I. Thân thế
Sư trưởng1 thế danh là Phạm Thị Xá, sinh năm 1910, húy Hồng Lầu, Pháp hiệu Diệu Tấn. Nguyên quán tỉnh Sa Đéc, gia đình thuộc hàng trung lưu. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Quyền, làm quan thời Pháp thuộc, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Hòa, Pháp danh Diệu Hậu, là một người mẹ hiền thục đảm đang lịch thiệp, tam tòng tứ đức vẹn toàn, nữ công khéo léo nổi tiếng trong tỉnh.
Ông bà sanh được hai người con gái, ai cũng dung mạo đoan trang, tư phong cao nhã. Vì ít con, nên ông bà rất cưng quý.
Sư trưởng là trưởng nữ, tánh tình thuần hậu, rộng rãi nhưng thẳng thắn và rất cương quyết như nam nhi. Nhờ căn lành với Tam Bảo nhiều đời, nên lớn lên Sư trưởng không thích xa hoa, không ham danh lợi, tâm tư lúc nào cũng muốn giúp đời, hướng về công việc từ thiện xã hội và lại mang hoài bão xả tục xuất gia.
Năm 1927, khi trưởng thành, cha mẹ muốn gầy dựng gia thất nhưng bao nhiêu lần gợi ý đều nhận được sự từ khước của Sư trưởng; việc không thành, ông bà buộc phải dùng đến quyền lực. Biết không từ nan được nữa, đành phải “dục hoãn cầu mưu”.
Bình nhật thường nghe danh đức của Tổ Phi Lai (Hòa thượng Chí Thiền – Như Hiển) là bậc cao Tăng thạc đức thuở bấy giờ, nên chờ lúc thuận duyên Sư trưởng “nhẹ bước” tiến thẳng lên miền Châu Đốc, vào núi Tượng tầm sư học đạo.
II. Thời kỳ xuất gia tu học
Dặm đường xa, xứ lạ quê người nhưng Sư trưởng vẫn quyết chí tầm sư, đến Cổ tự Phi Lai xin Tổ xuất gia tu học. Vừa nhìn qua phong độ, Tổ biết là người có căn tánh Đại thừa sau này sẽ hoằng dương đạo pháp, hướng dẫn hậu lai. Tổ liền nhận làm đệ tử, đặt cho Pháp tự Hồng Lầu, Pháp hiệu Diệu Tấn. Tu học tại đây chưa được bao lâu, người nhà tìm gặp, quyết đưa về nhà. Lúc này, Sư trưởng “ngộ biến tùng quyền”, liền giả bệnh thần kinh hét la đánh đuổi, nhờ có chút võ công nên tất cả người nhà không dám đến gần. Nhiều phen như thế, gia đình chán nản đành ra về. Từ đó Sư trưởng mới được an tâm nương với Bổn sư tu học.
Hạt giống Bồ-đề sẵn có nên Sư trưởng tu học tinh cần, Kinh sách qua mắt không quên. Ngoài sự học tu, Sư trưởng còn phải vào núi đốn củi, chặt tre, giã gạo, gánh nước, trồng rau… nhất nhất siêng năng, không sợ lao nhọc. Nhưng khi hết giờ công tác, vẫn không quên việc lo học giáo lý, trưởng dưỡng sở tu sở học, chuyên tâm niệm Phật.
Trong thời gian theo Tổ tu học, Sư trưởng được Tổ cho phép lên Trảng Bàng (Tây Ninh) y chỉ và theo học với Hòa thượng An Hòa, nương thầy học đạo vừa được bảy năm, thì Tổ Chí Thiền viên tịch (1933).
Trước đó Tổ có trao cho Sư trưởng một cây thước bảng và dạy : “Thầy trao cho con cây thước bảng này, làm vật tùy thân, ứng duyên hoá đạo”. Thước tuy tầm thường nhưng dụng ý của Tổ là trao cho môn đồ khuôn vàng thước ngọc để sau này hướng dẫn Ni lưu, nương theo công hạnh Tổ và để chống chọi nghịch duyên trên đường phụng sự đạo pháp.
