Củ gừng là một loại gia vị quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình. Ngoài việc làm tăng thêm hương vị của món ăn, gừng còn là một loại thảo dược có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Jo Lewin là chuyên gia dinh dưỡng đã đăng ký (RNutr) của Hiệp hội Dinh dưỡng với chuyên môn về sức khỏe cộng đồng đã đưa ra lợi ích của gừng như sau:
1.Thành phần dinh dưỡng của gừng tươi:
Trong 10g gừng tươi cung cấp:
• 4 kcals / 19 kJ
• 0,2g protein
• 0,1g chất béo
• 0,8g carbohydrate
• 0,2g chất xơ
• 42mg kali
2. Lợi ích sức khỏe hàng đầu của gừng là gì?
• Có thể làm giảm triệu chứng cảm lạnh: trà gừng là sự lựa chọn tuyệt vời khi bắt đầu bị cảm lạnh. Do gừng có tác dụng thúc đẩy mồ hôi nên nó có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng sốt như cúm hoặc cảm lạnh.
• Có thể làm dịu cơn buồn nôn nhẹ và ốm nghén: Các báo cáo giai thoại cho thấy các triệu chứng liên quan đến say tàu xe, bao gồm chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa và đổ mồ hôi lạnh, có thể được giảm bớt nhờ gừng. Thường được sử dụng để điều trị chứng buồn nôn và nôn liên quan đến ốm nghén nhẹ.
• Kháng viêm và giảm đau: Gừng có tính kháng viêm mạnh nên trong những trường hợp viêm xương khớp, các nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng miếng gạc gừng để làm giảm các triệu chứng sưng, viêm, giảm đau và cải thiện khả năng vận động. Sử dụng gừng đắp lên vết bỏng cũng có thể kích thích lưu thông và làm dịu vết bỏng.
• Có thể làm dịu hệ tiêu hóa: Gừng từ lâu đã nổi tiếng là một loại thảo dược chữa bệnh, một chất thúc đẩy việc loại bỏ khí dư thừa ra khỏi hệ tiêu hóa và được biết là có tác dụng làm dịu đường ruột. Gừng có hiệu quả trong các trường hợp đau bụng, khó tiêu.
• Có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch: Gừng có tác dụng hỗ trợ tim mạch nhờ một số cơ chế khác nhau, bao gồm kiểm soát mức cholesterol, thúc đẩy sự lưu thông máu và cải thiện hoạt động hiệu quả của tim.
• Có thể hạ huyết áp: Cả nghiên cứu trên các loài động vật và con người đều cho thấy gừng có thể làm giảm huyết áp. Việc sử dụng gừng hàng ngày có thể ngăn ngừa một số bệnh mãn tính khác.
• Có thể làm giảm lượng đường trong máu: Gừng có thể giúp giảm lượng đường trong máu, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2022 đã xem xét việc bổ sung gừng ở một nhóm người mắc bệnh tiểu đường loại II đã nhận thấy lượng đường trong máu lúc đói giảm đáng kể cũng như giảm HBA1c, chỉ số đo mức đường huyết trung bình trong 90 ngày qua.
• Hỗ trợ sức khỏe của gan: Gingerol và shogaols là hai hợp chất mạnh trong gừng, giúp ức chế viêm và bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, cũng như chống lại các độc tố bao gồm rượu. Điều này giúp hỗ trợ sức khỏe cho gan.
• Giảm đau bụng kinh: Dùng gừng trong 3-4 ngày đầu của kỳ kinh có thể giúp giảm bớt các triệu chứng đau bụng kinh. Nó dường như có tác dụng tương tự như các loại thuốc như ibuprofen, axit mefenamic và diclofenac. Tuy nhiên, nếu bạn thấy lượng kinh nguyệt nhiều bất thường thì nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn thêm.
3. Gừng có an toàn cho mọi người không?
Mặc dù được coi là an toàn đối với nhiều người, nhưng gừng là một loại thảo mộc có tác dụng dược lý mạnh, vì vậy nó có thể không phù hợp với một số người, bao gồm nhưng không chỉ những người: Có tiền sử sỏi thận chứa oxalate, người thường xuyên bị ợ chua, trào ngược axit, những người huyết áp thấp hoặc đang dùng thuốc điều trị huyết áp. Những người này nên dùng gừng ở mức độ vừa phải vì gừng có tác dụng hạ huyết áp.
Huệ Quang