Xuất phát từ một tôn giáo nội sinh, Ni giới Khất sĩ được biết đến là một bộ phận không ngừng tu học theo tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” do đức Tổ sư Minh Đăng Quang khởi xướng. Hơn 70 năm đạo Phật Khất sĩ hình thành và| phát triển, bộ phận Ni giới vẫn luôn thực hiện bản hoài ấy trên khắp các vùng miền, lãnh thổ Việt Nam. Trong tiến trình hoằng hóa, độ sanh ấy, Cần Thơ đã lưu dấu nhiều đóng góp to lớn từ chư Ni đến hệ phái Khất sĩ.
1. Sơ lược về sự ra đời, phát triển của Ni giới Khất sĩ Cần Thơ
Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm Phật giáo Cần Thơ đồng hành và phát triển, Ni giới Khất sĩ đã góp phần gánh vác trên vai những sứ mạng chung của người con Phật và nỗ lực thực hiện vai trò riêng của một hành giả Khất sĩ. Khơi dậy bước chân hành đạo cho Ni giới bấy giờ tại non nước Cần Thơ, không ai hơn là đức Tổ sư Minh Đăng Quang và bậc lãnh đạo Ni – Đệ nhất Ni giới Hệ phái Khất sĩ – Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên. Mảnh đất Ninh Kiều, Cần Thơ chính là nơi ghi lại dấu chân lịch sử của bậc Tổ sư, bậc tôn Ni của Hệ phái. Tịnh xá Ngọc Liên cũng chính là trú xứ mở đầu (1947) được Tổ khởi công xây dựng và truyền lại cho Ni trưởng Đệ nhất. Từ đây, một nền móng Ni giới được thiết lập, khơi dậy con đường hóa đạo cho hàng hàng, lớp lớp chư Ni Khất sĩ.
Nối tiếp đạo hạnh của Đệ nhất Ni trưởng, Ni trưởng Giới Liên, Ni trưởng Điểu Liên, Ni trưởng Tánh Liên đã tiếp tục gây dựng, tiếp quản các Tịnh xá Ngọc Liên, Ngọc Châu (1948) và Ngọc Viên (1949). Ba trú xứ này có bề dày lịch sử tương đương nhau. Tuy nhiên, cách đó một thời gian dài sau những biến cố Phật giáo (1963), chư Ni Khất sĩ mới trở lại mảnh đất Tây Đô để tiếp tục hoằng hóa. Đơn cử như Ni sư Kiên Liên với Tịnh xá Ngọc Thủy, Ni trưởng Diệu Liên với Tịnh xá Ngọc Trung (Ni), Ni sư Hỷ Liên với Tịnh xá Ngọc Nhân, Sư cô Thúy Liên với Tịnh xá Ngọc Quang… và nhiều thế hệ Ni truyền thừa các cơ sở. Tính đến nay, Ni chúng Khất sĩ đã có 27 ngôi Tịnh xá với 92 vị Ni lưu trú trên khắp địa bàn1
Theo thống kê, số lượng các Tịnh xá hiện có tại thành phố Cần Thơ như sau:
SỐ LƯỢNG TỊNH XÁ CỦA NI CHÚNG KHẤT SĨ Ở CẦN THƠ
STT | TỊNH XÁ | NGƢỜI SÁNG LẬP | NĂM SÁNG LẬP | CÁC ĐỜI TRỤ TRÌ | ĐỊA CHỈ |
1 | Tịnh xá Ngọc Liên |
Tổ sư Minh Đăng Quang truyền lại cho NT. Huỳnh Liên |
1947 | NT. Giới Liên | Ninh Kiều, Cần Thơ |
2 | Tịnh xá Ngọc Châu |
Tổ sư Minh Đăng Quang |
1948 | 1982, NT. Điểu Liên trụ trì TX. Ngọc Châu2 | Quận Ô Môn, Cần Thơ |
3 | Tịnh xá Ngọc Viên | NT. Tánh Liên | 1949 | NS. Dõng Liên (1977) – NS. Hiếu Liên NS. Bình Liên |
Cái Khế, Cần Thơ |
4 | Tịnh xá Ngọc Hiệp | Tổ sư Minh Đăng Quang |
1950 | NT. Nghiêm Liên | Ấp Châu Thành, thị trấn Phụng Hiệp, Cần Thơ |
