Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có hai câu ca dao rất hay đáng để chúng ta phải chiêm nghiệm:
“Dốc bồ thương kẻ ăn đong
Vắng chồng thương kẻ nằm không một mình”.
Nó mang tính nhân văn sâu sắc với những cảm thương, trăn trở của kẻ “dư thừa” thương người “thiếu thốn”. Ở đây, vì lý do câu bát (câu hai) không dính dáng gì đến chuyện ăn uống nên chỉ xin “mổ xẻ” ở câu lục: “Dốc bồ thương kẻ ăn đong”.
Không biết câu ca dao này ra đời từ khi nào và ai là người truyền miệng, chỉ biết là nó đã để lại một cảm nhận thật đẹp trong lòng mỗi chúng ta. Lời của câu ca dao đã nói lên tất cả (dù nghĩa đen hay là nghĩa bóng) về tình yêu thương giữa người với người. Tuy nhiên, ở thời đại nào cũng vậy, hễ có mặt tốt thì mặt xấu cũng “song hành”. Ngày xưa, lắm bậc hiền tài đã nhường cơm sẻ áo cho dân nghèo nhưng cũng không ít bọn quan lại tham ô ăn sung mặc sướng lại để dân làng chịu khổ. Đó là chuyện của thời phong kiến, vậy còn ngày nay thế nào?
Những con người giàu lòng nhân ái
Cùng với sự quan tâm, chia sẻ của xã hội, họ sẵn sàng bỏ ra chút ít tiền để mua thức ăn, nước uống cho người nghèo, kẻ cơ nhỡ. Đó là những người thích làm từ thiện. Họ đóng góp vài thùng mì gói, vài chục ký gạo, vài thùng sữa để tích tiểu thành đại cho một hội từ thiện nào đó để hội đem phân phát cho người nghèo, người gặp thiên tai hay đơn thuần là những trại mồ côi, nhà mở… Hoặc những lần chạy xe ngang đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận), đường Bình Thới (quận 11) vào mùa nóng (khoảng 2 tháng trước), bạn sẽ bắt gặp những thùng trà đá to tướng đặt bên lề đường với dòng chữ ghi trên thùng: “Trà đá miễn phí”. Mặc dù không biết “tác giả” là ai, nhưng những người ghé vào uống nước đều thầm cảm ơn với hành động nhân ái này.
Ngay tại ngã tư Võ Văn Tần-Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) cũng xuất hiện một bình trà đá miễn phí được đặt gọn gàng trên vỉa hè. Bình nước này ngay lập tức đã thu hút được nhiều sự tò mò của những người đi đường. Chủ nhân của bình trà đá này là chị Minh, một người phụ nữ trạc 50 tuổi sinh sống bằng nghề bán nước trong khuôn viên Sân khấu kịch 5B, Võ Văn Tần. Thực ra, ly trà đá không đáng bao nhiêu tiền, nhưng nó quý ở tấm lòng vì đã giúp đỡ những người lao động giải nhiệt trong cái nắng oi bức của mùa hè. Chứ người giàu sang ít ai ghé vào uống trà đá, còn người nghèo nếu vào quán uống nước thì mất ít nhất 7000 -10,000 ngàn đồng. Được biết, trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3), tại một quán không sang trọng mấy nhưng giá ly trà đá là… 5000 đồng! Khiếp!
Ở đường số 3, cư xá Lữ Gia (quận 11) có quán cơm 2.000 đồng một phần dành cho người nghèo, sinh viên xa nhà. Giá 2.000 đồng không chỉ là cơm trắng mà mỗi phần gồm có món mặn, món canh và một trái chuối tráng miệng. Quán phục vụ vào các ngày thứ 3, 5, 7 vào 11 giờ trưa. Chủ nhân của quán từng là cô sinh viên nghèo trường đại học kinh tế. Từng trải nghiệm và thấm thía nỗi khó khăn của người nghèo khổ, nhất là dân tỉnh lẻ, nên cô quyết định lập quán cơm này với mong muốn chia sẻ chút ít dư dả của mình cho người nghèo. Cô còn kêu gọi nhiều nhà hảo tâm ra tay đóng góp để quán được phát huy nhiều hơn. Chính vì quán cơm quá rẻ nên vào những ngày lẻ, quán rất đông đúc, những nhân viên phục vụ không tính tiền làm bở hơi tai. Nhất là giờ cao điểm, khi mà đại bộ phận người lao động nghèo khổ nghỉ trưa để dùng cơm, nào là: công nhân phụ hồ, người bán vé số, người ăn xin…
Một số địa chỉ quán cơm giá rẻ, miễn phí mà người nghèo cần lưu tâm. Quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm nằm trên đường Hoàng Sa (quận 3), quán cơm chay miễn phí chùa Diệu Pháp nằm trên đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh), bếp ăn từ thiện Bảo Hòa dành cho bệnh nhân ung bướu nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1). Ngoài ra, còn nhiều nơi khác ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ với người nghèo bằng những bữa cơm ấm áp tình người như chùa Vạn Thiên nằm sâu trong hẻm 136 (đường Trần Phú, quận 5), quán Tre Việt Nam (Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức)…
Đối xử tệ bạc với kẻ ăn xin
Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm chia sẻ với người nghèo vẫn có một số người đối xử tệ bạc với kẻ ăn xin. Đến những quán ăn từ sang trọng đến bình dân, nhất là về đêm, bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh hơi bị choáng. Cứ mỗi tối, khi quán xá lên đèn, khách vào nườm nượp, những người ăn xin “tụ hội” về đây để xin ăn. Đại bộ phận “cái bang” đều xin tiền, kẻ băng kín đầu, người gãy chân ngồi xe lăn, kẻ thì teo cơ… mà trong đó thật thật, giả giả lẫn lộn cho nên không bàn tới. Chỉ có một bộ phận thiểu số đi xin từng miếng ăn, bát cơm để sống qua ngày, nếu ai thương tình thì cho thêm vài ngàn bạc lẻ. Họ là những đứa bé, cụ già len lỏi vào đám đông để xin một chén cơm, bát nước… Thậm chí họ đứng thật lâu, kể cả quỳ xuống đất như là bề tôi đang đợi vua ban phát ân huệ.Vậy mà rất khó khăn! Những “thượng đế” ăn mặc sang trọng, ra vẻ giàu có vẫn tiếc miếng ăn của mình, không chịu chia sẻ cho người khó khăn. Họ thà quẳng thức ăn xuống đất cho kẻ ăn xin nhặt lấy chứ tuyệt nhiên không đưa trực tiếp vì họ cho rằng tay những người ăn xin bẩn thỉu, sợ bị lây bệnh truyền nhiễm. Đau lòng thay! Những đứa trẻ lang thang không biết cha mẹ là ai, những người già bị con cháu bỏ rơi côi cút, vậy mà sao họ nỡ vô tình?