III. Thời kỳ hành đạo
Trở về chốn Tổ cư tang lo tròn hiếu đạo, Sư trưởng trở lại Trảng Bàng nương theo Hòa thượng An Hòa tiếp tục giồi mài Kinh sử, nghiên tầm giáo điển gần hai năm. Trong thời gian này Sư trưởng có đi Gia Định, hợp tác với quý Ni sư Diệu Tịnh, Diệu Tánh, Diệu Thuận thành lập chùa Ni Từ Hóa (Tân Sơn Nhì – Gia Định). Sang năm 1935, Sư trưởng ra Huế, ban đầu dự thính lớp học ở chùa Từ Đàm, Báo Quốc.
Năm 1936, tham học tại Ni trường Diệu Đức – Huế với Tổ Tây Thiên, Tổ Phước Huệ. Mãn khóa học trên đường vào Sài Gòn, Sư trưởng ghé chùa Thập Tháp tiếp tục học với Tổ Thập Tháp.
Năm 1939, tại Sài Gòn Sư trưởng nhận chùa Kim Sơn do bà Năm Chanh hiến cúng. Lúc mới nhận chùa, nơi đây chỉ là một thảo am đơn sơ vách lá. Nhưng khi về, việc trước tiên ngài lo tu sửa ngôi Tam Bảo cho trang nghiêm, mở trường dạy Ni chúng cho đến năm 1945.
Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, ngôi chùa Kim Sơn trở thành nơi nuôi giúp con em các gia đình hoạt động Cách mạng, người già bệnh, neo đơn, trẻ mồ côi. Tháng 8 năm 1945, thành phố Sài Gòn – Gia Định tổng khởi nghĩa, lực lượng kháng chiến, anh em du kích chạy tản vào chùa đều được Sư trưởng che giấu, đùm bọc.
Trong thời Pháp thuộc, Phật pháp chưa được xương minh, tín đồ ít người thâm hiểu Phật pháp, nên sự hướng dẫn và hoằng truyền Chánh pháp gặp nhiều khó khăn, phần thì xứ lạ quê người, chùa chiền nhỏ hẹp, vật chất thiếu thốn mọi bề. Thế mà, Sư trưởng cương quyết khai giảng Ni trường Phật học đầu tiên (tại miền Nam), dắt dìu Ni chúng, lần lần Ni chúng câu hội khá đông. Ngài khuyến khích được ba vị thí chủ ủng hộ hàng tháng (Bác sĩ Hiệp, bà Hộ Hiền – Việt Nam và ông xếp Mạnh – Nam Vang) mỗi tháng mỗi vị cúng dường được 20.000 (VN), đây là những vị đại thí chủ đầu tiên.
Về phần giảng dạy tại Ni trường : Đại sư Thích Trí Thiện phụ trách được một năm đầu, rồi đi lãnh chùa Huệ Quang ở Giồng Trôm – Bến Tre; ngay lúc ấy có Đại sư Thích Hành Trụ tốt nghiệp Phật học trường Báo Quốc tại Huế vào Nam trị bệnh, Sư trưởng đến cung thỉnh về tịnh thất trước chùa Kim Sơn trị liệu thuốc thang và cúng dường tứ sự. Nhờ thuốc thang đầy đủ, bác sĩ theo dõi điều trị nên bệnh tình của Đại sư Thích Hành Trụ thuyên giảm. Vì nể lời cầu thỉnh, cảm niệm thâm tình, Đại sư Thích Hành Trụ đã ở lại tịnh thất dạy Kinh cho Ni chúng gần hai năm. Ni chúng theo học ngày càng đông có trên tám chục vị. Bấy giờ, Ni trường Kim Sơn dạy chương trình nội điển nên cần phải có nhiều giáo sư cộng tác, do đó, Đại sư Hành Trụ mời thêm các Đại sư Như Hoàn, Hành Huệ, Hành Long phụ trách nội điển, Hán Văn mời cụ Trần Huỳnh ở hội Phật học Lưỡng Xuyên về dạy. Thời khóa tu học đều đặn, Ni chúng ngày càng tinh tấn. Từ đó Phật tử xa gần rủ nhau hướng về Ni trường Kim Sơn chiêm bái rất đông. Mỗi năm Ni chúng đều có An cư Kiết hạ, giới luật tinh nghiêm, oai nghi đĩnh đạc.
