Trong nhịp sống hối hả ngày nay, thời đại của màn ảnh nhỏ mà thu cả thế giới ngoài kia, đầy đủ tiện nghi vật chất, chúng ta chạy theo ngoại cảnh trôi cùng lối sống tự do, còn đâu đây rất hiếm hoi những ai chịu khép mình trong nếp sống tu tập chuyển hóa thân tâm. Sáng ra trưa đến chiều tối, hết tuần, hết tháng rồi hết năm, thời gian cứ dần trôi. Bừng nhớ lại, ôi chao, đã qua nửa đời người, hay hơn thế nữa! Ta có bao giờ thật sự thử nghĩ, ngày nào đó mình không có mặt trên cuộc đời này, thì còn gì để thương với ghét, giận với hờn, tranh đua hay giành giật? Thôi hãy đừng quên, cuộc sống vốn mong manh tạm có, chuyện gì qua, hãy cứ cho qua, để ta ngày một nhẹ nhàng với mình với người. Biết và hiểu thấu sự vô thường sống tích cực hơn, không lãng phí thời gian vào những điều vô bổ, chuyển hóa thân tâm trở về với những điều tích cực, tuyệt vời nơi đời sống thực tại, nhân thân bại hoại trở về với bản tánh thường nhiên của chính mình, không cần kiếm tìm đâu xa xôi. Thiền sư Ni, Diệu Nhân (1041 – 1113) đã để lại bài kệ Sanh lão bệnh tử trước khi thị tịch là bài học cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta.
示寂偈 – 生老病死
生老病死,
自古常然。
欲求出離,
解縛添纏。
迷之求佛,
惑之求禪。
禪佛不求,
杜口無言。
Thị tịch kệ – Sinh lão bệnh tử
Sinh lão bệnh tử,
Tự cổ thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phược thiêm triền.
Mê chi cầu Phật,
Hoặc chi cầu Thiền.
Thiền Phật bất cầu,
Uổng khẩu vô ngôn.
Dịch nghĩa:
Sanh già bệnh chết
Sanh già bệnh chết
Xưa nay lẽ thường.
Muốn cầu thoát ra
Mở trói thêm ràng.
Mê đó tìm Phật,
Lầm đó cầu Thiền.
Phật, Thiền chẳng cầu,
Uổng miệng không lời.
Sinh ra làm kiếp con người không một ai thoát khỏi sự vô thường nơi kiếp sống, đối với thế giới vật chất không ngoài thành trụ hoại không, sanh trụ dị diệt, cơ thể vật lý của thân tứ đại thì chịu chi phối bởi sanh già bệnh chết từ xưa đến nay đó là lẽ thường nên nói:
“Sanh già bệnh chết
Xưa nay lẽ thường.”
Tại sao nói:
“Muốn cầu thoát ra
Mở trói thêm ràng
Mê đó tìm Phật,
Lầm đó cầu Thiền.”
Chúng ta khi đã được học Phật tu hành thì rõ biết đối với mục đích chân thực của người tu hành là trở về với chính mình nhận lại bản tâm sáng ngời, không thêm không bớt mà xưa nay bị trần cảnh cuốn lôi, duyên theo vọng động nên quên đi chân nguồn tâm ấy. “Xưa nay đâu có mất, săn tìm chi? Bởi quay lưng với giác mà thành ra lỏng lẻo, sấn bước vào trần, nên mới bị mất đi, từ đó quê hương càng lúc càng dịu vợi, mà đường sá lại gập ghềnh. Cái lẽ được và mất đã cháy bừng bừng, phải và quấy mọc lên tua tủa.” (Mười bức tranh chăn trâu Thiền tông).
Khi mê còn chấp thật, có vị Phật bên ngoài để cầu để tìm thì không đúng với Tông chỉ, đối với Thiền cũng vậy. Khi chưa rõ chúng ta cần nương phương tiện Pháp môn để tu tập, như những chiếc thuyền giúp người qua sông, đã đến nơi thì thuyền cũng phải buông bỏ, ta mới thong dong nhẹ bước, đâu thể đến bờ cũng vác thuyền lên vai mà đi? Một khi đã nhận ra chân lí, trở về với Phật tâm nơi chính mình thì những danh từ: Như Lai tàng diệu chân như tánh, bản lai diện mục, chân tâm, Phật tánh, Thiền, hạt châu như ý… không còn ý nghĩa gì cả, chỉ là phương tiện giả lập mà thôi!
“Ai trói lại mong cầu giải thoát,
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.”
(Sơ Tổ Trúc Lâm Phật hoàng Trần Nhân Tông).
