Nếu cho rằng đệ tử Phật ăn bám xã hội thì điều này chẳng khác nào chê trách ông Thầy (Phật) của 25 thế kỷ giáo hóa ra một loạt ăn không ngồi rồi. Và cũng chẳng khác gì bóng gió mỉa mai rằng, những người quy y với đệ tử Phật trên khắp năm châu từ xưa đến nay đều là những người đi theo đường lối, giáo pháp ăn bám xã hội. Cách nói này đồng nghĩa: hàng triệu người thuộc tầng lớp trí thức, hàng tỷ tín đồ ngoan đạo trên thế giới đang mù lòa bước đi trên con đường vô sản, bước đi theo lời dạy của những người ăn bám. Đây quả là một sự nhìn nhận đầy tai hại. Bởi lẽ, nhà Phật không những chỉ rõ tính tiêu cực của lối sống “nhàn cư vi bất thiện” mà giáo pháp của Đức Phật luôn đề cao một đời sống tàm quý và tri túc, tức mô phỏng về việc “ăn mặc ít, sống phạm hạnh, không đòi hỏi vật chất nhiều1.” Con đường giáo dục, nuôi dưỡng đời sống Tăng thân không nặng nhọc trong nhu cầu ăn uống. Do vậy, họ luôn là những con người “… bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng2…”
Song, sự khất thực của chúng đệ tử Đức Phật không phải sự thèm khát cơm canh mà chính yếu để rèn giũa hạnh nguyện từ bi của đấng Thiện Thệ: “Đối với những người đói khát, không được ăn uống, không thể tự đến với đạo để tạo phước đức, vì muốn khiến cho những người ấy được viên mãn các nguyện nên Đức Như Lai đi khất thực3.” Tất nhiên, đạo Phật không chủ trương sống để ăn, để hưởng thụ. Nếu tu hành để hưởng thụ qua nhu cầu ăn uống thì nhà Phật không kêu gọi và khuyến khích ăn chay. Đạo Phật chú trọng giải thoát nên lìa bỏ những tham muốn về ngũ dục: trong đó, có ăn (thực).
Đến nay, đã không ít lần Phật giáo trả lời cho vấn đề “sống để ăn hay ăn để sống”. Thông điệp mà đạo Phật gửi gắm thường đề cập với nội dung: Người ta ở đời không sống để ăn nhưng bỏ cái ăn thì con người không thể sống. Nói cách khác: “Sống ở đời này không ai không ăn uống, nhưng ăn để sống làm người và được sống an lạc, hiền hòa và lành mạnh, là vấn đề khác. Còn sống để ăn mà không cần nghĩ đó là đúng hay sai lại là vấn đề khác. Hai giá trị sống khác nhau, một bên ăn để còn được lo nghĩ tới kẻ khác, ngược lại một bên ăn chỉ để lo cho mình4.”
Nói đúng và nói đủ, đạo Phật không tuyệt bỏ cái ăn, nhưng không lệ thuộc vào cái ăn. Nói ‘không bỏ’ vì xưa kia, trước khi thành đạo, Thái tử là người đã thực thi lối khổ hạnh ép xác nhưng cũng chính Ngài là người tuyên bố từ bỏ lối tu hành ấy. Vì nó không đem đến giải thoát thực sự và thực tế, sẽ khó để có một tinh thần minh mẫn tồn tại trong một cơ thể bạc nhược. Điều này sẽ tạo nên sự trở ngại lớn cho người học đạo. Do vậy, khi “có các ngoại đạo tu pháp đoạn thực, Đức Phật dạy: …Nếu chỉ đoạn thực mà chẳng hết phiền não, thì chết uổng vô ích5.”
Đối với chúng đệ tử, Ngài còn dạy trước khi ăn phải tam đề ngũ quán chứ không chỉ ăn cho no cái bụng của mình. Trong đó, nguyện lớn nhất là “Ngũ – Vị thành đạo nghiệp ưng thọ thử thực6” Tất cả những điều lệ này là thông điệp lớn để thức tỉnh và răn nhắc người tu học: Hạt cơm của tín thí nặng như núi Tu-di, không thể thọ nhận một cách bừa bãi và sống buông lung, phóng túng. Do đó, phải thúc liễm: “…Đạo nghiệp chưa thành thì ăn phải hổ thẹn, sợ rằng tín cúng khó tiêu… Nếu người xuất gia học đạo, khi thọ thực chẳng giữ chánh niệm, chẳng nhờ năm pháp quán thì cũng giống như con bò ăn cỏ7”.
