Bao thế hệ đi qua từ thuở chúa Nguyễn khai hoang vùng đất Nam Bộ theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” càng trở nên trù phú, tươi đẹp. Những con người đầu tiên đặt chân đến vùng đất lành, dần sanh con đẻ cái, trải dài qua nhiều đời trở thành đại gia đình lớn. Mối quan hệ gắn kết, bền chặt là nét đẹp đặc thù của các đại gia đình ở Việt Nam.
Mùa Vu Lan 2024 gần kề trong không khí se se lạnh của miền đất Phương Nam luôn ưu ái với tất cả những người con đất Việt đến nương tựa sinh sống. Tôi sẽ viết về trải nghiệm cuối tuần của mình bên gia đình “đại gia đình” ở Ladakh thật thú vị! Cách họ gắn kết và quan tâm lẫn nhau quả thật khiến người ta cảm thấy ấm áp và yêu thương.

Gia đình đa thế hệ với nhiều “mẹ” và “ba”
Trích nhật ký hành trình: “Mấy hôm tôi không hiểu sao đứa bạn nó có nhiều ba mẹ thế! Giờ hiểu rồi, vì mẹ bạn là chị cả, mấy người em gái thay vì kêu bằng dì như ở Việt Nam thì bạn kêu bằng mẹ luôn và tất nhiên kêu bằng mẹ thì chồng của dì cũng kêu bằng ba. Họ có trách nhiệm chung với nhau, khi một đứa con của gia đinh nào có vấn đề thì tất cả mọi sự lo lắng đó đều là của đại gia đình. Nếu ở gần nhau họ sẽ đón mấy đứa trẻ giùm khi tan làm về, anh em ở gần nhau sẽ chạy qua chạy lại ăn cơm.” Điều đặc biệt ấn tượng là cách gọi “mẹ” và “ba” trong gia đình ở Ladakh. Cách gọi này tượng trưng cho sự gắn kết chặt chẽ các thành viên trong đại gia đình, mỗi người đều chung vai gánh vác phần mình trong trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Khi một đứa trẻ gặp khó khăn, tất cả mọi người cùng quây quần hỗ trợ. Ở nơi này không có gì quan trọng hơn việc che chở cho trẻ con lớn lên được khỏe mạnh.

Công việc nhà được chia sẻ:
Trích nhật ký hành trình: “Riêng cuối tuần thì dâu, cháu, rể về nhà ông bà. Như mấy bà mẹ sẽ về bên phía ngoại trước, sau đó cả vợ chồng về bên phía nội ngủ lại một đêm, còn mấy đứa trẻ cứ thả đó chơi chung với nhau. Mẹ của bạn tôi sẽ nấu ăn và chăm sóc mấy bạn nhỏ đó. Rồi rể dâu trong hai ngày đó sẽ chạy qua chạy lại hai bên, lúc thì ăn sáng chung, lúc thì ăn trưa chung”. Vào cuối tuần, các thành viên trong gia đình tụ tập về nhà ông bà nấu ăn và chăm sóc con nhỏ, các con dâu rể thì luân phiên đến thăm hai bên nội ngoại để ăn sáng, ăn trưa.
Tình cảm gắn bó
Trích nhật ký hành trình: “Tôi để ý thì hình như họ ưu tiên lấy người trong làng với nhau. Tôi không biết định nghĩa như thế nào là giàu bên Ladakh, vào nhà ai cũng ít nhất hai tầng, một gác lửng, 8-9 phòng thật to và rộng. Bữa giờ ở đây thì tôi gọi theo bạn cho nên, tôi có năm ông ba (Aba), bà mẹ (Ama).Ông ngoại bà ngoại, ông nội bà nội thì vô số kể”. Sự ưu tiên kết hôn với người trong làng để giữ gìn sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa và truyền thống. Bên cạnh đó khi kết hôn với người trong làng, các cặp vợ chồng sẽ dễ dàng hòa nhập vào cộng đồng, nhận được sự hỗ trợ từ gia đình và bà con họ hàng. Sự sung túc không chỉ biểu hiện qua sự đông đúc về con cái mà còn ở phương diện nhà cửa rộng rãi với nhiều phòng ốc.
Sự khác biệt so với gia đình Việt Nam
Trích nhật ký hành trình: “Nói chung ở đây rất tình cảm, nhà mấy đứa con trên thành phố về đến quê là 3 giờ hơn, mà tôi thấy lái đi đi về về như đi chợ, cách thiết lập mối quan hệ này hơi khác với các gia đình ở Việt Nam. Nói chung tôi đi mỗi nơi cảm nhận trải nghiệm và học hỏi được nhiều thứ”. Cách thiết lập mối quan hệ gia đình ở Ladakh có phần khác biệt so với Việt Nam. Họ có xu hướng gắn kết và đoàn kết hơn, thường xuyên tụ tập và chia sẻ công việc nhà. Trong khi đó tại Việt Nam chỉ tụ tập vào dịp lễ Tết, giỗ chạp và các sự kiện quan trọng; hôn nhân đa dạng không bị giới hạn bởi địa phương, xu hướng kết hôn với người cùng quê hương vẫn phổ biến nhưng không bắt buộc.
Chuyến đi Ladakh đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị về nền văn hóa Ladakh đặc biệt là truyền thống gia đình và những bài học quý giá về tình cảm gia đình. Qua đó, tôi có thể cảm nhận được sự khác biệt trong văn hóa và cách sống giữa hai quốc gia.
Giác Nguyện (Ghi lại theo nhật ký hành trình của Sư cô Vạn Hiếu) {ĐSHĐ-131)