Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều phụ nữ vĩ đại, người vợ vĩ đại và người mẹ vĩ đại. Ví dụ như mẫu thân của Mạnh Tử (孟子 khoảng 372-289 trước Công nguyên) ba lần chuyển chỗ ở vì quan tâm đến tiền đồ giáo dục con cái; mẫu thân của Nhạc Phi (岳飛1103-1142), danh tướng nổi tiếng thời Nam Tống, xăm trên lưng Nhạc Phi bốn chữ Tận Trung Báo Quốc (盡忠報國), bà dạy con trai chuyển hiếu thảo với cha mẹ thành trung thành với quân vương; thê tử của Kiềm Lâu, nhà ẩn sĩ nổi tiếng nước Tề thời Chiến Quốc, kiên trì quyết tâm của trượng phu, chủ trương “lệch mà có dư, chẳng bằng thẳng mà không đủ” (10) danh lưu thiên cổ; thê tử của Nhạc Dương (樂羊) tướng lãnh nổi tiếng thời Chiến Quốc cắt vải khuyên chồng, nỗ lực dốc lòng học hành. Đây là những gương mẫu điển hình trong giới phụ nữ, tô điểm thêm rất nhiều màu sắc cho thế giới, cũng dễ dàng nhìn thấy sự chói lọi của những người phụ nữ vĩ đại trong xã hội chúng ta ngày nay.
Có một lần, trên đường cao tốc xảy ra hàng loạt tai nạn liên hoàn xe bò, xe kéo nặng nề, hàng chục xe con tông vào nhau chất thành một khối, khiến nhiều người thương vong. Một chiếc ta-xi con bị xe tải lớn đè bẹp, chiếc ô tô nát bét, cả gia đình trên xe không có một người may mắn thoát chết, nhân viên cứu hộ cố gắng mở chiếc ô tô bị hư hỏng, thì bất ngờ nhìn thấy một người mẹ bị thương nặng đang hấp hối ôm một đứa trẻ ngây thơ khả ái trong vòng tay của cô, đứa bé không bị thương. Nhìn thấy nhân viên cứu hộ, cô trao đứa bé đang ôm trong lòng, cố hết sức thở ra hơi mỏng như tơ và nói: “Kính nhờ các ông!” Rồi cô tắt thở một cách an nhiên. Hóa ra, để cứu con, người mẹ đã dùng thân mình che chắn cho con, chờ đợi, chịu đựng và kiên trì cho đến khi đứa trẻ bình an vô sự mới trút hơi thở cuối cùng. Tình yêu chân thành tha thiết nhất trên đời chẳng qua chỉ là sự yêu quý bảo vệ của mẹ dành cho con cái.
Trong Kinh nói: Đức Phật xem tất cả chúng sinh như La Hầu La, con trai duy nhất của Đức Phật, Đức Phật thương tất cả chúng sinh như con trẻ mang trọng bệnh. Nếu mọi người trên thế gian đều có thể phát huy lòng yêu thương như Đức Phật thương yêu tất cả chúng sinh, như mẹ yêu thương con cái thì làm sao có bạo lực và bất hạnh xảy ra trên thế gian này?
III. Phụ nữ và Phật giáo (婦女與佛教)
Trong Phật giáo, nữ giới tu hành được thành tựu làm lợi ích cho người, cho đời, siêng năng tu tạo công đức, thậm chí khai ngộ đắc quả cũng không phải là ít. Nữ giới trong Phật giáo được mọi người tôn kính, về sự hưng thịnh của Phật giáo, họ đã đóng góp ít nhiều công lao không thể xóa nhòa.
Như Long Nữ trên hội Pháp Hoa, đã trở thành bậc thầy của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, vị Trí tuệ đệ nhất khi mới 8 tuổi và ngay lập tức thành tựu Phật đạo. Đồng nữ Diệu Huệ trong Kinh Đại Bảo Tích, cũng là một đứa trẻ tám tuổi, đã hướng về Đức Phật nêu ra vấn đề làm thế nào để phá mê và khai ngộ, khiến cho toàn hội trường hết sức kinh ngạc, khai mở cho hàng Nhị thừa căn cơ nhỏ bé có niềm tin đối với Đại thừa. Thiên nữ trong kinh Duy Ma Cật thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa vi tế của Vô Sở Đắc và Tánh Không, liền biến Xá Lợi Phất thành thân nữ ngay hội trường, làm khuất phục Xá Lợi Phất người có trí tuệ vô song trong số đệ tử Phật thuộc hàng Thanh Văn. Cho biết các đệ tử của Đức Phật chỉ sử dụng công phu trên tự tánh để thành Phật, mà không tạo sự khác biệt về ngoại hình nam nữ, điều này nâng cao địa vị của nữ giới trong Phật giáo, và mở ra nội hàm mới cho Phật giáo Đại thừa.