Nếu chúng ta thật sự tự tại, không ai trói thì cần chi nói đến giải thoát. Những phàm tình trong mình lặng thì cần cầu chi nữa cảnh thần tiên. Vượt lên sự đối đãi của vạn vật thì chúng ta hạnh phúc biết dường nào? Mà thật sự mấy ai vượt lên sự đối đãi này? Dẫu chưa hoàn toàn làm được, sống được như các bậc Thượng sĩ xuất trần, nhưng trong mỗi chúng ta, tâm tâm niệm niệm hướng về điều tuyệt vời, chân lý mà chư Phật, chư Tổ chỉ bày. Tập sống tỉnh giác biết rõ bản thân đang kẹt ở đâu, vướng ở chỗ nào, tự ta tháo gỡ, thực hành tập buông xả bớt sự chấp kẹt vướng mắc trong đối đãi của thế gian, để người đầu tiên hạnh phúc là chính ta, tâm mình bình an mới mong mang lại từ trường lành cảm hóa xung quanh. Tu hành thật sự, không chỉ kiến thức hiểu biết về Phật học hay thế học, mà là sự vận dụng pháp Phật vào đời sống thực tại của mỗi tu sĩ. Người thật sự mạnh là người buông xuống nhẹ, chẳng phải người nhấc lên nhẹ. Nói hay hiểu giỏi là bản năng của riêng mỗi người. Hành được những điều mình học hiểu theo chánh pháp là bản lĩnh của mỗi chúng ta. Điều mình hướng đến trong cuộc sống phải là điều tốt đẹp đúng chánh pháp, có như vậy mới làm kim chỉ nam, giúp cuộc sống chúng ta tốt đẹp hơn mỗi ngày. Hãy hướng tâm mình về sự rộng lớn bao dung, sẻ chia, thấu hiểu, cảm thông và tha thứ, ban tình thương đến được những người khó thương, phần nào chuyển hóa tâm mình và ngoại cảnh.
“Đem ân đáp oán đổi bi ra từ
Tâm từ ái thể như tâm Phật
Trải tâm từ tế vật độ nhân
Tâm là chỗ ở tinh thần
Tâm là miếng đất dung thân muôn loài.”
Chúng ta thực sự biết nhìn lại mình mà chuyển hóa thì cuộc sống tu hành chúng ta mới thành công, mỗi ngày một lớn chúng ta sẽ ít nhận được sự đóng góp ý kiến từ mọi người xung quanh. Có lẽ là ta đã lớn rồi… ai dám nhắc ta nhiều nữa chứ? Sợ ta giận, tự ái… Thế nên không thể lơi lỏng với chính mình. Hãy nghiêm khắc với bản thân và thoải mái với mọi người. Nếu chẳng khéo léo trong sự chân tu thật học thì dễ lùi bước trên đường đạo mà chẳng hay. Mỗi lần được nhớ lại là mỗi lần nhắc thêm chính mình, tâm ta nghĩ gì, hướng đến điều gì, thì trước sau gì cũng thành tựu, tâm này có sức mạnh vô hình.
“Phật, Thiền chẳng cầu,
Uổng miệng không lời.”
Phật, Thiền còn danh từ để gọi, cũng chỉ là phương tiện. Chúng ta cố gắng không kẹt chấp, chỗ rốt ráo ấy, không tên có thể gọi. Tự nhận lại ngay nơi mình, không cần kiếm tìm đâu xa xôi.
“Bụt ở cong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuây bản, nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.”
Nghĩa:
“Phật ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Do quên gốc nên ta tìm Phật
Đến lúc biết chỉ Phật là ta.”
(Cư Trần Lạc Đạo Phú – Vua Trần Nhân Tông).
Nếu được như vậy thì không uổng chúng ta cả đời nói lời không, nghĩa là không kẹt không chấp, chúng ta còn tìm Phật cầu Thiền là sai lầm rồi. Ngay nơi mình tỉnh giác mà nhận lại để cuộc sống an vui, hạnh phúc từng ngày một.
Qua toàn bộ bài thơ của Thiền sư Ni Diệu Nhân như lời thức tỉnh “Ai ơi xin đừng quên” cho thấy cuối cùng sự vô thường đốt cháy không chừa một ai, sanh già bệnh chết chẳng hẹn cùng người. Hãy tâm tâm niệm niệm để chúng ta sống nhẹ, sống khỏe giữa người và người với nhau, tạp niệm, vọng khởi tâm chúng sanh trỗi dậy, hãy tỉnh giác mà tự nhắc bản thân, có gì thật mà ta vướng mắc để lụy để sầu, tâm tư bất an? Hướng ra ngoại cảnh nhìn người thị phi là bản năng. Xoay lại chính mình phản tỉnh chuyển hóa và thay đổi là bản lĩnh. Tự nhắc mình tự thay đổi và chuyển hóa mỗi ngày là tu hành. Để phàm tình rơi rụng thì tâm Phật hiển bày, ánh sánh hiện thì bóng đêm tan biến, có trí tuệ thì vô minh nghiệp chướng sẽ lui dần. Ai ai cũng tâm niệm tu tập thì thảy thảy chốn bình yên! Nơi nào mình ở nơi đó sẽ thành đạo tràng, nguyện cố gắng trau giồi tu tập chuyển hóa thân tâm để làm một cây rất thẳng trong rừng cây. Nguyện cùng chung lòng hợp sức cùng nhau tu tập tạo nên sức mạnh Tăng đoàn để ngôi nhà Phật pháp chốn tòng lâm mãi mãi thạnh hưng ở đời, phần nào đền đáp tứ trọng ân trong muôn một.
“Xin cho con tỉnh táo
Chớ kiêu mạn tự hào
Dù tu tiến đến đâu
Vẫn tự tìm chỗ dở.”
Linh Đan (ĐSHĐ-119)