Thời gian vùn vụt trôi qua, mới đó mà đã 24 năm, Tôn dung của bậc khai nguồn Ni bộ Bắc tông khuất tịch sau chặng đường dài 89 năm trụ thế, 66 năm xuất gia và hành đạo. Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài có thể không kể hết bằng chữ nghĩa nhưng tận trong tâm khảm; thâm ân của Ngài là thứ gì đó vô cùng thiêng liêng mà môn đồ và Ni chúng hậu học chúng con chưa vượt qua được rào cản ngôn từ. Để rồi, trong trang sử Ni giới Việt Nam cận đại; pháp hiệu Như Thanh đã được điểm tô như một “Vì Sao Bắc Đẩu”, một bậc chân tu tài đức trong rừng thiền Ni bộ Bắc tông cuối thế kỷ XX. Ôn lại hành trạng của cố Sư trưởng, chúng con không cảm thấy cũ kỹ dẫu rằng trong chuỗi sự kiện của Ni giới hàng năm chúng con có rất nhiều cơ hội để tưởng niệm, hoài niệm về Người như ngày Lễ truyền thống họp mặt, tưởng niệm chư Ni tiền bối của Ni bộ Bắc tông vào ngày 8/2/âl, ngày 22/2 – Lễ húy kỵ Tôn Sư chúng con cũng như nhiều dịp lễ khác.
Trong không gian đặc biệt hôm nay, trước tôn dung và sự chứng minh của chư Tôn Tịnh đức; môn đồ pháp quyến chúng con lại càng hoài niệm nhiều hơn về bậc Ân sư. Bởi lẽ, cố Sư trưởng thượng Như hạ Thanh đã đại diện cho nữ lưu học Phật khơi dậy được tố chất và thế mạnh tu học của nữ giới.
Kính bạch quý Ngài, kính thưa quý liệt vị!
So với thân thế của nhiều bậc Ni lưu có dòng tộc trâm anh thế phiệt, cố Ni trưởng cũng được sinh trưởng trong một gia đình khuê các, hào phú, thâm tín đạo Phật. Ấy vậy, sự danh giá và quý phái khi được mang trong mình thân phận con gái Quan Tri huyện Nguyễn Minh Giác chưa phải là khát khao, là chỗ đứng của người con gái mang tên Nguyễn Thị Thao (8/2/1911). Sự từ bỏ đó không những đáng trân trọng, mà còn đáng học hỏi bởi nó đã đắp nền cho con đường chuyển hóa rất lớn của gia đình. Minh chứng hiện thực nhất là người chị sáu Nguyễn Thị Tư, tức cố Sa-di-ni, pháp danh Huệ Hạnh cũng như người anh bảy Nguyễn Minh Đạt, nay là Hòa thượng Hồng Đạo – Viện chủ chùa Qui Sơn (Vũng Tàu).
Kết duyên với Phật pháp ở tuổi đời 22; nữ Phật tử Nguyễn Thị Thao đã chính thức làm đệ tử Sư Tổ Pháp Ấn, chùa Phước Tường (Thủ Đức), thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40 với pháp danh Như Thanh (Đàm Thanh), húy thượng Hồng hạ Ẩn, tự Diệu Tánh. Hành trình cầu đạo, hành đạo của Sư trưởng đầy gian truân với các trường Hương, trường Hạ từ khắp Lục tỉnh miền Tây ra tận cố đô Huế, Thủ đô Hà Nội. Những bước chân đó vừa tham học Kinh, Luật, đời sống đạo từ chư Tôn túc Trưởng lão Tăng già, vừa tạo một sợi dây kết nối đến chư Ni đồng đạo trong lý tưởng xây dựng mạng mạch Ni lưu đất Việt vang dội một thời.
Công hạnh của Ngài xứng đáng để đúc kết thành những “Di sản” vô giá không chỉ bởi sự có mặt của những Tổ đình phạm vũ uy nghiêm, những tuyệt tác bất hủ, những dịch phẩm để đời, hay những phong trào xây dựng xã hội… “Di sản” của Người là một “Di sản sống” đang tiếp tục rộ nở trong “những đứa con” đang nối theo nhịp thở của Người. Nói đủ và đúng về một bậc Thầy đạo cao đức trọng, sẽ thật khó để chuyển tải trong bối cảnh này. Tuy nhiên, tóm lược về Người là tóm lược về sự có mặt của Ni bộ Bắc tông.
