Tọa lạc tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế; Chùa Đức Sơn được biết đến là một Ni viện, Cô Nhi viện có tiếng trong số các tự viện thuộc môn đồ đệ tử xuất thân tại Tổ đình Hoàng Mai. Từ một ngôi niệm Phật đường thô sơ được Ni trưởng Minh Đức và Ni trưởng Minh Tú đảm nhiệm năm 1964, đến nay Đức Sơn đã trở nên trang nghiêm, bề thế so với nhiều cơ sở tự viện Ni trên mảnh đất Cố Đô. Ngoài sự tôn nghiêm được nhìn thấy từ cơ sở vật chất như Chánh điện, nhà chúng, phòng mạch Đông y, viện Cô Nhi, thư viện cho các em; nơi đây còn toát lên tinh thần của Ni chúng xuất gia, học đạo. Đồng lòng với quan điểm tu học, phụng sự của Bổn sư thế độ; hàng chục chư Ni đã không quản ngại chung tay cùng Thầy xây dựng đời sống tự viện và góp phần xóa bớt những gánh nặng từ xã hội. Đó cũng là một trong số những lý do khiến Đức Sơn trở thành mái ấm gia đình cho rất nhiều em nhỏ vô thừa nhận, khuyết tật hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn được nhận nuôi từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình hơn 35 năm qua.
Suốt chặng đường dài đó, Viện đã cưu mang hơn 450 em nhỏ. Phần lớn các em bị bỏ rơi ở bệnh viện, ngoài đường, cổng chùa, đang vào độ tuổi sơ sinh. Thành phần này chiếm khoảng 80% tổng số các em tại Viện. Chính nguồn gốc xuất thân đặc biệt đó, Ni trưởng đã đặt cho các em trai mang họ “Cù Thiện” và các em gái mang họ “Kiều Thiện”. Phần còn lại được gia đình nhờ nuôi và bị bại liệt. Tuy nhiên, việc chăm sóc nhóm trẻ bại liệt, động kinh được xem là vất vả nhất, vì phải cần đến 2 người mới có thể chăm lo cho một em và những trường hợp này được mái ấm nuôi dưỡng suốt đời.
Nằm trong lòng lịch sử “tạo Tự” gần 60 năm; công tác nuôi dạy các em tại Cô Nhi viện Đức Sơn có 3 thời điểm được đánh dấu là khó khăn nhất. Theo lời của Sư cô Thích Nữ Liên Bình – người trực tiếp quản lý đến đời sống các em cho biết: Thời điểm thứ nhất là những buổi đầu nhận các em, trong khi đời sống chư Ni vẫn còn khoai sắn thì việc đảm bảo sức khỏe và xin cháo sữa cho khoảng 15 – 20 cháu vốn không dễ dàng. Kế đó là đỉnh điểm khó khăn rơi vào năm 1999 vì con số lên đến 200 cháu. Thời điểm thứ ba được kể từ lúc bùng phát Đại dịch Covid 19, Viện phải nuôi dưỡng 110 cháu mà kinh phí cho các em quá lớn, trung bình mỗi bé từ 2,5 – 2,7 triệu/tháng. Chưa kể đến khí hậu Huế vào những tháng mùa mưa, thời tiết lạnh, các em nhỏ rất dễ cảm sốt và những trường hợp bệnh nặng phải chi phí ngoài sự cấp phép của bảo hiểm. Trong khi, nguồn kinh phí hỗ trợ cho đời sống các em phần lớn đều nhờ sự hỗ trợ từ thập phương bổn đạo.