5 | Tịnh xá Ngọc Thủy | NS. Kiên Liên | 25/11/1963 | Ngôi Tịnh xá trải qua 4 đời truyền thừa: – NS. Kiên Liên (trụ trì từ 1963-1970) – NS. Phẩm Liên (tiếp quản 2 năm) – NT. Ẩn Liên (trụ trì từ 1972-2022) – SC. Thiện Liên (từ 2023) |
Bình Thủy, Cần Thơ |
6 | Tịnh xá Ngọc Trung (Ni) | NT. Diệu Liên | 1963 | NS. Lý Liên | Thốt Nốt, Cần Thơ |
7 | Tịnh xá Ngọc Chương | NT. Ngoạt Liên | 1965 | NT. Ngoạt Liên – NS. Kiệm Liên |
Thị xã Vị Thanh, Hậu Giang |
8 | Tịnh xá Ngọc Duyên | NS. Toàn Liên | 1965 | NS. Toàn Liên | Thốt Nốt, Cần Thơ |
9 | Tịnh xá Ngọc Ẩn | NT. Hân Liên | 1996 | NT. Hân Liên – NT. Mãnh Liên |
Phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ |
10 | Tịnh xá Ngọc Hoa3 | ĐĐ. Thích Giác Hoa | 1969 | SC. Sơn Liên (1997) | Phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ |
11 | Tịnh xá Pháp Như | Thành lập năm 1972, trùng tu năm 1999 | C{i Răng, Cần Thơ | ||
12 | Tịnh xá Ngọc Nhân | NS. Hỷ Liên | 1979 | SC. Tấn Liên (2017) | Ninh Kiều, Cần Thơ |
13 | Tịnh xá Ngọc Quang | SC. Thúy Liên | 1980 | NS. Huệ Liên | Thốt Nốt, Cần Thơ |
14 | Tịnh xá Hoa Nghiêm | NS. Cảnh Liên | 1980 | NS. Cảnh Liên | Phường Hưng Lợi, thành phố Cần Thơ |
15 | Tịnh xá Ngọc Hưng | NS. Niệm Liên | 1983 | NS. Viên Liên (2022) | Phường Thuận Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ |
16 | Tịnh xá Ngọc Đăng | NS. Đăng Liên | 1984 | NS. Đăng Liên | Phường An Hòa, Ninh Kiều, Cần Thơ |
17 | Tịnh xá Ngọc Hạnh | NS. Trí Liên | 1990 | NS. Trí Liên | Thuận An, Thốt Nốt, Cần Thơ |
18 | Tịnh xá Ngọc Thủy | Sáng lập và trụ trì: NS. Sĩ Liên |
Thị trấn Cờ Đỏ, huyện Ô Môn, Cần Thơ | ||
19 | Tịnh xá Ngọc Hòa | Phường Cái Khế, Ninh Kiều, Cần Thơ | |||
20 | Tịnh xá Ngọc An | NS. Mỹ Liên | Chính thức lên Tịnh xá năm 2019 | – NS. Mỹ Liên – NS. An Liên |
Phường An Khánh, Ninh Kiều, Cần Thơ |
21 | Tịnh xá Ngọc Ngôn | Ninh Kiều, Cần Thơ | |||
22 | Tịnh xá Ngọc Huệ | ||||
23 | Tịnh xá Ngọc Pháp | Lê Bình, Cái Răng, Cần Thơ | |||
24 | Tịnh xá Ngọc Đạt | Phường Tân Hưng, huyện Ô Môn, Cần Thơ |
|||
25 | Tịnh xá Ngọc Sơn | Thới Thuận, Thốt Nốt, Cần Thơ | |||
26 | Đạo tràng Ngọc Phước | Phường Trường Lạc, quận Ô Môn, Cần Thơ | |||
27 | Tịnh thất Ngọc Như | Phường Cái Khế, Ninh Kiều, Cần Thơ | |||
28 | Tịnh thất Ngọc Linh | NS. Linh Liên | Phường Cái Khế, Ninh Kiều, Cần Thơ | ||
29 | Tịnh thất Ngọc Thanh | 2023 | NS. Thanh Liên | Phường Cái Khế, Ninh Kiều, Cần Thơ | |
30 | Tịnh thất Ngọc Sĩ | Ninh Kiều, Cần Thơ |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Trong 30 cơ sở này thì có 25 Tịnh xá chính thức với 70 vị; 01 điểm sinh hoạt tập trung là Đạo tràng Ngọc Phước; 04 tịnh thất Ngọc Sĩ, Ngọc Như, Ngọc Linh, Ngọc Thanh đang xin thành lập điểm sinh hoạt tập trung. Tổng số chúng là 92 vị.
