Hoa Đàm trăm số tỏa hương sắc
Công trạng Sư trưởng vọng ngàn năm
Bài học khái niệm về thời gian tuy được ông bà cha mẹ dạy bảo từ lúc vỡ lòng, nhưng nó cũng chỉ như cơn gió thoáng qua khi ta quan niệm rằng cuộc đời hãy còn dài, vì học mà không chơi sẽ đánh rơi tuổi trẻ. Nhưng khi hội đủ duyên lành, người viết có dịp cộng tác với Đặc san Hoa Đàm, được tiếp cận với khuôn vàng thước ngọc của Đức Thế Tôn giảng dạy: Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm. Cho nên, mỗi chúng ta hãy cố gắng làm hết sức mình và đừng lãng phí thời gian tuổi trẻ của mình. Vì cũng không có quá nhiều thời gian cho các bạn lựa chọn đâu nhé! Đặc biệt là khi được Ni sư Như Nguyệt tin tưởng giao nhiệm vụ viết bài về hoạt động của Ni giới trong đại dịch Covid. Đối mặt với những số liệu ca nhiễm, số người tử vong, càng giúp tôi hiểu rõ về giá trị của thời gian.
Theo định nghĩa khoa học: Thời gian là thước đo sự thay đổi không ngừng và nhất quán của mọi thứ xung quanh chúng ta và thường là từ một vị trí cụ thể của chúng ta. Không nằm ngoài định nghĩa này, số báo xuân Nhâm Dần 2022, cũng là số báo Đặc san Hoa Đàm tròn 100 số, con số 100 tròn trịa ẩn chứa rất nhiều điều ý nghĩa, con số 100 đánh dấu chặng đường 10 năm Hoa Đàm tái ngộ bạn đọc sau đợt đình bản năm 1975 do hoàn cảnh khách quan, con số 100 cũng là số báo đánh dấu 5 năm người viết gia nhập đại gia đình Hoa Đàm.
5 năm cộng tác với tờ báo đặc thù là “Tiếng nói của Nữ giới Phật giáo Việt Nam”, người viết cảm thấy bồi hồi xúc động khi mình may mắn đồng hành với tờ báo một nửa chặng đường hình thành và phát triển, tháp tùng quý Ni trưởng, Ni sư trong các dịp đại lễ từ “Hội thảo khoa học Di sản Sư trưởng Như Thanh kế thừa – phát triển Ni giới Việt Nam” (2019), Đại lễ tưởng niệm Thánh tổ Ni Đại Ái Đạo toàn quốc (Tiền Giang – 2019) đến Đại lễ Phật đản Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 16 (Hà Nam – 2019) mới thấy được sự nhiệt tình của quý Ni sư cũng như chư Ni sinh trẻ, khi tác nghiệp đưa tin kịp thời các sự kiện quan trọng không thua gì đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp. Chính nhờ thế hệ năng động này đã góp phần tạo nên một Đặc san Hoa Đàm nổi bật trong vườn hoa báo chí nói chung, thể loại báo Tôn giáo nói riêng.
Trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 không ngừng phát triển, báo điện tử phát triển như vũ bão, tốc độ lan tỏa thông tin hỏa tốc cạnh tranh từng phút giây, mà Đặc san Hoa Đàm vẫn đều đặn phát hành mỗi tháng. Đến hẹn lại lên, vào ngày 5 hàng tháng, hàng ngàn tờ báo, có tháng con số phát hành lên đến 8.000 tờ, đến với độc giả cả nước. Kể cả những tháng các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên phải tạm đình bản báo giấy do dịch bệnh, nhưng Hoa Đàm đã làm được điều kỳ diệu. Tất cả đã đủ sức chứng minh và khẳng định, con tàu Hoa Đàm dưới sự điều động của thuyền trưởng Ni sư Như Nguyệt đã và đang đi đúng hướng, không chạy theo những tin hot như các báo mạng, không có nghĩa là bàng quan ngoài cuộc các sự kiện, Hoa Đàm luôn giữ thái độ trung lập, chính xác, đưa ra các thông tin theo sự chỉ đạo của Giáo hội một cách ngắn gọn, súc tích. Góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong diễn biến đại dịch của nhân loại Covid hay mưa lũ miền Trung.
Tiếp bước tiền nhân, hoàn thành di nguyện của Sư trưởng Như Thanh, Hoa Đàm cố gắng mang đến quý độc giả những bài viết giới thiệu nét đặc sắc, phong cảnh hữu tình, lịch sử khai sơn các tự viện Ni trên toàn quốc cũng như những di sản văn hóa tiền nhân tạo dựng mà ta cần phải giữ gìn. Song song đó việc kế thừa và phát triển cũng đòi hỏi sự chú trọng của đội ngũ làm báo, hy vọng trong năm mới, bước sang số báo 101 Hoa Đàm tiến thân thêm một bước giới thiệu các trường Trung cấp Phật học trong toàn quốc, kiến tạo nhịp cầu giữa các Tăng Ni sinh trẻ.
Báo mạng tuy nhanh và chính xác, nhưng nó sẽ trôi theo thời gian, báo giấy sẽ là vật chứng, bút tích còn mãi với thời gian, là những công trình khoa học đáng quý mà trăm năm sau, thế hệ kế thừa vẫn còn tìm được khi ta bảo quản trân trọng nó. Có thể nói, báo giấy chính là cầu nối đối thoại giữa chúng ta và tiền nhân cũng như thế hệ mai sau.
Vu Kiệt(ĐSHĐ-100)