Công tác nuôi dạy các em tại Mái ấm được sự đảm nhiệm, chia sẻ của 20 Sư cô tại bổn tự, 5 bảo mẫu và các em lớn được chia thành từng nhóm để phụ chăm lại các em nhỏ. Ở đó, việc phổ cập “trí dục” đã được quý Sư rất quan tâm. Trên nền tảng nuôi trẻ mầm non, ban đầu Viện đã nhận thêm trẻ ngoài và Ni trưởng Thích Nữ Minh Tú đã bảo trợ, mở đến 120 cơ sở Mầm non cho các vùng Hương Trà, Hương Thủy… (Thừa Thiên – Huế). Về sau, tất cả đều được thay đổi cơ cấu và chuyển giao cho cơ sở giáo dục của Nhà nước. Chính vì thế, các cháu được đưa ra các cơ sở ngoài để học tập tất cả các cấp. Bên cạnh đó, quý Sư và quý mẹ cũng luôn quan tâm, khuyến khích hoạt động đọc sách tại thư viện chùa dành riêng cho các em. Riêng đối với những em khuyết tật, không thể học văn hóa, chùa tạo điều kiện giúp các em học nghề. Ni trưởng trụ trì cũng từng mở quán cơm chay Tịnh Tâm để hỗ trợ việc làm cho các em nhưng sau 3 năm Đại dịch, quán đã được dời vào khuôn viên chùa và Ni trưởng có dự kiến sẽ phát triển thêm vườn rau sạch để đảm bảo thực phẩm cho Viện và tạo công việc lành mạnh cho các cháu.
Nói về vấn đề “Đức dục” lại được chăm chút nhiều hơn; bao gồm từ lễ nghi, phép tắc cho đến ứng dụng những giá trị đạo đức Phật học trong đời sống hàng ngày. Tất cả đều đồng quy y Tam Bảo và ăn chay một tháng 4 ngày. Trong đó, việc ăn cơm, đi học mỗi ngày đều giữ gìn đều đặn pháp niệm Phật, tri ân Phật, vâng lời Phật. Ngoài niềm vui được quý Sư hướng dẫn thỉnh chuông thì mỗi tối trước 9 giờ đều có thời tụng kinh ngắn 15 phút. Chiều Chủ nhật hàng tuần có tổ chức sinh hoạt Gia đình Phật tử; các anh huynh trưởng sẽ dạy cho các em. Sáng Chủ nhật, các em lớn được về chùa Báo Quốc để tham dự lớp Phật học ứng dụng, Phật học nâng cao.
Về thể chất, các em được hướng dẫn trồng rau, nhổ cỏ, bơi lội, đá bóng, đánh cầu lông. Lớp học Yoga vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần; có huấn luyện viên là chị lớn trong Mái ấm. Lớp võ Karatedo do Hội trưởng Karatedo ở Việt Nam thành lập hơn 20 năm được tổ chức vào mỗi sáng thứ 7; lớp nâng cao thì 3 buổi mỗi tuần. Tất cả không chỉ nâng cao thể lực mà còn giúp các em tránh tiếp xúc quá nhiều với điện thoại.Đề cập đến hiện trạng trẻ mồ côi hiện nay, Sư cô Thích Nữ Liên Bình cho biết: Vừa làm việc tại Viện, vừa giao lưu học hỏi tại nhiều cơ sở cho thấy, các em sa đà trong việc sử dụng các phương tiện thông minh trong khi chưa lựa chọn được thông tin lành mạnh, chưa tự kiểm soát được cám dỗ của bản thân. Đó không chỉ là tình trạng chung của trẻ em mồ côi mà ngay cả các em ngoài xã hội. Một số em ở những nơi khác cảm thấy bình thường hóa với quan niệm sống thử và đó cũng chính là cánh cửa đẩy nhiều sinh viên chưa trưởng thành rơi vào tệ nạn, trở thành những bà mẹ, những ông bố trẻ chối bỏ những đứa con ngoài mong muốn. Tất nhiên, điều này đã vượt xa thuần phong mỹ tục của ông cha xưa. Để tránh những trường hợp này xuất hiện tại Mái ấm của mình, quý Sư cô đã thắt chặt quản lý điện thoại các em lớp 12, Đại học sau khi học xong bài mỗi tối. Tất cả đều mong mỏi, giúp cho các em vơi bớt thiệt thòi, mặc cảm, trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
Đổi lại những thách thức, áp lực trong chặng đường dài nuôi dạy trẻ, hiện nay Viện đã có hơn 300 cháu trưởng thành, có trình độ, công việc ổn định, đủ khả năng lập nghiệp và tự chăm lo cuộc sống của mình. Lớp lớn nhất đã đến 46 tuổi. Sự “trưởng thành” được biết đến ở “Mái ấm” không đo bằng tuổi tác mà nó được đánh giá qua những người mẹ – người Thầy hướng đạo nơi này. Khi các bạn đủ trưởng thành, quý Sư khuyến khích rời trung tâm, tự lập để các em tự do định hướng tương lai như bạn bè đồng trang lứa trong xã hội. Dẫu vậy, một số thành viên còn tình nguyện quay lại chùa giúp quý Sư chăm sóc các em và quản lý Viện.
