Ở thế gian, chúng ta thường cho ánh sáng mặt trời, mặt trăng là hết sức rộng lớn, hay chiếu soi bốn Đại Bộ Châu. Hào quang sáng chói của Đức Phật A Di Đà so với ánh sáng của mặt trời, mặt trăng cao vượt hơn trăm ngàn vạn ức lần, cho nên, gọi là Siêu Nhật Nguyệt Quang.
Ngài Đại Thế Chí Bồ tát ở trong kiếp xa xưa về trước, được gặp mười hai Đức Như Lai liên tục cùng một kiếp. Đức Phật rốt sau hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật nay liền dùng Pháp môn Niệm Phật mà khai thị cho Ngài, Pháp được khai thị đó thật là thẳng tắt mau lẹ rất thiết yếu. Bồ tát sau khi được nghe pháp rồi, nghiêm cẩn thọ giáo tinh tấn tu trì, do nơi niệm Phật mà đắc chứng Tam muội. Trong chương bổn văn Kinh, chính Bồ Tát dùng Đại Từ bi, hướng về Phật Thích Ca, tự mình bày tỏ nhân duyên thuở xưa phát tâm tu hành. Nhờ vậy mà sau này chứng được Tam muội. Chỉ có Pháp môn Niệm Phật là thẳng tắt mau lẹ, giản tiện dễ tu, tối thắng hơn tất cả các Pháp môn khác. Lòng Từ bi của Bồ tát đã là như vậy, nên Ngài giáng lâm xuống cõi Ta bà này ân cần khai đạo, đồng độ chúng sanh được thâm nhập Phật đạo. Ngày nay, chúng ta được trực ngộ là do nhờ hạt giống thanh tịnh ngày xưa, thật có túc duyên mới được. Chúng ta cần phải cung kính tinh cần tu tập. Muốn biết rõ nghĩa “Tam muội” nên xem đoạn văn trình bày dưới đây.
Hai chữ “Tam muội” là danh từ phổ thông, “Niệm Phật Tam muội” là danh từ riêng. Pháp môn của năm mươi hai vị thánh đều tên là Tam muội, như Nhãn Căn Tam muội, Nhĩ Căn Tam muội, cho đến Sáu Thức Tam muội, Thật Đại Tam muội. Ngoài những Tam muội này lại có trăm ngàn vạn thứ Tam muội khác, cho đến Vô Lượng Tam muội. Tiếng Phạn gọi là Tam muội, tiếng Trung Hoa gọi là Chánh Định, cũng gọi là Chánh Thọ. Chánh Định, về phàm phu thì gọi là Bất Định, ngoại đạo là Tà Định, chỉ có y theo Phật pháp tu hành được chứng Tam muội, mới gọi là Chánh định, Chánh thọ. Rõ ràng chẳng phải là Tà-thọ, mà chẳng thọ tất cả Tà thọ, cho nên, gọi là Chánh thọ. Lại, một khi định tất cả đều định, một khi thọ tất cả đều thọ, cho nên, gọi là Chánh thọ. Chánh này hiện rõ Niệm Phật Viên Thông. Ban sơ từ cạn vào sâu, đến khi huân tu đến chỗ liễu đạt cùng cực, hay khiến nhơn quả tương khế, chúng sanh và Phật như một, một niệm toàn thể, toàn thể một niệm, thẳng cùng Quán Âm Viên Thông, đều không có khác. Lại nữa, Niệm Phật phân chia ra cũng có bốn loại:
1. Trì danh niệm Phật
2. Quán tướng niệm Phật
3. Quán tưởng niệm Phật
4. Thật tướng niệm Phật
Bốn loại Niệm Phật này đều là Niệm Phật Tam muội. Tuy nhơn duyên hạ thủ công phu có khác, song kết quả hoàn toàn đồng nhau, cho nên, đồng danh là Niệm Phật Tam muội. Lại, Niệm Phật Tam muội là Vua trong tất cả Tam muội, hay thống nhiếp tất cả Tam muội. Niệm Phật, niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn, tức là Niệm Phật Tam muội. Nghĩa của Nhất Tâm Bất Loạn, tức là Chánh định, Chánh thọ vậy. Chúng ta niệm Phật thường bị vọng tưởng chi phối, nên không được Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu y theo Pháp môn Niệm Phật của Ngài Đại Thế Chí chỉ dạy, thì được thâm nhập Niệm Phật Viên Thông, định tâm tu trì rất dễ thành tựu “NHẤT TÂM BẤT LOẠN”, được Niệm Phật Tam muội. Cho nên, pháp môm Niệm Phật, phương tiện tuy nhiều, nhưng chỉ có Pháp môn này là rất thẳng tắt mau lẹ, giản tiện dễ tu, Pháp tu này sẽ trình bày dưới đây.
(còn tiếp)
TKN. Như An (ĐSHĐ-133)