Qua năm thứ ba, đến kỳ Kiết hạ, Sư trưởng tổ chức trường Hạ rất quy mô, thỉnh Sư trưởng Như Thanh – Tọa chủ chùa Hội Sơn về làm Thiền chủ (nay là Sư trưởng chùa Huê Lâm – đã viên tịch) còn Sư trưởng làm chủ Hương, tất cả hành môn công vụ trong trường Hương này đều thực hành theo “Bách Trượng Thanh Quy”, hạ lạp hành trì viên mãn. Sau ngày giải chế, vì muốn đào tạo Ni tài, để có người phụng sự đạo pháp ngày mai, Sư trưởng tuyển lựa hai Ni sinh học khá là Ni sinh Diệu Đức và Diệu Hoa cho ra Ni trường Diệu Đức – Huế tham học và hai Ni sinh nữa là Đạt Định, Viên Huy xuống Cao Lãnh học Nho với cụ Trần Huỳnh.
Đương thời, tại miền Nam chỉ có một Phật học Ni trường Kim Sơn, nên trường này rất có uy tín, các giới Phật tử quy ngưỡng rất đông, nhiều Đại đức Tăng Ni hoan hỷ và tán thán, giới trí thức, công chức, nhà báo, nhà văn thường đến lễ Phật viếng cảnh, đề thơ ngâm vịnh. Sư trưởng là bậc Ni tài, nên luôn được sự thán phục của các nhà thơ và giới trí thức. Nhờ đó, Ni trường Kim Sơn ngày một phát triển không ngừng.
Năm 1945 vì biến cố lịch sử nước nhà, Nhật đảo chánh Pháp. Sư trưởng là bậc tu hành theo hạnh nguyện lợi tha của Bồ-tát nên động lòng từ bi, không thể bỏ qua đau thương và bất hạnh của đồng bào, do đó đã nỗ lực giúp bà con đang chịu cảnh thống khổ vì thời cuộc và giúp các cụ già không nơi nương tựa bằng nhiều hình thức như tận tâm giúp đỡ hoặc đem về chùa chăm sóc dưỡng nuôi (vì trong thời ấy rất ít Cô nhi – Ký nhi và Viện dưỡng lão), cố gắng ra sức đùm bọc cứu giúp qua ngày. Phần thì tài chánh hạn hẹp, công việc từ thiện đa đoan, một mình lèo lái con thuyền đạo pháp, cưu mang giúp đời, Sư trưởng bỏ ngủ quên ăn, sức khoẻ lần suy giảm.
Vào một đêm khuya, ngài mộng thấy đức Già lam Hộ pháp bảo mau đi lánh nạn ra khỏi chỗ này. Rạng ngày, Sư trưởng bèn choàng áo xuống nhà Phật tử gần đó tránh nạn, liền khi ấy cảnh sát đến vây chùa tìm bắt, vì nghi Sư trưởng có tham gia quốc sự. Sau này mới biết, mật vụ giả làm tịnh nữ vào chùa xin tu học, vì tác phong kẻ mật vụ rất thuần thành lễ độ nên không ai ngờ.
Mặc dù đã lánh nạn, nhưng Sư trưởng vẫn bị bắt và bị giam giữ đánh đập tra khảo, điều tra hơn một tháng. May nhờ Phật tử của Sư trưởng là dân Tây, từng thọ ơn với ngài, khi hay được tin liền bảo lãnh Sư trưởng ra khỏi khám đường. Khi về đến chùa, Sư trưởng biết sức khỏe giảm nhiều bởi sự tra tấn bao phen, liền vào bệnh viện của bác sĩ Hồ Văn Nhật điều trị nhưng thời bấy giờ thuốc men không đủ, nên trở về chùa để chuyên tâm niệm Phật. Sau mấy tháng tịnh tâm điều trị, ngài hiểu bệnh tình của mình hơn ai hết, không còn sống được bao lâu nữa nhưng bổn nguyện chưa tròn và ngài đã phát nguyện :
“Con nguyện dắt dìu nữ giới thoát khỏi bụi hồng, đều lên bờ giác, nếu nguyện chưa thành, thì con chưa chịu vãng sanh Tịnh độ. Con quyết trở lại Ta-bà thọ thân người nữ, độ hết nữ giới, Ni lưu lên bờ giải thoát, chừng ấy con mới chứng quả Vô sanh.”
