3. Đức Phật xác nhận người nữ cũng có khả năng chứng quả vị A-la-hán
Ni đoàn thành lập sau khi A-nan thỉnh cầu Thế Tôn. Chính điều này mà trong cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất A-nan bị Ca-diếp kết năm tội Dukkata (Đột-kết-la) trong đó có tội “Xin Phật cho nữ giới xuất gia”. Để rõ hơn vấn đề này chúng ta cùng tìm hiểu hai vấn đề: (1) Đức Phật cho phép người nữ xuất gia, (2) Thế Tôn xác nhận người nữ có khả năng chứng quả A-la-hán.
a. Đức Phật cho phép người nữ xuất gia
Như chúng ta đã biết người nữ có khả năng không thua kém nam giới những lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa có người nam tham dự thì cũng có nữ giới; nhưng vấn nạn “trọng nam khinh nữ” ở Trung Hoa, Ấn Độ là chuyện không thể phủ nhận. Trong kinh điển Đức Phật không trực tiếp nhắc đến vấn đề này, nhưng có nhiều bài kinh Đức Phật đã gián tiếp xóa bỏ khoảng cách nâng người nữ lên ngang bằng nam giới như kinh Thiện Sinh người chồng có nghĩa vụ đối đãi với vợ: “Này Thiện Sinh, chồng cũng phải có năm điều đối với vợ: 1) Lấy lễ đối đãi nhau; 2) Oai nghiêm mà không nghiệt; 3) Tùy thời cung cấp y; 4) Tùy thời cho đồ trang sức; 5) Phó thác việc nhà1“.
Hay kinh Tăng Chi Bộ bài kinh Cha mẹ của Nakula: “Thưa gia chủ, gia chủ có thể suy nghĩ: “Nữ gia chủ, mẹ của Nakula, sau khi ta mệnh chung, không có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa2“. Thưa gia chủ, chớ có nghĩ như vậy! Thưa gia chủ, tôi khéo léo dệt vải và chải lông cừu. Thưa gia chủ, sau khi gia chủ mệnh chung, tôi có thể nuôi dưỡng các con và duy trì nhà cửa”. Nghĩa của đoạn kinh khá dễ hiểu, chỉ rõ mẹ của Nakula có đầy đủ năng lực thay thế chồng làm chủ, gánh vác gia đình khi cha Nakula qua đời.
Không chỉ vậy, Đức Phật còn cho phép người nữ xuất gia. Thật ra sự việc này không phải đến khi A-nan xin Đức Phật mà đã có nhân ngay từ khi Ma Ba-tuần thỉnh Phật Niết-bàn “Thuở xưa, ở Uất-tỳ-la bên dòng sông Ni-liên-thuyền dưới gốc cây A-du-ba-ni-câu-luật, Phật khi mới thành chính giác, tôi đã đến chỗ Như Lai mà khuyên mời Ngài hãy nhập Niết-bàn” khi ấy Như Lai trả lời tôi rằng: “Hãy thôi! Hãy thôi! Ta tự biết thời. Như Lai nay chưa nhập Niết-bàn vì còn đợi chúng Tỳ-kheo của Ta hội tụ đủ… lại còn có các Tỳ-kheo-ni… đều chưa hội tụ đủ3”. Điều này cho thấy Đức Phật đã ngầm thiết lập hệ thống Tăng đoàn đầy đủ tứ chúng ngay sau khi thành đạo. Vậy A-nan thỉnh Phật chỉ là hội đủ duyên và đúng thời để Đức Phật đưa ra quyết định cho phép Tăng đoàn có chúng Tỳ-kheo-ni. Ở đây chúng ta xem xét nội dung bài kinh MahāPajāpatī Gotamī trong kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Gotamī để thấy rõ hơn.
Khi vua Suddhodana qua đời, A-nan và Rāhula theo Phật xuất gia, ý chí xuất ly đến với Mahāpajāpatī một cách mãnh liệt. Cơ duyên đã đến khi Đức Phật trở lại quê nhà để hòa giải vụ tranh chấp nguồn nước sông Rohinì giữa hai dòng tộc Sākyā và Koliya. Di mẫu Mahāpajāpatī liền đến gặp Đức Phật tại vườn Nigrodha, ngoại thành Kapilavatthu và xin Phật cho phép phụ nữ được xuất gia. Mahāpajāpatī Gotamī bạch Thế Tôn: “Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng4.”
