đến câu chuyện Sư phụ tôi từng kể: Thuở Đức Phật còn tại thế có người đệ tử tên Châu Lợi Bàn Đặc. Trong các đệ tử của Đức Thế Tôn, Ngài là người trí nhớ kém. Đức Phật dạy bài kệ: “Cần tảo già lam địa, thời thời phước huệ sanh, tuy vô tân khách chí, diệc hữu Thánh nhân hành”, nghĩa là (Siêng năng quét sạch đất chùa, trí huệ sẽ thường phát sanh, tuy không có khánh nhân đến, cũng có Thách vãng lai). Bài kệ hai mươi chữ, mà ngài học câu sau quên câu trước, chữ nọ xọ chữ kia, học mãi không thuộc. Anh của Ngài cũng xuất gia, nhận thấy em mình ngu dốt quá, nên khuyên em hoàn tục. Quá buồn khổ vì bị anh chê bai nên Ngài muốn trở về nhà. Đức Phật biết được ý nghĩ hoàn tục ấy nên chỉ dạy cầm chổi quét rác chỉ đọc hai chữ: “Tảo chửu” (Quét sạch bụi bẩn). Châu Lợi Bàn Đặc vâng lời, mỗi ngày vừa quét rác vừa lẩm nhẩm câu Thế Tôn dạy: “Quét sạch bụi bẩn”. Thời gian qua đi, Ngài kiên trì quét sạch bụi bẩn cả ngoài lẫn trong, quét sạch những tư tưởng cấu uế, những phiền não sâu kín trong tâm thức của chính mình. Rồi một hôm khi đang quét rác, bất chợt Ngài ngộ ra chân lý, chứng quả A-la-hán. Đây là câu chuyện mang tính giáo dục cao, các đệ tử của Sư phụ phải ráng ghi nhớ thực hành theo sự chú tâm chuyên nhứt như Ngài Châu Lợi Bàn Đặc. Bấy giờ tôi thầm nhủ bản thân phải quyết tâm hạ thủ công phu, bắt chước theo Ngài, ước nguyện một ngày nào đó cũng sẽ giác ngộ giải thoát.
Thời gian dần trôi, Sư phụ cho vào Phật Học viện tu học, mỗi lần về chùa thăm Sư phụ, tôi đều đến bên cây khế thăm nó xem có sâu bệnh chi không, cao thêm chút nào không. Năm thứ hai, tôi ở lại trực trường không được về thăm quê. Mãi đến kỳ thi xong, được nghỉ học một tuần tôi về chùa. Linh tính báo có điều gì đó bất ổn, tôi chạy vội ra sân, cây khế đã không còn nữa. Chiều qua Sư phụ đã kêu người cưa bỏ, với lý do đầy thuyết phục: “Sư phụ muốn mở rộng sân chùa”. Về trễ một ngày, không được gặp nó lần cuối, nước mắt tôi ướt nhòe: “Ui, chỉ còn lại cái gốc trơ trụi”! Tôi không còn nhìn thấy gì nữa ngoài gốc cây khế già nua sần sụi, cành cây ngã đổ lung tung, bụi mạt cưa vẫn còn vương vãi tung tóe trên mặt đất. Thẫn thờ đứng đó hồi lâu, nghẹn ngào nhìn bông hoa khế rơi rụng tả tơi đầy khắp cả khoảng sân mà nghe lòng thổn thức tê tái!
Vùng ký ức chợt ùa về bao kỷ niệm, ngày nào đó tôi đã ngồi học bài dưới bóng râm, mát rười rượi cả tâm hồn, có khi lén Sư phụ mang theo lọ muối ớt để hái trái ăn. Hồi ấy chùa chỉ có mình tôi là điệu, nên tôi xem nó như một người bạn thân. Giờ nó đã xa tôi rồi còn đâu! Chút niềm thương mến ta gửi đến ngươi, khế chua ơi! Năm tháng qua đi, Sư phụ xả báo thân về với Phật, tôi thay thầy gánh vác Tam bảo sự. Ngoài trách nhiệm Tam bảo đè nặng lên vai, tôi vẫn không quên chăm sóc gốc khế. Giờ đây nó đã phục hồi sức sống, đâm chồi nảy lá, mọc nhiều nhánh thẳng đứng, xúm xít tựa quanh gốc cây, tạo thành một quần thể cây nhìn cũng hay, cũng ngộ. Không phụ lòng cô chủ đã chăm sóc, để báo ân, nó đã cho trái lúc lỉu đầy cành. Người dân quanh vùng thường đến chùa xin trái khế chua về nấu canh hoặc làm thuốc trị bệnh.
Nhắc đến khế là nhắc đến loại cây ăn trái bình dị quá quen thuộc với lũ trẻ trâu vùng thôn quê. Không những cho trái ăn, bóng mát, quang hợp không khí, mang lại không gian mát mẻ, mà còn có thể làm thuốc chữa nhiều bệnh như: hạ sốt, cầm máu, lợi tiểu, giảm bệnh trĩ v.v.. Mùa hoa khế nở khoảng giữa tháng ba, nở rụng tím cả một khoảng sân chùa thơ mộng biết bao! Hoa nhỏ màu tím trắng đỏ sẫm, hòa quyện vào nhau tạo thành màu sắc lung linh đặc trưng của khế. Hoa nở từng chùm nhỏ bám sát vào cành, nhìn như đàn ong đang bu trên cây trông thật ngộ nghĩnh dễ thương! Trái khế có năm cạnh, cắt ra có hình như ngôi sao năm cánh rất đẹp mắt. Cây khế đã được thổi hồn vào nền văn học, thơ ca Việt. Hơn thế nữa, nó cũng là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tác những bài hát nổi tiếng. Chẳng phải có một bài hát với ca từ rất ngọt ngào sâu lắng “Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày” đó sao?
Quan sát cây khế ta đã có được một bài pháp sống. Đó là sự nỗ lực vươn mình chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, mưa tuôn nắng táp, bão dập gió vùi, vẫn hiên ngang hít thở khí trời, rèn luyện một sức mạnh dẻo dai, tràn trề nhựa sống để âm thầm hiến tặng cho đời, những nụ hoa li ti mỏng manh dễ thương với những chùm trái dù có vị ngọt hay chua đều bổ ích cho cuộc sống con người. Trân trọng biết ơn mi thật nhiều khế ơi!
Thích Nữ Chơn Huệ (ĐSHĐ-116)