IV. Phó chúc đệ tử
Ngày 14 tháng 02 năm 1947, ngài biết trước ngày giờ viên tịch, liền gọi hết môn đồ học chúng đến gần, dùng tâm bình đẳng khuyên nhắc, dặn rằng :
“Tôi biết rồi đây sẽ sắp xa các cô vĩnh viễn, khi tôi viên tịch thì các cô cố gắng tu hành tinh tấn, thương yêu nhau, nâng đỡ nhau, đoàn kết ở lại Kim Sơn tu học, đừng đi riêng rẽ mỗi người một ngã sẽ bị ác duyên lôi cuốn. Các cô nhìn xem bó đũa, nếu để nguyên thì không ai bẻ nổi, còn mở ra rời rạc từng chiếc sẽ bị bẻ gãy dễ dàng. Vậy trong giờ phút này, các cô hãy ghi nhớ lời dặn cuối cùng của tôi lo tinh tấn tu học, tôi cũng muốn trụ thế lâu hơn nữa để lo sự tu học cho quý cô đến mãn chương trình. Nhưng vì bệnh duyên, vô thường sắp đến nay mai, thân người có sanh thì có diệt !.
Trọn đời tu hành của tôi không có gì quý báu, sở hữu duy nhất của tôi là xâu chuỗi tràng này, tôi chia cho các cô mỗi người một hạt làm kỷ niệm. Các cô hãy nhìn hạt chuỗi tròn trịa viên dung này mà cố gắng tu hành phụng sự đạo pháp, làm sao cho được công hạnh viên dung tròn đầy như hạt chuỗi này!”.
Nói xong, trao cho mỗi người một hạt rồi nói tiếp :
“Từ lâu tôi nguyện tu hành xả thân cho đạo, đến ngày viên tịch của tôi, đồng với ngày viên tịch của Thầy tôi và ngày Niết-bàn của Đức Phật”.
V. Thời kỳ viên tịch
Thật đúng như lời đã nguyện, đến ngày Rằm tháng 2 năm Đinh Hợi (1947) vào lúc 9 giờ sáng, Sư trưởng bảo đệ tử mau lo sửa soạn hương đèn trên bàn Phật, nấu nước tắm gội sạch sẽ. Đến giờ Ngọ, Sư trưởng an nhiên viên tịch. Trụ thế 37 tuổi đời, 20 tuổi đạo.
Hiện nay, những môn đồ và Ni chúng thọ học tại Ni trường Kim Sơn, rất nhiều Đại đức Ni đang phụng sự đạo pháp, hướng dẫn tín đồ ở các học viện ở khắp mọi nơi như:
– Ni sư Như Ngộ tọa chủ chùa Phổ Đức, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang).
– Ni trưởng Như Liên tọa chủ chùa Vạn Thạnh, TP. Nha Trang và chùa Giác Hoa tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni trưởng Như Đức tọa chủ Kiều Đàm Ni viện, Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
– Ni trưởng Diệu Trí tọa chủ chùa Thiên Chánh, quận Phú Thọ, này là quận 11 – TP. Hồ Chí Minh.
– Ni trưởng Huyền Huệ tọa chủ chùa Hải Ấn, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni trưởng Như Huy tọa chủ chùa Từ Vân, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni trưởng Như Hoa tọa chủ chùa Viên Giác, nay là quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni trưởng Như Chánh tọa chủ chùa Kim Quang, TP. Nha Trang – Khánh Hòa.
– Ni sư Như Chiếu, Ni sư Như Như trong Ban giám đốc Ni trường Dược Sư, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh và tọa chủ chùa Kim Sơn.
– Ni trưởng Như Chơn tọa chủ chùa Vạn Phước làng Giang Quới nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
– Ni trưởng Đạt Lý tọa chủ chùa Long Nhiễu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni trưởng Như Ấn giám sự chùa Huê Lâm, Phú Lâm, quận 11, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni sư Như Mỹ, hiện đảm trách công việc với Ni sư trụ trì chùa Kim Sơn.
– Ni trưởng Như Hương – kiểm soát chùa Từ Nghiêm, quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni sư Như Minh tọa chủ Ni trường Bạch Vân, tỉnh Bến Tre.
– Ni sư Như Hoàn tọa chủ tịnh thất Thanh Quang, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
– Ni trưởng Tâm Nhàn tọa chủ chùa Giác Thiên.
– Ni trưởng Như Phú thừa kế tại chùa Kim Sơn.
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc
Chú thích:
(1) Ngài Thích Nữ Diệu Tấn tuy trụ thế và giới lạp ít nhưng đây là một bậc Ni tiền bối có công đức và đạo nghiệp ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo miền Nam Việt Nam trong giai đoạn đầu chấn hưng Phật giáo. Do đó Ban biên tập mạn phép tôn xưng ngài là Sư trưởng.