Mahāpajāpatī Gotamī bạch Thế Tôn ba lần, đáp lại lời thỉnh cầu Thế Tôn trả lời: “Thôi vừa rồi, này Gotamī, chớ có ưa thích nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng”. Không nản chí, bà rũ bỏ trang sức, xuống tóc, đắp y, cùng với 500 người nữ dòng họ Sākyā, chân trần đi bộ đến Vesāli để cầu xin xuất gia. Đoạn đường từ Kapilavatthu đến Vesāli dài 150 dặm. Khi đến nơi, đôi chân sưng phồng và rướm máu, mình mẩy lấm đầy bụi đường, kiệt quệ, hốc hác. Tôn giả A-nan, với lòng xót thương đã thay mặt Mahāpajāpatī Gotamī xin Phật ba lần, nhưng Thế Tôn vẫn từ chối. Bằng sự khéo léo, Tôn giả đã tiếp cận vấn đề theo một hướng khác đó là: Hỏi để Thế Tôn khẳng định người nữ vẫn có thể chứng Thánh Quả, kể lại ân của Mahāpajāpatī Gotamī đối với Phật. Nhờ tiếp cận theo hướng này, Thế Tôn đã cho phép người nữ xuất gia với điều kiện giữ “tám kính pháp”, Mahāpajāpatī Gotamī trở thành vị Bhikkhuni đầu tiên trong Tăng đoàn.
Chỗ này một nghi vấn được đưa ra: Trì hoãn cho người nữ xuất gia phải chăng Đức Phật cũng theo xu thế xã hội Ấn Độ thời bấy giờ là trọng nam khinh nữ? Hay chỉ là sự ngộ nhận của một số người nào đó hoặc chúng ta chưa hiểu hết ý của Phật. Ở đây người viết cho rằng có hai nguyên nhân đưa đến sự trì hoãn của Thế Tôn.
Thứ nhất, ở Đông phương có hai nền văn minh cơ bản là Trung Hoa và Ấn Độ; Trung Hoa chịu ảnh hưởng bởi đạo Khổng đã khép kín người nữ sau cánh cửa gia đình; xã hội Ấn Độ thời bấy giờ cũng vậy với bốn giai cấp chính Bà-la-môn (Brahman), Sát-đế-lợi (Kshastriya), Vệ-xá (Vaisya), Thủ-đà-la (Sudra) đã tạo ra sự bất bình đẳng, đặc biệt là sự phân biệt nam nữ như: ra khỏi nhà phải che mặt, không có quyền trong các hoạt động xã hội, không có mặt trong lãnh vực Tôn giáo… Do vậy, nếu ngay những ngày đầu thành lập Tăng đoàn, cho người nữ xuất gia là đi ngược lại với tư tưởng xã hội Ấn Độ chắc chắn sẽ bị phản đối.
Thứ hai, đời sống Tăng đoàn thời Đức Phật thường ở trong rừng hay gốc cây, nay đây mai đó, nuôi sống thân mạng bằng khất thực. Người nữ không phù hợp với đời sống du hóa này, có nhiều nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến họ như thú dữ tấn công, bị cướp, mưa gió khắc nghiệt gây bệnh, bị hãm hiếp. Đời sống định cư phù hợp với người nữ hơn. Vì vậy, quan điểm của Thượng tọa Hạnh Bình cho rằng: “Theo tôi, nội dung chính mà A-nan thưa thỉnh Đức Phật là vấn đề: Nên chăng cho nữ giới xuất gia với điều kiện cuộc sống định cư5.” Chứ không phải người nữ được xuất gia vì công ơn nuôi dưỡng của Mahāpajāpatī Gotamī.
