Gần một năm sau lần suy tôn Quyền Đức Pháp chủ GHPGVN; vừa qua ngày 29/11/2022, Trưởng lão HT. Thích Trí Quảng được suy tôn Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027. Buổi lễ diễn ra vào phiên bế mạc tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, TP. Hà Nội với sự tham gia đông đảo của 1.091 đại biểu, gồm các chư Tôn đức Giáo phẩm, Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử trong và ngoài nước.
Trên cương vị lãnh đạo tối cao về đạo pháp và giới luật, Đức Pháp chủ đương nhiệm không quên nhắc lại lịch sử của những Đại hội trước và lời nhắn nhủ của nhị vị Pháp chủ tiền nhiệm (Đệ nhất Pháp chủ – HT. Thích Đức Nhuận và Đệ tam Pháp chủ – HT. Thích Phổ Tuệ). Ngài nhấn mạnh:
“Năm 1981, chư Tôn đức Trưởng lão 9 hệ phái Phật giáo từ miền Bắc đến miền Nam một lòng muốn thống nhất ngôi nhà chung của Phật giáo sau khi đất nước độc lập. Đại hội lần đầu tiên chỉ hơn 100 đại biểu nhưng các vị là “những viên ngọc quý” của PGVN. Đức Pháp chủ Đệ nhất tha thiết đào tạo Tăng tài. Cái nhìn của Ngài vô cùng sáng suốt, quan trọng mà phù hợp với lời dạy của Tổ Khánh Hòa – người tiên phong mở ra con đường chấn hưng Phật giáo. Điều quan trọng nhất trong lời dạy của Ngài là: Có chùa mà không Tăng, coi như không có; có Tăng mà Tăng thất học, lại càng nguy hiểm hơn. Vì vậy, Ngài coi trọng vấn đề giáo dục Phật giáo để mở mang trí tuệ cho Tăng già. Do đó, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng cảm thông và tạo điều kiện cho mở trường đào tạo chư Tăng. Từ đó đến nay có hàng hàng lớp lớp Tăng sĩ có học vị từ cử nhân, tiến sĩ đến hàng vạn, hàng ngàn người. Đây là ơn đức lớn mà khởi đầu do đức Đệ nhất Pháp chủ đề xướng.
Đến Đại hội lần thứ VIII, đức Đệ tam Pháp chủ nhìn thấy sở học của Tăng già nhưng đạo hạnh có phần khiếm khuyết, nặng phần lý luận, tranh chấp hơn thua nên Ngài mong mỏi Hòa thượng Pháp chủ đương nhiệm cùng chư Tôn đức trong Hội đồng Chứng minh cố gắng xây dựng Hội đồng Giám luật để chấn chỉnh đạo phong của Tăng Ni. Đạo phong, cốt cách mà khiếm khuyết thì làm tổn thương cho Giáo hội cũng không ít.”
Từ tiền đề và ý chỉ được lãnh hội từ nhị vị Pháp chủ tiền nhiệm; Đệ tứ Pháp chủ đương nhiệm đã lãnh hội và dung hòa trong hai từ “Trí tuệ” và “Kỷ cương” làm khuôn mẫu vàng cho Đại hội toàn quốc lần IX. Ngài nhấn mạnh: Có trí tuệ mới có kỷ cương, có trí tuệ mới thấy được những gì đang làm, đang nói để tạo sự đoàn kết ở trong Giáo hội. Từ đó, xây dựng một cương lĩnh lãnh đạo từ trên xuống dưới. Mọi người chẳng những ở bên ngoài mà ở trong lòng chúng ta, đều hòa hợp ở trong giáo pháp Đức Phật. Thấu đáo được trí tuệ và kỷ cương mới phát triển bền vững. Phát triển mạnh mà kỷ cương kém thì nguy hiểm vô cùng.
