Nhạc Thiên trỗi dậy vang lừng
Mừng Đấng Từ phụ đã từng giáng sanh
Mở đường giải thoát an lành
Độ cho Di Mẫu nay thành Thánh Ni
Lòng thương Phật Tổ ai bì!
Cơ duyên nhiếp hóa thực thi hạnh lành.
Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo – Kiều Đàm Di, một Bậc Thầy mẫu mực, người mẹ tinh thần mà Ni giới hằng tôn kính. Nhắc đến Ngài thì không một người con Phật nào là không biết. Ngài chính là vị Tỳ kheo ni đầu tiên đã khai sáng và dẫn dắt Ni đoàn. Nếu năm xưa, không có sự hy sinh, lòng kiên trì và sự quyết tâm tha thiết của Ngài thì hàng nữ lưu không có được diễm phúc lớn lao trong cuộc đời mình là được dự vào hàng tứ chúng, làm đệ tử Phật, là những người con gái Đức Như Lai.
Giở từng trang lịch sử, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động, tri ân biết bao sự hy sinh to lớn của Ngài. Tôn giả Kiều Đàm Di, sinh tại nước Câu Ly, là con gái út của Vua Thiện Giác, em gái của Hoàng hậu Maya. Sau khi sinh Thái tử Tất Đạt Đa 7 ngày thì Hoàng hậu Maya qua đời, Kiều Đàm Di trở thành Di Mẫu, chăm sóc và nuôi dưỡng Thái tử khôn lớn.
Sau khi Thái tử xuất gia, thành Phật, lần đầu trở về thăm Phụ vương thì Di Mẫu được nghe Phật thuyết pháp. Đức Phật đã giáo hóa cho Hoàng tộc. Bà đã thấy được lẽ thật cuộc đời, qua sự vận hành “Sanh, Trụ, Dị, Diệt”, “Thành, Trụ, Hoại, Không” của luật vô thường. Để rồi sau khi Vua Tịnh Phạn bệnh nặng và hấp hối, Đức Phật một lần nữa quay về Ca Tỳ La Vệ để độ cho Phụ hoàng, ngộ được lẽ vô thường trong cuộc sống. Khi Trà tỳ Phụ hoàng xong, Ngài tiếp tục đi hóa độ cho chúng sinh. Lúc này, Di mẫu Kiều Đàm Di đã xin Đức Phật cho phép bà được xuất gia. Sau ba lần thưa thỉnh nhưng không được Đức Phật chấp nhận, khi Đức Phật cùng Tăng đoàn đi đến Tỳ Xá Ly thì Di mẫu đã cùng năm trăm thể nữ xuống tóc, đắp Cà sa, đi chân trần đến Tỳ Xá Ly. Tại đây, Kiều Đàm Di cùng năm trăm thể nữ với những đôi chân trần rướm máu, mình mẩy lấm lem, đầm đìa nước mắt. Nhờ Tôn giả A Nan cầu thỉnh ba lần, Đức Phật mới bằng lòng cho nữ giới xuất gia vào hàng Tỳ kheo ni cùng tứ chúng đồng tu học, nhưng phải hành trì Bát Kỉnh Pháp. Kể từ đó, Ni đoàn được thành lập do Ngài Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di đứng đầu, tuân theo sự lãnh đạo của Đức Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng. Sau khi xuất gia, với sự tinh cần tu tập và trí tuệ vô song, Ngài đã chứng đắc quả vị A La Hán, thay Đức Thế Tôn lãnh đạo Ni đoàn. Tuy xuất thân từ Hoàng tộc, nhưng Ngài đã biết cách tổ chức, huấn luyện cho Ni chúng hết sức miên mật, nên giáo đoàn nhanh chóng phát triển và lớn mạnh. Vì thế, chính nhờ tâm chí thành cầu đạo của Kiều Đàm Di mà người nữ mới được xuất gia trong giáo đoàn của Đức Thế Tôn, để rồi hàng ngàn, hàng triệu triệu người nữ được xuất gia bình đẳng tu học hạnh giải thoát. Hàng nữ lưu không những thoát khỏi mọi sự ràng buộc, áp đặt trong xã hội phong kiến mà còn được tôn vinh, xứng đáng với giá trị thật của con người, được sống cuộc đời thanh cao, giải thoát. Kể từ đó, Ni giới đã được hình thành và không ngừng lớn mạnh cho đến ngày nay.
