Boong! Boong! Boong!… chuông công phu vang rền trên chánh điện, như vẳng đưa, như thức nhắc trần tâm lạc lối sớm quay về tỉnh diệu. Có một cái gì không căn nguyên, không cấp số, ray rứt, âu lo, được khởi động từ đáy huyệt của tâm hồn. Mới ngày nào còn đó, gặp lại Tôn sư, cha mẹ, bạn bè thân hữu…ấy thế mà, tưởng chừng như đã sống quá lâu dài trong xa vắng!…
À! À! Phải rồi tôi nhớ đến lớp Ni sinh trẻ và còn bao Tăng Ni khác nữa đang còn lắm nhiêu khê.
“Hữu thùy trực thượng cô phong đảnh
Trường khiếu nhất thanh hàng thái hư”.
Phải chăng đã ấp ủ lòng người tu sĩ mong nước nhảy bờ, cho tằm hóa kén ươm tơ! Ngày mai đó! “Truyền Đăng Tục Diệm”…là sứ mệnh hàng đầu của thế hệ trẻ Tăng Ni. Ngược thời gian, chúng ta hãy ném dần những suy tư vụn vỡ, để tìm lại trong khối óc thời xưa, vang bóng Vạn Hạnh Thiền sư đời Lý, Phật Hoàng Nhân Tông đời Trần….và quý bậc chuyên tu. Đó là những lý do ắt có và đủ cho thế hệ Tăng Ni trẻ suy tư.
“ Bành Tổ niên cao kim hà tại
Nhan Hồi yểu thọ diệc phi không”.
Là bức thông điệp gởi đến cho các cấp Giáo hội, gởi đến bậc Tôn đức, Phân Ban Ni Giới Trung Ương và Phân Ban các Tỉnh Thành “Chiếc đũa thần và xâu chìa khóa”. Quý Ngài tôn kính của chúng con ơi! Hãy mớm cho chúng con dòng sữa tư lương đạo vị, hãy mở cho chúng con vạn lối đường dài và hãy cho chúng con vô vàn ý sống. Có phải chăng khi mắt đã mù, chân chúng con rướm máu, mới trẩy gội tâm hồn và thấm mặn bước đi nhìn đại thể. Xét xưa nay cái khó không phải ở việc làm, mà là do ý chí của con người có chung sức hay không?
Nói đến Giáo hội là nói đến những người đã khuất, có mặt và không có mặt đang tháo gỡ trăm sông cho nước đổ về nguồn. Hiện thực là làm thế nào cho Tăng Ni có đủ điều kiện môi trường chuyển hóa. Thành Phố Hồ Chí Minh chỉ có một Viện Phật học và một Lớp Giảng sư chưa đủ để giải quyết thỏa đáng cho Tăng Ni sinh hiếu học. Thuyền đã nhổ neo nhưng đến đích được hay không là tùy ở nhiều yếu tố, Tăng Ni trẻ vốn liếng chưa nhiều nên hướng đi không nhuần, không bậc đưa đường, không người chỉ lối ắt quyết phải trôi dạt trăm sông.
Còn chờ đợi gì nữa khi sức sống mòn của quý Ngài đã lùi dần theo năm tháng… chỉ bằng một ý thức, một suy nghĩ thoáng qua cũng đủ cho sự ưu thời, mẫn thế của Quý ngài… Thành phố với số lượng Tăng Ni lớn và tổ chức không có môi trường nội trú, Tăng Ni thiếu phương tiện sinh sống. Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề phức tạp khác, là những yếu tố bào mòn phẩm chất, biến Tăng Ni chạy cuồng theo thị hiếu để rồi đánh mất giá trị chân tâm. Lòng mong cầu và tha thiết nhất của thế hệ trẻ là được các bậc Thầy, cha anh, chắt chiu hoạn dưỡng nên người mai hậu. Xét xưa nhìn nay, hai hoàn cảnh khó dung thông được, mà qua đó chất liệu tình người đã mất mát quá nhiều, dòng sữa ngọt ngày xưa đã phai màu, biến chất.
Từng giây phút thoáng qua, từng giấc mơ chợt đến, chúng con luôn cầu nguyện sự cứu độ của Nhị Bộ Tăng Già, để vén mây mờ, cứu vãng và hồi sinh sức sống cho nhân loại. Ý thức này gần như phó thác trọn vẹn cho thế hệ Tăng Ni trẻ. Đạo đức và Phật học có vượt trên thế học, mới khôi phục yếu lý và chất liệu của con người trong cộng đồng xã hội duyên sinh. “Vầng thái dương đã lên, nàng sương e lệ, âm thầm quẳng gánh ra đi, để ánh sáng nhịp nhàng cất tiếng ca trên ngàn cây kẽ lá”.
Đi về đâu! Học ở nơi đâu? Khi chân chim còn quá yếu mềm trên sỏi đá. Có sự mở lời của quý Ngài là ngàn hoa đua nở cho chim khôn tìm lối về. Tăng Ni trẻ chúng con đang tha thiết về nguồn trong ý niệm che chở, bao dung… Củng cố lại Tăng đoàn, nếp sống Thiền môn quy củ cho Tăng Ni, không ngừng đào sâu cội gốc văn hóa dân tộc và đạo Pháp là yếu điểm.
Kính các bậc cao minh, “Ếch dòm đáy giếng” là tâm trạng thô thiển, chúng con mượn bút mực để trình. Ngưỡng mong từ mẫn cố, ánh đuốc Từ tôn ngàn đời luôn soi lối. Đạo Phật không thể thiếu được trong cộng đồng nhân loại, một vết son đã điểm, Tăng lữ đã có hướng đi và ngày càng cần thiết cho dân tộc. Thượng tầng kiến trúc là liều thuốc hồi sinh cho đạo đức khơi nguồn. Phật học phải trên thế học mới tạo sự quân bình cho tư tưởng, sự phối hợp triết lý Đông-Tây rất cần, khi ý thức thâu hóa và sáng tạo của Tăng Ni sinh trẻ được định hướng, và từ đó chân trời chân-thiện- mỹ sẽ chiếu sáng ngàn phương, bằng ngược lại chỉ là vết dầu hoen mờ chiếc gương phản chiếu. Quý Ngài ơi! Cho chúng con lên đường bằng niềm tin trí tuệ, cho muôn hoa rợp lối giữa ngàn sao, cho lý tưởng chen mầm lên nhựa sống. Ngày mai kia bất động với cuộc đời, định hướng đó cho chúng con vang lừng tiếng gọi: “Núi rừng ơi! Trời đất đã nở hoa”.
TKN. Như Như
Diễn đọc : SC Quảng Hiếu