Là lực lượng kế cận, “tiềm năng”, Ni giới trẻ cần được quan tâm, đào tạo và sử dụng hợp lý, nhằm tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, đầy nhiệt huyết và năng động này. Kể từ sau phong trào chấn hưng Phật giáo do cố Hòa thượng thượng Khánh hạ Hòa khởi xướng năm 1929-1931, chư Ni đã được tham gia học tập ở các trường lớp dạy về gia giáo, giáo lý Phật học. Bước ngoặt đánh dấu sự thành công về phương diện tổ chức của Ni giới chính là việc thành lập Ni chúng bộ Tăng Nam Việt của Giáo hội Tăng già Nam Việt vào năm 1954. Dưới sự dẫn dắt của cố Sư trưởng thượng Như hạ Thanh, hoạt động của Ni chúng Nam Việt đã đạt những kết quả tích cực, nhất là về phương diện giáo dục, đào tạo và hoằng pháp. Cố Sư trưởng còn có công xây dựng nhiều Ni viện và Ni trường để đào tạo Ni chúng, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền giáo dục Ni giới.
1. Phật giáo luôn song hành với giáo dục
Giáo dục là hình thức học tập theo kiến thức, kỹ năng, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Giáo dục là con đường không thể thiếu đối với người tu sĩ Phật giáo. Giáo dục Tăng Ni là giáo dục hướng đến nội tại, lấy đạo đức và trí tuệ làm mục tiêu của hướng đi cho mỗi cá nhân.
Sau khi thành đạo, trong 45 năm liền, Đức Thế Tôn chuyển bánh xe pháp, cứu vớt chúng sanh trong vùng Ấn Độ bao la. Ngài là vị giảng sư đầu tiên làm công tác giáo dục Phật giáo một cách xuất sắc. Với tâm nguyện hoằng hóa, Ngài đã liên tục di chuyển từ nước này sang nước khác, từ nước Ca-tỳ-la-vệ ở cực Bắc, dưới chân núi Tuyết, qua nước Câu-diệm-di ở phương Tây, đến nước Ba-la-nại ở phương Nam…
Nền giáo dục Phật giáo chú trọng hai tiêu chí: bên cạnh việc thông thạo kinh văn và nghiên cứu giáo điển từ các vị giáo thọ sư có trình độ nhất định thì việc thực tập cần được song hành thông qua lời dạy cũng như kinh nghiệm tu tập của các bậc Minh Sư. Mục tiêu của giáo dục Phật giáo là “Giúp con người phát triển đạo đức, lòng khoan dung và lòng từ ái, từ đó thực hành kiến thức Phật pháp trong cuộc sống hàng ngày1.”
Đây là những tính chất đặc thù trong tinh thần giáo dục Phật giáo, nhằm tạo nên một nền giáo dục toàn diện, sáng tạo và phù hợp. Giáo dục Phật giáo là để tạo nên một con người tự do, có đạo đức, có trí tuệ, sống có lý tưởng, suy nghĩ hợp lý, thích ứng được với bối cảnh xã hội. Giáo dục Phật giáo cũng được hiểu là một quá trình trưởng thành, tùy thuộc vào sự nỗ lực của mỗi người. Tự trang bị bằng vũ khí Văn – Tư – Tu tiến vào khu rừng Giới – Định – Tuệ, nền giáo dục Phật giáo từ trên hai mươi lăm thế kỷ vẫn xoay quanh trục ba yếu tố này, hòa quyện nhau, nâng đỡ nhau, cùng phát triển.
2. Thực trạng giáo dục Ni giới trẻ hiện nay
Bước vào kỷ nguyên hiện đại, chư Ni trẻ được Thầy Tổ tạo điều kiện cho đi học tại các trường thế tục cũng như các lớp Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp Phật học…, để mở mang kiến thức và tiếp thu những tinh hoa hội tụ các nền văn hóa Phật giáo. Nhiều học Ni còn được đi du học ở các nước và khu vực như Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc v.v… nhằm phục vụ nền giáo dục Phật giáo nước nhà sau khi hoàn thành chương trình học.
