Ngày 15/8/2023, trong khuôn khổ hoạt động khoa học thường niên, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức Hội thảo khoa học “Những dấu ấn văn hóa Ấn Độ ở Việt Nam” nhằm tổng hợp, giới thiệu, đánh giá những dấu ấn của văn hóa Ấn Độ, đồng thời tái hiện tiến trình giao lưu, tiếp biến giữa hai nền văn hóa.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo có Ni trưởng, Tiến sĩ Thích Đàm Lan – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Ni giới phía Bắc, Phó Phân ban Ni giới Trung ương, Trụ trì chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội; Ni trưởng Thích Đàm Thuấn – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bắc Giang, Trụ trì chùa Phổ Am; Ni sư Tiến sĩ Thích Diệu Tâm, Ủy viên Thường trực Phó Thư ký Phân ban Ni giới Trung ương, Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp thành phố Hà Nội, Trụ trì chùa Cát Linh (Giảng sư Phật sự online, Giảng sư các đạo tràng Hà Nội); Ni sư, Tiến sĩ Thích Nữ Như Nguyệt, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương kiêm Trưởng Tiểu ban Thông tin Truyền thông; Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Chánh Thư ký Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Phó khoa Lịch sử và Phó ban Quản viện Ni – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ biên “Đặc san Hoa Đàm – Tiếng nói Nữ giới Phật giáo Việt Nam”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo; Bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Ấn Độ thành phố Hà Nội, TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Trưởng ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TS. Kiều Thanh Nga – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông; TS. Võ Xuân Vinh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á; PGS. TS. Văn Ngọc Thành – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS. TS. Đỗ Đức Định – Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Lê Thị Liên – Viện Khảo cổ học…
Hội thảo có sự hiện diện của TS. Phạm Cao Cường, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Lê Thị Hằng Nga, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á. Cùng sự tham gia của các học giả, các nhà nghiên cứu và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Phát biểu tại hội thảo, các nhà khoa học đều đồng quan điểm cho rằng, giao lưu văn hóa Ấn Độ – Việt Nam có lịch sử lâu đời và diễn ra bằng con đường hòa bình. Những tiếp xúc – giao lưu văn hóa đầu tiên giữa Ấn Độ và Việt Nam liên quan đến Phật giáo, vào khoảng thế kỷ thứ II-III trước Công nguyên, trong khi Hindu giáo đến Việt Nam muộn hơn, vào khoảng thế kỷ thứ I sau Công nguyên. Điều đáng nói là, câu chuyện giao lưu văn hóa Việt Nam – Ấn Độ không chỉ được bắt đầu từ khá sớm trong lịch sử mà còn tiếp tục được kể trong thời hiện đại. Ngày nay, giao lưu văn hóa và nhân dân đã trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trên cơ sở phục dựng, khẳng định, tôn vinh những di sản hội nhập văn hóa truyền thống, hội thảo cũng đồng thời đặt ra những câu hỏi về việc: Tại sao hai nước có mối liên kết văn hóa sâu đậm từ trong lịch sử đến hiện tại nhưng lại chưa thực sự hiểu nhau và biến những thế mạnh văn hóa thành kết quả hợp tác trên lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác? Thực tế cho thấy, văn hóa Ấn Độ giàu có và phong phú nhưng vẫn không dễ tiếp cận ở Việt Nam. Theo các nhà khoa học, điều quan trọng là cần tạo nên những làn sóng văn hóa Ấn Độ thông qua phim ảnh Bollywood, âm nhạc, thời trang hiện đại phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện nay. Cần thừa nhận rằng hai bên có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng còn những khác biệt về văn hóa, là rào cản cho quan hệ song phương. Do vậy, cần thúc đẩy nghiên cứu về Ấn Độ tại Việt Nam và ngược lại, nhất là trong bối cảnh nghiên cứu về Ấn Độ tại Việt Nam vẫn còn rất ít ỏi, nhiều người Việt Nam còn hiểu hời hợt về Ấn Độ và thường bị ảnh hưởng bởi quan điểm tiêu cực của truyền thông và mạng xã hội. Hội thảo đưa đến nhiều góc nhìn, nhiều gợi mở về định hướng và triển vọng nghiên cứu văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam, điển hình như: tìm hiểu dấu tích ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam thông qua khảo cứu nguồn thư tịch cổ kết hợp với những điều tra, phát hiện khảo cổ học…
Kết thúc hội thảo, TS. Phan Cao Nhật Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cảm ơn các vị khách quý, các đại biểu và các diễn giả đã tham dự sự kiện đặc biệt có ý nghĩa này.
Thanh Thủy