Mỗi năm trời vào hạ
Cạnh những trận mưa sa
Tiếng ve ngân rộn rã
Như thúc giục lòng ta
Mấy ngàn năm lịch sử
Bao thế hệ trôi qua
An cư mùa hạ tiết
Ấy truyền thống Phật Đà.
Hằng năm mỗi độ hè sang, khi những cơn mưa đầu mùa nhỏ hạt, như báo hiệu cho chư Tăng Ni biết đã đến lúc trở về một nơi trú xứ để an cư, ngõ hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi Tam vô lậu học. Đây là truyền thống quý báu từ ngàn xưa mà Đức Phật đã chế định.
Khi xưa, Đức Thế Tôn đã Di huấn trong Tỳ Ni Luật tạng: “Này các Tỳ kheo! Ngày nào Tăng đoàn còn hòa hợp, cùng sống chung tu tập, thì ngày ấy Phật pháp còn được duy trì.”
Dẫu rằng sanh ra đời không gặp Phật, lại mang phận nữ nhi, nhưng chúng con đầy đủ thắng duyên hạnh ngộ các bậc Minh sư, được thính văn chánh pháp, dự vào hàng ngũ xuất gia, sống đời phạm hạnh. Thật diễm phúc cho toàn thể Ni chúng nơi đạo tràng chùa Bình An chúng con, được sự chiếu cố quan tâm của chư Tôn giáo phẩm Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo, Ban Chứng minh, Ban Chỉ đạo An cư kiết Hạ, Ban Trị sự Phật giáo quận Bình Tân, cũng như sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo chính quyền, cho phép Ni trưởng Thích Nữ Tùng Tín Viện chủ chùa Bình An (Nguyễn Cửu Phú, Tân Tạo A, Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) (Trụ trì Ni sư Thích Nữ Huệ Bình) thực hiện đúng theo tinh thần Phật dạy trong Tỳ Ni Luật tạng, tổ chức Đạo tràng An cư kiết Hạ, nhằm tạo điều kiện cho Ni chúng phát triển tu học tốt, xây dựng tinh thần thanh tịnh , hòa hợp.
An cư Chánh pháp ấy Phật truyền
Tứ chúng tu hành kết thiện duyên
Thúc liễm thân tâm gìn phẩm hạnh
Cùng nhau vâng giữ mối Đạo Thiền.
Theo Tứ Phần Luật 37, An cư ký đệ (Đại 22, tr.630b) nhân duyên Phật chế định An cư là do có một số Tỳ kheo, nhất là nhóm 6 Tỳ kheo du hành trong mùa mưa, khiến dân chúng than phiền: “Các sa môn Thích tử du hành trong mùa lạnh, mùa nóng và cả trong mùa mưa. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo hằng năm vẫn có 3 tháng ở cố định trong mùa mưa, những con chim sau khi làm tổ trên ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa môn Thích tử lại du hành trong mùa mưa, các vị ấy đã giẫm đạp lên cỏ xanh, đang làm hại mạng sống của các loài côn trùng.”
Qua phần duyên khởi đã cho chúng ta biết “An cư mùa mưa” là truyền thống của tu sĩ các tôn giáo thời bấy giờ, truyền thống này đã có từ đạo Bà la môn cổ đại ở Ấn Độ. Sự khiển trách của Đức Phật chứng tỏ mặc dù trước đó Ngài chưa chế định việc an cư mùa mưa, nhưng các Thánh Tăng và các Tỳ kheo sống tri túc, nghiêm trì Giới luật đều không đi hành đạo trong mùa mưa, vì nó đã trở thành một thông lệ, một tập tục chung cho các tu sĩ của các giáo phái ngoài đạo Phật thời bấy giờ.
Ngoài ra, sự an cư trong mùa mưa còn mang một ý nghĩa quan trọng khác, đó là sự biểu hiện tinh thần sống chung hòa hợp của Tăng đoàn tại một trú xứ. Điều này thể hiện qua mẩu chuyện được ghi trong Tứ Phần Luật 37, Tự Tứ Kiền Độ (Đại 22, tr.637c). Vì vậy, trong đạo mỗi năm đều có ba tháng an cư dành cho Tăng, Ni, kể từ Rằm tháng Tư đến Rằm tháng Bảy.
Theo luật Thập Tụng 28: năm chúng xuất gia là: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, Sa di, Sa di ni đều phải an cư. Theo Luật thì Tỳ kheo và Sa di an cư cùng một chỗ, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na, và Sa di ni an cư tu hành cùng một chỗ. Và Đại phẩm Nhập Vũ An Cư Kiền độ trong luật tạng Pali qui định: Tỳ kheo không an cư thì phạm tội ác tác (Đột kiết la – Pali: Dukkata còn dịch phá an cư).
Ngoài kia, trời đã chuyển mình đổi tiết, sen trong đầm đua nhau nở rộ dưới ánh nắng oi bức của ngày hè, tiếng ve ngân rộn rã giữa không gian, như chào đón bước chân hàng Tăng lữ về nơi Hạ trường cùng nhau An cư tu học. Giờ đây, 90 hành giả theo chư Tôn đức Ni cung kính thừa hành DI NGÔN TỪ PHỤ, nghiêm trang tuân thủ BIỆT CHÚC BẢO QUY, An cư kiết Hạ hành y, cấm túc định kỳ ba tháng, trau giồi Tam vô lậu học, làm nền tảng phát triển tâm linh, thực hiện tinh thần đoàn kết hòa hợp, xây dựng nếp sống thanh tịnh của Tăng đoàn, làm điểm tựa vững chắc cho thế gian nương nhờ và là nhân tố chính khiến cho Phật pháp được hưng thạnh.
Ni chúng đồng trở về đây An cư kiết Hạ, 90 hành giả cùng sống chung tu tập trong tinh thần Lục hòa cộng trụ và là nơi nương tựa vững chắc cho hàng Phật tử quy hướng, chùa còn là trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già neo đơn, luôn bù đắp lại những bất hạnh mà các em đang gánh chịu. Luôn tạo điều kiện để các em được giáo dục đầy đủ, toàn diện. Thật vậy! Ni trưởng Thích Nữ Tùng Tín một đời hy sinh vì Đạo pháp. Cạnh đó Ni sư Thích Nữ Huệ Bình ngày đêm phụ giúp trông nom, nhắc nhở Ni chúng và các em nhỏ tu tập, thực hành theo hạnh của chư Phật, Bồ tát, chư vị Thánh Tăng. Quý Ngài thật xứng đáng là bậc Trưởng tử của Như Lai.
Kính bạch chư Tôn đức, chúng con kính nghe: Chánh pháp nhãn tạng được truyền thừa bắt nguồn từ nhứt hoa hiện thoại, Đạo mạch được trường lưu không ngoài Ngũ diệp lưu phương. Dòng Tào khê nước chảy từ nguồn, Pháp Đốn Tiệm sáng soi thiên cổ. Sở dĩ Phật pháp được trường lưu, Tòng lâm được hưng thạnh đó là do chư Tăng Ni, hàng Sứ giả Như Lai, thay Phật tuyên dương giáo hóa, biết sống đúng theo lời Phật dạy, xây dựng cho mình một đời sống Phạm hạnh, lấy Giới Luật trang nghiêm tự thân, làm mô phạm để hướng dẫn chúng sanh có một đời sống an vui, đầy hỷ lạc.
Đàm Phước (ĐSHĐ-129)