Đức Phật dạy: “Ai thấy pháp người ấy thấy Phật, Ai thấy Phật người ấy thấy pháp”. Thật vậy, tuy Ngài đã nhập Niết-bàn cách đây rất lâu, nhưng khi đọc lại những lời dạy trong Kinh Trung Bộ, con cảm tưởng như Phật đang thị hiện đâu đây trong lòng mỗi người con Phật.
Lời Phật dạy xuyên suốt 152 bài Kinh Trung Bộ, đầy đủ pháp học và pháp hành. Trong đó con đang học và thực tập chánh niệm tỉnh giác trong các oai nghi. Oai nghi rất quan trọng đối với người xuất gia mới vào đạo. Dù đã được Thầy dạy bảo, nhưng vì tập khí thiếu chánh niệm đã ăn sâu vào tiềm thức, nên giữ oai nghi rất khó. Việc được quý Ni sư và Đại chúng cho tham dự học Kinh Trung Bộ đã giúp cho con thay đổi rất nhiều. Mỗi khi đến giờ học Sư Bảo thường nhắc Đại chúng “Đem tâm về với thân ngay trong giây phút hiện tại”, câu thần chú tuy được lặp đi lặp lại mỗi ngày, nhưng đôi khi con cũng còn thất niệm, lắm lúc để tâm chạy theo cảnh bên ngoài. Học chánh kinh con thấy Đức Phật luôn dạy các Thầy Tỳ-kheo hãy giữ chánh niệm trong mỗi cử chỉ và hành động. Khi được tiếp cận lâu dần với giáo lý, con đã chuyển hóa được thân và tâm, thấy rõ những cử chỉ và hành động, biết quan sát và nhìn nhận nó, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt. Mỗi hành động hay cử chỉ khởi lên con đều quan sát và tuệ tri “Khi đi, tuệ tri: “Tôi đi”, hay đứng, tuệ tri: “Tôi đứng”, hay ngồi, tuệ tri: “Tôi ngồi”, hay nằm, tuệ tri: “Tôi nằm”. Thân thể như thế nào, tôi tuệ tri như thế ấy” (Kinh Tứ Niệm Xứ-10). Nhờ tuệ tri như vậy, con giữ được chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Hơn thế nữa, tuệ tri cần phải thực hành một cách thường xuyên, không gián đoạn. Đức Phật dạy: “Chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần” (Kinh Canki-95). Sẽ giúp chúng ta dễ dàng giữ chánh niệm và an lạc trong đời sống hiện tại. Ngoài ra, việc tiếp cận, gần gũi, thân cận các bậc Trưởng lão, bậc Tôn túc rất cần thiết cho con đường thực tập chánh niệm của mình. Mỗi bước đi, mỗi việc làm hay cử chỉ đều là bài học vô giá, nếu chúng ta không thân cận chúng ta sẽ mất cơ hội thực tập. Ví dụ: khi được làm thị giả, hay dắt Thầy đi bộ, Thầy không nói nhưng con quan sát cách đi, cách bước chậm rãi của Thầy để thực tập theo. Con cảm thấy thanh thản, an lạc và sống chậm hơn, không vội vàng, không hấp tấp, thân con ít mệt và tâm con dần dần trở nên an tịnh. Trong Kinh Magandiya-75, Đức Phật dạy: “Thân cận các bậc chân nhân, nhờ thân cận các bậc chân nhân, ông sẽ nghe được diệu pháp. Nhờ nghe diệu pháp, ông sống đúng với chánh pháp và tùy pháp.”
Oai nghi là nấc thang quan trọng cho người học Phật, nếu không thực hành oai nghi một cách miên mật chúng ta dễ mất chánh niệm. Người học Phật không có chánh niệm thì chẳng khác nào con chim không có cánh, khó bay đến con đường giải thoát và giác ngộ.
SC. Liên Hậu (ĐSHĐ-101)
Diễn đọc : SC Quảng Hiếu