Qua nét nhìn đại thể về việc chư Ni TP. HCM, tổ chức lễ kỷ niệm đức tổ Ni Kiều Đàm Di và chư vị Ân sư tiền bối hữu công (05-06/10/2022) khẳng định 53 tỉnh thành đã có mặt là khởi điểm đa sắc màu cho từng lối bước hóa độ nhân sinh.
Từ góc nhìn trên, PBNGTW sẽ trải rộng tầm nhìn mọi lúc mọi nơi về đàn con trẻ nơi các tỉnh thành của ba miền đất nước.
Từng giây phút cho trái tim rung động khi nghe MC báo tin từng tỉnh đi vào hội trường và gần như không trống vắng với các tỉnh miền Bắc xa xôi, miền Trung, Tây Nguyên đang trong cơn mưa bão… Ôi! Tuyệt vời và hạnh phúc quá chư Ni ơi!
Giờ đã điểm, lễ chính thức, cả hội trường ngàn ánh mặt thiện cảm chân tình thay lời chào hỏi chúc phúc cho nhau, tuy không tay bắt mặt mừng ríu rít vui cười, muôn câu chuyện muốn kể cho nhau nghe trong một phút, nhưng trang nghiêm và yên lặng tuyệt đối là sự cúng dường cao quý nhất dâng lên Tổ Ni, chư vị Ân sư tiền bối, một sự cống hiến tuyệt vời mà chỉ có chư Ni hậu học mới viết lên trang sử ngát hương giới hạnh, qua video clip mọi sinh hoạt chư Ni thành phố từ lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội, từ thiện…, đã thể hiện được tiềm năng vươn tới hội nhập khoa học công nghệ cao, dẫu biết đời Ni lấy chuông mõ lời kinh là trọng điểm, nhưng qua tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác” và phục vụ chúng sanh là sự dấn thân để ban rải tình thương và gieo rắc ánh đạo vàng, chắc chắn ít nhiều chư Ni cũng góp phần chung vui hạnh phúc và xoa dịu niềm nỗi đau của nhân thế.
Chính do những bài tham luận lần này, NGTW và các tỉnh thành cảm nhận sâu xa hơn về tầm vĩ mô rộng lớn của chư Ni TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung là tất yếu được nâng cấp Ni đoàn.
Từ những vụn vặt suy tư, PBNG sẽ tỏa rộng vầng thái dương, sẻ chia hơi ấm tình lam đến các tỉnh miền Trung, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên… bởi bao khó khăn, hàng năm trời già không thương tưởng, dân nghèo mãi cưu mang gánh chịu mọi ách nạn thiên nhiên gieo rắc.
Bằng tinh thần hỗ trợ cao, những bức tâm thư sẻ chia, nhắc nhở chư Ni phải năng nỗ dấn thân để xứng danh là Thích tử qua tinh thần:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.”
làm thế nào để giáo lý Phật Đà được lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân nhân, Phật tử, ngõ hầu giảm thiểu những khó khăn cho gia đình được an vui, hạnh phước.
Tuy nhiên, vấn đề cân nhắc được đặt lên hàng đầu “biết cái gì phải biết, cái gì cần phải trau dồi để phẩm giá người tu không biến chất, cái gì cần loại bỏ, nhất định không cần giữ lại, chừng ấy thôi sẽ đạt được giác ngộ.”
Tiếng khóc đầu tiên và quê hương chỉ có một, nơi đó ta đã lớn lên và sẽ làm gì: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”
Góp phần cho Ni đoàn vững mạnh, chư Ni trẻ luôn có cẩm nang Phật pháp bên lòng:
– Lời Phật dạy: “Tứ Nhiếp Pháp” là ứng dụng thành công nhất trong việc hóa đạo, hơn thế nữa, các Tổ xưa kia cũng thường dạy: “Thử phương chơn giáo thể, thanh tịnh tại âm văn.”
– Thanh tịnh và hòa hợp, khép mình trong kỷ cương giới luật là yếu tố nền tảng dựng lập Ni đoàn vững mạnh.
– Nhớ lời các bậc Ân sư, ông bà cha mẹ, xóm làng dấu ái để luôn trân trọng “giới thân huệ mạng.”