2.1. Thành tựu
Với sự phát triển lớn mạnh ấy, Hòa thượng Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng: “Ngày nay, số lượng chư Ni ở Việt Nam đông hơn chư Tăng, trong đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. Vì vậy, thiết nghĩ chư Ni có thể tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động2… ”. Với một thế hệ Ni chúng trẻ, là những vị có nhiệt huyết, tài năng, trí tuệ, sáng tạo, Ni giới Việt Nam đã có những thành tựu tiêu biểu như sau:
2.2. Hội nhập mạnh mẽ, khẳng định vị thế của Ni giới Việt Nam ở cộng đồng quốc tế
Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 đã diễn ra long trọng, tiếp đón 320 đại biểu từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là một thành công cũng như vinh dự lớn cho Ni giới nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung trong lần đăng cai đầu tiên. Hội nghị được đánh giá rất cao về công tác tổ chức, đã nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Ni giới Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển rất có giá trị và ý nghĩa về giao lưu quốc tế3 .
Tại Lễ Trao giải thưởng Nữ giới Phật giáo xuất sắc thế giới (OWBA) do Hiệp hội Tỳ-kheo-ni Phật giáo thế giới tổ chức, nhằm tôn vinh những tấm gương điển hình Nữ giới Phật giáo trên toàn cầu, Ban Tổ chức đã trao giải cho 10 chư Tôn đức Ni Việt Nam. Sự kiện này đã làm tỏa sáng hình ảnh Ni giới Việt Nam trước cộng đồng Phật giáo quốc tế, đồng thời ghi nhận những đóng góp thầm lặng cho đạo pháp và dân tộc của mỗi người.
2.3. Mở lớp đại học sư phạm mầm non cho Ni sinh
Lớp học này hoạt động từ năm 2014 đến 2022, dưới sự điều hành của Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Nguyện. Về mục đích của lớp học, theo lời Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương: “Những Sư cô sau khi tốt nghiệp có thể phục vụ giảng dạy cho các lớp học do Phật giáo quản lý… Dù còn ít ỏi ở một số tỉnh, thành nhưng trong nỗ lực của Phân ban Ni giới Trung ương, sắp tới chúng tôi sẽ vận động các Phân ban Ni giới thuộc Phật giáo 42 tỉnh, thành; nơi nào có điều kiện thì xây dựng trường mầm non, trường mẫu giáo để tiếp nhận các Sư cô tốt nghiệp giáo dục mầm non về giảng dạy, tạo môi trường tốt cho các Sư cô phụng sự xã hội4.” Thiết nghĩ, đây là một bước đi đúng đắn, hướng đến tính chuyên nghiệp, sự gia tăng năng lực hết sức cần thiết để hoạt động từ thiện xã hội của Ni giới đáp ứng những yêu cầu đã và đang đặt ra của xã hội Việt Nam đương đại.
2.4. Mở các lớp học tình thương, lớp Phật học trong và ngoài nước do Ni giới đảm nhiệm
Lớp Trung cấp và Gia giáo, các khóa Luật Phật học dành cho Ni giới ngày càng được các vị lãnh đạo quan tâm và khuyến khích khai mở,… Kết quả nhận được là sự tham cầu học hỏi đầy nhiệt huyết của chư Ni trẻ với một thái độ nghiêm túc đầu tư cho việc học và nghiên cứu. Bên cạnh việc nâng cao trình độ và nhận thức, Ni giới trẻ còn dấn thân lợi sanh qua việc tích cực thành lập các mái ấm, lớp học tình thương. Các Ni viện ở nước ngoài cũng thành lập những lớp học Việt ngữ, nhằm dạy tiếng Việt cho người Việt, thông qua đó truyền tải lời dạy của Đức Phật đến đồng bào Phật tử Việt Nam nơi xứ người.
Những đóng góp quý báu trên đã phần nào khẳng định được nỗ lực hoàn thành sứ mệnh trong sự nghiệp hành Như Lai xứ, tác Như Lai sự của Ni giới ngày nay.
NS. TN. Từ Thảo (ĐSHĐ-131)
- Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
- Toàn văn báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Phân ban Ni giới Thành phố Hồ Chí Minh (2016), “Ni giới ở Thành phố Hồ Chí Minh: Những thành tựu nổi bật trong giao lưu quốc tế hiện nay”. In trong: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và phát triển, NXB. Hồng Đức Hà Nội, tr. 628-629.
- Báo Giác Ngộ, ngày 30/12/2016.