Có thể nói, sự suy tôn hôm nay của Tăng già đối với Đức Trưởng lão Hòa thượng Đệ tứ Pháp chủ đã cho thấy sự đóng góp vô cùng to lớn của Ngài trong các giai đoạn lịch sử Phật giáo nước nhà. Nằm ngoài danh vị đó, ý nghĩa “Pháp chủ” đã thực sự đáp ứng được niềm tin và lý tưởng học Phật và phụng sự của hàng triệu tín đồ trên khắp cả nước. Ngài vừa làm sống dậy tinh thần đạo pháp, vừa là hiện thân mô phạm của tấm gương giới luật trong hàng chục năm qua. Điều này không chỉ mang lại vinh dự lớn, làm rạng danh cho Phật giáo Việt Nam, cho Phật giáo miền Nam Việt Nam mà còn mang lại bài học lớn trong việc kế thừa gia tài pháp bảo của đức Từ Phụ, của chư liệt vị Tổ sư. Đúng ra, Ngài chính là “một viên ngọc quý” được đánh dấu, được tỏa sáng trong số 100 viên ngọc được Ngài ví von trong Đại hội thống nhất Phật giáo nước nhà năm 1981. Tất cả những thành tựu có được hôm nay là một minh chứng để thấy rằng, trên con đường đạo, Ngài không ngừng hướng về tấm gương của người đi trước.
Đặc biệt, Ngài cũng không quên ngoái nhìn lại đằng sau để dìu dắt cho nhiều thế hệ hậu bối. Ngoài Phật, Tổ; còn rất và rất nhiều chư Tôn túc Tăng Ni, Phật tử đang dõi theo bước chân và khuôn thước đạo hạnh của Ngài. Hẳn nhiên, trong trăn trở của một bậc lãnh đạo đứng đầu Phật giáo, Ngài rõ biết sự có mặt của Ngài không chỉ thừa hưởng ân đức và sự gia bị của chư vị tiền nhân mà còn nhờ sự chung tay gánh vác sốt sắng của nhiều Tăng Ni có tầm nhìn lãnh đạo và chư thiện tín hộ trì. Trong sự gói ghém có chừng mực nhất định của Đại hội, Ngài kỳ vọng: “Tăng Ni và Phật tử trong Đại hội đã làm tốt, sống tốt thì tiếp tục phát triển; những điều chưa tốt thì cố gắng khắc phục để trở thành những nhân tố tốt ở trong Giáo hội, xã hội. Từ đó, phát hiện thêm những nhân tài trong Phật giáo để đề bạt trong tất cả các chức danh của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Nếu không có nhân tài, không có những con người tiêu biểu thì Phật giáo chúng ta dễ suy đồi. Như xưa kia Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông cố gắng thống nhất Phật giáo, đi khắp nơi để tìm nhân tố tích cực nhưng may mắn Ngài gặp được Pháp Loa tôn sư. Tuy là một người trẻ nhưng ý chí cao, quyết tâm lớn nên Ngài sẵn sàng truyền ngôi cho Pháp Loa trong khi tuổi đời mới ngoài 20. Cũng thế, chúng ta phải tìm cho ra những nhân tố tích cực đó. Nếu họ đang ẩn cư, họ đang tu học ở các tu viện, các trường đại học thì phát hiện và mời về để cùng chung sức xây dựng Giáo hội tốt đẹp hơn.”
Lời nhắn nhủ quý báu này của đức Pháp chủ không chỉ mang tính “hiệu triệu” mà còn đánh thức, khẳng định vai trò của nhân sự Giáo hội có tài đức. Đồng thời, góp phần xoa dịu, khích lệ đến chư Tôn đức Tăng Ni có đạo tâm, hết mình lăn xả trong tất cả các phương diện Phật sự nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đâu đó, sự thành tựu vang dội của Ngài có thể làm nhạt mờ những đóng góp thầm lặng kia nhưng sự quan tâm này là tiếng lòng, tiếng nói nhân nghĩa, nhằm quy tụ tất cả chư Tôn đức nhiệt tâm phụng sự. Cương lĩnh lãnh đạo đó vẫn được tiếp nối trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết nhưng không phải là “nhãn hiệu” mà phải thấy được vị trí của nhau. Có thế, dẫu cho những đóng góp chưa được sự công nhận của Chính phủ, của Giáo hội thì vẫn xứng đáng ở trên ngôi vị Ba-la-mật và có như thế thì “mọi người chẳng những ở bên ngoài mà còn ở trong lòng chúng ta.”
NS. Như Nguyệt
Sc Nhẫn Hoà diễn đọc