Thính giả Hải Lê hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Cho em hỏi, em bị giật ở đuôi mắt phải 2 tuần nay mà không thấy khỏi. Em đang rất lo lắng không biết có bị gì không và có ảnh hướng gì đến sức khỏe và thị lực của em không.
Nhờ Bác sĩ giúp em. Nếu uống thuốc thì nên dùng thuốc gì ạ?”
Cảm ơn Bác sĩ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Chứng giật ở mắt (Eye twitching)
Chứng giật ở mắt (Eye twitching) có thể chỉ là một triệu chứng nhất thời, xảy ra lúc bệnh nhân bị stress, mất ngủ, hay dùng cà phê, thuốc lá quá nhiều. Nếu kéo dài, giật mạnh hơn, lan rộng ra có thể là thành phần của chứng bệnh tên “bệnh co thắt mí mắt vô căn lành tính” (BEB: Benign Essential Blepharospasm), xảy ra ở những người trung niên hoặc lớn tuổi hơn. Tuổi thường gặp BEB là 50-70, phụ nữ nhiều gần gấp đôi nam giới.
BEB là một bệnh gây ra do rối loạn một số bộ phận (hạch) trong đáy não bộ (basal ganglia), là một bệnh trong nhóm rối loạn về cử động (movement disorder), chúng ta chưa hiểu nguyên nhân rõ rệt. Các hạch nằm dưới não trước (forebrain), liên lạc với nhiều phần khác của não bộ và phụ trách kiểm soát các động tác có ý thức, các động tác theo thói quen như nghiến răng, các cử động của mắt, cũng như các cảm xúc và sự hiểu biết. Nếu kích thích đầu ra (output) của các hạch này yếu quá, những cử động ngoài ý muốn hay không bị kiềm chế có thể xảy ra. Di truyền có một vai trò nào đó.
Mắt chúng ta có mi trên và mi dưới. Một số cơ phụ trách nhắm mắt (protractors: orbicularis oculi, corrugator và procerus muscles) và một số cơ phụ trách mở mắt (retractors). Hai nhóm này hoạt động đối nghịch chiều với nhau, khi nhóm này co thì nhóm kia dãn ra, hoặc ngược lại. Cảm giác nhận từ mắt đi vào não bộ trung ương và tín hiệu xuất phát theo dây thần kinh số 7 (thần kinh mặt, facial nerve) ra lệnh cho các cơ nhắm mắt co vào. Lúc cơ chế này hoạt động không nhịp nhàng (defective circuit), mức quân bình các lực giữa các cơ quanh mắt bị rối loạn (dystonia), người bệnh sẽ cảm thấy một vùng nào đó hay nhiều vùng trong một hoặc hai mi mắt co, giật, hoặc co quắp lại không phải lúc, chúng ta gọi là bệnh co quắp mi mắt (blepharospasm: blephar: mi mắt, spasm: co quắp, co thắt).
Triệu chứng
Lúc đầu, triệ chứng có thể chỉ là mắt chớp nhanh hơn, thấy giật mi mắt, cảm giác co bóp (eyelid spasm), hay giật mi mắt (eye tic) không kiểm soát được. Có thể giật ở vùng giữa mặt hoặc vùng dưới mặt.
Bệnh nặng có thể làm bệnh nhắm mắt chặt lại, khó mở mắt ra, hoặc mở mắt ra thì đau nhức, nhất là nhìn lên phía trên. Bệnh nhân có thể tránh xem ti vi, đọc sách vì khó chịu hay đau. Mắt có thể khô, khó chịu lúc ra ánh sáng, và bác sĩ có thể định bệnh lầm là bệnh dị ứng mắt, bệnh khô mắt vì thiếu nước mắt (dry eyes).
Bệnh nhân có thể dễ chịu hơn sau khi ngủ một giấc, thư giãn, nhìn xuống, hát, nói hay humming (hát “hư hư” không ra lời).
Một số thuốc bệnh nhân dùng liên hệ với chứng này, ví dụ: thuốc chữa Parkinson; lúc bệnh nhân ngưng thuốc an thần.
Chữa trị
Những biện pháp giản dị: giảm bớt các chất kích thích như cà phê, giảm thuốc lá, rượu.
Massage vùng thái dương, vùng mặt hai bên cánh mũi, hai cơ hàm (masseter).
Ngủ đủ giờ, có giờ giấc; giảm stress.
Tránh để mắt quá khô, dùng giọt nước mắt nhân tạo (mua không cần toa) nhỏ vào mắt nhiều lần trong ngày, nhất là lúc xem màng hình nhiều, đọc sách nhiều, người lớn tuổi mắt dễ bị khô, lấy khăn nhúng nước ấm đắp vào mắt lúc bắt đầu giật.
Mang kính mát (màu xám/gray) chặn các tia cực tím, làm giảm bệnh mắt đau do nhạy cảm với ánh sáng (oculodynia due to photosensitivity). Đội nón che nắng.
Tập trung vào một việc gì đó như đan, may, làm vườn, nấu ăn (nhìn xuống làm đỡ triệu chứng hơn). Có thể thử hút gió, hát, humming, đàn. Một số người giảm triệu chứng tạm thời nếu ống diphenhydramine (Benadryl).
Chữa các bệnh về mắt như viêm các phần khác nhau của mắt nếu có (ví dụ viêm mi mắt/blepharitis), khô mắt, dị ứng mắt.
Thuốc men: thường không hiệu nghiệm lắm vì thuốc tác dụng trên não bộ trung ương, nên cơ chế tác dụng chưa hiểu rõ. Những loại thuốc như chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressant), thuốc an thần như lorazepam, clonazepam; thuốc chống spasm dùng trong bệnh Parkinson (Artane)
Chích botulinum A toxin (Botox) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Thuốc do một con vi khuẩn sản xuất, chích vào cơ liên hệ làm gián đoạn truyền dẫn thần kinh từ dây thần kinh qua cơ và làm cho cơ tê liệt. Thông thường dùng với mục đích thẩm mỹ, xóa các vết nhăn trên mặt. Trong trường hợp này cơ làm giật mi mắt không giật nữa. Sau 2-3 ngày, bệnh nhân cảm thấy thuyên giảm. Thuốc tác dụng tối đa sau 5-7 ngày, được vài tháng (6-9) thì hết hẳn tác dụng, thường vài tháng phải chích lại ngăn chặn co giật tái xuất hiện.
Trường hợp hiếm hơn, nếu Botox không hiệu nghiệm trong một số trường hợp mắt đau nhiều, khó mở ra bác sĩ có thể cắt bỏ một số cơ nhỏ phụ trách nhắm mắt (protractor myomectomy).
Một phẫu thuật khác là làm gián đoạn các dây thần kinh giao cảm đi vào mắt (superior cervical ganglion block) vì các dây này phụ trách đem về não bộ những cảm giác bất bình thường từ mắt (từđó gây ra phản ứng bất bình thường là co giật các cơ mi mắt).
Những trường hợp bệnh nhân từ chối giải phẫu và chích Botox không giải quyết được (phải chích vài tháng một lần, đắt tiền), một số bác sĩ dùng phương pháp bắt đầu từ đầu thế kỷ XX là chích alcohol vào đường đi dây thần kinh và cơ quanh mắt. Có thể gây biến chứng như méo mặt, nhắm mắt không chặt.
Xin nhắc lại, tất cả các nhận xét trên chỉ có tính cách thông tin tổng quát. Bệnh nhân cần được bác sĩ riêng khám cho mình và có quyết định cần thiết.
Chúc bệnh nhân may mắn!
Bác sĩ Hồ Văn Hiền (ĐSHĐ-056)