Sáng ngày 02 tháng 10 năm 2022 (nhằm ngày 7 tháng 9 năm Nhâm Dần), Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối hữu công do Phân ban Ni giới TP. Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức đã diễn ra trang nghiêm tại hội trường thuộc chánh điện mới của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đại lễ thành công tốt đẹp dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Như Tín, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; cùng Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ; Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhẫn, Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Tổ chức Đại lễ, cùng chư Tôn đức Ni Ban Chứng minh, Ban Cố vấn Phân ban Ni giới TW, Phân ban Ni giới TP.HCM; chư Tôn đức Ni thuộc đại diện 55 đơn vị PBNG Phật giáo các tỉnh, thành trong cả nước về tưởng niệm.
Sau 2 năm tạm hoãn vì Đại dịch Covid-19, Đại lễ Tưởng niệm tại TP.HCM càng thêm trang trọng và ý nghĩa. Lật lại trang sử của Phân ban Ni giới TW, được biết với lòng thành kính, tri ân Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, năm 1956, cố Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh, nguyên Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông, cùng chư Ni trưởng tiền bối đã thỉnh ý chư Tăng và thống nhất chọn ngày mùng 8-2 ÂL (ngày Đức Phật xuất gia) hàng năm, để làm ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Chư Tôn đức Trưởng lão Ni lúc bấy giờ đã dựa vào các tư liệu lịch sử để phác thảo hình ảnh và tạc tôn tượng Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, tôn trí tại trụ sở của Ni bộ Bắc tông – chùa Từ Nghiêm, Quận 10, TP.HCM (nay là Trụ sở PBNG TW). Từ năm 2009, sau khi Phân ban Ni giới Trung ương được thành lập, chư Tôn đức Ni đã họp bàn và thống nhất ý kiến: Phân ban Ni giới các tỉnh thành sẽ luân phiên đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm vào ngày 6-2 ÂL hàng năm. Truyền thống tưởng niệm ngày 8-2 ÂL, vẫn được tiếp tục duy trì tại Tổ đình Từ Nghiêm.
Với tinh thần “Tri ân, báo ân”, “truyền đăng tục diệm”, Đặc san Hoa Đàm, tiếng nói của Nữ giới Phật giáo Việt Nam, một cơ quan ngôn luận chính thức của Ni giới Việt Nam, vinh dự được mang tên ấn phẩm do Sư trưởng thượng Như hạ Thanh chủ biên, Tòng Lâm Ni bộ Bắc tông xuất bản vào năm 1973. Đây là tờ báo đầu tiên của Nữ giới Phật giáo, rất tiếc phải đình bản do tình hình khách quan của đất nước. Mãi đến năm 2013, trong công cuộc hội nhập và phát triển, Hoa Đàm đã tái ngộ cùng chư Ni. Hiện nay, văn phòng Hoa Đàm được đặt tại Tổ đình Huê Lâm Quận 11, TP. Hồ Chí Minh, ngôi Tổ đình do Sư trưởng Như Thanh khai sơn vào năm 1946.
Tuy mới ra đời được 9 năm, nhưng được sự cho phép và gia trì của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội và sự chứng minh, cố vấn của quý Ni trưởng, Đặc san Hoa Đàm đã trở thành người bạn thân thiết với chư Ni, là kênh thông tin hữu hiệu nhất, với tiếng nói riêng của Ni giới. Đặc biệt, từ sau khi Ni sư Như Nguyệt (Viên Minh), người đặt bước khởi đầu cho sự trở lại của Đặc san Hoa Đàm chuyển giao công việc qua Ni sư Như Nguyệt (Huê Lâm) chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc biên tập, in ấn và phát hành đến nay, đội ngũ nhân viên đã luôn sát cánh cùng các kỳ lễ tưởng niệm, bôn ba khắp mọi miền đất nước với mong muốn mang đến các độc giả Phật tử những hình ảnh, bài viết sinh động và kịp thời nhất, trở thành tờ báo truyền thông đặc biệt của Ni giới trong Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni theo di nguyện của người khởi xướng – Sư trưởng Như Thanh.
Xã hội không ngừng phát triển, với sự bùng bổ truyền thông thời đại 4.0. Ngày nay, tuy có rất nhiều kênh truyền thông báo chí kịp thời đưa tin về hoạt động Đại lễ thông qua các kênh như báo nói, báo hình, báo mạng, kênh yotube, nhưng đội ngũ phóng viên Hoa Đàm vẫn âm thầm tác nghiệp, như con tằm nhả tơ, lưu lại thêm những hình ảnh quý báu vào trang sử của Ni giới Việt Nam, hòa nhập vào dòng chảy của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc, như lời cảm thán của một Ni sinh tại Học viện PGVN.
Truyền thông Đặc san Hoa Đàm
Cơ quan ngôn luận, nội hàm chư Ni
Đưa tin lễ Kiều Đàm Di
Nêu gương Trưởng lão, Thánh Ni hàng đầu
Theo chân Phật Tổ cao sâu
Tiếng nói Ni giới nhiệm mầu Việt Nam.
Tuấn Kiệt
Diễn đọc : Mc. Diệu Tường