Hơn 2500 đạo Phật có mặt trên đất Việt, sứ mệnh truyền giáo, truyền giới vẫn được chư Tôn túc vâng mệnh kế thừa. Không khí “Tuyển Phật trường” những tháng đầu năm đầy hân hoan, mang lại nhiều thông điệp ý nghĩa và cũng để lại nhiều lắng đọng trong lòng Tăng Ni trẻ đang đứng trước thềm thang cầu thọ giới pháp. Trên tinh thần “truyền đăng tục diệm”, Đại giới đàn Đạt Thanh tại Đồng Nai năm 2024 không chỉ nối tiếp sứ mệnh truyền giáo, truyền giới của Phật Tổ mà còn giới thiệu một nhân cách lịch sử, xứng danh Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Tăng già Nam Việt – Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh.
Đàn giới quy tụ 1.935 giới tử đến từ các hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ. Trong đó có 291 giới tử Tỳ-kheo, 418 giới tử Tỳ-kheo-ni, 423 giới tử Thức-xoa-ma-na, 367 giới tử Sa-di và 431 giới tử Sa-di-ni. Với con số này, có thể nói Đại giới đàn Đạt Thanh tại Đồng Nai là Đại giới đàn lớn nhất trên khắp cả nước. Suốt gần một tuần diễn ra đàn giới, chư giới tử đã nhận biết bao cảm xúc khi bước vào giới trường, bước vào thềm thang mới của con đường học đạo. Trong đó, cũng không sao quên được sự săn sóc, đồng hành của chư Tôn đức các ban ngành, các giới Phật tử và đặc biệt là sự sách tấn của chư Tôn giáo phẩm – những bậc Thầy lớn của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.
Trước hết phải kể đến sự quan tâm của đức Trưởng lão Hòa thượng Đệ tứ Pháp chủ – đạo hiệu Thích Trí Quảng, người đã có cơ duyên hầu cận với đức Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Tăng già (Tổ Thích Đạt Thanh) hơn 70 năm về trước. Hòa thượng cũng đề cao những đóng góp của Ngài. Đó là một bậc Tổ sư giàu lòng yêu nước mến đạo, lúc nào cũng giữ hình ảnh Phật trong lòng dù bị bắt lưu đày. Đặc biệt, Ngài có công lớn trong việc vận động thống nhất Phật giáo. Đức Đệ tứ Pháp chủ cũng không quên nhắn nhủ giới tử: Được sanh làm người, được gặp giới pháp và các bậc chân sư là duyên lành lớn, nhưng thiện duyên đó cần có chư Giới sư thanh tịnh hướng dẫn để giới thể châu viên. Nhờ thành tựu giới thể, thâm tâm chúng ta lúc nào cũng có Phật, có Tăng, giúp ta sống hòa hợp trong chánh pháp, không thối thất đạo tâm trong mọi hoàn cảnh sống. Sống trên cuộc đời này, chúng ta vì dân, vì nước, vì đạo, sẽ được chư Phật, Bồ-tát và thiện thần hộ niệm, khi mãn duyên thì về với Phật. Với tâm thanh tịnh, sự chí thành cầu thọ giới pháp, các giới tử sẽ đắc được vô tác giới thể, để xứng đáng là người thừa tự gia tài cao quý của Đức Như Lai.
Sau đức Đệ tứ Pháp chủ, Hòa thượng Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS, đạo hiệu Thích Thiện Nhơn sách tấn chư giới tử: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, Giới luật còn là Phật pháp còn. Hơn 2500 năm kể từ khi Phật nhập Niết bàn, Giáo pháp của Ngài được phổ cập, truyền bá cho đến ngày nay là nhờ công đức của công tác khai đàn truyền giới của chư Tôn đức qua các thời kỳ ở các nước cũng như tại Việt Nam. Ngài dạy, được làm thân người là khó, gặp được Phật pháp còn khó hơn, nên “Chớ bảo xuất gia là việc dễ” (Từ Vân Đại sư). Hòa thượng nêu rõ mối liên hệ của giới luật và trí tuệ như lời Phật dạy trong kinh Trường Bộ: Nơi nào có giới luật, nơi đó có trí tuệ. Nơi nào có trí tuệ, nơi đó có giới luật. Người có giới luật là người có trí tuệ. Người có trí tuệ là người có giới luật. Nơi nào có trí tuệ và giới luật nơi đó có vị Tỳ kheo là bậc Tối thượng của thế gian… Muốn trở thành bậc tối thượng thế gian, phải giữ gìn giới pháp. Thành tựu một vị Tỳ kheo chơn chánh, có phạm hạnh, có đạo đức là nhân tố tốt tích cực cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm lợi lạc cho đời, lợi ích cho đạo. Qua đó, thọ mạng của Phật pháp cũng được tồn tại lâu dài; mạng mạch của Tăng già cũng được tiếp tục từ đời này đến đời khác. Hòa thượng Phó Pháp chủ cũng tin tưởng và chúc chư giới tử đắc giới để không phụ lòng chư Tôn đức Hội đồng Thập sư, Ban Trị sự và khích lệ toàn thể giữ giới trang nghiêm thanh tịnh cho đến ngày mãn phần, để tiếp tục duy trì mạng mạch của Phật pháp.