Giữ đúng tinh thần của một “Mái ấm”, Ni trưởng với trách nhiệm là một người Thầy, người cha, người mẹ đáng kính đã không ngại đứng ra làm chủ hôn và chúc phúc cho các em khi các em muốn lập gia đình. Đặc biệt, trong số những em ở Viện, không ít em bén duyên với Tam Bảo, với chí nguyện xuất gia. Tính đến nay, có đến 25 vị xuất gia và có những Thầy, Sư cô lớn (khoảng 45-46 tuổi) đã đảm nhận trụ trì và hướng dẫn các đạo tràng tu học. Những thành quả này là động lực để quý Sư, quý mẹ vượt qua những áp lực trong việc nuôi dạy trẻ.Nhìn chung, để có được diện mạo Đức Sơn như hôm nay là cả một quá trình dài nhận được sự chung tay của quý Sư cô tại bổn tự, quý Mạnh Thường Quân xa gần cũng như ý thức trách nhiệm của các em được nuôi dưỡng từ “Mái ấm Cô Nhi viện”. Trên sự chung tay đó là vai trò lãnh đạo của Ni trưởng Thích Nữ Minh Tú – Trụ trì chùa Đức Sơn – Giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi Đức Sơn – Trưởng ban Kinh tế Tài chính GHPGVN tại Huế.
Thừa hành lời dạy của Ni trưởng, chư Ni tại bổn tự đã sử dụng 3 phần lý thuyết, 7 phần thực hành. Với chủ trương tu trong công việc như lời dạy của Thầy, quý Sư cô đã dùng thời tịnh độ để giúp các cháu học bài thay vì lên chùa cầu nguyện cho chúng sanh. Dù không có kinh nghiệm làm mẹ nhưng tấm lòng “thương chúng sanh như con đỏ” đã không ngại ghép những mảnh đời tưởng chừng bất hạnh lại với nhau thành một khối, một gia đình ấm áp, tràn đầy yêu thương cho các em.
Tất bật như vậy nhưng hàng đệ tử của Ni trưởng vẫn được học tập đầy đủ và được phát huy khả năng của mình. Phần lớn chư Ni đã tốt nghiệp Cử nhân, Tiến sĩ Phật học còn có một số vị tốt nghiệp Cử nhân thế học để hỗ trợ cho công tác tại Cô Nhi viện. Kết hợp tất cả những điều hay, đẹp được nhìn thấy trong đời sống, sinh hoạt của Ni chúng và Cô Nhi viện Đức Sơn; năm 2004 Ni trưởng chùa Đức Sơn đã vinh dự nhận được bằng khen của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, năm 2006 quý Sư cô được bình chọn là Những phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam do Hội LHPNVN, Đài THVN và Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức. Gần đây, Ni trưởng còn được trao tặng Huân chương truyền trao lửa giữ gìn văn hóa Việt Nam.