Như vậy, trên phương diện giáo đoàn, đã xuất hiện giáo đoàn Tăng và giáo đoàn Ni. Vậy còn về mặt tu tập chứng quả thì sao? Đó là điều ta cần tìm hiểu ở mục kế tiếp.
b. Đức Phật xác nhận người nữ cũng có khả năng chứng quả vị A-la-hán
Phần phân tích trên đã làm rõ được quan điểm Thế Tôn không đồng tình quan điểm “trọng nam khinh nữ”, tuy không chỉ rõ vấn nạn này trong Kinh điển nhưng động thái cho phép thành lập Ni đoàn đã gây nên biến động lớn trong mọi giới của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Nói cách khác Thế Tôn là một nhà cải cách vĩ đại; về xã hội giải phóng người nữ khỏi hệ thống bốn giai cấp Bà-la-môn, trong Phật giáo Người thiết lập bình đẳng về mặt giáo đoàn thông qua việc cho phép nữ giới xuất gia sống đời sống phạm hạnh trong Tăng đoàn Phật giáo. “Ví như, này Paharada, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhù, sông Mahī, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Vệ-xá, Thủ-đà-la, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong pháp và luật được Như Lai tuyên bố này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử6.” Vậy dù nam hay nữ ở giai cấp nào nếu xuất gia sống đời sống phạm hạnh thì sẽ trở thành Sa môn Thích tử.
Xuất gia trở thành Sa-môn chưa phải là mục đích cuối cùng, giáo lý Phật giáo hướng người tu tập đạt đến “giác ngộ giải thoát”. Chân lý giải thoát không lựa chọn người chứng đắc mọi chúng sanh phát tâm tu tập, hành trì chánh pháp thoát ly ba độc “tham – sân – si” đều đạt đến kết quả cứu cánh như nhau (Thánh quả A-la-hán).
Khi xem xét vào Tạng luật Nam Truyền – bộ Hợp Phần trong Tiểu Phẩm, chương Tỳ-kheo-ni; một lần nữa Đức Phật cho thấy Ngài là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã nâng cao vị trí của người nữ lên mức quan trọng nhất, đồng thời xác nhận nữ tính không phải là trở ngại cho việc tiến bộ tâm linh.
“Bạch Ngài, người nữ sau khi xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Nhập Lưu, hoặc quả vị Nhất Lai, hoặc quả vị Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán hay không?”
“Này Ananda, người nữ sau khi xuất gia rời nhà, sống không nhà trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, có khả năng chứng ngộ quả vị Nhập Lưu, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, luôn cả phẩm vị A-la-hán7.” Trong “Chú giải Trưởng lão Ni kệ” tín nữ Sakulā xuất gia nàng an trú nơi thiền quán cộng với tinh cần sau một thời gian ngắn đạt được chứng đắc “Với tâm an lạc hoan hỷ mãnh liệt, ta xuất gia và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ta đã chứng thánh quả A-la-hán8.”
Lại tiếp tục xem trong Đại kinh Vacchagotta, Đức Phật trả lời du sĩ ngoại đạo Vacchagotta không chỉ một hai hay năm trăm mà nhiều hơn Tỳ-kheo-ni chứng đắc: “Này Vaccha không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ kheo ni, đệ tử của ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát và tuệ giải thoát9.”
Từ các cơ sở dữ liệu Kinh (kinh MahāPajāpatī Gotamī trong kinh Tăng Bộ, Đại kinh Vacchagotta trong Trung Bộ kinh); Tạng luật Nam Truyền – bộ Hợp Phần trong Tiểu Phẩm, chương Tỳ-kheo-ni; Chú giải Trưởng lão Ni kệ. Người viết đi đến kết luận nữ giới có đầy đủ khả năng chứng đắc thánh quả A-la-hán là điều không còn nghi ngờ gì nữa.
Tuy nhiên, cũng chính trong nguồn dữ liệu kinh điển Nikāya cụ thể là bài kinh Đa Giới trong Trung Bộ kinh của Nam truyền lại xuất hiện quan điểm người nữ không thể chứng A-la-hán. Vậy quan điểm này có phải của Thế Tôn không? Nếu không phải tại sao lại được đưa vào trong Thánh điển Nikāya?
