Mùa Hạ năm Mậu Tuất lại trở về, ngoài vườn tiếng ve sầu rả rích vang một góc trời, báo hiệu mùa An Cư đã đến. Đây chính là lúc hàng Phật tử khắp bốn phương, phát tâm gieo duyên cúng dường, để chư Tôn Thiền đức Tăng Ni an tâm tu học.
Chơn tâm lặng lẽ hư không rỗng
Nhứt điểm tâm linh rộng tóm thâu.
Vâng! Thời Đức Thế Tôn còn tại thế, thời gian chín tháng trong năm, Tăng đoàn lên đường du phương hóa đạo:
Thượng cầu Phật đạo,
Hạ hóa chúng sanh.
Còn ba tháng mùa mưa sợ giẫm đạp côn trùng, tổn thương lòng Từ bi, nên Ngài không cho du hóa. Đồng thời An cư là ở yên một chỗ, thúc liễm thân tâm, trau giồi Tam vô lậu học. Tất cả Pháp môn phương tiện, đều dựa trên Giới – Định – Huệ làm nền tảng, đó là ba môn học đưa đến Niết Bàn. Cho đến nay, giáo lý này vẫn là cốt lõi của bộ phái Phật giáo, không một nhà nghiên cứu Phật học nào phủ nhận điều ấy. Bởi vì dù nước biển mênh mông vô tận nhưng cũng bắt đầu từ nguồn, dù nước trăm sông, đều đổ về biển cả và thuần một vị, đó là vị mặn. Giáo pháp của Phật cũng vậy, dù vô lượng Pháp môn nhưng chỉ có một vị, đó là vị Giải thoát. Cho nên, chúng ta thấy vai trò của Tam vô lậu học rất thực tiễn, là thước đo để đánh giá sự tu tập của hành giả. Còn công năng và sự lợi ích của Giới là “phòng phi chỉ ác” tức là ngăn chặn những điều sái quấy, và đình chỉ các điều xấu ác.
Hạ lại về sen hồng đua nở
Mùa Tăng Ni thúc liễm thân tâm
Xoay tánh nghe, nghe lại tâm mình
Phát trí tuệ, bình minh ló dạng
Ánh chiêu dương lên cao chói rạng
Sạch ưu phiền, chấp chứa từ lâu.
Kiết hạ, Kiết là kết, như lấy chỉ xâu những bông hoa rời rạc lại thành một tràng hoa, vừa đẹp lại vừa chắc chắn, không bị gió cuốn trôi. Cũng vậy, ba tháng mùa Hạ, Tăng đoàn tập trung về một trú xứ, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm đạt được trong chín tháng du hóa, xâu kết lại thành bài học rất bổ ích cho cộng đồng Tăng lữ. Đức Phật luôn luôn ca ngợi đời sống trầm lặng của các Tỳ kheo sống xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa rằng, một Tỳ kheo nên sống tách biệt ngoài cộng đồng Tăng lữ. Sống chung và hòa hợp trong cuộc sống thánh thiện, cao cả, giáo giới và sách tấn lẫn nhau, đó là sinh mạng của Tăng đoàn. Trong lịch sử phát triển của đạo Phật, sinh hoạt An cư kiết hạ là một nhân tố tích cực để các đệ tử tại gia, có điều kiện thuận tiện cúng dường, ủng hộ Giáo đoàn phát triển. Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp là tiêu biểu sức sống cụ thể của Giáo pháp, mà Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy. Đó cũng là nơi nương tựa tinh thần vững chắc và là niềm tin chân chính cho những người tại gia, sống giữa cuộc đời hỗn tạp đầy những hận thù và tranh chấp.
Một cộng đồng thanh tịnh và hòa hợp, cùng học, cùng Tu như sữa hòa với nước, quả là niềm tin và hy vọng cho con người sống giữa cảnh đời náo nhiệt, chứng tỏ rằng Chánh pháp của Đức Thế Tôn giảng thuyết, đem lại nhiều lợi ích cho hàng đệ tử của Ngài.
Một Phật tử tại gia có niềm tin trong sáng đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới, luôn luôn được ghi nhận với bốn đức tính:
– Thân cận thiện sĩ;
– Học hỏi Chánh pháp;
– Suy nghĩ sâu sắc những điều đã học;
– Hành trì những điều đã được chiêm nghiệm.
Trong bốn đức tính ấy, đức tính thứ nhất “Thân cận thiện sĩ” tức gần gũi các bậc thiện tri thức, những bậc đạo cao đức trọng. Mỗi năm vào mùa mưa, khi các Tỳ kheo tạm dừng chân tại một trú xứ, đây là thời gian thích hợp để cho hàng Phật tử tại gia học hỏi Chánh pháp.
Duyên khởi sự An cư kiết hạ của chúng Tỳ kheo, mang một ý nghĩa sâu xa, vì đây là sinh mạng tồn tại của Chánh pháp, được duy trì bằng đời sống thanh tịnh và hòa hợp của cộng đồng Tăng lữ. Chừng nào chúng Tỳ kheo còn nhiệt thành trong phận sự An cư ba tháng, thì bấy giờ Chánh pháp vẫn còn sức sống phong phú, để loài người làm nơi quy ngưỡng và xây dựng một thế giới an lành.
TKN.Phước Giác (ĐSHĐ-058)
Tài liệu tham khảo: Yết ma Yếu chỉ (Hòa thượng Thích Đổng Minh).