– Thầy Tổ, quê hương là niềm tin soi lối bước, từng phút giây chờ đợi tình người nghĩa đất mãi đậm sâu: “Dù đi bốn biển năm châu, xa quê rồi mới thấy lòng đau!”
Mục đích của Phật giáo là giúp nhân loại để đạt hòa bình, giải thoát, Niết-bàn, an vui, “cứ ngỡ xuống trần chơi một tý, nào ngờ ở mãi đến bây giờ.”
Chư Ni trau giồi phẩm hạnh, để quần chúng Phật tử có niềm tin giáo lý Phật đà, từ đó nghe chư Tôn đức Tăng thuyết giảng sẽ tiếp nhận dễ dàng và mỗi chùa, tịnh xá chư Ni tạo duyên lành truyền trao ngũ giới, tổ chức khóa tu một ngày an lạc, gắn kết đạo tình “tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi, réo gọi dân hiền mọi mái tranh.”
Xã hội đầy chông gai và sỏi đá, chúng ta không thể chuyển hết chúng đi được để êm ả bàn chân, nếu có trường hợp chư Ni phải bước vào những chướng ngại ấy, thay vì cố gắng dọn dẹp, loại bỏ rác, chắc phải mất nhiều thời gian, tốt nhất, phải biết khôn ngoan làm theo lời khuyên là mang đôi giày ống để bước đi không bị giẫm gai.
Hơn thế nữa, “kiến thức” là cái lọng che thân và giúp cá nhân không lầm lẫn bởi mưu chước, còn “Từ bi” là chìa khóa, là mũi nhọn khai thông những trái tim đang rỉ máu.
Bi – Trí – Dũng là sức mạnh cho mỗi chư Ni vững tiến trên đường hóa đạo qua giáo pháp Phật dạy:
– Giống sư tử không run sợ trước những tiếng động.
– Giống như luồng gió không kẹt vào mắt lưới.
– Giống như hoa sen không hôi tanh bởi bùn nơi nó mọc.
– Đi lang thang một mình như con tê giác.
Vâng, với niềm tin Đại hùng – Đại lực – Đại từ bi, mới khơi dậy Phật tánh giác ngộ chúng sanh, vạch rõ cho Phật tử thấy được nguyên nhân của đau khổ và hạnh phúc.
Chư Ni TP. HCM có 21 quận bao quanh là lũy tuyến đủ tầm gây sức mạnh tình lam, vừa hội nhập khoa học công nghệ cao trong ứng dụng Phật pháp, vừa năng động nhiệt tình:
“Nơi nào Phật pháp cần ta đến, chúng sanh cần – phục vụ tốt, không sợ gian lao, không nề khó nhọc, chắc chắn thành công sẽ rợp ánh mây hồng cho từng lối bước.”
Chư Ni là cánh tay trái góp sức cùng Giáo hội hoằng truyền giáo pháp, cần tài bồi phẩm hạnh, Tỳ ni – luật tạng là cẩm nang bên lòng: “bất biến giữa dòng đời vạn biến”, cho giới hương lan tỏa ngàn phương.
Giữa hai hoàn cảnh thuận nghịch duyên ma khảo, chư Ni không nản lòng, thối chí, cũng không vì hai chữ “Sắc – Không” mà lãng xao Giới luật, không vì chút bả lợi danh mà quấn theo lắm chuyện thị phi, làm mất niềm tin công chúng. “Chén cơm tín thí ngày thêm nặng, học hạnh chuyên tu nguyện đáp đền.”
Thế nên, vạn sự do mình, lời ru của mẹ nhớ hoài trong tâm:
Con ơi giữ lấy phận mình,
Hiếu trung trọn vẹn đậm tình nước non
Nữ nhi chút phận cỏn con
Ơn cha nghĩa mẹ sắt son phụng thờ.
Trong giao tế ứng xử lấy sự nhẫn nhục làm đầu, biết tìm kẻ quên lời để cùng nhau gánh vác Phật sự. Tóm lại, muốn góp phần vững mạnh Ni đoàn, mỗi chư Ni hằng để tâm mình như: “Người gỗ nhắm chim vẽ”, nên trừ bỏ những cái khôn vặt mới đạt chuẩn thành công:
– Khôn -> chết
– Dại -> chết
– Biết là sống vậy!
TKN. Như Như (ĐSHĐ-115)
Diễn đọc : SC Đức Tạng