c. Nói về quan điểm nữ nhân không thể chứng A-la-hán trong kinh Đa Giới
Khi khảo sát đến kinh Đa Giới cũng trong nguồn tư liệu kinh Trung Bộ của Nam truyền đưa ra nhận định “Sự kiện này không có xảy ra, không có hiện hữu khi một nữ nhân có thể thành A-la-hán Chánh Đẳng Giác10.” Có thực sự đây là từ kim khẩu Đức Thế Tôn nói ra hay không? Điều này khó mà xác định được. Và với một câu kinh như vậy ít nhiều đã tác động đến người đọc cho họ có cảm giác lời dạy của Người có sự mâu thuẫn, lời dạy trước ngược lại với lời dạy sau. Cùng với việc trên thực tế các nước như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào… chỉ có tu nữ hoặc không cho người nữ xuất gia. Phải chăng quan điểm này bắt nguồn từ bài kinh trên.
Về vấn đề này người viết cho rằng: chúng ta thường có suy nghĩ những gì được viết trong Nikāya đều từ kim khẩu Đức Thế Tôn. Cho nên, khi đọc đến bài kinh Đa Giới cũng thế, quy chụp ngay đây là do Ngài nói. Tuy nhiên, cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất vào năm 486 trước Công Nguyên với 500 vị Tỳ-kheo tại thành Vương Xá người chủ trì là ngài Đại-ca-diếp được khai mạc sau Thích Tôn Niết-bàn 90 ngày11. Kế đến, thời Thế Tôn còn tại thế tuy đã có ngôn ngữ nhưng chưa có chữ viết nên Pháp và Luật được duy trì bằng phương pháp truyền khẩu. Từ hai điều này chúng ta thấy chắc chắn có phát sinh việc thêm bớt, thậm chí đưa quan điểm cá nhân vào trong kinh điển Nikāya. Kinh Đa Giới nằm trong trường hợp này.
Điều kiện để chứng A-la-hán là đoạn tận tham, sân, si điều này có nghĩa là ai cũng có khả năng chứng quả không phân biệt nam hay nữ. Bên cạnh đó qua Kinh-Luật-chú giải Thế Tôn xác định nữ nhân có thể chứng A-la-hán. Cho nên, người viết đưa ra nhận định quan điểm trong bài kinh Đa Giới không phải do Phật thuyết mà là quan điểm của người chủ trì cuộc kết tập kinh điển – Ngài Đại-ca-diếp. Đây cũng không phải lần đầu quan điểm của ngài Ca-diếp đi ngược lại với Thế Tôn, trong kinh Tăng Nhất A Hàm vì thấy vị đệ tử của mình đã lớn tuổi khuyên ông nên từ bỏ hạnh khất thực cho đến hạnh đầu đà; Ca-diếp cho rằng nếu không theo lời dạy của Thầy mình thì ông vẫn chứng quả Bích Chi Phật nên trả lời: “Con không dám theo lời Như Lai dạy. Vì sao? Vì nếu Như Lai không thành đạo Vô thượng Chánh chân, thì con ắt thành Bích-chi Phật, mà Bích-chi Phật trọn hành A-lan-nhã. Đến giờ khất thực, con không phân biệt giàu, nghèo. Con ở một nơi, ngồi một chỗ… Nay con chẳng dám bỏ thói cũ mà học hạnh khác12.”
Lại nữa, trong Tạng luật – Tiểu phẩm 2, chương liên quan năm trăm vị khi A-nan thưa lại với các Tỳ-khưu Trưởng lão lời di huấn của Đức Phật: “Này A-nan, khi Ta không còn, hội chúng nếu muốn có thể bỏ đi các điều nhỏ nhặt và ít quan trọng”. Ca-diếp sau khi chất vấn A-nan đã nói: “Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có người nói rằng: … Bởi vì bậc Đạo Sư của họ đã vô dư Niết-bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa. Hội chúng không quy định thêm điều chưa quy định, không bỏ đi điều đã được quy định, thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định13.”
Cả hai lời dạy trực tiếp và di huấn của bậc Đạo Sư, nhưng không được Ca-diếp chấp nhận làm theo. Điều này cho thấy sự chấp chặt vào Luật của vị đại đệ tử này và dẫn dắt Tăng đoàn phát triển theo khuynh hướng “trọng Luật”. Đồng thời chính vị này đã đưa quan điểm cá nhân nữ giới không thể chứng A-la-hán vào trong Tạng Kinh.