Trưởng lão HT. Thích Nhật Quang – Ủy viên Thường trực HĐCM, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai: Đại giới đàn Đạt Thanh đã được diễn ra trong ánh sáng mầu nhiệm của giới luật. Vô tác giới thể thành tựu, phổ nhuận khắp thân tâm, khai mở nguồn tuệ giác vô biên. Dòng sinh mệnh của Giáo hội Tăng già từ ngàn xưa như được sống lại, hòa vào dòng chảy hiện sinh, nuôi dưỡng tâm Bồ-đề của tất cả chúng ta càng thêm vững mạnh. Với sự cần cầu giới pháp của chư giới tử, Hòa thượng nhắc lại lời di huấn của Thế Tôn lúc sắp nhập diệt: “Tỳ-kheo các ông! Sau khi Ta diệt độ, phải tôn trọng quý kính Ba-la-đề-mộc-xoa, như đêm tối gặp ánh sáng, như người nghèo gặp của báu, phải biết Tịnh giới là bậc thầy cao cả của các thầy. Nếu Ta còn ở đời, cũng không khác gì Tịnh giới vậy”.
Nối tiếp đó, Ngài sách tấn chư giới tử phải nhớ, từ xưa đến nay Tăng đoàn được xây dựng trên nền tảng giới đức và tâm hạnh của người xuất gia đệ tử Phật. Cho nên, việc cầu thọ giới pháp, hành trì giới luật của chư giới tử được xem là nghi biểu của Tăng-già. Thọ mạng Phật pháp có dài lâu hay không đều trông cậy vào hàng Tăng bảo có mặt nơi đời. Giới quan trọng dường ấy, nếu người xuất gia không khéo thọ học và hành trì giới pháp là không xứng đáng Thích tử của Như Lai. Như Đại sư Trí Húc từng dạy: “Ngũ phần Pháp thân khởi đầu là Giới, lấy Giới làm y chỉ, ba môn Vô lậu học cũng lấy Giới làm đầu. Không một vị Phật nào không đầy đủ giới thể, không một Bồ tát nào không tu giới đức, không một kinh điển nào không ngợi khen giới pháp, không một Thánh Hiền nào không nghiêm trì giới luật”.