Tiến thêm một bước nữa, giới luật của Phật còn chế định không được ăn phi thời. Như vậy, giáo lý trung đạo đã khơi gợi nhiều góc khuất để chúng ta thấy rằng: “Việc ăn uống là cần thiết nhưng phải cao quý, và con người cao quý hơn con vật chính là biết cách sống, là làm việc và ăn uống hợp theo đạo lý làm người8.”
Như vậy, qua việc phân tích hai vế câu trong lời bài xích của Âu Dương Tu cho thấy nhận định này quả là lộng ngôn, phiến diện và có luận điệu vơ đũa cả nắm. Sở dĩ nói phiến diện vì “… người ấy đã không thấy rõ ở đô thành lớn và làng ấp đông, không cày ruộng mà lại có cơm ăn thì 10 người đã có đến 7, 8 người, cả đến những nơi núi rừng sông biển, thì có những kẻ trộm cướp, ở nơi quán chợ phố phường thì có những kẻ ca hát, đóng kịch, làm thuê… Tất cả đều là những người không cày ruộng mà vẫn có cơm ăn; đâu phải chỉ riêng những người biết tu tâm dưỡng tánh mới không thích làm việc đó9.” Còn sở dĩ nói: “Vơ đũa cả nắm” là vì họ chỉ nhìn thấy một vài thành phần bất hảo trong Tăng đoàn rồi quy chụp cho nguyên cả một đoàn thể đệ tử Phật. Nhận thấy, người phát ngôn là đối tượng có tầm trong xã hội nên ít nhiều họ cũng nhận thức được nhà tu hành không phải là người thiểu năng, vô tàm vô quý. Một đạo giáo truyền tải giá trị đạo đức cho nhân loại thì chắc chắn những người thừa hành của đạo ấy phải mẫu mực về cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Dĩ nhiên, Phật giáo vẫn thừa nhận: ngoài hạng người hảo tâm xuất gia vẫn có xuất hiện một vài thành phần không đến với đạo vì mục đích cao thượng, bao gồm cả “muốn trốn luật vua, phép nước,… vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch, … vì mang công mắc nợ10.”
Suy cho cùng, thật khó để uốn nắn miệng lưỡi của dư luận. Trước thì cho Sa môn không làm nhưng khi Sa môn làm thì cho xuất gia bon chen thế sự, cướp đi miếng ăn của chúng sanh. Song, thử nghĩ nếu cho rằng đệ tử Phật ăn không ngồi rồi, tại sao thiên hạ không vào chùa cho đỡ cực thân. Phải chăng người ta sợ không kham nổi pháp ăn chay hay cảnh thức khuya, dậy sớm, …? Trong khi, chỉ cần mỗi người tu hành “Chớ làm các việc ác/ Vâng làm các điều thiện/ Tự thanh tịnh tâm ý11” là họ đã đem lại biết bao giá trị cho xã tắc, đạo pháp và cá nhân họ. Vả lại, công việc đồng áng vốn chẳng phải sứ mạng của Sa môn Thích tử. Nếu đó là việc của Sa môn thì những người tu chẳng khác nào những ông nông dân nhà quê, quanh năm suốt tháng chỉ biết giục trâu, cầm cày,… Một nhà tu cày bừa đúng nghĩa, phải lấy “Lòng tin là hạt giống, Khổ hạnh là mưa móc, Trí tuệ… là cày và ách mang, Tàm quý là cán cày, Ý căn là dây cột, Chánh niệm… là lưỡi cày, gậy đâm…, Tinh tấn… là khả năng mang ách.12”
Qua những phân tích về chủ đề được bàn luận do Âu Dương Tu thắc mắc, rõ ràng Hộ Pháp Luận là một hồi chuông vừa có tính thức tỉnh và cũng vừa mang lại một tín hiệu mới trong công cuộc ‘cải tà quy chánh’ của Trương Thương Anh. Ở đó, nó không chỉ đập phá, xây dựng lại những tư duy, quan điểm đúng đắn về đạo Phật mà tất cả những vấn đề được nêu ra, nếu nhìn nhận một cách tích cực thì đó là đòn bẩy để hàng đệ tử Phật càng phải nỗ lực, chủ động hơn trong mọi vai trò và trách nhiệm hóa đạo của mình.
