“Tam độc thủy bào hư xuất một”.
Tam độc là: tham, sân, si.
Tham: là tâm tham muốn mọi thứ dục vọng.
Sân: là tâm sân hận đối với những hoàn cảnh không thuận ý.
Si: là tâm ngu muội do bị vô minh che phủ, không thấy rõ được đâu là chánh, đâu là tà, điều gì là tốt, điều gì là xấu…
Ba độc tham, sân, si chỉ là huyễn hóa, không thật, nó giống như hòn bọt nước, lúc còn, lúc mất. Và ba độc này vốn do vô minh, phân biệt, vọng thức tạo ra.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có ghi lại rằng: “Khi mới thành đạo, Đức Phật đã bảo rằng: Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng, trí tuệ của Như Lai, vì các thứ vọng tưởng, chấp trước che mờ bèn thành lưu chuyển trong sanh tử”.
Vì chúng sanh không nhận ra Phật tánh của mình nên mới bị tham, sân, si kéo lôi, chi phối. Mà tham, sân, si gốc là do vô minh, do vô minh nên tham đắm, chạy theo ngũ dục, lục trần nên mới bị lưu chuyển trong sanh tử. Vì tham nên muốn chiếm hữu, mà chiếm hữu không được nên khởi tâm sân, khi sân không chuyển hóa được rồi tạo biết bao ác nghiệp, tội lỗi… là đã bị tâm si mê sai sử, chi phối. Vì một niệm vô minh, bất giác khởi lên mà không chuyển hóa được cho nên, bị tam độc tham, sân, si vận hành, tạo tác ác nghiệp.
Còn đối với bậc giác ngộ luôn sống trong chánh niệm, tỉnh giác thì tham, sân, si chỉ như hoa đốm trong hư không, chỉ là hòn bọt nước, giả tạm, không thật có. “Bản lai vô nhất vật” thì tham, sân, si làm gì có chỗ để trú ngụ, dấy khởi.
Có người nông dân hay nóng nảy, cộc cằn, đến thưa hỏi với Thiền sư Bàn Khuê rằng:
– Con được sanh ra với một tính khí cộc cằn, nóng nảy, không thể điều khiển, kiềm chế được. Xin Thiền Sư chỉ dạy phương pháp để trị tính nóng nảy, cộc cằn.
Thiền sư Bàn Khuê bảo:
– Anh được sanh ra với một tánh thú vị như vậy, thì ngay bây giờ anh có nóng nảy hay không? Nếu có thì anh hãy đem ra đây cho tôi xem thì tôi sẽ sửa cho.
Người nông dân thưa:
– Bạch Thầy, ngay lúc này thì không có.
Thiền sư bàn Khuê bảo:
– Như vậy thì sự nóng nảy của anh không phải là cái bẩm sinh, nó không phải là cái sẵn có.
Người nông dân cũng giống như tất cả chúng sanh, lầm nhận cái nóng nảy, cộc cằn là tánh của mình. Nhưng cần phải rõ biết tánh nóng nảy, cộc cằn kia vốn không có tự thể, chỉ do vướng mắc, chấp trước vào các duyên mà dấy khởi, tạo nghiệp. Khi gặp duyên bất như ý mà không làm chủ được nên mới nóng nảy, chửi bới, đánh đập… tạo nghiệp. Còn khi yên tĩnh, tâm an thì tánh nóng nảy đâu có dấy khởi, xuất hiện. Nếu tánh nóng nảy là thật thì người nông dân luôn luôn nóng nảy, cộc cằn và người nông dân sẽ đem tánh nóng nảy ấy ra để Thiền sư Bàn Khuê khai thị. Còn đằng này người nông dân không đem ra được thì rõ ràng tánh nóng nảy ấy chỉ do duyên mà vọng có. Lời khai thị của Thiền sư Bàn Khuê như một chiếc gươm sắt bén, chặt đứt mọi gốc rễ mê lầm của người nông dân: “Sự nóng nảy của anh không phải là cái bẩm sinh, nó không phải là cái sẵn có”. Cũng vậy tam độc tham, sân, si không phải là cái bẩm sinh, không phải là cái sẵn có, mà nó chỉ do vô minh, vọng chấp mà ra. Khi giác ngộ rồi thì thấy tam độc như bọt nước, huyễn hóa, không thật.
Chánh văn:
Âm:
“Chứng thật tướng vô nhân pháp
Sát na diệt khước A-tỳ nghiệp
Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sinh
Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp”.
Nghĩa:
“Chứng thật tướng không nhân pháp
Sát na dứt sạch A-tỳ nghiệp
Nếu đem lời vọng dối chúng sinh
Tội rút lưỡi tự mang trần kiếp”.
Lời bình:
“Chứng thật tướng vô nhân pháp”.
