“Nhược tương vọng ngữ cuống chúng sanh
Tự chiêu bạt thiệt trần sa kiếp”.
Đây là lời chân thật, khẳng định, quả quyết của Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác. Nếu như những lời Ngài nói là gian dối, vọng ngữ ( Chứng thực tướng vô nhân pháp. Sát na diệt khước A-tỳ nghiệp) thì sẽ chịu quả báo “Bạt thiệt”. Thế nên hành giả phải có niềm tin kiên cố, vững chắc với những lời dạy của các bậc Cổ đức, các bậc Thánh Hiền, chư vị Tổ sư và không nên nghi ngờ tấm lòng bi mẫn của quý Ngài đối với chúng sanh.
Bạt Thiệt Địa Ngục: phàm người tại thế hay khêu chọc li gián, phỉ báng hại người, chửi rủa người khác, gian ngôn xảo biện, nói dối gạt người, sau khi chết sẽ vào Bạt Thiệt Địa Ngục. Tiểu quỷ sẽ banh mồm rồi dùng kềm thép gắp lấy lưỡi rút ra, không phải là giựt một cái cho đứt hẳn mà là từ từ kéo cho dài ra. Sau đó chuyển nhập Tiễn Đao Địa Ngục, Thiết Trụ Địa Ngục.
Trong nhà Thiền có Thiền sư Chuyết Huyền, dạy học trò là vị Tăng tên Từ Định. Ngài bảo rằng:
– Nếu ông thiền định nhất tâm không gián đoạn suốt bảy ngày đêm mà không chứng ngộ thì ông có thể tới đây chặt đầu tôi làm gáo múc phân.
Ngài Từ Định nghe vậy, sau đó không lâu bị bệnh kiết lỵ, nhớ tới lời này mới quyết tâm. Ngài lấy một cái thùng, đến nơi vắng vẻ ngồi lên đó, chú tâm thiền định liên tục suốt bảy ngày như vậy. Tới một đêm, thình lình Ngài thấy thế giới như là tuyết sáng dưới ánh trăng, vũ trụ này như thu nhỏ lại, không còn chứa nổi mình nữa. Khi đó bỗng nghe một tiếng động, Ngài Từ Định chợt ngộ, toàn thân ra mồ hôi, hết bệnh luôn. Ngài làm bài kệ rằng:
“Sáng chói linh diệu cái gì đây?
Anh vừa chớp mắt mất nó ngay
Dao thuốc cạnh bô đang chiếu sáng
Cuối cùng là chính tôi lâu nay.”
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy rõ tấm lòng từ bi của Thiền sư Chuyết Huyền đối với Ngài Từ Định. Vì muốn Ngài Từ Định vững niềm tin để tu tập đạt đến chỗ rốt ráo, chặt đứt các khối nghi, nên Thiền sư Chuyết Huyền đã quả quyết rằng: “Nếu ông thiền định nhất tâm không gián đoạn suốt bảy ngày đêm mà không chứng ngộ thì ông có thể tới đây chặt đầu tôi làm gáo múc phân”. Nhờ lời nói quả quyết này mà Ngài Từ Định quyết tâm tu tập đạt ngộ lý chân thật. Thiền sư Chuyết Huyền cũng như Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác đều có tâm từ bi, quảng đại, bao la tất cả cũng chỉ mong hành giả có niềm tin vững chắc nơi chánh pháp, kiên tâm vững chí tu hành đạt đến chỗ rốt ráo, viên mãn.
Chánh Văn
Âm:
“Đốn giác liễu Như Lai thiền
Lục độ vạn hạnh thể trung viên
Mộng lý minh minh hữu lục thú
Giác hậu không không vô đại thiên”.
Nghĩa:
“Chóng giác xong Như Lai thiền
Sáu độ muôn hạnh thể tròn nguyên
Trong mộng lao xao bày sáu nẻo
Tỉnh ra bằn bặt chẳng ba nghìn.”
Lời bình:
“Đốn giác liễu Như Lai thiền.”
Đốn giác tức là giác ngộ không qua học hỏi, nghiên cứu trên văn tự, chữ nghĩa, cũng không do suy tư, nghĩ tưởng mà được. Đốn giác là trực nhận bản tâm, thấy được bản tánh của mình.
Như Lai thiền:
1. Như Lai thiền: chỉ cho thiền định của Phật địa, là một trong bốn loại thiền, có xuất xứ từ phẩm Tập Nhất Thiết Pháp trong Kinh Đại Thừa Nhập Lăng Già quyển 3. Tức là thiền định tiến vào đất Như Lai, chứng được ba thứ vui của Thánh Trí, thị hiện diệu dụng rộng lớn không thể nghĩ bàn, làm lợi ích cho chúng sanh.