Riêng đối với chủ đề “Đệ tử Phật không làm mà có cơm ăn”, có thể nói là nguồn cảm hứng kích thích cho Vô Tận cư sĩ có những đòn phản pháo rất chất. Sự biện luận đó đã thay đổi tư duy cho người đối nghịch, đồng thời trả lại giá trị cho những người đệ tử tu học chơn chánh của Đức Thế Tôn. Để rồi khẳng định, người học Phật không phải là hạng ăn không ngồi rồi, ăn bám xã hội mà họ là những người luôn tự chủ và tinh cần làm nhiều việc tốt, việc đẹp cho đời. Đó là chuyển hóa bản thân và xây dựng, giáo dục ra nhiều thế hệ, nhiều nhân cách gương mẫu, đạo đức cho nhân quần xã hội.
TN. Như Hạnh (ĐSHĐ-101)
Diễn đọc: SC Huệ Pháp
- Thích Trí Quảng, “Hành Trang Của Người Học Phật, Ý Nghĩa Tụng Kinh Dược Sư Và Niệm Phật Dược Sư”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2005, tr.47.
- Kinh Trường Bộ 1, Kinh Sa-Môn Quả, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 135.
- “Đại Tập 57 – Bộ Kinh Tập IV – Số 490->584, Số 565 – Kinh Thuận Quyền Phương Tiện – Quyển Thượng – Phẩm 1: Pháp Sa-Môn”, Sa môn Thích Tịnh Hạnh, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 825.
- Tỷ-kheo Thích Quang Nhuận, “Phật học khái lược 1”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004, tr. 91.
- “Đại Tập 112 – Bộ Luận II – Số 1645 -> 1648, Luận Thành Thật – Quyển 14”, Sa môn Thích Tịnh Hạnh, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, tr. 458.
- Thích Nữ Phước Hoàn (Như Thanh) Chú Giải, “Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Giải”, Taiwan, 2015, tr. 248.
- Thích Nữ Phước Hoàn (Như Thanh) Chú Giải, “Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Giải”, Taiwan, 2015, tr. 248.
- Tỷ-kheo Thích Quang Nhuận, “Phật học khái lược 1”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004, tr. 91.
- Trương Thương Anh, dịch giả: HT. Thích Đức Nghiệp, “Luận Hộ Pháp và Phật giáo với khoa học,” NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 33 – 34.
- Giới Nghiêm, “Mi Tiên Vấn Đáp, 5. Cứu cánh của Sa môn hạnh”, NXB. Văn Học – Hà Nội, 2010, tr. 111.
- Sđd, tr.13.
- Nguyên Bản: Pāli – Việt dịch: Hòa thượng Thích Minh Châu, “Kinh Tương Ưng Bộ 2013 – Tập I, II. Phẩm Cư Sĩ”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr. 267.
Tài liệu tham khảo
1. Thừa Tướng Trương Thương Anh, dịch giả: HT. Thích Đức Nghiệp, “Luận Hộ Pháp và Phật giáo với khoa học”, NXB. Tôn giáo, Hà Nội, 2007.
2. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ 1”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
3. Nguyên Bản Pāli – Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu, “Kinh Tương Ưng Bộ – Tập I”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2013.
4. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ 3”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005.
5. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 7 – Bộ A Hàm VII – Kinh Tạp A-Hàm Số 3”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000.
6. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 8 – Bộ A-Hàm VIII – Kinh Tạp A-Hàm Số 125 (Q1-> 30)”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
7. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 57 – Bộ Kinh Tập IV – Số 490 -> 584, Số 565 – Kinh Thuận Quyền Phương Tiện”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
8. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 112 – Bộ Luận II – Số 1645 -> 1648, Luận Thành Thật – Quyển 14”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000.
9. Thích Nữ Phước Hoàn (Như Thanh) Chú Giải, “Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Giải”, Taiwan, 2015.
10. HT. Thích Thanh Kiểm, “Thiền Lâm Bảo Huấn”, NXB. Thanh Niên, 2020.
11. Tỷ-kheo Thích Quang Nhuận, “Phật học khái lược 1”, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004.
12. Hòa thượng Giới Nghiêm, “Mi Tiên Vấn Đáp”, NXB. Văn Học – Hà Nội, 2010.
13. Hòa thượng Thích Trí Quảng, “Hành Trang Của Người Học Phật”, Tôn Giáo, Hà Nội.
14. Tống Thiên Thiên – Dịch giả Thoại Trang, “Đàm Phật thuyết đạo ngộ nhân sinh”, NXB. Dân Trí, 2020.