Kinh Hoa Nghiêm của Nhất Thừa Phật pháp, miêu tả câu chuyện làm cảm động lòng người của Thiện Tài Đồng Tử (善財童子), vì tìm cầu chân lý, Ngài đi tham học với năm mươi ba vị Thiện tri thức, trong đó bậc thiện tri thức thuộc nữ giới chiếm số lượng không ít. Như Ưu-bà-di Hưu Xả, Ưu-bà-di Tự Tại, Đồng nữ Từ Hạnh, Đồng nữ Hữu Đức, Tỳ-kheo-Ni sư Tử Tần Thân, Thần nữ Dạ Thiên, Bà-tu-mật-đa-nữ v.v… đều là những bậc Đại Thiện tri thức đặc biệt thể chứng về Phật giáo và hướng dẫn Thiện Tài Đồng Tử bước vào cõi Pháp giới.
Ngoài tấm lòng từ bi, nữ giới còn biết bố thí kết duyên, cầu nhiều phước lộc, trong số những phụ nữ tràn đầy trí tuệ, giỏi về kiến giải, dẫn dắt người tín ngưỡng Phật pháp vào đạo cũng không phải là ít. Ví dụ, Thắng Man Phu nhân đã phát Thập Đại Nguyện Tâm, nói Phật pháp Đại thừa, tiếng như sư tử gầm, tuyên dương tư tưởng Như Lai Tạng.
Kì Bà, mẫu thân của ngài Cưu Ma La Thập (鳩摩羅什 343-413), không chỉ tự mình từ bỏ vinh hoa và phú quý của hoàng cung, mà còn độ cho con trai đi xuất gia, giáo dục con trai mình trở thành bậc long tượng của Phật môn, đã lưu lại một sự cống hiến không gì sánh được đối với việc phiên dịch kinh điển. Tình yêu to lớn của Kì Bà dành cho con trai mình là một loại tình yêu không vụ lợi, không chiếm hữu. Thật là một tấm gương cho các bậc cha mẹ trên thế giới nên làm thế nào để yêu thương, để bảo vệ con cái của họ.
Hoàng hậu Mạt Lợi kiền thành kính tin Tam Bảo và nghiêm trì tịnh giới. Một hôm, bà nghe nói chồng bà là vua Ba Tư Nặc muốn giết quan Ngự trù Hoàng gia chỉ vì một chuyện nhỏ. Lúc đó, Hoàng hậu Mạt Lợi đang thực hành Bát quan trai giới, đột nhiên yêu cầu nhà vua cùng uống rượu làm vui, lại chỉ định Quan ngự trù nổi tiếng đó đích thân nấu mấy món khai vị, vua hết sức phân vân, nghi hoặc hỏi Hoàng hậu Mạt Lợi:
– Bình thường Hoàng hậu một giọt rượu cũng không uống, huống nữa hôm nay lại là ngày Hậu thọ giới Bát quan trai, vì sao cam chịu phạm giới, động tâm khởi niệm muốn uống rượu?
– Tâu Đại vương, thiếp nghe nói tên đầu bếp này làm cho Đại vương phẫn nộ, phạm tội sát thân, nếu hôm nay ta không bảo hắn nấu thức ăn hợp khẩu vị để uống rượu thưởng thức, thì từ nay về sau thiếp sẽ không bao giờ được ăn món ngon nhất thiên hạ nữa! Hoàng hậu trả lời một cách bình tĩnh.
Vua Ba Tư Nặc nghe qua vô cùng xấu hổ, vì sự giận dữ nhất thời của mình, suýt chút nữa giết chết một vị quan ưu tú, nhân đây hạ lệnh miễn xá tội cho người đầu bếp, càng trọng dụng ông ta hơn. Hoàng hậu Mạt Lợi dùng trí tuệ phương tiện của mình cảm hóa Quốc vương qua cơn thịnh nộ, cứu sống sinh mệnh quan Ngự trù bằng tấm lòng từ bi, bà có đầy đủ trí bi song vận, là một người phụ nữ vĩ đại, và là bậc Mẫu nghi trong thiên hạ.
Phu nhân Đại Ái Đạo (11), di mẫu của Đức Phật, đã nuôi dạy Thái tử Tất Đạt Đa đến tuổi trưởng thành. Sau khi Đức Phật thành đạo, bà là người đầu tiên đã nêu gương bằng cách dẫn dắt 500 phụ nữ dòng tộc Thích Ca đi xuất gia, và bà đã hạ thấp địa vị cao quý chấp nhận yêu cầu Pháp Bát Kỉnh (12) mà Đức Phật đề ra, vì tinh thần “Muôn dòng nước chảy vào biển cả, cùng một vị mặn; Bốn họ xuất gia vào cửa Phật, cùng một họ Thích” làm lời giải thích cụ thể nhất. Việc thành lập Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, Đại Ái Đạo là người đầu tiên có công lao rất lớn, không thể xóa nhòa.