2. Như Lai thiền: một trong năm loại thiền (Ngũ vị thiền). Trong Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự quyển Thượng, phần một, Ngài Tông Mật chia thiền định làm năm loại, trong đó loại thứ năm Tối thượng thừa thiền được gọi là Như Lai Thanh Tịnh Thiền, gọi tắt là Như Lai thiền, cũng gọi Nhất hạnh tam muội, Chân như tam muội. Chỉ thú của loại thiền này là trực ngộ tâm mình xưa nay vốn thanh tịnh, không có phiền não, đầy đủ trí tính vô lậu. Tâm thanh tịnh này không khác với Phật, vì thế nên Ngài Tông Mật gọi đó là Như Lai Thanh Tịnh Thiền và cho đó là Thiền do môn hạ Tổ Bồ Đề Đạt Ma trao truyền cho nhau. Nhưng từ giữa đời Đường trở về sau, Thiền Tông nhân thịnh hành các phương thức bất lập văn tự, kiến tánh thành Phật, như đánh hét… trong việc tiếp hóa người học. Vì thế, Thiền sư Huệ Tịch ở Ngưỡng Sơn mới lập ra tên gọi Tổ sư Thiền, lấy đây làm tâm ấn do Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền, biểu thị ý nghĩa các Tổ sư dùng tâm ấn tâm trao truyền cho nhau để phân biệt với các loại thiền khác trong nội giáo.
Ngài Đại Mai Pháp Thường ban sơ khi đến tham vấn với Mã Tổ Đạo Nhất đã thưa rằng:
– Thế nào là Phật?
Mã Tổ đáp:
– Tức tâm tức Phật
Ngài Đại Mai Pháp Thường liền đại ngộ.
Như Lai thiền chính là đây, chỉ thẳng tâm người, không vòng vo, quanh co. “Thế nào là Phật- Tức tâm tức Phật”, ngay nơi tâm không so sánh, phân biệt, hơn thua, phải quấy… đó chính là Phật. Không cần phải hướng ngoại tìm cầu Phật ở nơi nào khác mà chỉ cần rõ biết. “Tức tâm tức Phật” liền đó đốn ngộ chân tâm, Phật tánh của chính mình.
“Lục độ vạn hạnh thể trung viên”.
Lục độ hay còn gọi là “Lục Ba-la-mật”. Sáu pháp tu hành của Phật giáo Đại thừa: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
Độ: ý nói từ sanh tử bờ này đạt đến Niết bàn bờ kia.
Vạn hạnh: là tất cả các hạnh thiện, lành để làm lợi ích cho chúng sanh.
Khi đã chóng giác ngộ Như Lai thiền thì sáu độ muôn hạnh thảy đều tròn đầy, viên mãn. Từ tâm thể thanh tịnh (Như Lai thiền) mà phát ra diệu dụng (lục độ vạn hạnh) hằng sa, làm lợi lạc cho chúng sanh nhiều vô số.
Đạo Phật là đạo giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Chư Phật, chư Bồ tát, các bậc Thiền sư sau khi đắc đạo rồi đều giáo hóa chúng sanh, đem đạo vào đời, giúp chúng sanh chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc, thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Ngài Viên Chiếu Tông Bổn, người đời Tống, nương theo Thiền sư Vĩnh An Đạo Thăng xuất gia học đạo. Trong tùng lâm, người chẳng tiếc ngàn dặm xông pha, từ xa đến cầu đạo rất nhiều. Ngài Viên Chiếu Tông Bổn theo hầu một bên Thiền sư Vĩnh An Đạo Thăng, thấy khá nhiều người đến trước cầu đạo, liền đem lòng xót thương kính phục. Ngài Viên Chiếu Tông Bổn thường mặc y rách, gánh nước, chặt củi, xuống bếp chuẩn bị ẩm thực để cúng dường đạo hữu đến tham học. Tuy ban ngày làm việc Tăng bận rộn, Ngài vẫn đến chỗ Ân sư tham học, chẳng dám lười biếng kiêu mạn mảy may. Có lần Thiền sư Vĩnh An Đạo Thăng hỏi:
– Hành hạnh đầu đà, vì đại chúng làm việc bận rộn, có cảm thấy mệt nhọc chăng?
Ngài Viên Chiếu Tông Bổn thưa rằng:
– Nếu bỏ một pháp, tức chẳng viên mãn Bồ-đề. Con vì muốn đời này có chỗ chứng ngộ, đâu dám nói mệt nhọc.
Tinh thần cống hiến, phụng sự của Ngài Viên Chiếu Tông Bổn khiến đàn hậu học vô cùng kính phục, lấy đó làm khuôn mẫu để noi theo và thực hành. Ngài đã làm tất cả các việc như gánh nước, chặt củi, chuẩn bị ẩm thực… Đây nói lên tinh thần Bồ-tát đạo, làm lợi lạc cho chúng sanh, không quản nhọc nhằn gian khổ. “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” thế nên các việc thiện, lành làm lợi ích cho chúng sanh thì quý Ngài đều làm tận tâm, tận lực, cống hiến hết sức mình.
Hải Trung (ĐSHĐ-129)
Thiền sinh Hải Thảo diễn đọc