Chánh Văn:
Âm:
“Pháp thân giác liễu vô nhất vật
Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật
Ngũ ấm phù vân không khứ lai
Tam độc thủy bào hư xuất một.”
Nghĩa:
“Pháp thân giác rồi không một vật
Sẵn nguồn tự tánh thiên chân Phật
Năm ấm mây trôi qua lại suông
Ba độc bọt nổi luống còn mất.”
Lời bình:
“Pháp thân giác liễu vô nhất vật.”
Giác ngộ (rõ biết) pháp thân không một vật. Bởi lẽ pháp thân thanh tịnh không hình tướng thì làm gì có một vật nào ở trong đó, nếu còn có một vật ắt chẳng phải là pháp thân.
Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác đắc pháp nơi Lục Tổ Huệ Năng nên chỗ liễu ngộ cũng tương ưng với Lục Tổ Huệ Năng. Trong bài kệ trình pháp, Lục Tổ đã bảo rằng:
“Bồ-đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm?”
“Xưa nay không một vật” không có bất cứ một vật nào ở trong pháp thân thanh tịnh, thế nên đừng tạo tác, nhồi nhét thêm bất cứ vật gì nữa, chỉ thêm nhọc nhằn mà thôi.
“Bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật.”
Tự tánh của mỗi chúng sanh vốn là Phật. Điều này đã được Đức Phật thọ ký rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nếu không có thì làm sao biết thấy, biết nghe, biết ngửi… Chỉ do vô minh, nghiệp lực che khuất nên chúng sanh mới không nhận ra Phật tánh của mình. Các vị cao Tăng thuở xưa do nhận lại và sống được với tánh giác nên đã liễu ngộ, đạt đạo. Như Thiền sư Linh Vân Chí Cần thấy hoa đào nở liền tỏ ngộ, Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn nghe tiếng viên sỏi văng trúng cây tre mà ngộ đạo… Nếu Phật tánh không sẵn có thì làm sao quý Ngài giác ngộ được.
Thiền Sư Đại An thượng đường bảo chúng rằng:
– Cả thảy các ngươi đến Đại An này tìm cầu cái gì? Nếu muốn làm Phật, các ngươi tự là Phật. Sao lại gánh Phật sang nhà bên cạnh tìm, luống tự nhọc nhằn. Ví như con nai khát nước mà chạy theo ánh nắng, biết bao giờ được khế hợp.
Thiền Sư Đại An dạy người học đạo tin vào Phật tánh vốn sẵn có nơi mỗi người. “Nếu muốn làm Phật, các ngươi tự là Phật”, bởi lẽ tự tánh của mỗi chúng sanh vốn là Phật. Chỉ do mê nên mới hướng ngoại, tìm cầu Phật ở bên ngoài, đến khi giác ngộ rồi mới rõ biết Phật ở ngay nơi tự tánh của mỗi người.
“Ngũ ấm phù vân không khứ lai.”
Người đã giác ngộ, đạt đạo thì thấy thân tứ đại giả hợp này chỉ như mây nổi, không có tự thể cố định.
Năm ấm hay còn gọi là năm uẩn, gồm có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
Sắc uẩn: là tất cả các bộ phận sinh lý, nói chung là thân thể con người.
Thọ uẩn: là cảm giác sinh lý sinh ra khi các giác quan của thân thể tiếp xúc với đối tượng của chúng. Cảm giác có thể là dễ chịu (lạc thọ), khó chịu (khổ thọ), hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ).
Tưởng uẩn: là tri giác, tức là sự nhận biết đối tượng của nhận thức con người.
Hành uẩn: là chỉ chung cho tất cả mọi hiện tượng, mọi sự vật được hình thành do nhân và duyên, tức là vạn pháp trong vũ trụ (ở cả ba lĩnh vực: tâm lý, sinh lý và vật lý). Riêng hành uẩn ở đây là chỉ cho “tâm hành”, tức là tất cả những hiện tượng tâm lý của con người. Duy Thức Học nói, có cả thảy 51 hiện tượng tâm lí – gọi là 51 tâm sở, trong đó có hai uẩn thọ và tưởng ở trên, nhưng vì phạm vi hoạt động của thọ và tưởng quá quan trọng – gần như suốt ngày, lúc nào ta cũng sống với thọ và tưởng – nên ở đây hai hành này được tách riêng thành ra hai uẩn và 49 hành còn lại thì được gộp chung trong một uẩn là “hành uẩn”.
Thức uẩn: là tâm thức, nói tổng quát, đó là căn bản thức (Duy thức học gọi là thức A-lại-da) và nói chi tiết thì đó là tám thức: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, Mạt-na và A-lại-da – Duy thức học gọi chúng là tâm vương, các Kinh luận thường gọi một cách tổng quát là tâm, ý hay thức. Sở dĩ thức được gọi là “tâm vương” là vì ta nhìn thức ở phương diện căn bản, trong khi đó, nếu nhìn thức ở phương diện hành tướng, hiện khởi hay hoạt động thì ta có những hiện tượng tâm lí mà Duy thức học gọi là tâm sở, tức là nội dung của tâm vương. Tâm vương cũng giống như đại dương, còn tâm sở cũng giống như những ngọn sóng trên mặt đại dương. Ba uẩn trên kia: thọ, tưởng và hành là thuộc về “tâm sở”.
Năm ấm (năm uẩn) này che mờ Phật tánh và được vận hành do tâm vọng tưởng, si mê, điên đảo.
Người vô minh chấp năm ấm cho là thật từ đó bám giữ, chấp thủ rồi tạo biết bao nghiệp xấu, ác. Vì chấp thân là thật cho nên, cung phụng những thức ăn ngon, quần áo đẹp đẽ, hễ ai đụng đến thân này là chửi mắng, đánh đập, thậm chí đến lúc nhắm mắt, lìa đời vẫn luyến tiếc, tham đắm thân này, không xả ly được cho nên, cứ mãi loanh quanh, luẩn quẩn trong vòng sanh tử luân hồi. Vì chấp tâm vọng tưởng, sanh diệt cho là thật nên khi gặp việc vừa ý, có lợi cho mình thì vui thích, đắm say, còn khi gặp việc trái ý, nghịch lòng thì sân hận, oán thù đủ thứ.
Còn đối với bậc tác gia sáng mắt thì rõ biết năm ấm như mây nổi, không thật có, nên không tạo tác, đắm nhiễm nơi thân, và cũng không để tâm dính mắc, vướng kẹt vào ngũ dục, lục trần nên rất tự tại, vô ngại. Thiền sư Vạn Hạnh có bài kệ rằng:
Âm:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”
Nghĩa:
“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.”
Thiền sư Vạn Hạnh rõ biết thân tứ đại chỉ là bóng chớp, không thật có. Thân đã không thật thì có gì để chấp giữ, bám víu. Thân tứ đại là giả tạm, vạn vật thì vô thường, biến đổi, cỏ cây hoa lá mùa xuân thì xanh tươi, đẹp đẽ rồi đến mùa thu thì tàn úa, xơ xác, cuộc đời có thịnh, có suy… đó chính là quy luật tất yếu của vô thường. Nhưng đối với Thiền sư Vạn Hạnh thì tự tại, vô ngại trước những thịnh suy, biến đổi của vô thường.
(còn tiếp)
Hải Trung (ĐSHĐ-127)
Thiền sinh Hải Thảo diễn đọc