Khép lại rồi năm ngày ròng rã xuyên suốt, từ khi giới tử vân tập về “Tuyển Phật trường” cho đến lúc bế mạc Đại Giới đàn Trí Nghiêm ở Thành phố Nha Trang – xứ Trầm hương. Thế nhưng điều đọng lại trong tâm hồn tôi là hình ảnh trang nghiêm của những giới tử với tâm thành cầu thọ chánh giới của Phật, ngập tràn lòng tôn kính khát ngưỡng giới pháp, nên tất cả đều hiện rõ nét mặt hân hoan, chấp hành tốt bao thử thách của giới trường để được bước chân vào dòng Thích tử.
Nương lịch sử Phật giáo tìm về quá khứ, có một sự kiện nổi bật làm chấn động cả đất nước xứ Ấn lúc bấy giờ. Đó là bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề tức Kiều Đàm Di mẫu, bậc mẫu nghi của thiên hạ đã dẫn đầu đoàn năm trăm thể nữ thuộc dòng dõi quý tộc, tự hủy bỏ búi tóc mượt mà của người phụ nữ, rũ bỏ áo lụa nhung gấm để mặc pháp phục thô sơ, đầu trần chân đất từ kinh thành Ca-tỳ-la-vệ vượt suối trèo non để đến khu rừng Đại Lâm xứ Tỳ-xá-ly nơi Đức Phật đang giáo hóa để cầu xin được xuất gia thọ giới. Với tâm kiên trì dõng mãnh, nhiều lần tha thiết thỉnh cầu, cuối cùng Phật cũng chấp nhận cho Nữ giới gia nhập Tăng đoàn. Rồi từ đó, Ni đoàn chính thức được thành lập.
Ôn lại quá khứ để thẩm thấu sự kham nhẫn chịu đựng gian nan, ý chí cầu giới pháp một cách mãnh liệt vô tiền khoáng hậu, thật tuyệt vời của Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo để Ni đoàn được hiện hữu tại thế gian. Trải qua bao thế hệ dưới sự dắt dìu và phụng hành Bát Kỉnh Pháp , các bậc Trưởng bối Ni đã tích cực duy trì với tâm nguyện lan tỏa giá trị giải thoát của đạo Phật để đến hôm nay hàng hậu bối Ni vinh hạnh dự vào hàng Chúng Trung Tôn. Thế mới biết: “Giới đức trang nghiêm ươm mầm trí tuệ. Đàn tâm thanh tịnh gieo hạnh từ bi”. Thiết nghĩ, trong ánh sáng quang minh của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, vô lượng Thánh Hiền Tăng, chư Thiện Thần về ngự trị chứng minh, mật thùy gia hộ tại giới trường nghiêm tịnh phảng phất khói hương trầm quyện tỏa; Hội đồng thập sư tịnh đức phạm hạnh truyền trao giới tướng; giới tử phát tâm kiên thệ, chí thành cầu thọ giới pháp thì bấy giờ trong tâm giới tử đã hình thành Vô tác giới thể bởi đủ đầy ba điều kiện tất yếu.