Thật tướng là gì? Là tướng thật, tướng thật này không có các tướng có, không, sanh, diệt… tức là vô tướng. Vô tướng tức là thật tướng. Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai”. Nghĩa là: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”. Những vật gì có hình tướng đều bị hư hoại, hửu hình tức hửu hoại, đều bị vô thường chi phối. Còn khi thấy các tướng mà không bị mê lầm, ngay nơi cái sanh diệt (các tướng) mà nhận được bản tánh bất sanh bất diệt, tức thấy được Như Lai. Như Lai là bản tánh bất sanh bất diệt nơi mỗi người.
Người chứng được thật tướng thì không còn phân biệt, dính mắc đây là nhân (người), kia là pháp (đối tượng, sự vật bên ngoài), tức không còn rơi vào đối đãi hai bên, dứt sạch tình chấp ngã.
Quốc sư Phật Quang vào cuối thời nhà Minh, khi quân Nguyên tràn qua thì Sư tị nạn tại chùa Năng Nhân ở Châu Ô. Khi quân Nguyên kéo đến, chúng trong chùa chạy hết chỉ một mình Sư còn ở lại. Quân Nguyên tới thấy trong chùa chạy hết chỉ còn Sư ngồi đây, mới lấy dao lại kề cổ Sư, sắc diện Sư vẫn tự nhiên không thay đổi gì hết, lại nói bài kệ rằng:
Âm:
“Càn khôn vô địa trát vô cung
Thả hỷ nhân không pháp diệc không
Trân trọng Đại Nguyên tam xích kiếm
Điển quang ảnh lý trảm xuân phong”.
Nghĩa:
“Trời đất không chỗ để cắm dùi
Vui thật người không pháp cũng không
Xin thỉnh Đại Nguyên thanh kiếm bén
Trong ánh chớp lòa chém gió xuân”.
Quân Nguyên thấy vậy cảm phục quá, sám hối đảnh lễ rồi đi.
Vì sao Quốc sư Phật Quang lại tự tại, bất động dù cho quân Nguyên lấy dao lại kề cổ mà sắc diện của Sư vẫn tự nhiên, không thay đổi? Đó là do Quốc sư Phật Quang đã “Chứng thực tướng không nhân pháp”, không thấy mình bị chém nên không thọ khổ. Việc quân Nguyên lấy dao kề cổ Ngài cũng như chém gió xuân vậy. Bất động trước gươm đao, kiếm bén.
“Sát na diệt khước A-tỳ nghiệp”.
Địa ngục A-tỳ theo tiếng Hán Việt có nghĩa là Vô Gián (không gián đoạn) hay còn gọi là Vô Cửu, là nơi chúng sanh thọ cực hình, khổ đau không gián đoạn. Người tạo năm tội cực ác: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu, phá hoại hòa hợp Tăng thì bị đọa vào địa ngục A-tỳ.
Tội là do vô minh, khởi tâm vọng tưởng tạo tác, tâm nghĩ điều xấu, ác nên thân và miệng mới thực hành theo. Khi mê thì dấy khởi và làm điều ác. Nhưng trong khoảng sát na tỉnh giác nhận ra bản tâm thanh tịnh thì không còn thấy có nhân, có pháp, không thấy có người bị đọa vào địa ngục, cũng không thấy có người thọ nhận các cực hình. Thế nên thành Phật, tác Tổ cũng nhân nơi tâm này, mà đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh… cũng nhân nơi tâm này.
Sơ Tổ Trúc Lâm có bài kệ rằng:
Âm:
“Khẩu tợ huyết bồn ha Phật Tổ
Nha như kiếm thọ chủy Thiền lâm
Nhất triêu tử nhập A-tỳ ngục
Tiếu sát Nam mô Quán Thế Âm”.
Nghĩa:
“Miệng dường chậu máu chê Phật Tổ
Răng như kiếm bén ngậm rừng thiền
Một mai chết đọa A-tỳ ngục
Cười ngất Nam mô Quán Thế Âm”.
Người tạo tội chê Phật, mắng Tổ… tạo nghiệp ác nên khi chết bị đọa vào địa ngục. Nhưng khi quả xấu đến thì không than khóc, khổ sở, oán than mà lại “Cười ngất Nam mô Quán Thế Âm”, là bởi vì khi mê tạo tội cho nên, phải thọ nhận quả báo, còn khi thọ nhận quả báo mà vẫn tươi cười là do đã chứng được thật tánh, không thấy có nhân cũng không thấy có pháp, dù đọa trong địa ngục A-tỳ mà vẫn cười ngất Nam mô Quán Thế Âm.
Hải Trung (ĐSHĐ-128)
Thiền sinh Hải Thảo diễn đọc