67 năm làm pháp lữ với chị em nữ tu học Phật, Sư trưởng đã toàn vẹn trong các vị trí được giao phó. Từ sự nâng đỡ, dìu dắt đời sống sinh hoạt cho chị em đồng đạo, Sư trưởng còn bước vào cửa ngõ xã hội với tư cách là “Quyến thuộc” của những cụ già đơn thân, những trẻ em cơ nhỡ… Hôm nay, trong những cuốn sử viết về Người đã in đậm dấu hình hài của một bậc chân tu cần mẫn trong công trình nghiên cứu đồ sộ của hơn 20 tác phẩm và 8 dịch phẩm Phật học, kiêm Tổng Biên tập và Chủ biên hai Tạp chí Phật học mang tên Hoa Đàm và Nhân Cách. Tất cả đều gợi lên một vị “Hòa thượng Ni đàn đầu” đầu tiên của Ni giới miền Nam – người nuôi lớn huệ mạng và tiếp độ nhiều thế hệ Ni chúng. Tiền đề này đã góp phần rất lớn cho sự phát triển và khai thông con đường Ni giới hơn 50 năm qua mà có lẽ Phân ban Ni giới hiện thời là hệ quả tất yếu cho những nỗ lực đóng góp của chư Tôn túc tiền bối nói chung và cố Sư trưởng thượng Như hạ Thanh nói riêng.
Hạnh phúc khi được dìu dắt, che chở bởi một bậc minh Sư, đạo phong khả kính; môn đồ đệ tử, pháp lữ chúng con ý thức rằng: Việc nối truyền, kế thừa con đường, huyết mạch của Thầy Tổ không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là sự “Hoài niệm”, “Tri ân” trọn vẹn nhất. Dẫu rằng, trong trang sử ưu việt của Thầy, chúng con chưa hóa thân hoàn hảo như Thầy mong đợi nhưng hành trình này vẫn không ngừng tiếp bước. Mỗi một chúng con sẽ cố gắng làm nên những mảnh ghép, những chất liệu đạo hạnh được un đúc từ Thầy.
Trên muôn vạn nẻo đường, chư Ni cả nước và hàng pháp tử theo Thầy vẫn miệt mài gầy dựng ngôi nhà chung của Ni giới. Bản sắc dẫu có phai nét theo thời gian nhưng điều đó không có nghĩa bị mai một hay bào mòn. Bởi lẽ, khuất sau bóng Thầy, chúng con vẫn luôn được sự dìu dắt to lớn từ chư Tôn túc Trưởng lão Tăng Ni trong Giáo hội, trong Ni đoàn.
Hôm nay đây, trước hương trầm quyện tỏa, Ni chúng chúng con nguyện dâng lên Thầy lòng tri ân vô hạn. Tác phong đạo hạnh của Ngài như trang sử thiên thu, tuyệt tác, không mỹ miều nhưng phô diễn rạng rỡ một góc trời Ni giới Việt Nam. Thiết nghĩ, đó cũng là chỗ đứng thích hợp, một vị trí xứng đáng mà Thầy đã cất công chọn lựa cho toàn thể Ni chúng. Để rồi, trên hành trình chông gai đã đi qua, lịch sử còn nhớ mãi một Sư trưởng, một vị Hòa thượng Ni đầy nghị lực và dung dị.
Giờ đây, thắp nén hương lòng, kính cẩn cầu nguyện mười phương chư Phật gia hộ cho Sư trưởng lưu nguyện trụ thế, hầu làm tàng cây che mát cho chúng con. Nguyện cho “đuốc tuệ thuyền từ” của Người mãi sáng rực, soi đường cho chư Ni mai hậu, để chúng con tiếp tục gánh vác trách nhiệm của một công dân, một tu sĩ và một người đệ tử, con gái của Đức Phật. Nguyện Ni lưu hậu bối luôn tiếp nối được nguồn năng lượng đạo hạnh, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ trong hành trình chuyển mê khai ngộ như Người đã chuyển vận.
Nam mô Từ Nghiêm Đường Thượng Từ Lâm Tế Gia Phổ tứ thập thế, húy Hồng Ẩn, tự Diệu Tánh thượng Như hạ Thanh Sư trưởng giác linh đàn tiền chứng giám.
TKN. Như Thảo (ĐSHĐ-114)
Diễn đọc: Tn Thánh Thảo