Từ nhận thức và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa trên, nên khi tiếp nhận ba y và một bình bát có lẽ đối với mỗi giới tử, đây là dấu ấn khó nhạt mờ trong ký ức, biết trân quý phút giây thiêng liêng với tất cả lòng biết ơn vô hạn đối với mọi nhân duyên thù thắng mà mình đã lãnh thọ. Chư Tổ dạy: “Giới thọ hữu hà nan, nan giả chung thân trì tịnh giới”. (Nghĩa là: Thọ giới nào có khó, cái khó là thọ giới rồi trọn đời phải giữ giới cho trong sạch). Trong lời tựa của quyển “Luật Tỳ kheo Giới bổn sớ nghĩa” Hòa thượng Đỗng Minh nhấn mạnh: “Đời sống của người xuất gia nói riêng, của Tăng chúng nói chung là đời sống của giới luật. Phi điều này ra không còn gì đáng để đề cập, dù vẫn còn dưới hình thức: Tâm hình dị tục.” Quả thật, Giới đóng vai trò rất quan trọng đối với bất kỳ hành giả nào muốn tu tập để đạt đến quả vị giác ngộ tối thượng, nên một phần ba Tam tạng Kinh điển được dành riêng cho giới luật, và bàng bạc trong các kinh luận, giới và luật vẫn thường xuyên được nhắc đến để cảnh tỉnh người đang đi trên lộ trình Thánh đạo không thể vượt thoát khỏi nấc thang của việc nghiêm trì giới hạnh, giữ mình trong sạch vô nhiễm, “Giới như ngọn đuốc sáng, soi lối dẫn đường đưa người qua bến giác”. Giới luật là nền luân lý đạo đức của Phật giáo, là lá chắn bình an, bảo hộ thân tâm người trì giới. Giới, nền tảng căn bản đầu tiên là tiền đề cho Định và Tuệ phát sanh, như cái kiềng ba chân bảo hộ người giữ giới có đủ năng lực trí lực để có thể đứng vững trước mọi cám dỗ của thế tục.
Truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai là trách nhiệm cao cả và thiêng liêng của hàng Tăng bảo, khai mở Giới đàn, nhằm mục đích truyền trì Chánh pháp của Thế Tôn để Đạo mạch truyền lưu. Nương ánh sáng vô thượng để vững bước chân trên đạo lộ giải thoát. Thắp sáng lên ngọn đèn trí tuệ giữa cái tăm tối mịt mờ của thế gian làm bật lên những phẩm chất tốt đẹp của đệ tử Phật, một vẻ đẹp giản dị thanh bần ẩn sâu bên trong hình tướng khác tục. Năng lực mầu nhiệm của y ca-sa sẽ tỏa sáng thân tướng cho người đắp mặc. Hơn thế nữa “Tướng hảo quang minh dĩ tự nghiêm”. Người giữ gìn Chánh pháp của Thế Tôn là người phải tuân giữ giới luật một cách triệt để. Bởi Phật chế ra Giới luật để làm hàng rào ngăn chặn mọi dục vọng phát sanh, nhằm tăng trưởng đạo hạnh cho người tu tập. Kinh Trường bộ dạy: “Nơi nào có giới luật nơi đó có trí tuệ, nơi nào có trí tuệ nơi đó có Niết-bàn”.
Trong khuôn khổ bài viết cảm nhận về người đệ tử của Phật với trách nhiệm giữ gìn Giáo pháp của Thế Tôn nên tôi chỉ khái quát nêu lên một số điều căn bản cho người đang “hoài thai Thánh vị” không đào sâu về Giới Luật, vì giới luật là một phạm trù rộng lớn, cả một tạng Luật mênh mông trong biển Phật pháp. Điều tất yếu không thể phủ nhận rằng yếu tố quyết định thành tựu một sứ giả Như Lai – Chúng Trung Tôn, người thay Phật hoằng dương Chánh pháp, làm nhịp cầu nối liền giữa Tam bảo và thế gian phải hội tụ những phẩm chất tốt, nghiêm trì giới luật tinh chuyên sạch như băng tuyết, tinh tấn tĩnh tâm hành thiền để mở thông trí tuệ. Với nỗ lực không ngừng hoàn thiện nhân cách đạo đức, vị ấy phải là tấm gương trong suốt phản chiếu ánh sáng của giới hạnh và trí đức vẹn toàn không sứt mẻ bởi bất kỳ một tác động nào. Đó là một phần trong những điều kiện cơ bản làm tiêu chí để tác thành những giá trị đức hạnh của một người nguyện sống đời sống Thánh thiện giải thoát, làm người đệ tử trung thành giữ gìn Chánh pháp của Thế Tôn.
Thích Nữ Chơn Huệ
Diễn đọc : SC Nhuận Anh