HT. Thích Thiện Đạo – Thành viên Hội đồng chứng minh Trung ương GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai cũng đã có buổi giáo giới hành nghi đến chư giới tử. Những pháp ngữ của Ngài giúp cho Tăng Ni thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của giới luật trong chặng đường tu, học và hành đạo. Đồng thời cũng cho thấy, giới đàn là pháp hội, là nhân duyên thù thắng để giới luật, giáo pháp của Phật có mặt trên cuộc đời. Do đó, người phát nguyện xuất gia là phải phát nguyện đi theo con đường của Đức Phật đã đi, bước theo bước chân của Đức Phật đã bước và làm theo những việc Đức Phật đã làm; tức là phát nguyện đi trên con đường cao đẹp, nối tiếp dòng Thánh mà chư Phật, chư Tổ đã khai sáng. Chính vì thế, trách nhiệm người xuất gia rất lớn, rất nặng, không chỉ đối với tự thân mà còn đối với tông phong, thầy Tổ… Tại đó, Ngài cũng khơi dậy sự dõng mãnh, chân chánh của chư giới tử khi phát nguyện lãnh thọ giới pháp, thệ trọn đời giữ đạo, “ủy khí thân mạng, tôn sùng đạo cố.” Giá trị của giới luật vì thế càng được tỏ rõ qua lời dạy: Thuyền giới pháp là thuyền trí tuệ, thuyền bát nhã. Không nương vào thuyền từ bát nhã thì không thể vượt qua sinh tử. Phật nói giới như thuyền từ đưa người qua bể khổ, giới như ngọn đèn sáng soi đường cho chúng sinh qua khỏi hầm hố của sinh tử, giới như là đất tốt từ đó muôn vật phát sinh. Chư giới tử phải có quan điểm, nhận thức rõ ràng trong việc tu tập giới pháp. Sau cùng, Hòa thượng hướng dẫn chư giới tử phát nguyện như Bồ tát Phổ Hiền: “Nguyện ngã tu hành Bồ đề thời, nhất thiết cứu trung thành túc mạng, thường đắc xuất gia tu tịnh giới, vô cấu vô phá vô xuyên lậu”. Cứ như thế, Ngài luôn ân cần sách tấn Tăng Ni tinh chuyên trau giồi Giới – Định – Tuệ, phải trân quý, giữ gìn và thọ học giới pháp để không phụ ân đức Thầy Tổ, chư Tôn đức Giới sư trao truyền.
TT. Thích Huệ Khai – Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Kiến đàn nhấn mạnh: “Quý vị đầy đủ duyên lành được xuất gia học đạo, lại được lãnh thọ giới pháp, hành hạnh Sa-môn. Đã vào Tuyển Phật trường, tất cả giới tử hãy giữ thân tâm thanh tịnh, lắng lòng chuyên nhất lãnh thọ giới pháp. Lãnh thọ giới pháp rồi chung thân hành giới, ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, thảy đều thanh tịnh biến khắp pháp giới. Đặc biệt, trước tấm gương sáng ngời của Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh, Tăng Ni trẻ cần phải nghiêm trì giới luật để Phật pháp tồn tại lâu dài. Mong rằng các giới tử học theo gương hạnh cao cả của Tổ sư và chư Tôn đức tiền bối hữu công.
Về phía chư Tôn đức Ni, có NT. Thích Nữ Huệ Hương – Ủy viên HĐTS, Chứng minh Phân ban Ni giới TW, Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai cũng đã dành nhiều quan tâm đến hàng giới tử Ni lưu hậu học. Trong cương vị của một Hòa thượng Ni đàn đầu, Ni trưởng luôn nhìn thấy sự khát ngưỡng, cần cầu giới pháp của chư giới tử, đặc biệt là giới tử Ni. Những chia sẻ ân cần và sự gần gũi, tận tụy của bậc mô phạm ấy đã để lại không ít năng lượng tin yêu cho thế hệ hậu bối, khi các em đang đứng trước những ngưỡng cửa mới mẻ để tìm đến con đường, giá trị tâm linh, giải thoát. Ánh mắt hiền từ, trìu mến của Ni trưởng không chỉ hài lòng, hoan hỷ mà có lần còn bộc bạch khi thấy tất cả giới tử, gương diện ai cũng sáng như đã được Đức Phật ấn chứng. Với nấc thang mới sắp được lãnh thọ, Ni trưởng cầu nguyện cho tất cả đều được đắc giới và nhắn nhủ chư giới tử cố gắng tinh tấn để đoạn trừ phiền não, không để tham sân si quấy rầy.
Hẳn sẽ còn nhiều và rất nhiều lời giáo huấn cao quý từ chư Tôn giáo phẩm nhưng trong khuôn khổ hạn chế của tờ báo, PV. Hoa Đàm xin được góp nhặt một vài lời dạy điển hình để lưu lại làm chút hành trang cho chư giới tử. Chốn “Tuyển Phật trường” Đạt Thanh đã khép lại nhưng hy vọng nơi này sẽ là nơi bắt đầu mở ra một đời sống phạm hạnh, thanh cao của gần 2000 người con với hạt giống lành nguyện theo gót Phật. Nguyện cho lòng tôn kính và giữ gìn giới luật thuở ban sơ ấy không phai nhạt. Nguyện cho con đường học giới, hành giới, hộ giới luôn nghiêm trì, cẩn trọng, trong sạch như giữ gìn mạng sống của chính mỗi chúng ta.
Mỹ Ngọc (ĐSHĐ-129)