Mặc dù số lượng cơ sở tự viện và Ni chúng còn khá khiêm tốn so với hệ phái Bắc Tông nhưng những đóng góp của chư Ni Khất sĩ luôn mang lại màu sắc tươi mới cho mảnh đất non nước nổi tiếng của Nam Bộ. Có gần 10 ngôi Tịnh xá xuất hiện trước lịch sử thành lập Giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ. Sự gắn bó đó cũng chính là một minh chứng nói lên sự đồng lòng, đồng hành của Ni giới Hệ phái Khất sĩ với Phật giáo tỉnh nhà.
2. Ni giới Khất sĩ Cần Thơ: Những đóng góp cho xã hội và Giáo hội
Về phương diện đóng góp cho dân tộc, Ni trưởng Giới Liên, Ni trưởng Điểu Liên chính là những tấm gương tiêu biểu, từng theo chân Ni trưởng Huỳnh Liên và Ni chúng Ngọc Phương “xuống đường, biểu tình đòi hòa bình, độc lập cho dân tộc, đòi thả tù binh chính trị, sinh viên học sinh; đồng thời tiếp tế lương thực, thuốc men cho các cơ sở hoạt động cách mạng”4. Về sau, hai Ni trưởng còn tham gia nhiều nhiệm kỳ với chức danh Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ, được Nhà nước tặng nhiều kỷ niệm chương, bằng khen người có công với cách mạng.
Riêng về phương diện đóng góp cho Giáo hội, chư Ni Khất sĩ tham gia ngày càng nhiều vào các ban ngành. Trong tổ chức Phật giáo thuộc 9 quận, huyện, từng có sự đóng góp của cố Ni trưởng Giới Liên (Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Chứng minh Phân ban Ni giới thành phố Cần Thơ), Ni trưởng Điểu Liên (Nguyên Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Nguyên Phó Phân ban Ni giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, Nguyên Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Ô Môn), Ni trưởng Ẩn Liên, Ni trưởng Mãnh Liên (đồng Chứng minh Phân ban Ni giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ)5; Ni sư Dõng Liên (Phó Ban đại diện Phật giáo thành phố Cần Thơ)… Tiếp đó, nhiệm kỳ 2017-2022, có Ni trưởng Điểu Liên (Phó Trưởng ban Trị sự), Ni sư Tài Liên (Phó Thư ký), Ni sư Lan Liên, Ni sư Hiếu Liên (đồng Ủy viên Ban Trị sự)6.
Đặc biệt, chư Ni Khất sĩ đã tham gia gánh vác nhiều Phật sự cho Ni giới, nhất là trong chặng đường thành lập Phân ban Đặc trách Ni giới (20/6/2013 – nhiệm kỳ 2012-2017). Tròn 10 năm kể từ ngày thành lập, chư Tôn túc Ni trong Hệ phái đã và đang đảm đương các vị trí nhân sự đắc lực. Ở nhiệm kỳ đầu tiên của Phân ban đã có 3/8 vị đến từ Ni chúng Khất sĩ, gồm: Ni trưởng Giới Liên, Ni trưởng Dắc Liên, Ni trưởng Ẩn Liên7. Những ngọn cờ tiên phong này đã tiếp thêm động lực cho chư Ni hậu tấn được phát triển hơn, đóng góp nhiều lĩnh vực hơn cho Phật giáo cũng như Ni giới tỉnh nhà.
Bên cạnh những đóng góp cho Giáo hội, chư Ni Khất sĩ rất tích cực trong hoạt động từ thiện xã hội như tham gia cứu trợ lũ lụt, giúp đồng bào nghèo, người già, người neo đơn, trẻ nghèo thất học, ủng hộ nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam (Dioxin),… Trong đó, tịnh xá Ngọc Quang được biết đến là trú xứ có nhiều hoạt động sôi nổi, quan tâm người già neo đơn, người nghèo lang thang, trẻ em mồ côi, bà con nghèo vùng cao (người dân tộc C’Ho, Churu, Chill, Tày và Nùng) có hoàn cảnh khó khăn (thôn Bokaban, xã Tu-tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) và hàng nghìn suất ăn, phần quà cho bệnh nhân tại Trung tâm Điều trị tâm thần Tân Định (thuộc tỉnh Bình Dương), Trung tâm Bảo trợ xã hội (quận Ô Môn), các viện dưỡng lão, các bệnh viện,… Đặc biệt, tổ chức chương trình phát quà truyền thống cho bà con ở làng mù Vĩnh Châu – Sóc Trăng (địa điểm tập trung tại tịnh xá Ngọc Châu Như). Những hoạt động này không chỉ mang tinh thần hoằng pháp, sẻ chia của người con Phật mà còn tạo nên sợi dây gắn kết, tương trợ sự hành đạo của chư Ni trong Hệ phái. Với những dấu ấn đó, tịnh xá Ngọc Quang được biết đến là ngôi tịnh thất đẹp ở Thốt Nốt hiện nay.
