Trong tháng 6 có một ngày kỷ niệm rất quan trọng, đó là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (ngày 21 tháng 6). Để nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của Báo chí Việt Nam nói chung, báo chí Phật giáo nói riêng, cần nhìn lại dòng lịch sử hào hùng đã qua.
Ngày 21/6/1925, Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” – Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta.
Sau thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Kể từ đó đến xây dựng đất nước phát triển, báo chí Việt Nam phát huy sức mạnh truyền thông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Vào ngày 05/02/1985, theo Quyết định của Ban Bí thư số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật.
Nhìn lại từ quá trình hình thành và phát triển, báo chí đã làm ngời sáng truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng. Ðó là tinh thần đoàn kết, là sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, trung thành tuyệt đối với Ðảng, với Tổ quốc và dân tộc. Ðó là tinh thần chiến đấu và phẩm chất tiên phong, luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết bảo vệ công lý và lẽ phải. Luôn đổi mới sáng tạo, phát hiện cái mới, khẳng định và bảo vệ cái mới, cố gắng cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng để tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, hiện đại.
Xuyên suốt 98 năm qua, đội ngũ hội viên nhà báo, báo chí cả nước đã không ngừng lớn mạnh, thể hiện rõ tinh thần và ý chí cách mạng, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang mà Ðảng và Nhân dân giao phó.
Song hành với báo chí Cách mạng, vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, báo chí Phật giáo Việt Nam ra đời từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam với sự thành lập các tổ chức Phật giáo dưới mô hình các Hội. Mỗi Hội đều có tờ báo để nêu rõ tôn chỉ, đường lối hoạt động trong việc truyền bá Chánh pháp. Báo chí Phật giáo được khởi điểm từ Nam kỳ, sau đó lan tỏa đến Trung kỳ, Bắc kỳ và trở thành kênh truyền thông hữu hiệu xiển dương Chánh pháp, phá bỏ tà kiến, nhất là gắn liền diễn trình công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam.
Từ phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 1930. Sự đóng góp to lớn của những tạp chí, nguyệt san nầy đều được các vị sư lãnh đạo các hội Phật giáo điều hành. Nhiệm vụ báo chí Phật giáo bấy giờ không chỉ thúc đẩy, nối kết tinh thần học Phật, thực hành giáo pháp, hoằng pháp mà còn hướng đến xây dựng nền giáo dục Phật giáo thông qua việc cụ thể hóa hệ thống học đường, xây dựng văn học Phật giáo bằng chữ quốc ngữ, bảo tồn di sản văn hóa Việt, không để yếu tố ngoại lai xâm thực.
Sau năm 1975, báo chí Phật giáo bước sang thời kỳ mới của lịch sử truyền thông – báo chí Việt Nam. Báo chí Phật giáo Việt Nam có rất nhiều ấn bản và không ngừng phát triển về nội dung lẫn hình thức, báo viết và báo nói theo tinh thần chỉ đạo của Giáo hội: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”.
Trong rất nhiều ấn bản, đại diện cho tiếng nói của nữ giới Phật giáo Việt Nam là Đặc san Hoa Đàm. Tờ báo này ra đời nhằm phổ biến Phật pháp đi vào đời sống, đặc biệt là đời sống sinh hoạt tu học của chư Ni, qua đó giữ gìn những giá trị đạo đức, những tấm gương phẩm hạnh trong tu học của chư vị Ni tiền bối làm nền tảng cho Ni giới ngày nay.
Đặc san Hoa Đàm có ấn phẩm số đầu tiên vào tháng 5 năm 2013, trong đó có rất nhiều chuyên mục như: Tin tức & Sự kiện, nữ giới, Phật học, nghiên cứu, lối sống, chuyện ngắn, sức khỏe, thơ… Nhờ nội dung đặc sắc mà đặc san nhận được sự quan tâm của chư Tôn đức Tăng Ni, giới trí thức, Phật tử… Đặc san Hoa Đàm ngày càng phát triển về nội dung lẫn hình thức suốt những năm qua.
Và như thế, Đặc san Hoa Đàm hòa chung truyền thông – báo chí Phật giáo Việt Nam đã thể nhập vào đời sống thực tiễn – tâm linh bạn đọc, đồng thời lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo chính là văn hóa dân tộc từ xưa đến nay.
Thiện Tâm (ĐSHĐ-117)
Thích Quảng Nhã diễn đọc