Qua sự kiện Ban Thông tin Truyền thông (TTTT) Quảng Nam xuất sắc hoàn thành các công tác Phật sự góp phần công đức vào sự nghiệp phát triển bền vững, ổn định trang nghiêm và được GHPGVN và Ban TTTT Trung ương Giáo hội tặng Bằng Tuyên dương công đức, cho thấy không chỉ vai trò hữu ích của công tác thông tin truyền thông mà còn thể hiện ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp hoằng pháp.
Ngược trở về thời gian lúc Đức Phật thành đạo, lúc đó Tăng đoàn có được 60 vị A la hán, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi, vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, vì lòng từ bi đối với đời, vì hạnh phúc của trời và người; chớ đi hai người chung một đường với nhau. Này các Tỳ kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng” (Kinh Tương Ưng, Thiên I, trang 111).
Các vị đệ tử Phật đã vâng lời và tỏa đi khắp nơi và truyền bá giáo pháp của Ngài. Từ đó, đạo Phật được lưu truyền khắp nước Ấn Độ, và dần dần được truyền lan ra đến nước ngoài, ngay cả các vùng xa xôi hẻo lánh khó khăn, trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới. Việc này minh chứng Đức Phật là người đầu tiên rất kiệt xuất trong việc thực hiện công tác truyền thông bởi Ngài đã thấu rõ tính chất truyền thông là quá trình giao tiếp, chia sẻ thông tin, suy nghĩ, tình cảm… nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức, hình thành thái độ và thay đổi hành vi của con người. Liên hệ thực tế, có thể nói công tác truyền thông chính là phương tiện hoằng pháp hữu hiệu nhất.
Trong thời đại khoa học thông tin hiện nay, có nhiều hình thức được áp dụng trong công tác phổ biến thông tin như: Truyền hình, Báo chí, Phát thanh, trang mạng công đồng, trang web, video, ghi âm… Nhưng trong phương diện Phật giáo, báo chí là một trong bốn vấn đề căn bản đã được Tổ Khánh Hòa (1877-1947) đặt ra cho công cuộc chấn hưng Phật giáo tại nước ta từ những năm trước qua sự ra đời của tạp chí Pháp Âm (1929) – tờ báo đầu tiên của lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam. Bởi trong hệ thống các phương tiện truyền thông đại chúng, sự ra đời của báo chí Phật giáo mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Vì ngoài việc chuyển tải tin tức, hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội, báo chí Phật giáo còn giữ vai trò là một kênh truyền bá thông điệp cao cả của Đức Phật đến với quảng đại quần chúng. Đây là sứ mệnh hoằng pháp của báo chí Phật giáo và cũng chính là động lực thúc đẩy sự hình thành của những tạp chí, báo giấy mà trong đó có sự góp mặt của “Hoa Đàm”.
Lộc Pháp (ĐSHĐ-054)