Về mặt tu tập, chư Ni thường tổ chức các khóa thiền Tứ Niệm xứ, khóa tu truyền thống Ni giới Khất sĩ,… Các lễ hội thường niên như Phật Đản, Vu Lan, Dâng y ca-sa, Cổ Phật khất thực… diễn ra sôi nổi. Bên cạnh đó, chư Ni cũng tổ chức nhiều khóa tu”Một ngày an lạc”, “Bát quan trai giớ”‛ cho hàng cư sĩ với các chủ đề như “Bước chân tĩnh lặng” và các khóa tu mùa hè cho sinh viên, đoàn sinh Gia đình Phật tử.
Riêng nói về đời sống tu học của Ni chúng Khất sĩ trên địa bàn, phần lớn chư Ni được tạo điều kiện để tham gia học tập tại các trường Sơ – Trung – Cử nhân Phật học. Con đường giáo dục cũng được chư Tiền bối quan tâm và hỗ trợ. Ngay từ thời Hậu Giang chưa sáp nhập lại với Cần Thơ, Ni sư Dõng Liên đã tham gia làm Ủy viên Kiểm soát Trường Cơ bản Phật học, Hậu Giang7. Kế thừa trụ trì, Sư cô Huệ Liên đã tiếp tục con đường của người đi trước, chăm lo đào tạo Tăng tài; đồng thời, gửi Ni chúng tham gia tu học tại các trường như Trung cấp Phật học ở Vĩnh Long. Bên cạnh đó, còn có Ni trưởng Điểu Liên cũng từng là một trong những thành viên thuộc Ban Bảo trợ các khóa học của trường Sơ cấp, Trung cấp Phật học thành phố Cần Thơ.
Đặc biệt, hằng năm, chư Ni còn mở khóa học luật Tỳ-kheo-ni cho Ni chúng trực thuộc Giáo đoàn 1 về tham học. Chư Tôn túc giáo phẩm Ni trong Hệ phái còn đảm nhiệm nhiều cương vị tôn chứng Tăng già tại các Đàn giới, Phó Thiền chủ các khóa An cư Kiết hạ do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ tổ chức như Ni trưởng Điểu Liên, Ni trưởng Ẩn Liên… Sự trưởng dưỡng này không chỉ góp phần làm cho Đạo pháp ngày càng hưng thịnh, xã hội ngày càng văn minh mà còn góp phần vào việc phổ biến Chánh pháp, phát triển trí tuệ, giới hạnh cho hành giả Khất sĩ.
Nhìn chung, tinh thần yêu nước, mến đạo của chư Ni Khất sĩ đã thể hiện trong toàn bộ hoạt động phụng sự cho đạo pháp và dân tộc. Mặc dù vẫn còn một số tồn đọng, chưa được phát huy, thế nhưng với số lượng cơ sở và thành phần nhân sự khá khiêm tốn, chư Ni Hệ phái vẫn mang lại một bộ mặt đại diện tiêu biểu của Ni giới Khất sĩ Việt Nam trên nhiều phương diện. Trong đó chất chứa nhiều truyền thống cao quý, nhiều hình ảnh cao đẹp vốn được duy trì trong chiếc nôi của Ni giới Khất sĩ.
Dựa trên những tiền đề được chư Tiền bối tạo dựng, chư Ni Hệ phái đã và đang tiếp tục sứ mệnh lan tỏa thông điệp chung của đạo Phật Khất sĩ và Ni giới Khất sĩ Việt Nam. Trên mảnh đất non nước Cần Thơ hữu tình, những ngôi tịnh xá bát giác là một cánh tay nối dài để ngọn đuốc Chánh pháp của Tổ sư được lan rộng khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Điều này không chỉ nói lên thành tựu trong sự nghiệp canh tân Ni giới của Ni trưởng Huỳnh Liên tại Cần Thơ mà còn thể hiện sự truyền thừa khéo léo của Ni chúng Khất sĩ sau thời Tổ Sư vắng bóng. Những đóa sen của Ni trưởng Huỳnh Liên giáo dưỡng đã được mọc khắp các vùng miền, nhất là miền Tây Nam Bộ. Tất nhiên, điều đó càng tô đẹp thêm cho một xứ sở được mệnh danh là”Tây Đô”.