Đáp lại lòng mong mỏi của Ni trưởng, quý Sư cô, quý mẹ tại Mái ấm Đức Sơn; một số thành viên được trưởng thành từ mái ấm chia sẻ:
1. Kiều Thiện Hồng Mai (23 tuổi – Hiện là Huấn luyện viên Yoga ở Câu lạc bộ Sức Sống Mới (Huế) vẫn còn ở trong vòng tay của Sư bà, quý Sư cô): Với em, Mái ấm Đức Sơn là một ngôi nhà hạnh phúc, nơi đã cho em một cuộc sống đầy đủ yêu thương nhất khi em vừa sinh ra đã mất đi tình yêu thương của ba mẹ, vừa sinh ra đã không có một mái ấm gia đình hạnh phúc, không có một bầu sữa ngọt ngào từ mẹ. Mái ấm Đức Sơn đã cho em một ngôi nhà mà em không nghĩ đó là ngôi nhà của chính em. Từ khi được quý Sư cô nuôi dạy và chăm sóc, em thấy bản thân may mắn rất nhiều so với những người ở ngoài xã hội. Vô vàn ấn tượng đọng lại nơi này nhưng hơn hết là sự bao dung trong mọi khó khăn mà em chưa làm được, sẵn sàng bù đắp cho em những gì mà bản thân thiếu sót khi rời xa vòng tay của ba mẹ mình. Đó là động lực để em cố gắng từng ngày, để chấp vá cho bản thân sau này. Dù chưa rời xa vòng tay quý Sư cô nhưng trong em đã học hỏi được nhiều khi ra ngoài học nghề mà bản thân mình mong muốn. Suốt một thời gian dài cố gắng, đặt trong mình sự tự tin, em đã trở thành Huấn luyện viên Yoga của Câu lạc bộ Yoga Sức Sống Mới ở Huế – một thách thức mà em cố gắng suốt thời gian học nghề.
2. Nguyễn Đắc Nhân Tâm (24 tuổi – vừa tốt nghiệp Cử nhân gây mê hồi sức của Đại học Y – Dược TP. HCM, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Ung Bứu TP. HCM): Đức Sơn là nơi rất tuyệt vời. Có thể nói là nơi sinh ra em lần thứ hai. Ở đây em có rất nhiều bạn bè, anh chị. Dù cũng lắm lúc cãi vã, tinh nghịch nhưng quý cô, quý mẹ, quý anh chị đã che chở, bảo bọc cho em từ cái ăn, cái mặc đến những lúc ốm đau, tật bệnh. Đặc biệt, Sư bà luôn dạy em sống thật thà, biết quan tâm mọi người xung quanh và dù ở đâu, làm gì cũng tự hào là một thành viên của Mái ấm Đức Sơn; luôn cố gắng yêu thương, kết nối các anh chị em trong Mái ấm. Em rất biết ơn Mái ấm Đức Sơn đã nuôi dưỡng em hơn 20 năm qua.
3. Trần Thị Quý Mùi (19 tuổi – sinh viên năm 2 tại Trường Đại học Sư phạm – Huế. Hiện đã rời chùa một năm để về chăm sóc bà yếu): Mái ấm Đức Sơn là một ngôi nhà, một ngôi trường – nơi chúng con được ăn no mặc ấm; nơi chúng con được quý Sư, quý cô dạy điều hay lẽ phải mỗi ngày; nơi con cảm nhận được tình yêu thương từ mọi người và là nơi trao cho chúng con cơ hội để xây dựng tương lai tươi đẹp hơn. Ở đó, quý Sư, quý cô luôn chu đáo chăm lo đời sống cho chúng con; chỉ dạy, tha thứ cho chúng con mọi lỗi lầm. Dù rời khỏi vòng tay yêu thương, chăm chút vô bờ của quý Sư; con luôn đặt mình trong tư thế sẵn sàng, chuẩn bị tâm lý để đối diện với những khó khăn, thử thách. Bởi cuộc sống vô thường nên cần bình tĩnh xử lý sẽ dễ thành công hơn.
Sau cuộc trò chuyện nhân dịp xuân mới trở về, các em đều đồng gửi lời kính chúc sức khỏe dồi dào đến quý Sư, quý mẹ bảo mẫu; mong Mái ấm Đức Sơn luôn hạnh phúc, đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau để ngày càng hoàn thiện; vì tương lai tươi đẹp đang chờ ở phía trước. Riêng Kiều Thiện Hồng Mai bộc bạch: Một mùa xuân nữa lại về, trong em luôn nghĩ tới người luôn yêu thương em suốt thời gian mà quên bản thân đã già đi, sức khỏe không còn như trước nữa, luôn nghĩ về việc một mai Sư không còn nữa thì mùa xuân của con cũng không còn nữa. Tại mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa đón chào sự hân hoan của muôn hoa, nhưng với em mùa xuân của em là đón nhận những đức hạnh từ bi của quý Sư cô, những người quanh năm chăm sóc và yêu thương em, không nghĩ cho bản thân mình.
TN. Như Hạnh