Ở một quán cơm gà Quận 8, tôi từng chứng kiến một cảnh đau lòng. Một cụ già độ chừng 80 tuổi vẫn còn đi bán vé số. Cụ bước vào quán mời một cặp vợ chồng (ra vẻ rất giàu có với những bộ trang sức đắt tiền trên tay) mua vé số nhưng họ không mua và khoát tay kêu đi. Bán không được, cụ quay sang xin một ly nước ngọt mà họ uống dở dang với vẻ thành khẩn. Vậy mà… thật tàn nhẫn khi đôi vợ chồng đó nỡ mắng mỏ bà cụ một hơi rồi tiếp tục ăn uống vô tư. Ngồi cạnh bàn, thấy vậy tôi gọi cụ sang. Tôi mời cụ ngồi, mua giúp giùm 5 tờ vé số, mặc dù tôi ghét những trò chơi may rủi vô cùng. Thấy cụ có vẻ đói, tôi kêu cho cụ đĩa cơm gà và một ly nước ngọt. Hỏi han về hoàn cảnh của cụ, tôi mới biết cụ bị con gái đuổi ra khỏi nhà sau khi lừa cụ bán sạch lô đất. Cụ sống dưới gầm cầu, mỗi ngày đi bán vé số kiếm sống. Mới sáng nay, cụ bị bọn thất đức đi xe gắn máy giật hết nguyên cọc vé số. Hết vốn lẫn lời nên cụ không mua nước uống nói chi đến việc ăn cơm, còn tiền vé số phải nợ chủ đại lý. “Cũng may chủ đại lý vé số thương hoàn cảnh của bà!” – cụ thở than.
Lần khác, ở quán nhậu bình dân trên đường Hùng Vương (đối diện công viên Văn Lang), tôi lại chứng kiến một hành động chướng mắt. Có thằng bé đen nhẻm, ăn mặc rách mướp, thất thểu vào quán xin ăn. “Đối tượng” mà thằng bé xin là một nhóm sinh viên, đang cười nói vui vẻ, trên bàn là cả chục đĩa thức ăn ngon. Thằng bé chìa tay xin họ một… con tôm. Nó tỉ tê là đang đói và thèm tôm. Cả nhóm sinh viên nhìn nhau đầy suy nghĩ, gương mặt căng thẳng thấy rõ, rồi sau đó ai cũng phớt lờ đi. Thằng bé tiếp tục xin lần thứ hai, với vẻ khổ sở hơn. Một cô bé, trông lanh chanh, nạt nộ thằng bé bằng một câu chỉ có dân chợ búa mới sử dụng: “Mày đi chỗ khác cho bọn tao ăn coi! Cho mày hả? Tao cho chó con còn sướng hơn”. Một tốp ồ lên cười, trong khi đó có vài người ái ngại buông đũa và trầm ngâm. Ngồi bàn đối diện, chứng kiến sự việc, thương cho thằng bé nên tôi gọi nó qua cho cả một đĩa tôm nướng sa tế. Thằng bé mừng như nhặt được vàng, cảm ơn tôi rối rít rồi lặng lẽ rời quán với những bước đi khắc khổ.
Lời kết
Thế mới thấy, ngoài những kẻ “ăn no tức bụng” thì còn rất nhiều người “dốc bồ thương kẻ ăn đong” đang có mặt khắp nơi trên đất nước mình. Họ làm từ thiện không phải để mong nhận được những phúc đức, những vận may hay mong mỏi tiền sẽ vô như nước ở tương lai… mà họ chỉ có một suy nghĩ giản đơn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Mong rằng tất cả chúng ta, những người con yêu thương của Việt Nam hãy san sẻ những gì mình có thể cho người nghèo, dù đó chỉ là một mẩu bánh mì vụn cũng đáng quý biết dường nào. Vì thành ngữ có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Nguyễn Hoàng Duy(ĐSHĐ-004)