Hy vọng, Tọa đàm Ni giới lần này là cơ hội để chư Ni Hệ phái quan tâm hơn đến những tiền đề lịch sử mà chư Tôn túc Ni tiền bối trong Hệ phái đã gây dựng, đồng thời tiếp nối ánh sáng đó để lan tỏa những thông điệp cao đẹp trong Ni đoàn. Với những điều kiện của Ni giới Khất sĩ đang có, quan tâm đến sự phát triển đời sống tu học, đẩy mạnh công tác giáo dục, học thuật trong đội ngũ Ni giới là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, rất cần chư Ni trong Hệ phái quan tâm đến việc bảo tồn, lưu trữ những di sản được Nhà nước công nhận cho chư Ni Khất sĩ để chư Ni hậu bối được noi gương công hạnh của quý Ngài.
Tóm lại, sự xuất hiện của chư Ni cùng các Tịnh xá trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Cần Thơ là một bước ngoặt đáng kể, thể hiện sự phát triển của Hệ phái Khất sĩ nói riêng và sự phát triển của Ni giới Phật giáo nói chung. Trong tiến trình du nhập và phát triển đó, chư Ni Khất sĩ đã hòa vào nét văn hóa độc đáo của miền Tây Nam Bộ, đem lại một màu sắc tươi mới, không chỉ về văn hóa, lễ nghi mà còn cả những nhu cầu nương tựa tinh thần cho quần chúng Phật tử.
NS. TS. Thích nữ Như Nguyệt (Huê Lâm)
- Thông tin được cập nhật từ Ban Thư ký Phân ban Ni giới Cần Thơ.
- Tiểu sử Ni trưởng Thích nữ Điểu Liên, tài liệu do chư Ni TX. Ngọc Châu cung cấp.
- https://quocluongct.blogspot.com/2013/10/nhung-ngoi-chua-o-binh-thuy-tiep-theo.html.
- https://nigioivietnam.vn/ni-truong-gioi-lien/
- https://nigioikhatsi.net/le-hoi/tp.can-tho:-tinh-xa-ngoc-thuy-trang-nghiem-to-chuc-le-dang-y-ca-sa-va-le-huy-ky-co-su-ba-kien-lien.html.
- https://phatgiao.org.vn/danh-sach-nhan-su-bts-ghpgvn-can-tho-nhiem-ky-ix-2017-2022-d27377.html
- https://giacngo.vn/ra-mat-phan-ban-ni-gioi-phat-giao-tpcan-tho-post22095.html.
- Tỳ-kheo-ni Thích Như Nguyệt (Viên Minh) (2022), Hành trạng chư Ni Việt Nam, tập 1, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, tr.323
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2017), Danh sách nhân sự BTS GHPGVN Cần Thơ nhiệm kỳ IX (2017-2022),
https://phatgiao.org.vn/danh-sach-nhan-su-bts-ghpgvn-can-tho-nhiem-ky-ix-2017-2022-d27377.html.
2. Tỳ-kheo-ni Thích Như Nguyệt (Viên Minh) (2022), Hành trạng chư Ni Việt Nam, tập 1, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội.
3. “Những ngôi chùa ở Bình Thủy” (2013),
https://quocluongct.blogspot.com/2013/10/nhung-ngoi-chua-o-binh-thuy-tiep-theo.html.
4. ‚Ni trưởng Giới Liên‛ (2020),
https://nigioivietnam.vn/ni-truong-gioi-lien/.
5. ‚Ra mắt Phân ban Ni giới Phật giáo TP. Cần Thơ‛ (2013),
https://giacngo.vn/ra-mat-phan-ban-ni-gioi-phat-giao-tpcan-tho-post22095.html.
6. Tiểu sử Ni trưởng Thích nữ Điểu Liên, tài liệu do chư Ni Tịnh xá Ngọc Châu cung cấp.
7. “Tịnh xá Ngọc Thủy trang nghiêm tổ chức lễ dâng y Ca-sa và lễ húy kỵ cố Sư b| Kiên Liên‛,
https://nigioikhatsi.net/le-hoi/tp.can-tho:-tinh-xa-ngoc-thuy-trang-nghiem-to-chuc-le-dang-y-ca-sa-va-le-huy-ky-co-su-ba-kien-lien.html.