Để kết luận, chúng ta có thể nói rằng Đức Phật – một nhà cải cách vĩ đại đã thành công khi hiện thực hóa việc xóa bỏ quan điểm “trọng nam khinh nữ” tại Ấn Độ thời bấy giờ thông qua quyết định cho nữ nhân xuất gia và xác nhận họ có thể đắc thánh quả A-la-hán.
Ngược lại, người nữ được xuất gia và chứng Thánh quả không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống Tăng đoàn với đầy đủ Tứ chúng theo ý Thế Tôn mà còn đóng góp một phần quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ Chánh pháp.
Ngày nay, vấn nạn kỳ thị nữ giới vẫn còn tồn tại nhất là ở các nước nghèo đói, kém phát triển, chính điều này đã đưa đến nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh đòi quyền bình đẳng. Cũng vậy, tuy Phật giáo đã mở ra cho người nữ một cơ hội tuyệt vời đó là đặt họ lên một địa vị thuận lợi với khả năng đạt đến Niết-bàn tối thượng. Nhưng quan điểm về nữ giới không thể đạt Thánh quả của Thượng tọa Bộ, cụ thể là tại các quốc gia chỉ có tu nữ hoặc không cho phép người nữ xuất gia đã đi ngược lại lời dạy cơ bản của Thế Tôn “Đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người14.” Vì thế, theo thiển ý của người viết nên chăng xóa bỏ quan điểm này để Chánh pháp tồn tại lâu dài với đầy đủ tứ chúng trong Tăng đoàn.
Tóm lại, đạo Phật hình thành ngay trong thế gian này, giáo lý của nhà Phật là giáo lý dành cho con người thế gian. Thánh quả A-la-hán là một món quà tuyệt vời mang hương vị giải thoát, bất kỳ ai có khả năng đoạn tận tham, sân, si đều có thể sở hữu không phân biệt nam, nữ, màu da, giai cấp, chủng tộc.
Ngọc Thúy (ĐSHĐ-103)
- Tuệ Sỹ dịch (2007), Kinh Trường A Hàm, kinh Thiện Sanh, NXB. Tôn giáo, tr. 352.
- HT. Thích Minh Châu dịch (2016), Kinh Tăng Chi Bộ II, Chương Sáu Pháp, Kinh Cha mẹ của Nakula, NXB. Tôn giáo, tr. 43.
- Tuệ Sỹ dịch (2007), Kinh Trường A Hàm, kinh Du hành, NXB. Tôn giáo, tr. 86-87.
- HT. Thích Minh Châu dịch (2016), Kinh Tăng Chi Bộ II, Phẩm Gotamī, kinh MahāPajāpatī Gotamī, NXB. Tôn giáo, tr. 376.
- Thích Hạnh Bình (2014), Nghiên cứu về 5 việc của Đại thiên, NXB. Phương Đông, tr. 85.
- Kinh Tăng Chi Bộ II, Kinh A-tu-la Pahārāda, HT.Thích Minh Châu dịch (2016), NXB. Tôn giáo, tr. 328.
- Tỳ khưu Indacanda, Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập hai, Chương Tỳ khưu Ni, Câu chuyện về bà Mahāpajāpatī Gotamī, NXB. Tôn giáo, tr. 344.
- Tỳ khưu Siêu Minh dịch (2008), chú giải Trưởng lão Ni kệ, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 223.
- (2020), NXB. Hồng Đức, tr. 524.
- Kinh Trung Bộ, kinh Đa Giới, Thích Minh Châu dịch (2020), NXB. Hồng Đức, tr. 899.
- Thích Hạnh Bình và Phương Anh dịch (2019), Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên thủy, NXB. Hồng Đức, tr. 476.
- Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, Thích Đức Thắng (1997), phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành, tr. 145.
- Tỳ khưu Indacanda (2021), Tạng Luật, Tiểu Phẩm 2, Chương liên quan năm trăm vị, NXB. Tôn giáo, tr.403-404.
- Kinh Tăng Chi Bộ tập II, Phẩm một người, Kinh Như Lai, Thích Minh Châu dịch (2016), NXB. Tôn giáo, tr. 56.