Khai mở duyên lành cho hoàng gia
Độ cho thân Phụ đức Vua Cha
Trở về quy hướng ngôi Tam bảo
Độ cho hoàng tộc được xuất gia
Di Mẫu cũng mong lìa thoát tục
Rõ thấu đạo mầu bỏ vinh hoa.
Công đức lớn lao của Đức Thánh Tổ Ni – Tôn giả Kiều Đàm Di, vị Tỳ kheo ni đầu tiên, là ngọn hải đăng đã tỏa sáng. Vâng! Ngọn hải đăng ấy hơn hai ngàn sáu trăm năm sau vẫn còn lưu dấu. Thế hệ kế thừa của Tổ Sư Ni đã có hàng hàng lớp lớp chư vị tiền bối Trưởng lão Ni đã cùng với đại Tăng chung vai làm Phật sự, đã tạo nên hàng triệu triệu chư Ni gương mẫu, trải qua bao thế hệ khắp năm châu bốn biển. Trong dòng chảy thời gian ấy, Phật giáo của Việt Nam ta cũng đã xuất hiện những bậc Ni lưu tài đức, hy sinh cho đạo pháp và dân tộc.
Việt Nam chúng ta có vị Tỳ kheo ni lỗi lạc, Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, ngôi sao Bắc đẩu của Ni giới Việt nam vào thế kỷ XX. Khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, Phật giáo quyết chấn hưng để đưa đạo vào đời. Chính Sư trưởng là người đi đầu, đứng ra kêu gọi Ni lưu đoàn kết, xin phép Đại Tăng thành lập Ni bộ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dưới sự dìu dắt của Sư trưởng, những ngôi già lam, những Ni viện được kiến tạo, chốn phạm vũ thật huy hoàng với giới luật nghiêm minh, những người con gái Đức Như Lai với oai nghi tế hạnh, luôn mẫu mực, nên Phật tử khắp nơi một lòng tin tưởng, tuân theo lời Phật dạy. Chư Tôn đức Ni luôn dùng lòng từ bi để hóa độ chúng sanh, lập hạnh Bồ tát. Chính di sản của Thánh Tổ Ni là dòng suối từ chảy mãi, đã tiếp thêm nguồn năng lượng yêu thương và tha thứ, sự hy sinh vì hạnh phúc mà chúng ta đang được thừa hưởng. Những người con, người cháu của Tôn giả Kiều Đàm Di đang nối tiếp bước chân của Ngài, đang hành đạo Bồ tát, đang dang rộng đôi tay để nâng niu những mảnh đời bất hạnh.
Công đức tài bồi luôn chấn chỉnh
Việt Nam xuất thế chẳng dụng hình
Dù mang số phận thân nhi nữ
Tài năng xuất chúng ai dám khinh!
Sư trưởng lưu danh trong sử sách
Công trình dịch thuật đáng vinh danh
Xứng danh hậu bối ân Thánh Tổ
Ơn Ngài vời vợi đáng cung nghinh.
Nhớ đến công đức của Thánh Tổ Ni, là chúng ta nhớ đến gương hạnh của một bậc mẫu nghi đã quên mình vì Đạo. Ý chí dõng mãnh thọ lãnh Bát Kỉnh Pháp Người đã giúp chư Ni được thành tựu đạo hạnh. Sư cung kính của chư Ni đối với Đại Tăng đã làm tôn vinh đức hạnh của những người con gái Đức Như Lai, càng làm cho gương đức hạnh thêm tỏa sáng.
Từ lòng kính ngưỡng và sự biết ơn vô biên ấy, chúng con, thế hệ hôm nay xin hoài niệm về những công hạnh cao quý của Đức Thánh Tổ Ni và các bậc Trưởng lão Ni tiền bối. Cuộc đời của Thánh Tổ Ni là bài pháp nhiệm mầu, là ngôi vườn tâm linh để chúng con chiêm bái, là tấm gương sáng để thế hệ chúng con noi theo và học hạnh của Người.
Lớp lớp chư Ni luôn thắp sáng
Ngọn đuốc hải đăng chiếu muôn ngàn
Quay về hải đảo trong Chánh niệm
Trí tuệ sáng ngời tợ ánh trăng.
Trung Sương (ĐSHĐ-139)