Vương hậu Vi Đề Hi và Vua Tần Bà Sa La, cả hai phu thê đều là tín đồ kiền thành của Phật giáo, là hộ pháp vĩ đại cho sự phát triển mạnh mẽ của Tăng đoàn Phật giáo Nguyên Thủy. Sau này, con trai của họ là vua A Xà Thế nghe lời gièm pha, vu khống của Đề Bà Đạt Đa, đem hai vợ chồng Quốc vương giam cầm trong hầm lao, và chuẩn bị giết họ. Vương hậu Vi Đề Hi than thở về sự hiếu chiến và nhiều đau khổ của Thế giới Ta bà, bèn nảy sinh tâm nhàm chán và cầu được tái sinh ở một cõi thanh tịnh khác, vì vậy, Đức Phật đã nói Kinh Quán Vô Lượng Thọ cho họ, lần đầu tiên thế giới Ta bà được nghe Pháp môn thù thắng của cõi Cực Lạc Tây phương.
Không có sự phát tâm xuất gia của Đại Ái Đạo, thì không có sự thành lập Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni; không có lời thỉnh pháp của Vi Đề Hi thì tư tưởng Tịnh độ không cách nào tuyên dương truyền bá ở cõi Ta bà. Đã có những người phụ nữ xuất chúng này, có thể vì chúng sinh thỉnh Chuyển pháp luân; có thể hiện tướng lưỡi dài rộng tuyên thuyết diệu đế; hoặc dùng ánh sáng trí tuệ phá tan mọi tối tăm; hoặc duy trì tâm từ bi cứu vớt kẻ chìm đắm, khiến cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Phật giáo, tăng thêm phần rực rỡ không gì sánh bằng.
Đại Sư Tinh Vân (星雲大師)
Thanh Như (dịch)
Chú thích:
1. Tà nhi hữu dư, bất nhược chánh nhi bất túc (斜而有餘,不若正而不足): Ẩn dụ thà kiên trì nguyên tắc lập thân của chính mình mà mất đi lợi ích, cũng không vì mưu cầu lợi ích mà từ bỏ nguyên tắc. Khi Kiềm Lâu chết, Tăng Tử đến điếu, thấy xác chết được phủ bằng tấm vải, nếu phủ trên đầu thì thấy chân, nếu phủ chân thì thấy đầu. Tăng Tử nói: “Nếu kéo lệch, thì chăn sẽ không bị chế.” Vợ Kiềm Lâu nói: “Xéo mà có thừa, chẳng bằng thẳng mà không đủ”.
2. Phu nhân Đại Ái Đạo (大愛道夫人): Tiếng Phạm Ma-ha-ba-xà-ba-đề (摩訶波闍波提), Ma-ha-bát-lạt-xà-bát-để (摩訶鉢剌闍鉢底), Ma-ha-tì-da-hòa-đề (摩訶卑耶和題), gọi tắt Ba-xà-ba-đề. Dịch là Đại Ái Đạo, Đại Thắng Sanh Chủ (大勝生主), Đại Sanh Chủ (大生主), Đại Thế Chủ (大世主). Còn gọi Đại Ái Đạo Phu nhân, Ba Đề Phu nhân. Di mẫu của Đức Phật, là người nuôi dưỡng Đức Phật. Sanh mẫu của Đức Phật là Ma-da Phu nhân, chị của Phu nhân Đại Ái Đạo. Sau khi sanh Thái tử 7 ngày thì băng hà, Thái tử được Di mẫu nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.
3. Bát Kỉnh Pháp (八敬法): Còn gọi là Bát Kỉnh Giới (八敬戒), Bát Tôn Sư Pháp (八尊师法), Bát Bất Khả Việt Pháp (八不可越法), Bát Bất Khả Quá Pháp (八不可过法) v.v…, gọi tắt là Bát Kính Pháp. Đây là tám điều quan trọng mà Đức Phật quy định các Tỳ-kheo-ni phải cung kính và tôn trọng Tỳ-kheo-tăng. Tám pháp Bát Kỉnh trong Hành Sự Sao – Ni Chúng Biệt Hành Thiên (行事鈔‧尼眾別行篇): “1) Tỳ-kheo-ni một trăm tuổi hạ, thấy Tỳ-kheo-tăng mới thọ giới, nên đứng dậy nghênh đón, lễ bái hỏi han, thỉnh ngồi; 2) Tỳ-kheo-ni không được quở mắng chê trách Tỳ kheo-tăng; 3) Tỳ-kheo-ni không được cử tội, nói lỗi Tỳ-kheo-tăng, nhưng Tỳ-kheo-tăng được nói lỗi Tỳ-kheo-ni; 4) Thức-xoa-ma-na đã học giới luật rồi, nên đến chúng Tăng cầu thọ đại giới; 5) Tỳ-kheo-ni phạm tội Tăng Tàn, trong vòng nửa tháng, phải đến trong nhị bộ Tăng hành Ma-na-đỏa; 6) Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng phải đến Tăng cầu Giáo giới; 7) Không được Hạ An cư cùng một trú xứ với Tỳ-kheo-tăng, cũng không được Kiết hạ An cư chỗ không có Tỳ-kheo-tăng (để tiện cho việc thỉnh cấu giáo giới); 8) An cư viên mãn, nên cầu Tỳ-kheo-tăng vì Tỳ-kheo-ni tác ba việc Tự tứ tội Kiến, Văn và Nghi (tự do cử tội). Tám pháp như thế, nên tôn trọng cung kính và tán thán, trọn đời không được vi phạm.”